ĐBSCL là vựa lúa, vựa thủy sản và vựa trái cây của cả nước nhưng từ bao đời nay, nhiều nông dân vẫn chưa thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Ba mũi đột phá
* Phóng viên: An Giang là một trong những địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp đứng đầu khu vực ĐBSCL. Thời gian qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những thành tựu nổi bật và những khó khăn nào, thưa ông?
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
- Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Tỉnh An Giang đạt được 3 dấu ấn đáng ghi nhận. Thứ nhất, về con giống. An Giang đang có giống cá tra 3 cấp theo đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT). Bên cạnh đó, giống heo và những giống vật nuôi khác cũng có bước đột phá, nên chất lượng và năng suất chăn nuôi của tỉnh phát triển tốt. Tỉnh cũng sản xuất nhiều giống lúa, giúp năng suất tăng cao.
Điểm nổi bật thứ 2 là An Giang đã mời gọi, khuyến khích được nhiều doanh nghiệp (DN) lớn tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp. Lâu nay, chúng ta làm nông nghiệp theo kiểu "tự sản, tự tiêu, tự cung, tự cấp" rồi chuyển sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nhưng khi chuyển sang giai đoạn này, chúng ta lại quên kéo DN vào chuỗi hàng hóa nên mới có câu chuyện "được mùa mất giá, mất mùa lại được giá". Chúng ta cứ lo sản xuất cái mình có mà quên quan tâm cái thị trường cần.
Dĩ nhiên, Chính phủ cũng đã hỗ trợ nhiều thể chế, chính sách để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, còn các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì được xếp vào loại hình ưu đãi đầu tư... Đây đều là những động lực. Bộ NN-PTNT còn tập trung kêu gọi DN tham gia làm đầu tàu dẫn dắt, vì chính DN mới làm nên thị trường, làm nên hàm lượng khoa học, công nghệ. DN còn làm chất lượng sản phẩm ổn định và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có DN tham gia vào hệ sinh thái của một chuỗi giá trị ngành hàng. Hiện nay, DN thường có xu hướng tự tạo con giống, tự nuôi, tự sản xuất theo chuỗi khép kín và nông dân không tham gia vào chuỗi sản xuất này được. Đó là điều chưa tốt. An Giang đang cố gắng để có sự tham gia của nông dân trong chuỗi giá trị ngành hàng của một hệ sinh thái. Ví dụ, An Giang đang thí điểm mô hình của Tập đoàn TH về nuôi bò sữa theo mô hình gắn kết với nông dân.
Đột phá thứ ba là An Giang đã cố gắng chuẩn hóa và triển khai đồng bộ trong hoạt động phòng chống thiên tai. Vấn đề kiểm soát lũ và tất cả những vấn đề thiên tai trên địa bàn đã có sự chủ động. Tuy vậy, cần phải đầu tư thêm công nghệ, con người và liên kết với quốc tế để có cảnh báo, dự báo sớm, phân luồng rủi ro thiên tai, thì lúc đó sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc chúng ta chỉ dự báo gần, hoặc lo khắc phục thiệt hại.
Sản xuất lúa gạo là một trong những mô hình nông nghiệp thành công của tỉnh An Giang Ảnh: NGỌC TRINh
Gắn sản phẩm với doanh nghiệp
* Tìm đầu ra cho nông sản là bài toán mà nông dân lẫn các ngành chức năng vẫn chưa thể tìm ra lời giải mang tính bền vững. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Đầu tiên, chúng ta phải nói đến đặc tính của sản xuất nông nghiệp và nông sản trên thế giới đều có kịch bản ở một số thời điểm cung vượt quá cầu do được mùa. Chúng ta phải hiểu được đặc tính trong sản xuất nông nghiệp là con người khó kiểm soát được mà phải lệ thuộc thiên nhiên nên có năm được mùa và có năm mất mùa.
Tuy nhiên, để giảm bớt cảnh "được mùa mất giá hay mất mùa được giá" thì An Giang gắn đầu ra của sản phẩm nông nghiệp với DN. DN ký hợp đồng chặt chẽ với nông dân, họ cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân để sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn của DN mua.
* Nông dân cần được hỗ trợ nhiều hơn, như vốn sản xuất, đất đai, kỹ thuật… chứ không riêng gì bao tiêu sản phẩm. Vậy theo ông Bộ NN-PTNT cần phải làm gì?
- Ở nhiều nước phát triển họ đã thực hiện mô hình này và nông dân trong chuỗi sản xuất còn được mua bảo hiểm. Nông dân không đồng ý tham gia chuỗi sản xuất thì sẽ chấp nhận rủi ro theo thời giá. Lâu dần, nông dân thấy cái lợi của việc tham gia chuỗi sản xuất thì họ sẽ tham gia và chỉ sản xuất khi có hợp đồng bao tiêu của DN. Lúc này, ngân hàng chỉ cho nông dân vay khi nông dân có hợp đồng bao tiêu với DN. Như vậy, tài chính, bảo hiểm và DN sẽ là "cái ghế 3 chân" cho nông dân yên tâm sản xuất. Ở Việt Nam hiện nay từng bước đang làm việc đó nhưng thật sự chưa kiện toàn.
Hiện nay, tỉnh đang từng bước gắn sản xuất lúa gạo với Tập đoàn Lộc Trời và Tập đoàn Tân Long để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Cá tra thì cũng gắn với một số DN, xoài thì liên kết và gắn với nhiều tổ hợp tác sản xuất... Tất cả mặt hàng nông sản chủ lực của An Giang từng bước sẽ gắn kết với DN. Khi nào làm được việc đó hoàn chỉnh thì sản xuất nông nghiệp mới bền vững, mới hạn chế được những rủi ro. Muốn vậy, chúng ta phải thực hiện theo từng bước. Bước đầu tiên là quy hoạch vùng chuyên canh, kế đó phải có DN tham gia bao tiêu sản phẩm và bước thứ 3 là nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho vùng quy hoạch.
Điều Bộ NN-PTNT cần tham mưu cho Chính phủ là các cơ chế, chính sách để biến quy hoạch vùng chuyên canh thành hiện thực. Hiện nay, vùng chuyên canh chỉ có trên định hướng.
Nông dân phải có đất để làm giàu
Ông Trần Anh Thư cho rằng hiện nay chúng ta chưa thể làm rõ khái niệm làm giàu là như thế nào? Nói chung, cứ hiểu đơn giản là làm mọi cách giúp cho nông dân có thu nhập cao hơn từ 50%-100% so với giai đoạn trước đây.
Thực tế, có nông dân đã làm giàu nhưng số đó rất ít. Để nông dân làm giàu bằng sản xuất nông nghiệp thì đầu tiên phải đưa chất xám của con người vào việc sản xuất ra nông sản chất lượng. Thứ 2, phải thay đổi suy nghĩ, không chạy theo sản lượng mà phải nâng cao chất lượng theo xu hướng tiêu dùng vì sức khỏe, an toàn. Thứ 3, theo Tổ chức Lương nông thế giới thì để một nông dân sản xuất có thu nhập bằng các ngành nghề khác thì tối thiểu họ phải có 1 ha đất. Tại An Giang, nông dân bình quân chỉ có 0,3ha/người, khá thấp so với yêu cầu phát triển cơ bản trong nông nghiệp.
Để cho người nông dân có nhiều đất sản xuất thì chúng ta phải tạo ra sự chuyển dịch một lượng lớn lao động sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, lúc đó phần đất được tích lũy chuyển dần sang số nông dân còn lại. Làm được việc đó là câu chuyện không còn của nông nghiệp, mà là câu chuyện của đầu tư hạ tầng, thu hút DN, của tổng hợp nhiều yếu tố khác nữa.