Phát triển nông nghiệp sinh thái, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị

Thời gian qua, ở Việt Nam, một số mô hình nông nghiệp sinh thái đã được triển khai, đạt được thành công nhất định. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp sinh thái còn manh mún, chưa có sự liên kết hình thành các chuỗi giá trị, thiếu các tổ, nhóm nông dân, hợp tác xã nông nghiệp sinh thái. Nhiều sản phẩm nông nghiệp sinh thái chưa được chứng nhận, dán nhãn, chưa có doanh nghiệp bao tiêu. Vì vậy, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị trong thời gian tới, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
article-1670902417.jpeg

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm vùng sản xuất nông nghiệp tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La _Ảnh: TTXVN

Nông nghiệp sinh thái và vai trò của nông nghiệp sinh thái trong nền nông nghiệp

Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tiếp tục khẳng định vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Nhờ định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã khai thác tốt lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, tiếp tục phát triển, duy trì tăng trưởng và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao, phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản không ngừng tăng trưởng, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản trên thế giới. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn lực, đầu vào và tài nguyên cho quá trình công nghiệp hóa đất nước. Giai đoạn 2011 - 2020 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) nông, lâm, nghiệp và thủy sản bình quân đạt 2,83%/năm; GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản (giá so sánh năm 2010) năm 2020 gấp 1,32 lần năm 2010. 

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong quá trình phát triển nhưng chất lượng, tính bền vững của tăng trưởng nông nghiệp và phương thức phát triển còn nhiều hạn chế; phát triển nông nghiệp dựa trên việc gia tăng diện tích, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu độc hại làm tăng chi phí sản xuất và giảm khả năng cạnh tranh của nông sản cũng như tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết, hợp tác. Hơn nữa, biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn biến ngày càng phức tạp, hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng thường xuyên, kèm với dịch bệnh diễn biến khó lường, đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. 

Trên thế giới, xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ ngày càng diễn ra mạnh mẽ nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng, giảm thiểu những rủi ro của BĐKH và những rủi ro khác về thị trường. Các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái (NNST)(1) là những giải pháp chính để thâm canh nông nghiệp dài hạn, hạn chế chuyển đổi đất rừng sang đất trồng trọt, hạn chế sử dụng vật tư, giảm thiểu khí thải nhà kính từ nông nghiệp và góp phần tăng lưu trữ các-bon thông qua tăng mùn trong đất, tăng thảm thực vật che phủ ở các diện tích bỏ hoang hóa tạm thời hoặc sử dụng lớp bổi. Việc chuyển đổi sang NNST dựa trên nguyên tắc đa dạng hóa cây trồng, giúp nâng cao kiến thức của nông dân, bảo đảm an ninh lương thực, cung ứng sản phẩm an toàn thực phẩm và tăng cường đa dạng sinh học nông nghiệp, cải thiện khả năng phục hồi của hệ thống sản xuất trước BĐKH, góp phần giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về thích ứng và giảm thiểu BĐKH(2).

Có thể thấy, NNST là hướng đi tất yếu hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững khi cùng lúc áp dụng cả khái niệm và nguyên tắc sinh thái, xã hội vào việc quản lý các hệ thống nông nghiệp, lương thực và thực phẩm; tối ưu hóa quan hệ và hiệu quả tương tác giữa thực vật, động vật, con người và môi trường; đồng thời, chú ý đến các khía cạnh xã hội cần được giải quyết để đạt được hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Nông nghiệp sinh thái không phải là một khái niệm mới. Kể từ những năm 1920, cụm từ NNST đã được đề cập trong các tài liệu khoa học và thể hiện trong các tiến bộ kỹ thuật, thực hành sản xuất của nông hộ, trong các phong trào xã hội vì sự bền vững và trong chính sách công của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, vì chỉ đề cập NNST trên khía cạnh kỹ thuật nên NNST khó mở rộng do có nhiều hạn chế khác liên quan đến kinh tế - xã hội, môi trường. 

Cho đến nay, có nhiều cách nhìn nhận, cách hiểu khác nhau về NNST, thể hiện sự phát triển của khái niệm toàn diện hơn và chú ý đến việc làm thế nào mở rộng nguyên lý của NNST trong toàn bộ nền nông nghiệp. Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) đã tổng hợp và hệ thống hóa lý luận về NNST. Theo đó, nền NNST được định nghĩa là một phương pháp tiếp cận tổng hợp chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế của các hệ thống lương thực, thực phẩm thông qua việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ thông minh và thân thiện với môi trường; sử dụng hợp lý vật tư đầu vào, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ít phát thải, không tác động xấu đến sức khỏe con người; phát huy tính đa dạng, giá trị văn hóa của hệ thống để nâng cao giá trị nông sản nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. 

Với cách tiếp cận nêu trên, NNST được thể hiện ở 10 yếu tố cơ bản(3):

Một là, tính đa dạng: NNST nhấn mạnh tính đa dạng của các hệ thống sản xuất nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng trong khi vẫn bảo tồn, bảo vệ và tăng cường được các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các hệ thống sản xuất NNST có tính đa dạng cao, như các hệ thống nông, lâm kết hợp; nông, lâm kết hợp trồng xen thức ăn gia súc, kết hợp trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản và nuôi trồng đa canh, góp phần tạo ra một loạt các lợi ích về sản xuất, kinh tế - xã hội, dinh dưỡng và môi trường.

Hai là, chia sẻ kiến thức và cùng sáng tạo: NNST chú trọng đến việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cùng sáng tạo dựa trên nền tảng tri thức truyền thống, thực tiễn và tri thức địa phương với tri thức khoa học toàn cầu.

Ba là, tính cộng hưởng: NNST chú trọng xây dựng mối quan hệ cộng hưởng dựa trên việc thiết kế các hệ thống đa dạng được kết hợp có chọn lọc các loại cây trồng, vật nuôi, đất, nước và các thành phần khác trong trang trại và cảnh quan nông nghiệp để tăng cường quan hệ cộng hưởng trong bối cảnh khí hậu ngày càng biến đổi. 

Bốn là, tính hiệu quả: NNST chú trọng tới tính hiệu quả thông qua việc tối ưu hóa sử dụng nguồn tài nguyên đất, nước, không khí, năng lượng mặt trời... Nông nghiệp sinh thái ít sử dụng các nguồn lực bên ngoài có hại cho môi trường, từ đó giảm chi phí và các tác động tiêu cực đến môi trường.

Năm là, sự tái chế: NNST chú trọng tới việc bắt chước các hệ sinh thái tự nhiên, các thực hành NNST hỗ trợ các tiến trình sinh học thúc đẩy việc tái chu chuyển các chất dinh dưỡng, sinh khối và nước trong các hệ thống sản xuất.

Sáu là, sức chống chịu: NNST giúp tăng cường khả năng chống chịu về mặt sinh thái và kinh tế - xã hội, tăng cường khả năng phục hồi sau thiên tai, như hạn hán, bão, lũ và chống lại sự tấn công của sâu bệnh. Đa dạng hóa giúp giảm bớt mức độ dễ bị tổn thương cho người sản xuất trong trường hợp thất bại với mỗi loại cây trồng hoặc mặt hàng; đồng thời, giảm thiểu việc phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào bên ngoài giúp hộ sản xuất tăng khả năng tự chủ và giảm mức độ dễ bị tổn thương trước các rủi ro kinh tế.

Bảy là, giá trị xã hội nhân văn: NNST tập trung vào các giá trị xã hội và con người, như nhân phẩm, công bằng, bao trùm và công lý. Các giá trị này đều góp phần tạo nên các sinh kế bền vững. Nông nghiệp sinh thái đặt nguyện vọng và nhu cầu của người sản xuất, phân phối và tiêu dùng lương thực, thực phẩm làm trung tâm của hệ thống lương thực. Nông nghiệp sinh thái cũng nhấn mạnh giải quyết bất bình đẳng bằng cách tạo nhiều cơ hội cho phụ nữ và thanh niên.

Tám là, truyền thống ẩm thực và văn hóa: NNST phát huy các giá trị di sản ẩm thực và văn hóa địa phương, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng trong khi vẫn duy trì được sức khỏe của hệ sinh thái.

Chín là, quản trị có trách nhiệm: NNST tập trung vào đẩy mạnh quản trị có trách nhiệm thông qua các cơ chế quản trị minh bạch, có trách nhiệm và bao trùm. Tiếp cận công bằng đối với đất đai và tài nguyên không chỉ là chìa khóa của công bằng xã hội, mà còn là yếu tố cần thiết để thúc đẩy các khoản đầu tư dài hạn.

Mười là, kinh tế tuần hoàn và tương trợ: NNST kết nối người sản xuất và người tiêu dùng thông qua một nền kinh tế tuần hoàn và đoàn kết, ưu tiên thị trường địa phương và hỗ trợ phát triển theo lãnh thổ.

bang-bieu-le-minh-hoan-1670902417.jpg

Có thể thấy, NNST dựa vào quy trình từ dưới lên và theo lãnh thổ, giúp cho việc đưa ra các giải pháp phù hợp với hoàn cảnh từng vấn đề của mỗi địa phương. Những đổi mới của NNST dựa trên đổi mới sáng tạo, kết hợp khoa học với kiến thức truyền thống và thực tiễn tại địa phương của người sản xuất. Bằng cách tăng cường khả năng tự chủ và năng lực thích ứng của nhà sản xuất, NNST giúp cải thiện năng lực cho các nhà sản xuất và cộng đồng địa phương - đóng vai trò là tác nhân chính tạo ra những thay đổi tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Thay vì điều chỉnh các thực hành của hệ thống nông nghiệp không bền vững, NNST tìm cách chuyển đổi nông nghiệp và hệ thống lương thực, thực phẩm, giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề theo cách tổng hợp và cung cấp các giải pháp tổng thể và lâu dài. Nông nghiệp sinh thái tập trung nhiều vào các khía cạnh xã hội và kinh tế của hệ thống lương thực, thực phẩm. Đồng thời, NNST cũng tập trung mạnh vào quyền của phụ nữ, thanh niên và người dân địa phương.

article-2-1670902417.jpeg
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trò chuyện với nông dân ở vùng chuyển đổi đất lúa và đất vườn kém hiệu quả sang trồng bưởi tập trung quy mô hàng hóa tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình Nguồn: nongnghiep.vn

Thực trạng phát triển nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam thời gian qua

Trên thế giới, NNST đang nhận được sự quan tâm chú trọng và là hướng đi cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải hành động và thúc đẩy các chính sách để đạt được các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo; đồng thời, bảo đảm tăng trưởng bao trùm và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh BĐKH. Với cách tiếp cận tổng thể, NNST cân bằng mối quan hệ giữa con người và hành tinh, thúc đẩy cả ba khía cạnh của phát triển bền vững: xã hội, kinh tế và môi trường, đồng thời tăng cường sinh kế cho nông dân sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, người dân tộc thiểu số, phụ nữ và thanh niên. Mặc dù không phải là một khái niệm mới, NNST hiện đang thu hút sự quan tâm trên toàn thế giới với vai trò là giải pháp hiệu quả cho BĐKH và các thách thức liên quan đối với các hệ thống lương thực và thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Năm 2014, FAO tổ chức Hội nghị “Nông nghiệp sinh thái cho an ninh lương thực và dinh dưỡng” và tổ chức nhiều cuộc đối thoại cấp vùng để đáp ứng nhu cầu chia sẻ và xây dựng NNST. Đến năm 2018, Hội nghị lần thứ hai về NNST được tổ chức, với chủ đề “Nhân rộng mô hình nông nghiệp sinh thái để đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững”. Sau đó, “Sáng kiến nhân rộng nông nghiệp sinh thái” đã được xây dựng với sự cộng tác của các đối tác Liên hợp quốc(5).

Ở Việt Nam, một số hệ thống nông nghiệp theo hướng sinh thái đã được triển khai, mang lại hiệu quả và tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp theo hướng NNST. Như trên đề cập, NNST không phải là một khái niệm, cách tiếp cận mới. Ở Việt Nam, một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái đã được triển khai từ khá lâu. Các mô hình này đều hướng đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, giảm thiểu sự thất thoát, lãng phí và tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường sinh thái, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Dưới đây là một số mô hình điển hình đã được triển khai trong những năm qua:

Hệ thống vườn - ao - chuồng (VAC): mô hình này được áp dụng phổ biến ở Việt Nam từ những năm 1980. Hệ thống VAC là hệ thống khép kín mà các thành phần trong hệ thống này có liên hệ mật thiết với nhau, sử dụng chất thải của thành phần này làm nguyên liệu đầu vào cho thành phần khác. Hệ thống VAC là một hệ thống sinh thái hoàn chỉnh, thống nhất các khâu, các thành phần, chi phí đầu tư thấp và phù hợp với hầu hết các vùng ngoại thành, nông thôn Việt Nam. Đây có thể coi là mô hình NNST ở dạng thức đơn giản nhất và được áp dụng rộng rãi ở nông thôn. Hiện nay, nhiều mô hình VAC tạo được mối liên kết hiệu quả giữa nông dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học. Sản phẩm của các mô hình này luôn được người tiêu dùng trong nước và quốc tế đánh giá cao và có thị trường rộng mở. Từ các mô hình nhỏ lẻ ở quy mô nông hộ, với mục tiêu ban đầu là góp phần bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo, mô hình VAC ngày nay đã phát triển thành công tại nhiều trang trại và các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn.

Hệ thống lúa - tôm, lúa - cá: mô hình sản xuất kết hợp lúa - tôm, lúa - cá là hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp hữu cơ những năm gần đây. Mô hình này xuất hiện vào những năm đầu thập niên 2000 tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trong mô hình này, phụ phẩm từ nuôi tôm, cá sẽ làm phân bón bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa; ngược lại, khi gặt lúa xong, phụ phẩm từ sản xuất lúa là nguồn thức ăn cho tôm, cá. Với mô hình luân canh này, cây trồng, vật nuôi không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và bảo vệ môi trường, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Cho đến nay, mô hình này đang được cải biến thành mô hình “lúa thơm - tôm sạch” và “lúa thơm - cá sạch”. Đây chính là sản phẩm của quá trình cùng đổi mới, sáng tạo dựa trên tri thức và điều kiện tự nhiên vùng, miền. Mô hình này được đánh giá là mang lại những hiệu quả, như phát triển nông nghiệp bền vững, giảm ô nhiễm môi trường, duy trì môi trường sinh thái, tạo ra và cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch. Đặc biệt, mô hình này là hướng đi cho hộ gia đình ở những vùng trũng, vùng lũ chuyển dịch sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm thiểu những tác động tiêu cực gây ra bởi BĐKH.

article-3-1670902417.jpeg
Thu hoạch tôm càng trên cánh đồng lúa - tôm ở tỉnh Cà Mau _Nguồn: vov.vn

Hệ thống nông, lâm kết hợp: mô hình nông, lâm kết hợp là một hệ thống quản lý sử dụng đất, trong đó, cây hằng năm, cây bụi, cây thân thảo được trồng xung quanh hoặc xen giữa các cây trồng lâu năm, cũng có thể kết hợp đồng cỏ hoặc chăn nuôi. Sự kết hợp này tạo ra sự đa dạng, mang lại năng suất, lợi nhuận, sinh thái và bền vững trong sử dụng đất. Tính đa dạng sinh học trong các hệ thống nông, lâm kết hợp thường cao hơn trong hệ thống nông nghiệp thông thường. Do đó, nhiều trang trại, hộ nông dân đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình nông, lâm kết hợp nhằm đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện sinh kế cũng như thích ứng với các tác động của BĐKH. Ở Việt Nam, có nhiều hình thức canh tác nông lâm kết hợp được ứng dụng trong thực tế, trong đó, có thể kể tới mô hình trồng các loài cây họ đậu theo đường đồng mức trên diện tích canh tác cây hằng năm nhằm giảm xói mòn và làm phân xanh tại chỗ; mô hình trồng cây nông nghiệp kết hợp cây lâm nghiệp; mô hình trồng trọt dành một phần đất cho chăn nuôi; mô hình trồng rừng quy mô nhỏ kết hợp sản xuất lương thực, cây ăn quả và cây thực phẩm; mô hình cây ăn quả kết hợp cây công nghiệp dài ngày.

Hệ thống nông nghiệp cảnh quan bền vững: đây là phương pháp tiếp cận tổng hợp để giải quyết tình trạng suy thoái môi trường, thích ứng với BĐKH và tăng cường đa dạng sinh học, đồng thời cải thiện an ninh về lĩnh vực lương thực và dinh dưỡng. Đến nay, có nhiều mô hình nông nghiệp cảnh quan bền vững, như mô hình cà phê cảnh quan ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk; mô hình quản lý và bảo tồn hệ sinh thái ngập nước và phát triển sinh thái bền vững ở Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp.

Hệ thống chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer: Trang trại - Thành phẩm - Thức ăn chăn nuôi - Phân bón hữu cơ): mô hình 4F được nghiên cứu và phát triển bởi Tập đoàn Quế Lâm nhằm xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp thông qua triển khai các khu tổ hợp chế biến nông sản hữu cơ, kiểm soát sản xuất thịt lợn an toàn bằng hệ thống nuôi khép kín. Chất thải trong trang trại được thu gom và xử lý để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ trồng trọt, tạo thành quy trình sản xuất nông nghiệp khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt, từ cây đến đất. Mô hình góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, phòng ngừa dịch bệnh, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Hệ thống nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái: đây là hệ thống sử dụng nguyên lý cộng hưởng của NNST. Du lịch NNST là mô hình đang ngày càng được đầu tư và chú trọng ở Việt Nam trong những năm gần đây, tạo nhiều sức hút đối với du khách trong và ngoài nước cũng như gia tăng thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, có nhiều mô hình nông nghiệp du lịch sinh thái triển khai thành công ở Việt Nam, như du lịch nông nghiệp ở Hội An (tỉnh Quảng Nam); du lịch nông nghiệp tại Ba Vì (thành phố Hà Nội), Tam Đường (tỉnh Lai Châu), Sa Pa (tỉnh Lào Cai),...

Mô hình sản xuất hữu cơ: thời gian gần đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng được quan tâm. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản được phát triển. Đến nay diện tích sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam đạt trên 170 nghìn héc-ta. 

Một số tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Lắk đang phát triển một số mô hình nông nghiệp cảnh quan cho cà phê. Mô hình này cũng kết hợp nhiều nguyên tắc về hiệu quả, đa dạng, địa phương, quản trị xã hội và cũng có tính nhân văn cao. Đây là hướng đi rất quan trọng trong phát triển NNST ở Việt Nam. Đặc biệt với các mô hình cảnh quan bền vững, vai trò doanh nghiệp là rất quan trọng và họ tham gia từ đầu, sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho hộ nông dân. 

Tuy nhiên, để chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm và nông nghiệp theo cách tiếp cận NNST, vẫn còn nhiều khó khăn:

Thứ nhất, hiện nay, tư duy sản xuất theo NNST còn chưa phổ biến. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu tập trung vào việc gia tăng sản lượng mà chưa chú trọng nhiều đến các yếu tố về an toàn thực phẩm, tính tự bền vững của hệ thống sản xuất, tính đa dạng sinh học, sức khỏe đất, sức khỏe cây trồng và chưa tập trung vào nâng cao chất lượng của sản phẩm. Cùng với đó, sản xuất chưa bắt kịp những thay đổi nhanh chóng về thị hiếu tiêu dùng ở thị trường trong nước cũng như quốc tế. Thói quen canh tác thâm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học khiến cho nguy cơ gây suy thoái môi trường gia tăng. Việc sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt mặc dù đã được đẩy mạnh, nhưng tỷ lệ áp dụng còn hạn chế do giá bán của các sản phẩm dán nhãn VietGAP, hữu cơ chưa tương xứng với đầu tư sản xuất theo các tiêu chuẩn này. Hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 170 nghìn héc-ta, diện tích trồng trọt đạt chứng nhận tiêu chuẩn bền vững như VietGAP, GlobalGAP và chứng nhận tương đương chỉ đạt 10%.

Thứ hai, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái. Nông nghiệp là ngành sản xuất có lợi nhuận không cao và thường phải đối diện với nhiều loại rủi ro như thiên tai. Ngoài ra, thị trường nông sản cũng có tính rủi ro và bất ổn cao. Đây là một trong những yếu tố cản trở doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nông nghiệp và tham gia liên kết chuỗi giá trị nông sản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nông nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, trên 90% là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, hiệu quả hoạt động chưa cao nên khó có tiềm lực để nhân rộng các mô hình NNST.

Thứ ba, tuy nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm an toàn, sản phẩm NNST được nâng cao nhưng chưa sẵn lòng chi trả một mức giá tương xứng cho sản phẩm. Mặc dù nhu cầu về chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe, nhu cầu về đa dạng hóa chế độ ăn uống ngày càng gia tăng, tuy nhiên người tiêu dùng chưa sẵn lòng chi trả một mức giá tương xứng, nhận thức về mối liên kết giữa sản xuất nông nghiệp với các vấn đề về môi trường và xã hội, bao gồm BĐKH, dinh dưỡng và sức khỏe chưa đầy đủ.

Thứ tư, hiện nay, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ở Việt Nam còn tương đối lỏng lẻo, các mô hình chuỗi giá trị sản phẩm NNST hầu hết chỉ dừng lại ở các mô hình nhưng chưa được nhân rộng. Nguyên nhân chính là do liên kết hợp tác chưa mạnh, thiếu gắn kết giữa các tác nhân trong chuỗi. Việc chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và các tác nhân khác trong chuỗi giá trị chưa đạt được sự đồng thuận nhất định, khiến tình trạng tham gia liên kết còn ít, tình trạng bẻ kèo, tranh chấp giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn diễn ra phổ biến.

Thứ năm, quá trình chuyển đổi NNST đòi hỏi sự vào cuộc giữa các bộ, ngành, lĩnh vực và các bên liên quan. Chính sách tạo thuận lợi cho phát triển NNST cần được lồng ghép ở nhiều cấp độ (địa phương, quốc gia và quốc tế) và lĩnh vực (từ nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường). Hiện nay, động lực từ các chính sách thúc đẩy các hệ thống sản xuất nông nghiệp chưa đủ lớn để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho NNST và các phương pháp tiếp cận nông nghiệp bền vững khác có tính đến yếu tố bên ngoài của hệ thống thực phẩm.

article-4-1670902417.jpeg
Mô hình nông nghiệp du lịch sinh thái ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận _Nguồn: vnexpress.net

Giải pháp phát triển nông nghiệp sinh thái và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị

Một là, truyền thông thay đổi nhận thức của người sản xuất và xã hội về phát triển nông nghiệp bền vững, NNST. 

Hiện nay, NNST là phương thức tiếp cận được nhiều quốc gia và các tổ chức trên thế giới khuyến khích. Với các nguyên tắc hạn chế khai thác cạn kiệt tài nguyên, cần phải quan tâm đến sức khỏe cây trồng, sức khỏe đất, bảo đảm sự đa dạng sinh học, tăng cường khả năng chống chịu, tiết kiệm tài nguyên (tái chế), nâng cao hiệu quả kết hợp các giá trị xã hội và nhân văn và quản trị có trách nhiệm thì NNST là cách tiếp cận tổng hợp và mang lại nhiều lợi ích. Mặc dù Việt Nam đã có một số mô hình theo hướng NNST, tuy nhiên để thực hiện các nguyên tắc này không dễ vì đây là khái niệm mới và cách tiếp cận mới. Để phát triển mạnh hơn NNST, trước hết cần có những chiến lược truyền thông để thay đổi nhận thức cho những nhà quản lý, người nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp. Cùng với đó, cần thay đổi nhận thức của xã hội để khuyến khích sản xuất theo hướng sinh thái. Truyền thông để khuyến khích người tiêu dùng sẵn sàng đón nhận những sản phẩm sản xuất theo các nguyên tắc NNST, khuyến khích và có cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp đưa sản phẩm NNST ra thị trường.

Thay đổi tư duy là cả một quá trình, trong đó, xây dựng tài liệu, phổ biến kiến thức, tổ chức đào tạo, tập huấn, truyền thông là rất cần thiết. Trong điều kiện khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn lao động thì các tiêu chuẩn xã hội khác cũng rất quan trọng. Để bảo đảm các nguyên tắc NNST, trước hết, cần bảo đảm xây dựng nền nông nghiệp có trách nhiệm, ở đó người sản xuất có trách nhiệm sản xuất ra những sản phẩm an toàn, chất lượng, không làm hại tới môi trường. Cùng với sản xuất, chế biến có trách nhiệm thì đối với chuỗi, vai trò người tiêu dùng cũng rất quan trọng, giúp định hướng, khuyến khích phát triển sản xuất và chế biến. Tiêu dùng có trách nhiệm là phải thúc đẩy việc tiêu thụ những sản phẩm an toàn, có tiêu chuẩn, có chứng nhận, có xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, người tiêu dùng sẵn sàng trả một giá trị tương xứng cho những sản phẩm này. 

Bên cạnh đó, cần tăng cường phổ biến rộng rãi các kiến thức và mô hình NNST thành công dưới các hình thức khác nhau để nâng cao nhận thức cho người sản xuất, góp phần nhân rộng mô hình NNST.

Hai là, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, tăng cường chia sẻ tri thức nhằm hướng tới nền nông nghiệp bền vững, minh bạch, trách nhiệm. 

Khuyến khích nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo và áp dụng các giống cải tiến thích ứng tốt hơn trước tác động của BĐKH và thiên tai, đồng thời chú trọng công tác thu thập, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý của địa phương làm vật liệu chọn tạo giống cả bằng hình thức tại nông hộ và ngân hàng gen; hỗ trợ người nông dân gìn giữ các giống cây, con quý thông qua hỗ trợ phát triển các giống địa phương thành sản phẩm đặc sản, nâng cao giá trị kinh tế sản xuất, giúp người dân gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Có chính sách và chương trình hỗ trợ kỹ thuật để khuyến khích áp dụng các hệ thống sản xuất sinh thái, bền vững hơn (ví dụ: thực hành NNST, nông nghiệp chính xác, nông, lâm kết hợp, nông nghiệp cảnh quan,...) và trồng rừng đặc biệt trên các vùng đất bạc màu, ven biển. Hệ thống sản xuất tại những vùng có điều kiện khắc nghiệt cần được đầu tư kết hợp với các ngành, nghề đi kèm (ví dụ: ngành bảo quản, chế biến, thu mua và phân phối sản phẩm,...). Phát triển và thí điểm các biện pháp khuyến khích để mở rộng quy mô các mô hình thông minh với khí hậu nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp và góp phần tăng lưu trữ các-bon. Tuyên truyền, quảng bá những kỹ thuật mới kết hợp với các kiến thức địa phương để nâng cao hiệu quả sản xuất nhưng không làm mất đi những kinh nghiệm, kỹ thuật địa phương. 

Đầu tư nghiên cứu các mô hình đa dạng về NNST, các kỹ thuật áp dụng phát triển NNST theo các vùng, ngành khác nhau và chia sẻ kết quả, công nghệ áp dụng cho người sản xuất để nhân rộng các mô hình.

Ba là, xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá NNST và các phương thức chứng nhận sản phẩm NNST.

 Việc xây dựng chỉ tiêu này, trước hết, tập trung ở cấp hộ; sau đó, có thể phát triển ra cấp một vùng, xã hay huyện. Hiện nay, các tiêu chí đánh giá NNST đang được các tổ chức nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn. Việt Nam cần có những tiêu chí về NNST để đánh giá hệ thống sản xuất hiện tại, từ đó, định hướng phát triển NNST hợp lý với điều kiện của Việt Nam, hay với từng vùng và sản phẩm. 

Bốn là, xây dựng chính sách hỗ trợ người sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang NNST.

Phát triển nông nghiệp theo các nguyên tắc NNST có thể sẽ làm giảm năng suất và hiệu quả trước mắt. Vì thế, cần có những chính sách hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi hệ thống sản xuất. Việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ cho NNST với sự tham gia của khuyến nông cộng đồng là cấp thiết đối với quá trình chuyển đổi sang NNST. Bên cạnh các chính sách đào tạo, tập huấn kiến thức cho người nông dân, cũng cần có chính sách hỗ trợ về giống, kết nối chuỗi, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm NNST hay có chính sách ưu đãi tín dụng hỗ trợ cho NNST. 

Năm là, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm NNST.

Hoàn thiện các chính sách thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Sửa đổi Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 7-5-2018, của Chính phủ, “Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”. Đặc biệt, cần có những chính sách hỗ trợ cho các hộ liên kết sản xuất theo mô hình NNST. Hỗ trợ các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho nông nghiệp thông qua chính sách ưu đãi tín dụng, thuế, hỗ trợ đào tạo, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Nghiên cứu xây dựng phát triển các chương trình thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn, trách nhiệm, minh bạch, các chương trình hỗ trợ quảng bá cho sản phẩm NNST, dần dần tiến tới thực hiện dán nhãn sinh thái và xây dựng thương hiệu sản phẩm NNST. Để thu hút sự ủng hộ của người tiêu dùng đối với sản phẩm NNST, bên cạnh các tiêu chí đánh giá, việc nghiên cứu xây dựng các phương thức chứng nhận phù hợp cho NNST là rất cần thiết. Ứng dụng chuyển đổi số cũng góp phần tăng tính minh bạch cho chuỗi giá trị sản phẩm NNST.

Sáu là, phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái cần được xác định là định hướng, đồng thời là nhiệm vụ của các địa phương. 

Các mục tiêu chuyển đổi theo hướng NNST cần được đưa vào chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Gắn kết kế hoạch hành động của các địa phương với kế hoạch chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm quốc gia, tiến tới xây dựng chương trình NNST quốc gia. Rà soát lại hệ thống chính sách nông nghiệp hiện hành của cả Trung ương và địa phương để có các điều chỉnh phù hợp với mục tiêu NNST./.

---------------------------

(1) Nông nghiệp bảo tồn, nông, lâm kết hợp, nông nghiệp cảnh quan, nông nghiệp thuận thiên, thâm canh lúa bền vững, hệ thống tổng hợp chăn nuôi và trồng trọt, canh tác hữu cơ, quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM),...
(2) Đào Thế Anh, Lê Thành Ý, Chu Tiến Quang: “Phát triển nền nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển nông thôn bền vững”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 29-10-2020, https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/phat-trien-nen-nong-nghiep-sinh-thai-gan-voi-phat-trien-nong-thon-ben-vung-622338/ 
(3) Xem: FAO: “The 10 elements of agroecology: Guiding the transition to sustainable food and agricultural systems” (Tạm dịch: Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc: “10 thành tố của nông nghiệp sinh thái: Gợi ý chuyển đổi sang hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững”), https://www.fao.org/3/i9037en/i9037en.pdf2018
(4) FAO: “The 10 elements of agroecology: Guiding the transition to sustainable food and agricultural systems” (Tạm dịch: Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc: “10 thành tố của nông nghiệp sinh thái: Gợi ý chuyển đổi sang hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững”), Tlđd 
(5) FAO: “FAO’s work on agroecology: A pathway to achieving the SDGs” (Tạm dịch: Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc: Nông nghiệp sinh thái: Con đường để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững), 2018

Theo Tạp chí Cộng sản