Phát triển sản phẩm OCOP chậm mà chắc

Nghệ An là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Sản phẩm rượu cần Tiên Kỳ có tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Tuy nhiên hiện nay, một số địa phương có chiều hướng chạy theo phong trào mà chưa tập trung vào đặc trưng, lợi thế của địa phương để phát triển sản phẩm.Trước thực tế đó, nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An đã xác định không thực hiện Chương trình OCOP ồ ạt, làm theo phong trào, mà đi vào thực chất, với phương châm "chậm mà chắc".

Với mục tiêu cung cấp thực phẩm hữu cơ organic chất lượng cao để góp phần đem đến cho khách hàng những bữa ăn ngon miệng, an toàn vì một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc, chị Đặng Thị Tâm cùng các cộng sự Công ty cổ phần An An Agri, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu  đã phát triển và cho ra đời dòng sản phẩm mì rau củ Organic Anpaso.
Quy trình chặt chẽ từ khâu tuyển chọn hạt giống, gieo trồng hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic, thu hái và chế biến khép kín trong môi trường an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó là công thức bí truyền và sự cố vấn về chuyên môn của chuyên gia đến từ Nhật Bản đã giúp chị Tâm tạo ra những sợi mì Anpaso ngon ngọt tự nhiên, không phụ gia, không chất bảo quản, mang hương vị nguyên bản, thanh mát từ rau củ và các loại thảo dược.
Từ khâu chọn nguyên liệu, quá trình ủ bột, cán bột, tách sợi, mỗi công đoạn đều thực hiện rất tỉ mỉ kết hợp giữa phương pháp thủ công và công nghệ hiện đại, chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi loại mì đều có một quy trình làm khác biệt, phù hợp với tính chất từng loại rau củ.
Đối với mì rau An An phải sử dụng quy trình tách nước chậm để giữ được yếu tố “tròn vị” và dinh dưỡng của rau, đồng thời tăng thời gian bảo quản. Hơn 30 sản phẩm mì rau củ organic như: cải bó xôi, mầm lúa mạch, sâm cát, đông trùng hạ thảo, củ cải đỏ, mè đen hạt mùi… là món ăn phù hợp với mọi lứa tuổi, người ăn thường, ăn chay, ăn kiêng, ăn heathy, người bị bệnh…
“Sản phẩm OCOP của chúng tôi chế biến theo hướng “tinh”, đặc sản, giá trị cao, sản xuất theo hướng hữu cơ ngay từ ban đầu. Anpaso là thương hiệu mì rau củ Organic theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ (USDA), đảm bảo tiêu chí 5K đầu tiên tại Việt Nam, đạt chứng nhận của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ về các quy chuẩn khắt khe an toàn thực phẩm.

Đến nay, thương hiệu này đã có mặt trên 50 tỉnh, thành trong nước, cung cấp vào các siêu thị lớn, chuỗi siêu thị, hệ thống thực phẩm sạch, cửa hàng organic và nhiều quốc gia trên thế giới”, chị Đặng Thị Tâm khẳng định.
Năm 2020, Tổ sản xuất Tiên Đồng, bản Phảy Thái Minh, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ tham gia chương trình OCOP với sản phẩm rượu cần Tiên Đồng. Sau các quy trình kiểm tra, chấm điểm nghiêm ngặt, sản phẩm mới được công nhận 3 sao, các sản phẩm miến đều có chứng nhận mã số, mã vạch, có tem truy xuất nguồn gốc.

Sản phẩm rượu cần Tiên Kỳ. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Bà Vi Thị Đình – Tổ sản xuất Tiên Đồng phấn khởi cho biết: “Sản phẩm rượu cần Tiên Đồng của chúng tôi hoàn toàn sử dụng nguyên liệu tự nhiên của nếp, của lá quế, lá nhâm mang hương vị đặc trưng của vùng đất Tiên Kỳ, được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận. 
Rượu cần không chỉ là đồ uống bình thường mà đã được nâng lên thành văn hóa rượu cần, gắn kết giữa cá nhân và cá nhân, cá nhân với cộng đồng làng xã. Hương nồng của rượu cần Tiên Đồng níu chân với bất cứ ai đến với không gian văn hóa của nơi diễn ra Lễ hội Bươn Xao với các phong tục đậm đà bản sắc của người Thái”. 
Trong 3 năm qua, Nghệ An đã có 249 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, đứng thứ 3 cả nước, vượt 24,5% so với chỉ tiêu giai đoạn 2019 – 2030. Tuy nhiên, số lượng vẫn chưa đi kèm với chất lượng.
Nhiều địa phương vẫn lựa chọn các sản phẩm sẵn có, tính cộng đồng chưa cao để đưa vào tham gia Chương trình OCOP và phân hạng sản phẩm, chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương để nâng cao chất lượng.

Tình trạng cùng một sản phẩm vừa cấp giấy công nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, vừa cấp giấy công nhận sản phẩm OCOP (tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá và công nhận của 2 loại này gần như có tính tương đồng). 
Có thể thấy, chương trình OCOP như “tấm hộ chiếu” để các sản phẩm có chất lượng cao sẽ có cơ hội vươn xa, không chỉ thị trường trong nước mà còn rộng đường xuất khẩu.
Để nâng tầm sản phẩm OCOP phát triển một các bền vững, các địa phương này cần chủ động triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thông qua những cơ chế, chính sách thiết thực hỗ trợ về đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.
Ngoài ra, một số địa phương ở Nghệ An cần tuân thủ tiêu chuẩn sản xuất bền vững, sản phẩm OCOP phải hướng đến chất lượng với quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan, góp phần giải quyết bài toán thị trường hiệu quả. Bởi chuỗi giá trị bền vững không chỉ có ý nghĩa sinh kế, cải thiện thu nhập, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, mà còn đóng góp vào công tác bảo tồn, phát huy thương hiệu các sản phẩm đặc sản vùng miền ở địa phương.
Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Nghệ An đề xuất: Các bộ, ngành cũng cần bổ sung, hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; trong đó, tăng điểm tiêu chí chất lượng sản phẩm; xây dựng phần mềm đánh giá phân hạng, lưu hồ sơ phân hạng... Bởi, đây sẽ là yếu tố giúp cho chương trình tập trung cho phát triển sản phẩm theo chiều sâu, không chạy theo số lượng.
Thực tế thời gian qua tại Nghệ An, một số sản phẩm OCOP đã được các doanh nghiệp, siêu thị lớn... đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP đưa vào hệ thống phân phối, tiêu thụ ổn định; trong đó, nhiều sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường xuất khẩu như sản phẩm rau mùi ở xã Diễn Thái (huyện Diễn Châu) được xuất khẩu qua Hàn Quốc và Nhật Bản; Công ty cổ phần Chế biến Thủy sản và Dịch vụ Cửa Hội (Thị xã Cửa Lò) với sản phẩm nước mắm xuất qua Lào, Thái hay Trung Quốc; sản phẩm dầu gội đầu thảo dược truyền thống của Công ty TNHH Thương mại Hà Duy Minh qua Singapore; sản phẩm các loại chế biến từ sen của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sen quê Bác xuất đi Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản… ./.