Quá tự tin về quãng đường của ô tô điện, chủ xe nhận cái kết "kẹt giữa đèo"

Chủ xe tự tin vào quãng đường lý thuyết của ô tô điện, quyết định không sạc trước khi lên Đà Lạt. Kết quả, xe cạn pin giữa đèo, buộc phải gọi cứu hộ, tiêu tốn thời gian và chi phí không nhỏ.

Trên một diễn đàn lớn về xe và giao thông tại Việt Nam, một người dùng đã chia sẻ trải nghiệm không mấy suôn sẻ khi sử dụng ô tô điện trong chuyến du lịch từ TP.HCM đến Đà Lạt. 

Vì quá tin tưởng vào quãng đường di chuyển mà hãng xe công bố, chủ xe đã gặp tình huống bất ngờ khi pin tụt nhanh trên đường đèo, khiến hành trình bị gián đoạn và phát sinh chi phí cứu hộ.

Chủ quan với quãng đường di chuyển, chủ xe gặp sự cố

Theo chia sẻ, người này sử dụng mẫu xe điện BYD Han để di chuyển từ TP.HCM đến Đà Lạt, quãng đường ước tính khoảng 400 km. Trên lý thuyết, theo công bố của hãng, BYD Han có thể chạy tối đa 598 km chỉ với một lần sạc đầy. 

Chính vì vậy, chủ xe tự tin vào khả năng vận hành của xe, đặc biệt khi một nhân viên bán hàng của hãng cũng tư vấn rằng nếu sạc đầy 100% thì xe có thể đến Đà Lạt mà không cần sạc thêm.

01-17428106540151423886781-17428
 

Do có việc cá nhân trước khi khởi hành, chiếc xe chỉ còn 87% pin khi bắt đầu xuất phát từ quận Tân Phú. Chủ xe cho biết chiếc BYD Han chạy đầm, ổn định, nhiều công nghệ hiện đại. Trong quá trình di chuyển, tài xế sử dụng chế độ Comfort khi đi trong phố và Sport khi vào cao tốc.

Sau khi rời khỏi cao tốc và tiến vào khu vực đèo, xe báo còn 22% pin, với mức ước tính có thể đi được 135 km, trong khi quãng đường đến Đà Lạt chỉ còn 112 km. 

Tin tưởng vào khả năng của xe, người dùng này quyết định không dừng lại sạc pin mà tiếp tục lên đèo, với suy nghĩ rằng hệ thống phanh tái tạo năng lượng có thể giúp kéo dài quãng đường di chuyển.

Nhân viên chăm sóc khách hàng của hãng cũng từng khuyên chủ xe nên sạc pin tại Phan Thiết trước khi lên đèo, nhưng anh vẫn quyết định thử giới hạn của xe.

Khi đến giữa đèo, pin tụt nhanh hơn dự đoán, chỉ còn 2% khi cách Đà Lạt 40 km. Không thể tiếp tục di chuyển, tài xế buộc phải gọi cứu hộ để chở xe đến trụ sạc nhanh ở Đà Lạt mà anh đã tìm hiểu trước. Tuy nhiên, trụ sạc này không hoạt động, buộc anh phải sạc chậm tại một khách sạn gần đó.

02-1742869961996-174286996298420
 

Đến sáng hôm sau, xe sạc được 70% pin, đủ để tiếp tục hành trình đến trụ sạc nhanh ở Bảo Lộc trước khi quay về TP.HCM. Sự cố này khiến tài xế tốn hơn 2 triệu đồng chi phí cứu hộ và mất nửa ngày để xử lý vấn đề.

Những yếu tố ảnh hưởng đến quãng đường thực tế của xe điện

Trải nghiệm thực tế của chủ xe cho thấy số km di chuyển được của xe điện không chỉ phụ thuộc vào thông số kỹ thuật do hãng công bố, mà còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác.

1. Điều kiện địa hình và mặt đường

Không giống xe xăng, xe điện chạy trên cao tốc thường tiêu hao pin nhanh hơn so với khi đi đường nội đô. Điều này là do xe điện không có hộp số và luôn hoạt động ở công suất cao khi chạy tốc độ lớn.

Ngoài ra, khi leo đèo dốc, mức tiêu hao năng lượng tăng mạnh. Theo nghiên cứu của Pulse Energy, công ty chuyên cung cấp giải pháp trạm sạc tại Ấn Độ, xe điện có thể mất đến 30% lượng pin nhiều hơn khi di chuyển trên địa hình đồi núi so với đường bằng phẳng.

3290775-77a161c49128439894e555d2
 

2. Trọng tải và các thiết bị tiêu hao điện

Xe điện chở càng nhiều hành khách hoặc hàng hóa thì càng tốn nhiều năng lượng. Bên cạnh đó, các thiết bị như điều hòa, hệ thống sưởi, đèn chiếu sáng cũng làm pin tiêu hao nhanh hơn.

Đặc biệt, hệ thống điều hòa không chỉ làm mát cabin mà còn giữ nhiệt độ ổn định cho pin, khiến mức tiêu hao năng lượng cao hơn. Nếu bật điều hòa ở mức quá lạnh hoặc gió lớn, quãng đường xe có thể di chuyển sẽ giảm đáng kể.

3. Cách lái xe ảnh hưởng đến mức tiêu hao pin

Phong cách lái xe cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu tài xế thường xuyên tăng tốc đột ngột, phanh gấp, lượng điện tiêu thụ sẽ nhiều hơn so với khi lái xe ở tốc độ ổn định.

Thông số về quãng đường xe điện có thể đạt được do nhà sản xuất công bố thường được đo trong điều kiện lý tưởng, nên khi vận hành thực tế, kết quả có thể chênh lệch đáng kể.

4. Tình trạng và sự sẵn có của trạm sạc

Bất cập lớn nhất khi đi xa bằng xe điện là hệ thống trạm sạc vẫn chưa hoàn thiện. Dù các ứng dụng bản đồ có hiển thị vị trí trạm sạc, nhưng trong thực tế, không phải trạm nào cũng hoạt động.

Nhiều tài xế xe điện có kinh nghiệm khuyên rằng nên sạc pin khi xe còn khoảng 20 - 30%, thay vì chờ đến mức báo động mới tìm trạm sạc. Gọi tổng đài nhà cung cấp trạm sạc để kiểm tra tình trạng hoạt động cũng là một cách giúp đảm bảo chuyến đi không bị gián đoạn.