“Quê hương sông Nhuệ
Bãi dâu mươn mướt xanh bờ
Giặc mười năm chiếm đóng
Vắng bao nàng gái đẹp ươm tơ”
(Anh Thơ)
Trải qua nhiều thay đổi thăng trầm của lịch sử, nghề ươm tơ dệt lụa của đất Phùng Xá, huyện Mỹ Đức đã có lúc tưởng chừng như mai một… nhưng với tình yêu và tâm huyết lưu giữ, phát huy nghề truyền thống của cha ông để lại, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã dốc tâm, dốc sức giữ nghề.
Lớn lên bên khung cửi, với những nương dâu, nong kén nên tình yêu với nghề dệt đã theo bà từ tấm bé. “Gia đình tôi làm nghề dệt từ nhiều đời, thuở lên 5, lên 6 tôi đã được bố mẹ truyền dạy và chỉ bảo tận tình theo từng công đoạn nuôi tằm, lấy kén, ươm tơ…”, nghệ nhân Phan Thị Thuận cho biết. Sau này, khi đã lập gia đình bà vẫn giữ nguyên tình yêu với nghề và phát triển cho đến tận bây giờ với nhiều thành công, khi các sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt, khăn lụa tơ sen và khăn lụa tơ tằm của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức đã đạt 5 sao cho sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận bên khung cửi. Ảnh: Thiện Tâm |
Với hơn 60 mươi năm gắn bó cùng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa tuy đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả vừa lo nghiên cứu, sản xuất, vừa lo đầu ra cho sản phẩm nhưng đến nay nghề dệt tơ của Phùng Xá đã lấy lại được vị thế và khẳng định bản lĩnh, sức sống bền bỉ như chính sợi chỉ tơ xuyên suốt qua hàng nghìn năm. Đến nay, nghề dệt không chỉ xây dựng được thương hiệu cho Phùng Xá mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ gia đình. Hàng năm, vào dịp hè nghệ nhân Phan Thị Thuận lại tổ chức các lớp học nghề cho con em trong vùng, vừa giúp thế hệ tương lai hiểu về nghề của cha ông cũng như tăng thêm một phần thu nhập cho gia đình.
Đặc biệt, bà Phan Thị Thuận đã rất sáng tạo khi mày mò tìm ra cách điều khiển để cho con tằm trở thành “những người thợ dệt”. Năm 2010 bà Thuận đã thành công khi sáng kiến cho tằm tự dệt đã cho ra những thành phẩm tơ lụa đầy tiên. Chính từ đây, nhiều sản phầm như: Chăn bông, gối cao cao cấp ra đời và được tiêu thụ ở nhiều quốc gia (Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Mỹ…). Chính sáng kiến này đã mang về cho bà rất nhiều phần thưởng cao quý và bà được ghi tên mình trong sách vàng “Sáng tạo Việt Nam”.
Tiếp lửa và truyền dạy cho thế hệ mai sau. Ảnh: Thiện Tâm |
Không chỉ vậy, nghệ nhân Phan Thị Thuận còn là người Việt Nam đầu tiên dệt lụa từ tơ sen. Bà Thuận chia sẻ: Năm 2016, đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh về Mỹ Đức tìm người cùng tham gia đề tài nghiên cứu dệt lụa từ tơ sen. Trong lòng bà vừa mừng vừa lo, vì đây chính là cơ hội cho bà thỏa sức sáng tạo và nếu thành công sẽ mang được hồn cốt của loài “quốc hoa” vào từng tấm lụa, mang đến khắp năm châu. Tuy nhiên, bà cũng có nhiều băn khoăn, lo lắng vì sen không phải mùa nào cũng có và để lấy được tơ sen là một quá trình khó khăn, đòi hỏi kỹ thuật tỉ mẩn, khéo léo và mất rất nhiều tâm sức.
Nhưng với quyết tâm và tình yêu với tơ lụa, nhất là với loài hoa cao quý mang biểu tượng của dân tộc, đến hết năm 2017, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nghiên cứu thành công tơ sen và dệt được tơ sen vào tơ tằm. Cũng trong năm đó, tơ sen được nhà nước cho phép đưa vào đề tài nghiên cứu cấp quốc gia do GS.TS Nguyễn Duy Chuyên làm chủ nhiệm. Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã đồng ý là người cùng thực hiện đề tài và hi vọng vào sự thành công của tơ sen. Đến năm 2018, thước lụa đầu tiên được dệt từ 100% tơ sen đã được ra đời và đánh dấu thành công trong cuộc đời “se tơ dệt lụa” của nghệ nhân Phan Thị Thuận.
Những tấm lụa được ra đời từ tơ sen. Ảnh: Thiện Tâm |
Để làm ra được một chiếc khăn quàng cổ dài tầm 1,7m phải cần khoảng 4.800 cuống sen và rất nhiều vất vả. Bà Thuận cùng những nhân công của Công ty, ngoài việc thu hái trong vùng trồng sen còn tự tay đi vớt những thân sen bỏ thừa trong các đầm, bà đem về rửa sạch, để ráo, phân loại cuống sen (cuống lá, cuống hoa, cuống đài sen…) để dễ dàng trong việc rút tơ se sợi, dệt lụa tơ sen trước khi huy động thu gom và hướng dẫn mọi người rút tơ sen cho công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức.
Nhưng nhờ đó mới cho được một sản phẩm hoàn mỹ, thân thiện với môi trường và có độ bền bỉ, mềm mại và thoáng mát từ tơ sen… Sản phẩm từ tơ sen có thể tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau, trong đó, được ưa chuộng nhất là khăn quàng cổ.
Ngay từ khi ra đời, lụa tơ sen đã tạo được tiếng vang trên khắp cả nước. Những mẫu khăn này đã được đoàn Chính phủ Việt Nam mang tới Hội nghị G20 làm quà tặng cho bạn bè quốc tế.
Năm 2016 bà được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, bằng khen của UBND TP. Hà Nội, bằng khen của Bộ NN&PTNT, bằng khen Hội Nông dân Việt Nam… Gần đây nhất là 18/10/2020, tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, bà Phan Thị Thuận đã là một trong 10 cá nhân được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2020 tôn vinh những đại diện tiêu biểu cho hàng triệu phụ nữ, hàng trăm nghìn tập thể nữ tận tụy lao động, sản xuất, học tập, nghiên cứu, sáng tạo đã và đang ngày đêm đóng góp tích cực cho sự phát triển đi lên của xã hội.