Theo số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, tính đến năm 2022, cả nước có 6.925 chuỗi liên kết trong nông nghiệp, trong đó các chuỗi thực hiện theo Nghị định 98 về chính sách liên kết trong tiêu thụ nông sản vẫn còn khá khiêm tốn khi chỉ chiếm 28,43%, số lượng hợp tác xã và doanh nghiệp thực hiện các chuỗi này vẫn còn hạn chế. Thực tế này đòi hỏi rất cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa hai tác nhân từ “khối công” và “khối tư” để thực hiện có hiệu quả các chuỗi liên kết từ quá trình sản xuất đến tiêu thụ nông sản, đặc biệt là trong ngành hàng lúa gạo. Do đó, việc ký kết biên bản ghi nhớ “Hợp tác công tư – thúc đẩy chuỗi lúa gạo bền vững” sẽ góp phần tăng cường quan hệ đối tác kinh doanh lâu dài giữa các bên trong chuỗi giá trị lúa gạo, thông qua việc kết nối thị trường, thúc đẩy hợp đồng canh tác lúa, nâng cao năng lực cho nông dân, hợp tác xã và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo.
Sự kiện này cũng là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ Dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam (gọi tắt là GIC), đánh dấu sự khởi đầu cho các bước hợp tác giữa 3 thành phần hợp tác công tư, bao gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) nhằm đẩy mạnh chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao chất lượng gạo ở các tỉnh thuộc vùng Dự án là: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng. Dự án GIC được triển khai từ năm 2022 - 2024 với tổng kinh phí là 7.000.000 Euro, mục tiêu tổng thể của dự án là hỗ trợ cải thiện thu nhập cho các hộ sản xuất nhỏ, tạo thêm việc làm, nâng cao khả năng chống chịu của các chuỗi giá trị lúa gạo và xoài thông qua các mô hình kinh doanh có tính cạnh tranh, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường.