Nghe vợ tôi (người xóm Trại) kể lại, ngày xưa (cuối 1960) cầu chỉ là một cây gạo đã phạt gai bắc qua, cho bà con đi làm đồng và trẻ em đi học. Đã có lần, để đưa con trai 1 tuổi từ xóm Trại vào trạm xá Chương Dương, chị gái đã phải cõng con bò qua cầu…
Khi tôi về làm rể xóm Trại hồi cuối 1970, cầu vẫn chỉ có một cây gạo vắt vẻo thế. Không tay vịn. Có xe đạp thì phải cắp nách, không khéo lăn tùm xuống sông…
Vì chỉ có hai nhà xóm Trại đi qua đường ấy, và còn một đường khác rẽ lên máng nổi để đi lên đường lớn, còn dân Chương Lộc thì cũng có nhiều đường đi khác, kinh tế dạo ấy cũng khó khăn, nên cây cầu cứ thế tồn tại hàng chục năm, chẳng ai để ý…
Rồi vào đầu những năm 1980, mấy anh con trai trong xóm quyết định mua hai ống cống đặt cho nước thông. Rồi đắp đất lên. Đây quả là một cuộc cách mạng (tự phát). Từ nay xe đạp, thậm chí xe máy cứ việc phóng thẳng qua cầu.
Rồi kinh tế khá giả, làng lại có chùa Thiên Hương cạnh xóm Trại. Rồi phong trào điện đường trường trạm nổi lên, xã quyết định làm đường bê tông để xe ô tô có thể qua được. Thế là từ nay ô tô con có thể vào đến cổng chùa, thật tiện lợi cho khách thập phương…
Thế rồi nhà nước cũng ngày một giàu lên, có tiền làm đường liên thôn, liên xã. Cầu được làm lại cho chắc hơn, đủ sức chịu được xe tải qua. Thế là từ nay xe tải chở nguyên vật liệu, chở cây đào cồng kềnh từ Chương Dương, lên đường 71, nối vào đường cao tốc. Thật không còn gì thuận tiện hơn…
Nghe nói huyện đang có kế hoạch mở rộng đường mỗi bên một mét. Cây cầu chắc cũng được tu sửa để có thể chịu được xe tải lớn đi qua.
Một con đường liên thôn liên xã mà giờ cũng
Đường ta rộng thênh thang tám thước.
Thật là tuyệt vời.
Hôm nay, đi taxi về quê ngoại, xe vào được tận ngõ. Đứng bên hàng cau ngoài chùa Thiên Hương, nhìn về cây cầu, hiên ngang đồ sộ, có tay vịn, xe tải nườm nượp đi qua, thấy sướng…
Từ một cây cầu tre vắt vẻo, tới một cây cầu khang trang, đất nước, nông thôn ta đã tiến một bước dài…