Tứ kiệt đó là: Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Cao Xuân Huy và Đặng Thai Mai (thường được gọi tắt: Anh – Hãn – Huy – Mai). Cả 4 người đều là những tượng đài văn hoá của đất nước. Cả 4 người đều để lại cho đời sau những trước tác đồ sộ. Và cả 4 người đều được Nhà nước ghi nhận bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh thuở ban đầu danh giá.
Với GS Đào Duy Anh – hôm nay chúng ta tưởng nhớ qua Hội thảo kỷ niệm 120 năm ngày sinh, vào năm 2000, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ cho cụm công trình Lịch sử và Văn hoá Việt Nam, bao gồm: “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX”; “Lịch sử cổ đại Việt Nam”; “Việt Nam văn hoá sử cương”; “Đất nước Việt Nam qua các đời”.
Cụm công trình này ghi dấu ấn quan trọng của Nhà văn hoá - Học giả Đào Duy Anh như cụ đã tự nhận trong hồi ký: “Lòng băng của tôi là cái lòng cúc cung tận tuỵ suốt đời với học thuật để do đó mà phục vụ Tổ quốc”[1].
Mặc dù qua đời đã gần 40 năm, các tác phẩm được tái bản trở lại nhiều lần, nhưng vẫn còn nhiều di cảo của Giáo sư Đào Duy Anh và những tác phẩm của Nhà văn hoá họ Đào mà bạn đọc hôm nay chưa được biết đến. Đồng thời, một số tác phẩm của Giáo sư Đào Duy Anh tuy được tái bản nhưng vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan đã trở nên dị hình dị dạng, gây tổn hại đến danh tiếng của tác giả, là những điều trông thấy qua bài viết này.
Tác phẩm báo chí trên báo Tiếng Dân và Nhà in báo Tiếng Dân (1927 - 1929)[2]:
Đời cầm bút đầu tiên của Đào Duy Anh mở đầu trên báo Tiếng Dân do Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng làm Chủ nhiệm.
Đây cũng là một khoảng trống mênh mông chưa có người thống kê và thực hiện một đầu sách về tác phẩm của Đào Duy Anh trên báo Tiếng Dân và Nhà in báo Tiếng Dân. Qua các tư liệu cho thấy Đào Duy Anh là tác giả của 2 đầu sách “Thực dân lịch sử” (1928) và “Pháp luật khái luận” do Nhà xuất bản Tiếng Dân in và phát hành.
Tác phẩm đã in trong tủ sách Quan Hải tùng thư (1928 – 1929):
Quan Hải tùng thư về hình thức thì học theo Đông Phương văn khố của Trung Quốc. Ngoài Đào Duy Anh còn nhiều trí thức khác của kinh đô nhà Nguyễn là: Võ Liêm Sơn, Trần Đình Nam, Phan Đăng Lưu,… hợp tác trong Quan Hải tùng thư. Cá nhân Đào Duy Anh là dịch giả/ tác giả của các cuốn: Lịch sử các học thuyết kinh tế (dịch); Phụ nữ vận động (dịch), Lịch sử nhân loại (phỏng dịch)…
Năm 2004, đúng dịp kỷ niệm 100 năm sinh Nhà văn hoá Đào Duy Anh, ông Đào Hùng – con trai thứ hai của cụ Đào khi lập Thư mục [tác phẩm] Đào Duy Anh đã nêu thống kê: “Quan Hải tùng thư phải đình bản tháng 7/1929 khi Đào Duy Anh bị bắt, sau khi ra được 13 tập sách nhỏ [dịch hoặc viết, chừng 100 trang trở xuống]. Đến nay những sách đó đều bị thất lạc”[3].
Đáng mừng là hiện nay, Thư viện Quốc gia Pháp đã số hoá và công bố gần như đầy đủ các ấn phẩm trong Quan hải tùng thư. Chúng ta chỉ còn chờ thời gian để tủ sách Quan hải tùng thư được tái bản trở lại trong một diện mạo mới.
Tác phẩm đã in trên Tạp chí Tri Tân (từ 1941 đến 1945):
Tờ tạp chí của nhóm trí thức Hà Nội (Ứng Hoè - Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Tiên Đàm - Tường Phượng, Hoa Bằng – Hoàng Thúc Trâm, Thúc Ngọc - Trần Văn Giáp,…) chủ trương “Ôn cố nhi Tri Tân”. Từ kinh đô Huế, Đào Duy Anh góp mặt với nhiều tiểu luận có giá trí, gây tiếng vang cả sử học cùng văn học: “Những truyền thuyết đời thượng cổ nước ta” (số 30, Janvier, 1942); “Mẹo tiếng ta” (1942); “Xuân của Nguyễn Du” (số 81 – 82/ 1943); “Dịch sách xưa” (số 114/ 1943)…
Tôi được biết, một bản thảo về Đào Duy Anh với các tác phẩm trên Tạp chí Tri Tân đã hoàn thành, chờ dịp ra mắt bạn đọc trong tương lai gần đây.
Tác phẩm đã in trên Tạp chí Văn Sử Địa - tiếp nối là Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (1954 – 1980):
Thống kê của Viện Sử học cho thấy, Đào Duy Anh có 15 bài viết trên tạp chí của cơ quan nghiên cứu này. Trong đó có 2 bài trên Tạp chí Văn Sử Địa mang tên “Văn hoá Đông Sơn hay Văn hoá Lạc Việt” (số 1/ 1954, tr. 14 – 29) và “Mấy ý kiến về bộ Sơ thảo Lịch sử Việt Nam” (số 9/ 1955, tr. 77 - 81); còn lại 13 bài trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, bắt đầu từ “Phát biểu ý kiến về chế độ chiếm hữu nô lệ ở Việt Nam” (số 16/ 1960, tr. 72 – 76), kết thúc bằng “Sách lược “Công tâm” - cống hiến chủ yếu của Nguyễn Trãi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc” (số 3 (192)/ 1980, tr. 43 – 46)[4].
Tác phẩm đã in trên Tập san Đại học Sư phạm và tủ sách cùng tên (1955 – 1957):
Tập san Đại học Sư phạm do Trường Đại học Sư phạm xuất bản, số 1 ra mắt tháng 5/1955 tại Hà Nội. Ban biên tập là Hội đồng Giáo sư phụ trách 2 trường Đại học Sư phạm Văn học và Đại học Sư phạm Khoa học. Giáo sư Đào Duy Anh là Uỷ viên Thường trực Ban biên tập. Trong số ra mắt (số 1/ 1955), Đào Duy Anh có bài “Truyện Thuý Kiều, tác phẩm cổ điển tiêu biểu của văn học Việt Nam” cùng 2 bài giới thiệu sách của Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn.
Số 6-7-8 mang tên Tập san Đại học (Văn khoa) - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Số 6 – 7 đăng bài viết “Vấn đề Giao Chỉ trong cổ tích Trung Quốc” của Đào Duy Anh. Số 8 (1957) Đào Duy Anh có các bài: “Tình hình khai mỏ đồng ở thời Lê Mạt”; “Tác dụng của dân tộc học đối với sự nghiên cứu lịch sử cổ đại: Chế độ lang đạo của người Mường”; “Trả lời ông Nguyễn Lương Bích về vấn đề chế độ nô lệ ở Việt Nam”; “Vài ý kiến về cái “Thẻ ngọc An Dương”.
Năm 2022, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm trình làng cuốn “Tập san Đại học Sư phạm Văn - Sử - Triết luận cảo 1955 – 1956”. Trong đó có in lại 4 tác phẩm của Giáo sư Đào Duy Anh. Tên tác giả Đào Duy Anh – cũng được in trang trọng ngay bìa sách cùng các tác giả Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Trương Tửu - Những Người Thầy Khai Sáng của nhà trường.
Trong Lời Nhà xuất bản ghi rõ: “Ấn phẩm cũng thay cho lời tri ân sâu sắc mà Nhà xuất bản Đại học Sư phạm gửi đến các thế hệ nhà giáo đã xây nền đắp móng và gây dựng nên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hôm nay” (tr. 8).
Có điều lạ, ấn phẩm tri ân mà không thấy có cuốn sách biếu để gia đình cẩn cáo đến người đã khuất?
Một chuyện có hơi hướng tiếu lâm chút ít. Trong một ấn phẩm của Nhà xuất bản Giáo dục, khi lập Thư mục Giáo sư Đào Duy Anh, người sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu còn đưa cả vào vị trí số 73 “Đi tìm nhân vật”[5] (Nxb Văn hoá Dân tộc, 2002) vốn là tiểu thuyết của Duy Anh… họ Tạ, viết văn.
**
*
“Đầu năm 1958, vì có liên can vào vụ Nhân văn Giai phẩm tôi thôi giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp”[6]. Vì cú “vấp bị ngã và đau” ấy, Đào Duy Anh chuyên tâm vào hiệu đính các bản dịch tại cơ quan công tác mới là Viện Sử học.
Ngoài nhiệm vụ hiệu đính các bộ sử liệu do cơ quan phân công: Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú); Đại Nam thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn); Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê); Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức)…
Nhà văn hoá Đào Duy Anh còn dịch hầu hết Ức Trai thi tập - thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi (trừ Văn bia Vĩnh Lăng; Chí Linh sơn phú; Bình Ngô đại cáo; Băng hồ công di sự; Lam Sơn thực lục); dịch toàn bộ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi để đưa vào in trong Nguyễn Trãi toàn tập (Nxb Khoa học Xã hội – Hà Nội, 1969, tái bản 1976).
Những di cảo còn lại chưa từng xuất bản:
Đó là “Kinh Dịch với biện chứng pháp”, bản đánh máy lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Đó là bản dịch từ chữ Hán các tác phẩm “Kinh Thi”; “Trăm bài thơ Đường” (phiên âm và chú giải); “Đạo Đức Kinh”… được Giáo sư Đào Duy Anh gửi vào Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III[7].
Bản dịch “Thơ chữ Hán Nguyễn Du” - Những điều trông thấy:
Thơ chữ Hán Nguyễn Du gồm 249 bài. Khi tham gia biên soạn cuốn “Học giả Đào Duy Anh” cho lần xuất bản đầu tiên (2014), tôi không chú ý lắm đến chi tiết ông Đào Hùng viết về việc tập "Thơ chữ Hán Nguyễn Du" do cụ Đào Duy Anh dịch đã bị biến thành công trình tập thể. Khi đọc lại bản thảo để tái bản (2020), tôi mới chú ý đến điều than thở của ông Đào Hùng: "Thơ chữ Hán Nguyễn Du" sau hơn 10 năm mới được ra mắt vào tháng 2/1988, một tháng trước khi cụ Đào Duy Anh qua đời. Lúc này cụ Đào đã nằm liệt giường. Ông Hùng cho đó là điều may mắn vì nếu được đọc cụ sẽ thêm thất vọng.
Tôi lại chú ý đến điểm khác. Đó là từ bản dịch hoàn chỉnh của cụ Đào Duy Anh đã bị hô biến khi thì đồng dịch giả, khi thì đứng tên người khác như thế nào.
Thật may mắn là sinh thời cụ Đào Duy Anh có gửi tặng GS Tạ Trọng Hiệp ở Pháp 1 bản dịch đã đánh máy cẩn thận. Theo mô tả của GS Tạ Trọng Hiệp thì: “Thơ chữ Hán Nguyễn Du (249 bài, dịch hết thành thơ)”[8].
Chỉ cần đối chiếu vài bản dịch "Thơ chữ Hán Nguyễn Du", tôi đã thấy rất rõ công nghệ pha chế để từ bản Đào Duy Anh dịch sang tên người khác/ hoặc đồng dịch giả.
Lấy ví dụ trong bài “Độ Long Vĩ giang” (dịch nghĩa: Vượt sông Long Vĩ).
Bản Kim Hưng dịch thơ:
“Ngoảnh đầu nhoà quê cũ
Gió thổi bụi mù đường
Vừa vượt sông Long Vĩ
Đã thành khách tha hương
Cát loà thấy tóc bạc
Hồng biển nghe kêu thương
Trên bến người thân tiễn
Vì ta lệ vấn vương”.
Bản Đào Duy Anh dịch thơ:
“Quay đầu quê lệ rỏ
Gió phẩy bụi mù đường
Vừa vượt sông Long Vĩ
Đã thành khách dị hương
Cát loà thấy tóc bạc
Hồng biển nghe kêu thương
Trên bến thân bằng ngóng
Vì ta gạt giọt tương”.
Bài “Vị Hoàng doanh”. Bản dịch thơ đồng dịch giả Đào Duy Anh - Kim Hưng:
“Vị Hoàng sông có Vị Hoàng doanh,
Lầu gác lô nhô ngất cõi xanh.
Ngựa uống bóng chiều xem bến cổ,
Đóm bay loè nội rộn đêm thanh.
Nghìn năm thịnh mãi triều nào có,
Trăm trận truyền suông thế đất linh.
Cửa xóm Phù Hoa thôi chớ ngó,
Điệp Sơn sắc biếc vẫn rành rành”.
Bản dịch thơ của Đào Duy Anh trong di cảo:
“Vị Hoàng sông có Vị Hoàng doanh,
Lầu gác lô nhô ngất cõi xanh.
Ngựa mệt uống chiều xem bến cổ,
Đóm bay loè nội rộn đêm thanh.
Xưa nay thịnh mãi triều nào có,
Hình thế truyền suông tiếng phải giành.
Cửa xóm Phù Hoa thôi chớ ngó,
Điệp Sơn sắc biếc vẫn rành rành”.
Còn nhiều ví dụ để dẫn ra cho thấy công nghệ pha chế để đứng chung tên, thậm chí tẩy tên người dịch đi trước rồi thay tên mình vào của người đi sau. Tôi chụp lại bản in sách “Thơ chữ Hán Nguyễn Du” (Nxb Văn học, Hà Nội – 1988) và bản thảo (di cảo) đánh máy của cụ Đào Duy Anh. Người xem tự rút ra kết luận cho chính mình và nói theo cách của mình. Việc làm trái đạo này thế hệ của Nhà văn hoá Đào Duy Anh không có.
Tác phẩm tái bản – càng tái bản càng sai:
Giờ đây, các tác phẩm của Nhà văn hoá Đào Duy Anh từ Lịch sử, Văn hoá đến Dịch thuật đều được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận. Hãy cứ nhìn vào tên sách tái bản qua các năm, qua các nhà xuất bản và các đơn vị liên kết đủ thấy rõ: “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX”; “Việt Nam văn hoá sử cương”; “Đất nước Việt Nam qua các đời”… Tuy nhiên, điều này cũng cần phải gióng lên hồi chuông cảnh báo đó là một số tác phẩm khi được tái bản ở một vài đơn vị xuất bản đã đưa ra thị trường để đến tay bạn đọc một cuốn sách vô cùng tai hại. Xin dẫn ví dụ như cuốn “Đất nước Việt Nam qua các đời”.
Cuối năm 2015, NXB Hồng Đức và Công ty CP Alpha books đã cho tái bản “Đất nước Việt Nam qua các đời” dựa trên bản in năm 1964, với số lượng 3.000 cuốn, trong bộ “Góc nhìn sử Việt”. Thay vì làm cho cuốn sách tốt hơn, hai đơn vị làm sách đã cho bạn đọc thưởng thức một sản phẩm “thảm họa” của ngành xuất bản.
Tôi viết bài phản ánh trên tuần báo Văn nghệ Công an (ấn phẩm của báo Công an Nhân dân) mang tên: “Tái bản sách “Đất nước Việt Nam qua các đời” của học giả Đào Duy Anh: Lỗi nhiều như trấu”[9].
Nửa năm sau, Nhà xuất bản Hồng Đức liên kết cùng Công ty Văn hoá & Truyền thông Nhã Nam (2016) cho tái bản “Đất nước Việt Nam qua các đời”, số lượng 2.000 cuốn. Nhưng càng tái bản lại càng sai. Nhã Nam tiếp nối Alpha books tung ra thị trường sách một ấn phẩm tệ hại: Trong 380 trang sách hầu hết trang nào cũng sai, sai từ địa danh, sai tên nhân vật, sai sự kiện, đến các mục từ trong Bảng dẫn tên địa lý (Index) cũng sai. Tôi lại tiếp tục phải lên tiếng Văn nghệ Công an qua bài viết: “Sách Đất nước Việt Nam qua các đời - Lỗi chồng lỗi”[10].
**
*
Qua những ví dụ trên đây, người viết bài này mong rằng gia đình Nhà văn hoá Đào Duy Anh hãy chung tay góp sức để có file bản thảo hoàn chỉnh đến mức tốt nhất trong khả năng có thể các tác phẩm của cụ.
Xin mượn câu nói của GS Tạ Trọng Hiệp đã qua đời:
- Tôi lại muốn hỏi lần nữa, “các cao đệ của Đào Duy Anh đâu rồi”?
Trước những điều trông thấy về tác phẩm & di cảo của Nhà văn hoá Đào Duy Anh, người viết bài này cũng muốn hỏi: Các cơ quan (Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội; Viện Sử học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) luôn tự hào vì có Thầy Đào Duy Anh, nơi treo ảnh, nơi dựng tượng, nơi in sách… vì có Giáo sư Đào Duy Anh – tác giả được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, người Thầy được Nhà nước phong học hàm Giáo sư đợt đầu tiên (1956)… đâu rồi?
[1] Đào Duy Anh: Nhớ nghĩ chiều hôm (hồi ký), Nxb Hà Nội – Vina book, 2020, tr. 127.
[2] Nội dung này đã có tham luận riêng của Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân.
[3] Đào Hùng: Thư mục Đào Duy Anh (biên soạn), Tạp chí Xưa & Nay, số 123, năm 2004.
[4] Viện Sử học: Tổng mục lục 50 năm Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử 1954 – 2004, Nxb Khoa học Xã hội, 2005, tr. 47 – 48.
[5] Đào Duy Anh nghiên cứu Văn hoá và Ngữ văn (Trịnh Bá Đĩnh - sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu), Nxb Giáo dục, 2005, tr. 740.
[6] Đào Duy Anh: Nhớ nghĩ chiều hôm (hồi ký), Nxb Hà Nội – Vina book, 2020, tr. 127.
[7] Xem tham luận của tác giả Lê Thị Lý – Trung tâm LTQG 3.
[8] Tạ Trọng Hiệp: Đào Duy Anh (1904 – 1988), Tạp chí Đoàn kết (Paris, Pháp), số tháng 6/1988.
[9] https://vnca.cand.com.vn/Ly-luan/Tai-ban-sach-Dat-nuoc-Viet-Nam-qua-cac-doi-cua-hoc-gia-Dao-Duy-Anh-Loi-nhieu-nhu-trau-i396468/
[10] https://cand.com.vn/Ly-luan/Sach-Dat-nuoc-Viet-Nam-qua-cac-doi-loi-chong-loi-i457237/