Tạo sức bật mới cho kinh tế nông thôn Hà Nội

TH
Triển khai từ năm 2019 đến nay, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, với gần 1.650 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao đến 5 sao, trở thành điểm sáng của cả nước trong phát triển Chương trình OCOP; đồng thời góp phần tạo sức bật mới cho kinh tế ở khu vực nông thôn.
Tạo sức bật mới cho kinh tế nông thôn Hà Nội ảnh 1

Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (huyện Gia Lâm, Hà Nội) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Hiện, Chương trình OCOP của thành phố đã và đang tạo nên sức lan tỏa rộng khắp, nhận được sự ủng hộ của đông đảo các thành phần kinh tế, thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất-kinh doanh, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động khu vực nông thôn.

“Bật mí” bí quyết tạo nên thành công bước đầu của Chương trình, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, nhờ công tác thông tin, tuyên truyền được thành phố tổ chức sâu rộng, tạo sức lan tỏa, giúp chính quyền các cấp và mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các chủ thể đã hiểu được ý nghĩa của Chương trình OCOP, tích cực hưởng ứng và khi tham gia thu nhập của họ được nâng cao.

Đơn cử như mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tổ chức Hội chợ Giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề và sinh vật cảnh thành phố thu hút hơn 10 nghìn lượt người tham quan, mua sắm, doanh số đạt hơn 5 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Hằng ở phố Văn Quán (quận Hà Đông) bộc bạch, sản phẩm bày bán tại Hội chợ rất đa dạng, đủ các chủng loại, nhất là về nông sản, thực phẩm.

Tính đến nay, thành phố đã có 55 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các quận, huyện, thị xã, tạo điều kiện thuận lợi để người dân mua các sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc; đồng thời là cơ hội cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất nắm bắt nhu cầu của khách hàng, mở rộng thị trường, gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Không chỉ phát triển ấn tượng về số lượng, sản phẩm OCOP của Hà Nội cũng được đánh giá có chất lượng tốt, với một số mặt hàng đạt tiêu chuẩn 5 sao, gồm: bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng và bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen do Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (huyện Gia Lâm) sản xuất.

Cùng với đó là nhiều sản phẩm đặc trưng khác, như: bưởi đỏ của Hợp tác xã bưởi đỏ Đông Cao; nón lá Phương Trung; gạo nếp cái hoa vàng và Bắc thơm, trứng vịt Liên Châu; sản phẩm bột sắn dây xứ Đoài của huyện Hoài Đức…; được người dân ưa chuộng, tiêu thụ nhiều. Đặc biệt, nhãn chín muộn của Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành (huyện Quốc Oai) đã xuất khẩu sang Mỹ, Australia, EU.

Thông tin thêm về vấn đề này, đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Chu Quyến cho biết, thành lập năm 2017 và tham gia Chương trình OCOP từ năm 2020, hiện Hợp tác xã có 4 loại rau củ đạt chứng nhận 3 sao, gồm: mướp, mướp đắng, bầu, mồng tơi, đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Nhờ vậy, các sản phẩm của Hợp tác xã có cơ hội quảng bá đến với nhiều người tiêu dùng, minh chứng cho thấy những hiệu ứng tích cực từ OCOP. Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm tổ chức đánh giá, phân hạng thêm ít nhất 400 sản phẩm OCOP.

Thời gian tới, thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các chủ thể OCOP thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP, tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm kết nối giao thương các sản phẩm OCOP từ các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm, có được chỗ đứng bền vững trên thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, có vai trò rất quan trọng của bà con Việt kiều, là “cầu nối” đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, gắn với công tác bảo tồn, phát huy thương hiệu các sản phẩm đặc sản của địa phương; ưu tiên những mặt hàng có lợi thế. Đồng thời, tiếp tục vận hành tối đa công suất của 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cung ứng các sản phẩm tại 110 siêu thị, 1.400 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 300 cửa hàng chuyên kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn để phục vụ người dân. Đẩy mạnh việc "gắn" khoa học công nghệ, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm, thúc đẩy mạnh mẽ tổ chức sản xuất, liên kết xây dựng chuỗi sản xuất để kinh tế nông nghiệp-nông thôn phát triển theo hướng đa dạng, phát huy lợi thế, tính đặc sắc và văn hóa của địa phương, bền vững.