Cách đây một tuần, hơn 300 nông dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đã đến Sơn La để đối thoại với Thủ tướng, nêu những câu hỏi và gửi gắm mhiều kỳ vọng. Theo ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, trước hội nghị này, đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp và các nhà khoa học được gửi tới Thủ tướng Chính phủ.
NHIỀU CÂU HỎI LỚN ĐÃ ĐƯỢC GIẢI ĐÁP
Theo Ban tổ chức, các nội dung tập trung nhiều vào một số nhóm vấn đề như: Những giải pháp nào nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch Covid-19? Vấn đề đất đai và cơ chế để những người nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất; Thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp; Vấn đề vốn, tín dụng; Vấn đề di cư lao động và giải pháp để ly nông nhưng không ly hương. Vấn đề môi trường ở nông thôn…
Tại hội nghị, đã có 14 đại biểu được trực tiếp nêu câu hỏi với Thủ tướng. Trong số những người được ban tổ chức chọn để trình bày câu hỏi, không chỉ có nông dân, mà có những doanh nhân lớn, những nhà khoa học.
Tiêu biểu như doanh nhân Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH; doanh nhân Lê Quang Thắng -Tổng Giám đốc Công ty Việt Long - Quảng Ninh. Những nhà khoa học như GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam; GS. TS Nguyễn Lân Hùng... Các đại biểu này không hỏi về những nỗi âu lo sát sườn hàng ngày của nông dân như: phân bón, thức ăn chăn nuôi, vay vốn... mà họ quan tâm những vấn đề vĩ mô của ngành nông nghiệp nước nhà, với trăn trở và hiến kế sách để nền nông nghiệp Việt Nam vươn lên hùng mạnh.
Tại hội nghị, có 8 nông dân trực tiếp sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) đến từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Sơn La, Bắc Giang, Đồng Nai, Cần Thơ, Lào Cai đã được trực tiếp đặt câu hỏi với Thủ tướng.
Nhóm nông dân trên đã nêu lên những vấn đề thực tế khó khăn cụ thể mà họ đang phải đối mặt, tập trung vào một số vấn đề chính. Cụ thể như, giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, khiến nông dân thua lỗ. Tín dụng “đen” ở nông thôn đang siết cổ người nông dân; Chuyện đất nông nghiệp ở nông thôn: nhiều người bỏ ruộng hoang, không trồng trọt.
Sau khi nghe các tâm tư nguyện vọng của các đại biểu người nông dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo 10 bộ, ngành đã trực tiếp đối thoại, trả lời các câu hỏi, qua đó đã làm rõ rất nhiều vấn đề.
Liên quan đến chủ đề đất đai, nhiều câu hỏi đề cập trực tiếp về việc quản lý, sử dụng đất. Hoặc như các vấn đề liên quan đến vật tư nông nghiệp, hầu hết các câu hỏi khá thẳng thắn như: làm thế nào để ổn định giá vật tư nông nghiệp; đảm bảo đầu ra cho nông sản; hỗ trợ vốn cho các hộ nông dân, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất; xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam; chính sách hỗ trợ nông dân phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19; chuyển đổi số trong nông nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp; đào tạo nghề, việc làm cho nông dân ly nông không ly hương; quy hoạch phát triển các cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã; bảo hiểm nông nghiệp; ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn; phát triển hệ thống giao thông miền núi phía Bắc, phát triển Đồng bằng sông Cửu Long...
Ngay tại hội nghị đối thoại, Thủ tướng đã xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trăn trở của nông dân để xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
NÔNG DÂN TIN TƯỞNG VÀ KỲ VỌNG
Phát biểu kết luận sau đối thoại, Thủ tướng cho biết ông đã nhận thấy những khó khăn, vướng mắc, bức xúc và liên tục phát sinh của nông dân, nhiều vấn đề cần phải giải quyết ngay ở cấp địa phương. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị, ngoài câu hỏi tại các Hội nghị đối thoại thường niên Thủ tướng Chính phủ với nông dân, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức đối thoại với nông dân vào giữa hai kỳ đối thoại của Thủ tướng để phân cấp, giải quyết các vấn đề liên quan nông thôn, nông nghiệp, nông dân kịp thời, phù hợp với địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định, Đảng và Chính phủ luôn chú trọng đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; triển khai nhiều đề án, dự án, chiến lược lớn, quan trọng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện kết luận tại các Hội nghị đối thoại các năm 2018, 2019, 2020, góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân đồng thời ghi nhận, trong những năm qua, nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng hiện đại; phát triển về quy mô, trình độ sản xuất, chất lượng tăng trưởng; thị trường tiêu thụ mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nông dân có bước vươn mình trưởng thành, mạnh dạn đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách làm, có nhiều điển hình tiên tiến sản xuất kinh doanh giỏi.
Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế; đồng thời gợi mở, chỉ đạo những nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành phải nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất, tăng đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn, tín dụng ưu đãi. Hội nông dân Việt Nam và các đơn vị cơ sở trực tiếp làm việc hàng ngày với người dân, lắng nghe tìm hiểu các nhu cầu, nguyện vọng của người dân, kịp thời có các hỗ trợ, định hướng và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ, nâng cao giá trị, hiệu quả.
"Phải nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh. Tăng cường đối thoại với nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Nông dân các cấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ bà con, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, cùng với 14 đại biểu được trực tiếp đặt câu hỏi, gần 300 nông dân khác đã được đến trực tiếp nghe những lời Thủ tướng và các vị bộ trưởng trả lời. Chứng kiến cuộc đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị của Thủ tướng và các vị bộ trưởng, mọi nông dân khi ra về với đầy ắp niềm hy vọng, tin tưởng vào Chính phủ.
Tuy nhiên, rất nhiều câu hỏi được nông dân nêu lên từ những cuộc đối thoại lần trước vẫn còn nguyên đó, chưa được giải quyết rốt ráo. Vì vậy, nông dân lại tiếp tục đem đến hỏi tại hội nghị đối thoại lần này.
Hy vọng với sự chỉ đạo sát sao và kịp thời của Thủ tướng, những vấn đề của nông nghiệp – nông dân sẽ sớm được giải quyết.