![Chú thích ảnh](https://cdnmedia.baotintuc.vn/Upload/YZmStSDTjb0M07hFJ2gA/files/2025/02/01/thu-tuong-100225-1.jpg)
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu. Qua hội nghị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và doanh nghiệp thấu hiểu, chia sẻ nhiều hơn để cùng phát triển. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp, giải quyết các ý kiến của doanh nghiệp, đảm bảo “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm”.
Bày tỏ ngưỡng mộ, tin tưởng, tự hào về doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, trong thành quả 40 năm đổi mới của đất nước để “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân. Trong đó, kinh tế tư nhân hiện đóng góp vào gần 45% GDP cả nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cảm ơn sự đóng góp của doanh nghiệp tư nhân trong sự nghiệp phát triển đất nước, nhất là trong những lúc khủng hoảng, khó khăn như đại dịch COVID-19, thiên tai, biến đổi khí hậu, bão lụt…, Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách, pháp luật phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam và tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp, doanh nhân phát triển, đóng góp cho sự nghiệp phát triển của đất nước.
Cho biết, năm 2025, đất nước có nhiều sự kiện quan trọng: Kỷ niệm các ngày lễ lớn; Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; sắp xếp tổ chức bộ máy; triển khai Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đặc biệt thúc đẩy tăng trưởng 8% trở lên để giai đoạn tới tăng trưởng 2 có số, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp phải có có mức tăng trưởng tương đương, thậm chí cao hơn để cả nước đạt 2 mục tiêu vào thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) phát biểu. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng mong muốn đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tiên phong trong đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh khoa học công nghệ, chuyển đổi số; đóng góp tích cực hiệu quả hơn nữa cho 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực; tăng tốc, bứt phá trong tăng trưởng. Đồng thời góp phần đắc lực phát triển đất nước bao trùm, toàn diện, bền vững; đẩy mạnh xây dựng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ. Doanh nghiệp tích cực thực hiện an sinh xã hội, đóng góp vào xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng nhà ở xã hội; ngày càng có nhiều doanh nghiệp dân tộc lớn tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần nâng cao thương hiệu quốc gia.
Bày tỏ trăn trở, băn khoăn về việc thực thi chủ trương chính sách, pháp luật ở một số nơi, một số lúc tại các cấp, các ngành còn chưa tốt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết, Chính phủ sẽ rà soát lại các việc này, xây dựng các thể chế thông thoáng, cán bộ phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; chấm dứt cơ chế xin-cho, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân chủ cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời giữ vững ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trật tự an toàn xã hội; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả, phù hợp tình hình; phát triển hạ tầng góp phần giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa; đẩy mạnh đào tạo nhân lực...
“Các bộ, ngành, địa phương phải có các cam kết để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ doanh nghiệp thực hiện kinh doanh đúng pháp luật, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động kinh doanh, xây dựng văn hoá doanh nhân mang bản sắc dân tộc…
Nhấn mạnh thông điệp: "Chính phủ "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", cùng nhau xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ “Đất nước có khát vọng, nhân dân mong muốn, chờ đợi, Nhà nước phải kiến tạo, doanh nghiệp phải đóng góp để đất nước phát triển”.
![Chú thích ảnh](https://cdnmedia.baotintuc.vn/Upload/XjfgEPYM30O8z6jY3MHxSw/files/2025/02/1002/DN-2.jpg)
Sau gần 40 năm đổi mới, doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, cả nước có hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30.000 hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh. Lực lượng doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước. Một số doanh nghiệp có quy mô lớn, phát triển đạt tầm khu vực và thế giới.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chủ động, quan tâm, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp; chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các chính sách, giải pháp toàn diện trên tất cả các lĩnh vực để doanh nghiệp phát triển.
Năm 2025, cả nước quyết tâm tạo bứt phá đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực, khí thế để đạt mức tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới. Trong đó, doanh nghiệp được xác định là lực lượng quan trọng hàng đầu trong thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam.