Tham dự có các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Hồ Đức Phớc; Các Bộ trưởng: Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo 12 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Sau khi các đại biểu đề xuất có cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và vốn vay ưu đãi, tài trợ quốc tế để triển khai Đề án, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các bộ, ngành, địa phương, người dân đã tích cực triển khai Đề án; đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, có chất lượng của các đại biểu; nhấn mạnh 5 định hướng lớn và 11 nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Thủ tướng nhấn mạnh, lúa gạo là ngành hàng có lợi thế của nước ta; sản xuất lúa gạo không chỉ có vai trò thiết yếu đối với bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội, mà còn là nguồn thu nhập quan trọng của hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam, trong đó đặc biệt là người nông dân đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Hiện nay mặc dù khó khăn nhưng chúng ta đã xuất khẩu được hơn 7 triệu tấn gạo.
Theo Thủ tướng, sở dĩ chúng ta vững vàng được trong điều kiện khó khăn hiện nay mà vẫn thúc đẩy được tăng trưởng, vẫn kiểm soát được lạm phát, đó chính là nhờ có trụ đỡ về nông nghiệp, nhờ có lúa gạo, nhờ có lương thực thực phẩm, chúng ta tăng lương mà không tăng giá.
Thủ tướng đề nghị, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ làm sao cho Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân đó là điều mà Đảng ta mong muốn nhất, các đồng chí Bí thư, các đồng chí Chủ tịch, các đồng chí lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, nước ta nói chung đều mong muốn như vậy.
Thủ tướng cho biết, khi nói chuyện với các nước và tổ chức quốc tế, doanh nghiệp mà không nhắc tới ĐBSCL, vì mục đích là làm sao cho tăng trưởng toàn cầu này khôi phục lại, tăng trưởng thì có 3 động lực tăng trưởng truyền thống là: đầu tư và tiêu dùng, xuất khẩu, và nước ta cũng thực hiện 3 động lực này; Thứ hai là động lực tăng trưởng mới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức kinh tế chia sẻ kinh tế ban đêm, trong chuyển đổi xanh chuyển đổi số kinh tế tuần hoàn không thể không nói đến đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng cũng cho biết, hiện nay tình hình an ninh lương thực thế giới không lúc nào là không bị đe dọa, an ninh lương thực thực phẩm nói chung, theo Thủ tướng trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì vừa có thách thức nhưng cũng vừa là thời cơ, vì hiện nay vị trí vai trò, tầm ảnh hưởng của đất nước ta rất cao trong khu vực và trên trường quốc tế, vì vậy phải tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi lúc này để chúng ta phát triển. Mà bằng sông Cửu Long có tất cả các yếu tố, cả điều kiện lịch sử, địa lý, văn hóa, con người, thổ nhưỡng… để phát triển, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thủ tướng nhấn mạnh, Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phê duyệt tháng 11/2023 đến nay đã triển khai được gần 01 năm. Đây là Đề án hết sức ý nghĩa với người nông dân vùng ĐBSCL, với ngành hàng lúa gạo và với nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về "0" theo đúng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Thủ tướng đánh giá, thời gian vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rất nỗ lực cùng 12 địa phương vùng ĐBSCL triển khai thực hiện Đề án và đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Thủ tướng đánh giá cao hoan nghênh các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa qua đã có nhiều cố gắng. "Các đồng chí vươn lên từ khó khăn, vươn lên từ thiếu thốn của mình để làm hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng, giảm lạm phát, đặc biệt là các sản vật, sản phẩm chúng ta xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu, làm ngày văn hóa về thương hiệu. Cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 12 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy nông nghiệp phát triển" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai Đề án còn nhiều khó khăn, vướng mắc: Về nhận thức và hành động, còn có những ý kiến khác nhau về sự cần thiết và hiệu quả của Đề án, nhiều hộ nông dân chưa mặn mà tham gia Đề án, Về quy hoạch và xác định vùng trồng lúa; Về cơ chế, chính sách, về việc huy động và bố trí nguồn lực triển khai Đề án, trong đó có việc quản lý, sử dụng vốn ODA, trao đổi tín chỉ carbon trong trồng lúa và một số vấn đề khác.
Song song với việc này thì phải làm hạ tầng, phải bắt tay vào việc xây dựng các cảng thủy nội địa đã có quy hoạch rồi; thứ hai là phát huy được điều kiện sông nước của ĐBSCL giảm cái chi phí Logistic làm tăng cạnh tranh của hàng hóa.
Thủ tướng mong muốn với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó và với tinh thần tự lực, tự cường, tự giác, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được triển khai hiệu quả trong thời gian tới.