Tinh thần sáng tạo của Đào Duy Anh – cây ‘đại thụ’ của nền khoa học xã hội Việt Nam

Cái tên Đào Duy Anh sáng lên trong giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam thế kỷ XX không chỉ bởi khối lượng công trình nghiên cứu đồ sộ, mà bởi tư duy sáng tạo, sự hòa giải khéo léo giữa cái cũ và cái mới trong nền văn hóa quốc gia.

Quan điểm này nhận được sự đồng tình cao của các chuyên gia tại Hội thảo khoa học “Giáo sư Đào Duy Anh: Từ chí sĩ cách mạng đến học giả uyên bác” vừa diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Giáo sư Đào Duy Anh (1904 - 1988) đã khẳng định mình bằng những công trình trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội ở Việt Nam. Ảnh: Tạp chí Nông thôn và Phát triển.


Tinh thần hòa giải xung đột trong nghiên cứu văn hóa

 “Trong bối cảnh nửa đầu thế kỷ 20, cuộc giao lưu, tiếp xúc với văn hóa phương Tây đã đặt ra nhiều vấn đề hoàn toàn mới đối với văn hóa dân tộc”. Xuất phát từ sự khác biệt về giá trị và quan niệm, TS. Phạm Việt Long, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Văn hóa và phát triển, chỉ ra đây là nguyên nhân chính dẫn đến xung đột văn hóa giữa Việt Nam và phương Tây. Bởi Việt Nam và phương Tây có các hệ thống giá trị và quan niệm văn hóa khác nhau, từ đạo đức, lối sống cho đến cách tổ chức xã hội. Khi sự tiếp xúc với văn hóa phương Tây đã đem lại những thách thức mới đối với các giá trị truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là trong các mối quan hệ gia đình. “Quan hệ gia đình chịu ảnh hưởng từ xung đột văn hóa, khi sự tôn trọng và vị thế của người cao tuổi trong gia đình Việt Nam bị ảnh hưởng bởi quan niệm bình đẳng và tự do các nhân từ văn hóa phương Tây”.

Trong cuộc xung đột này, các học giả đương thời “hoặc là quay lưng lại văn hóa phương Tây, để giữ khư khư lấy cái truyền thống, hoặc là phủ định cái truyền thống, mà sao chép nguyên vẹn mô hình phương Tây”. Trong khi đó, “thái độ của Đào Duy Anh là hướng tới sự tích hợp những giá trị của hai nền văn hóa trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới, hiện đại song vẫn giàu bản sắc”. Điều này, theo TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động khoa học văn hóa Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đã phản ánh tinh thần sáng tạo, sự nhận thức đối với văn hóa và vai trò của văn hóa trong hàng lượt trước tác trên nhiều lĩnh vực.

Đại biểu xem phim tư liệu về GS. Đào Duy Anh. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.


TS. Phạm Việt Long chia sẻ thêm, rằng “Cụ Đào” đã nỗ lực trong việc phân tích và hòa giải xung đột văn hóa giữa Việt Nam với phương Tây. Cố học giả nhìn nhận rằng, để giải quyết vấn đề này, điều quan trọng là cần phải hiểu rõ bản chất của cả hai nền văn hóa, từ văn hóa truyền thống đến văn hóa mới. Cụ thể hơn, để hòa giải xung đột văn hóa, Đào Duy Anh đã đề xuất một số giải pháp.

Đầu tiên là cần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Điều này đòi hỏi cả hai bên phải tìm ra điểm chung và hòa nhập một cách sáng tạo. “Cụ Đào” cũng nhấn mạnh về việc tiếp nhận có chọn lọc, không phải tất cả các yếu tố của văn hóa mới đều phù hợp với văn hóa truyền thống của Việt Nam. Cuối cùng, việc phát triển bản sắc dân tộc là đích đến quan trọng nhất. Sự tiếp nhận văn hóa một cách có chọn lọc song hành với sự bảo tồn bản sắc dân tộc là chìa khóa để Việt Nam có thể hòa nhập quốc tế mà vẫn giữ gìn được nét đặc trưng riêng biệt.

GS-TS. Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III


Được đánh giá là kết tinh từ những nỗ lực hòa giải xung đột văn hóa, cuốn sách Việt Nam văn hóa sử cương ra mắt lần đầu vào năm 1938. Tác phẩm này không chỉ là một kho tàng di sản văn hóa văn hóa qua các thời kỳ, mà còn là minh chứng cho sự sắc bén trong việc nhìn nhận và giải quyết những mâu thuẫn văn hóa giữa cái cũ và cái mới. Trên lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, văn học, cùng với Văn minh An Nam của GS. Nguyễn Văn Huyên, “đứa con tinh thần” (Việt Nam văn hóa sử cương) của Đào Duy Anh là những công trình khoa học, đặt nền tảng cho sự hình thành nền văn hóa hiện đại Việt Nam một cách khoa học. Thông qua việc phản ánh sự giao lưu và xung đột văn hóa, cuốn sách giúp độc giả hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa Việt Nam và những thách thức mà nó phải đối mặt trong quá trình hội nhập và phát triển.

Việt Nam văn hóa sử cương của học giả Đào Duy Anh, một cuốn sách được coi là kim chỉ nam cho nhiều công trình nghiên cứu văn hóa ở nước ta trong suốt gần một thế kỷ qua. Ảnh: sachdonga.vn

Cuốn sách Đào Duy Anh - Từ chí sĩ cách mạng đến học giả uyên bác được xuất bản trong dịp tổ chức hội thảo. Ảnh: Tạp chí Nông thôn và Phát triển.

Một số tác phẩm của GS. Đào Duy Anh hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Ảnh :Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.


Sáng tạo từ sự kế thừa cái cũ và áp dụng cái mới

Trong tổng thể di sản đồ sộ của Đào Duy Anh, các công trình liên quan tới địa lý học lịch sử tuy không nhiều, song không thể không được nhắc tới. Vì khó có thể phủ nhận, “các công trình ấy vừa có tính tổng hợp, vừa đi sâu vào các lĩnh vực cụ thể với những phát hiện và đóng góp mới, mà cho đến nay, nhiều quan điểm vẫn còn nguyên giá trị và chưa thể bị vượt qua”. Đây là quan điểm được GS-TS. Nguyễn Quang Ngọc, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại họcQuốc gia Hà Nội, nêu lên.

Đất nước Việt Nam qua các đời này đánh dấu mốc quan trọng cho nghiên cứu địa lý học lịch sử đương đại ở Việt Nam. Nội dung cuốn sách đề cập tới hầu hết các lĩnh vực như: cương vực của quốc gia, vị trí các khu vực hành chính qua các thời kỳ, triều đại, quá trình mở rộng lãnh thổ và ổn định biên giới, các cuộc chiến chống ngoại xâm để bảo toàn lãnh thổ, như: chiến tranh chống Tống thời Lê Hoàn, chiến thắng trước quân Thanh của Quang Trung, hoặc một số địa danh, địa lý quan trọng cần thảo luận như sông Bạch Đằng, thành Thăng Long, quần đảo Hoàng Sa, đảo Côn Lôn, lịch sử đường thủy, đường bộ Việt Nam qua các đời,…

Đặc biệt, dựa vào kết quả nghiên cứu tổng thể, cố sử gia đã phác dựng 8 tấm bản đồ để người đọc có thể hình dung toàn bộ quá trình phát triển và biến đổi của lãnh thổ Việt Nam trong khoảng thời gian kéo dài gần 2 thiên niên kỷ, từ đầu công nguyên tới đầu triều Nguyễn.

Các học trò đến chúc thọ GS. Đào Duy Anh (ngồi giữa) tuổi 80. Ảnh tư liệu


So với những cuốn địa chí truyền thống, GS-TS. Nguyễn Quang Ngọc đánh giá, sự sáng tạo trong cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời và các khảo cứu địa lý học lịch sử của Đào Duy Anh kết hợp được “ba trong một”, vừa kế thừa truyền thống sử học, địa lý học bản địa, vừa áp dụng phương pháp luận của giới nghiên cứu thời Viễn Đông Bác cổ Pháp, lại vừa thống thuộc lý thuyết của giới khoa học Xô Viết đang thịnh hành lúc bấy giờ. Thật khó tránh khỏi những vấn đề do hạn chế của thành tựu khoa học của thế kỷ trước. Song, Đất nước Việt Nam qua các đời được GS-TS. Nguyễn Quang Ngọc nhận định là công trình nghiên cứu đầy đủ và hệ thống hơn cả về không gian lãnh thổ, diễn biến của hệ thống các đơn vị địa phương, các trung tâm hành chính Việt Nam trong dọc dài lịch sử.

Không riêng công trình nào, nhìn chung, các công trình nghiên cứu của Đào Duy Anh cũng không thể tránh được những hạn chế về mặt tư liệu và trình độ nhận thức khoa học chung của thời điểm công bố, như chia sẻ của GS-TSKH. Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tuy nhiên, phương pháp nghiên cứu và sự gợi mở phương hướng nghiên cứu của tác giả là những giá trị không thể phủ nhận. Là một học trò của GS. Đào Duy Anh, GS-TSKH. Vũ Minh Giang nhận định: “Ảnh hưởng về phong cách, phương pháp nghiên cứu lên các thế hệ học trò nhiều khi còn ý nghĩa hơn chính giá trị của những công trình khoa học của thầy”.

Hội thảo do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và Trung tâm Hoạt động khoa học văn hóa Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp tổ chức, nhằm hướng tới kỷ niệm 120 năm ngày sinh GS. Đào Duy Anh (1904-2024).

Hội thảo lần này là dịp để hệ thống lại và bổ sung nhiều tư liệu quý, để khẳng định những đóng góp to lớn của GS. Đào Duy Anh trong sự nghiệp cách mạng và nền học thuật nước nhà. Cũng nhân sự kiện này, NXB Dân trí đã phối hợp cùng một số cơ quan, tổ chức xuất bản cuốn sách Đào Duy Anh: Từ chí sĩ cách mạng đến học giả uyên bác.