Trợ cấp người có công tăng lên hơn 35%, mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh trong 20 năm qua

Đó là chia sẻ của các thương, bệnh binh khi đón nhận thông tin trợ cấp mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng lên 35,7%, mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh trong 20 năm qua.

Bày tỏ sự cám ơn tới Đảng và Nhà nước

Ông Nguyễn Văn Thư, thương binh hạng 1/4 tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam) cho biết: "Tôi năm nay 60 tuổi, bị thương tại Đồng Văn – Mèo Vạc năm 1986, đang hưởng trợ cấp hơn 6,3 triệu đồng. Theo thông báo của Nhà nước, trợ cấp được tăng lên 35,7%, tôi rất vui vì có thêm trợ cấp để chữa bệnh".

Chú thích ảnh Thương binh Nguyễn Văn Thư.

"Mặc dù tăng từ ngày 1/7/2024, nhưng địa phương thông báo từ tháng 9 mới được lĩnh mức tăng và truy thu. Mức tăng này giúp các thương binh cải thiện mức sống, cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với thương, bệnh binh", ông Nguyễn Văn Thư chia sẻ.

Thương binh Võ Thanh Hải, ở thị trấn Tràng Bom, huyện Tràng Bom, Đồng Nai bày tỏ: "Tôi là thương binh hạng 1/4, bị thương năm 1980 tại chiến trường Campuchia. Sau thời gian điều trị, tôi về với gia đình và đang hưởng trợ cấp hơn 8 triệu đồng. Tôi được địa phương thông báo, từ ngày 1/7 tăng mức trợ cấp lên 35,7%, đây là mức tăng cao nhất so với các nhóm đối tượng khác, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với người có công".

Chú thích ảnh Thương binh Võ Thanh Hải.

Tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội (168 đường Thanh Bình, quận Hà Đông, Hà Nội), ông Nguyễn Văn Bừng (74 tuổi), thương binh hạng 4/4 ở xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Mức trợ cấp tôi đang hưởng là hơn 1,5 triệu. Với mức tăng như thông báo, dự kiến sẽ được lĩnh 2 triệu/tháng, cộng với tiền lương hưu...  như vậy sẽ góp phần cải thiện đáng kể đời sống của tôi ở vùng nông thôn bán sơn địa”.

Chú thích ảnh Ông Nguyễn Văn Bừng (bên trái) điều dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội.

Nhiều người có công tại các địa phương trên cả nước đều ghi nhận mức tăng chuẩn trợ cấp với người có công từ ngày 1/7/2024 thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đã kịp thời hỗ trợ  để người có công nâng cao mức sống về cả vật chất lẫn tinh thần.

Sự vào cuộc cả cộng đồng xã hội

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), từ ngày 1/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP quy định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất qua các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong nhiều thập kỷ vừa qua, được dư luận xã hội và người có công, thân nhân hoan nghênh, ủng hộ.

Về hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, từ những kết quả nổi bật trong giai đoạn 2013-2020, với hơn 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương đảm bảo, cả nước đã hoàn thành việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 393.707 hộ người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Cả nước cũng đang triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng giai đoạn đến năm 2025, với dự kiến trên 162.000 hộ, kinh phí khoảng trên 7.000 tỷ đồng...

 

“Những kết quả trên mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, phần nào đã xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra mục tiêu: “Chú trọng thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công, nhất là người ở vùng sâu, vùng xa, người gặp khó khăn trong cuộc sống; tiếp tục nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng phải là mức cao nhất trong các chính sách xã hội; có chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khoẻ, nhà ở, giáo dục đào tạo, việc làm, sản xuất và tạo thuận lợi cho người có công tiếp cận các dịch vụ xã hội; bảo đảm người có công và gia đình người có công phải có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú”.