Thống nhất từ bản đồ đến lòng dân
Ngay sau ngày non sông liền một dải, Việt Nam đã nhanh chóng bắt tay vào công cuộc củng cố nền tảng chính trị và xã hội. Chỉ một năm sau ngày giải phóng miền Nam, vào ngày 25/4/1976, hơn 23 triệu cử tri trên khắp cả nước, với tinh thần của những người làm chủ vận mệnh quốc gia, đã nô nức thực hiện quyền công dân của mình. Đây là cuộc Tổng tuyển cử lịch sử bầu Quốc hội khóa VI (1976-1981), Quốc hội chung của cả nước đầu tiên sau thống nhất. Sự kiện chính trị trọng đại này không chỉ đánh dấu bước thắng lợi quyết định trong quá trình thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, mà còn khẳng định ý chí đoàn kết và quyết tâm xây dựng một Việt Nam độc lập, thống nhất.
Tiếp nối thành công của cuộc Tổng tuyển cử, Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất diễn ra từ ngày 24/6 đến 3/7/1976 tại Hà Nội. Tại kỳ họp lịch sử này, vào ngày 2/7/1976, Quốc hội đã đưa ra những quyết định trọng đại: Chính thức lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thông qua Quốc kỳ nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh; Thông qua Quốc huy hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Xác định Thủ đô là Hà Nội; Chọn bài “Tiến quân ca" làm Quốc ca. Đặc biệt, Quốc hội cũng ra Nghị quyết về việc chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn-Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với vị lãnh tụ vĩ đại.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Ảnh tư liệu.
Ngày 31/12/1976, một khoảnh khắc đầy xúc động đã diễn ra: hai con tàu mang tên Thống Nhất đồng loạt xuất phát từ ga Hà Nội và ga Sài Gòn, bắt đầu hành trình nối liền Bắc-Nam đầu tiên sau 30 năm gián đoạn vì chiến tranh (từ năm 1936). Sau gần 80 giờ chạy, vào ngày 4/1/1977, cả hai con tàu đã tới đích, hoàn thành sứ mệnh khai thông tuyến đường sắt Bắc-Nam. Đây không chỉ là một kỳ tích về giao thông mà còn là biểu tượng sống động của sự thống nhất, nối liền những trái tim Việt Nam từ Bắc vào Nam.
Bối cảnh quốc tế và thách thức với công cuộc tái thiết đất nước
Sau những mốc son thống nhất ban đầu, Việt Nam bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quen thuộc với cái tên "thời kỳ bao cấp", được áp dụng rộng rãi. Dù hai kế hoạch 5 năm (1976-1980 và 1981-1986) được triển khai với mục tiêu phục hồi sản xuất, nhưng thực tế lại phũ phàng: nền kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ nghiêm trọng. Sản xuất đình đốn, mất cân đối trầm trọng, năng suất lao động thấp đến mức báo động, và cuộc sống của người dân thì thiếu thốn trăm bề. Hàng hóa khan hiếm, phân phối chủ yếu qua tem phiếu, tạo nên một bức tranh xã hội đầy ảm đạm và thử thách.
Trên trường quốc tế, thế giới vẫn bị chi phối bởi cuộc đối đầu Mỹ - Liên Xô, nhưng một yếu tố mới đã làm thay đổi cục diện: sự rạn nứt sâu sắc giữa Trung Quốc và Liên Xô. Mỹ, với chính sách ngoại giao đầy thực dụng của Tổng thống Nixon, đã "phá băng" quan hệ với Trung Quốc từ đầu thập niên 1970, tạo ra một liên minh ngầm nhằm kiềm chế Liên Xô. Trong bối cảnh địa chính trị phức tạp ấy, Việt Nam, vừa bước ra từ cuộc chiến tranh trường kỳ, đứng trước áp lực tái thiết khổng lồ. Với sự chia rẽ Trung - Xô, Việt Nam buộc phải ngả hẳn về phía Liên Xô. Việc gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON) năm 1978 và ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác cùng năm đã mang lại nguồn viện trợ kinh tế và quân sự sống còn. Tuy nhiên, cái giá phải trả là Việt Nam bị coi là "đồng minh của Liên Xô", góp phần vào sự đối đầu với Trung Quốc và bị cô lập với phương Tây. Mối quan hệ Việt - Trung, vốn là đồng chí trong chiến tranh, đã nhanh chóng xấu đi sau năm 1975 do va chạm lợi ích địa chính trị và bất đồng về khu vực Đông Dương.
Hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới: Tây Nam và phía Bắc
Không chỉ vật lộn với khó khăn nội tại và bối cảnh quốc tế phức tạp, Việt Nam còn phải đứng vững trước những cuộc xung đột vũ trang ở cả hai đầu biên giới, chứng tỏ bản lĩnh kiên cường của một dân tộc vừa giành độc lập.
Ở biên giới Tây Nam, từ năm 1977, tập đoàn diệt chủng Pol Pot (Khmer Đỏ) ở Campuchia liên tục gây ra những hành động xâm lấn, tàn sát dã man người dân Việt Nam. Để bảo vệ chủ quyền, tính mạng của nhân dân, và đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam đã tiến vào Campuchia và cùng lực lượng cách mạng Campuchia lật đổ chế độ Pol Pot vào ngày 7/1/1979. Hành động nhân đạo này vừa là tự vệ chính đáng, vừa là nghĩa cử cao đẹp lại bị một số nước phương Tây và Trung Quốc lên án. Việt Nam kiên quyết phản đối lập luận sai trái này và tiếp tục ở lại Campuchia đến năm 1989, hỗ trợ hồi sinh đất nước này và ngăn chặn sự quay trở lại của Khmer Đỏ.
Chưa kịp dứt điểm cuộc chiến ở Tây Nam, Việt Nam lại phải đối mặt với một thử thách cam go khác: cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ vào ngày 17/2/1979, khi Trung Quốc đồng loạt tấn công toàn tuyến biên giới hai nước. Cuộc chiến ngắn nhưng vô cùng khốc liệt, gây ra thiệt hại nặng nề cho các tỉnh biên giới phía Bắc. Dù Trung Quốc rút quân vào ngày 16/3/1979, nhưng những vết sẹo của cuộc chiến và tình trạng đối đầu vẫn còn dai dẳng trong nhiều năm sau đó.
Vòng vây cấm vận và tình đồng chí khắp năm Châu
Trong bối cảnh địa chính trị vô cùng phức tạp, Việt Nam phải đối mặt với lệnh cấm vận thương mại nặng nề từ Hoa Kỳ và các nước phương Tây. Lệnh cấm vận này, vốn đã có từ thời chiến, càng siết chặt hơn sau sự kiện Campuchia, khi phương Tây và Trung Quốc cùng vận động cô lập Việt Nam trên trường quốc tế. Việc này bao gồm hạn chế thương mại, đầu tư, viện trợ Phát triển, và phong tỏa tín dụng, đẩy Việt Nam vào vòng xoáy đói nghèo, lạc hậu. Chúng ta bị gạt ra khỏi các thể chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ngay cả các nước ASEAN cũng thể hiện sự lo ngại và hợp tác với các cường quốc để đối phó với Việt Nam trong vấn đề Campuchia.
Tuy nhiên, Việt Nam không hề đơn độc! Giữa vòng vây cô lập, đất nước vẫn nhận được sự đồng hành, giúp đỡ chí tình từ nhiều quốc gia bạn bè trên thế giới, thể hiện tình đoàn kết quốc tế và ý chí vươn lên mãnh liệt của dân tộc.
Việt Nam – Lào – Campuchia: Mối quan hệ gắn bó keo sơn được củng cố qua Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (tháng 7/1977). Với Campuchia, Việt Nam đã cử lực lượng quân tình nguyện lớn và hỗ trợ tái thiết sau khi lật đổ chế độ Pol Pot.
Liên Xô và Đông Âu là mối quan hệ cung cấp nguồn lực sống còn cho Việt Nam. Liên Xô viện trợ hàng tỷ USD mỗi năm, giúp Việt Nam xây dựng các công trình trọng điểm mang tính biểu tượng như Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Trị An, Cầu Thăng Long, Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn. Các nước Đông Âu cũng đóng góp vào công nghiệp nhẹ và y tế. Sự hỗ trợ này giúp Việt Nam khôi phục sản xuất, xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân lực và đảm bảo quốc phòng trong giai đoạn gian khó nhất. Ngày 19/6/1981, Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam và Liên Xô về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt-Xô đã được ký kết. Đây là một quyết định có tầm nhìn chiến lược, đặt nền móng và góp phần quyết định sự phát triển của ngành dầu khí nước ta. Từ đó, Vietsovpetro đã trở thành biểu tượng hợp tác kinh tế quan trọng. Vào ngày 26/6/1986, Vietsovpetro đã khai thác tấn dầu thô đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành năng lượng Việt Nam.
Dù cũng đối mặt cấm vận, Cuba vẫn kiên định viện trợ, giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình như Khách sạn Thắng Lợi, Trại bò giống Ba Vì, Bệnh viện Việt Nam-Cuba (Đồng Hới). Tình cảm chân thành ấy được gói gọn trong câu nói bất hủ của Chủ tịch Fidel Castro: "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu mình".
Ngày 26/8/1976, tại Hội nghị cấp cao Không liên kết lần thứ 5 ở Colombo (Sri Lanka), Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Phong trào. Sự kiện này là một bước đi chiến lược quan trọng, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam, không tham gia vào bất kỳ khối quân sự nào trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh. Phong trào không liên kết là một diễn đàn lý tưởng để Việt Nam thể hiện chính sách "đa phương hóa, đa dạng hóa" quan hệ quốc tế, không phụ thuộc hoàn toàn vào một khối hay một cường quốc nào. Trong giai đoạn bị cấm vận và đối mặt với sự lên án từ một số nước về vấn đề Campuchia, Phong trào không liên kết giúp Việt Nam tập hợp lực lượng, tìm kiếm sự đồng cảm và ủng hộ chính trị từ các quốc gia cùng cảnh ngộ (đa số là các nước đang phát triển từng là thuộc địa). Các thành viên Phong trào không liên kết đã thể hiện sự ủng hộ chính trị kiên định đối với Việt Nam.
Ấn Độ là quốc gia thể hiện sự ủng hộ chính trị kiên định, đặc biệt trong vấn đề Campuchia. Với vai trò quan trọng trong Phong trào Không liên kết, Ấn Độ đã giúp Việt Nam tập hợp lực lượng và giảm bớt áp lực cô lập. Về kinh tế, Ấn Độ cung cấp 300.000 tấn lúa mì viện trợ khẩn cấp, giúp Việt Nam giải quyết vấn đề an ninh lương thực. Đặc biệt, Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tư sớm nhất vào Việt Nam sau năm 1975, thể hiện niềm tin vào tiềm năng của Việt Nam dù đang bị cấm vận.
Một sự kiện ngoại giao quan trọng đã diễn ra vào ngày 20/9/1977: Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc, trở thành quốc gia thành viên thứ 149 của tổ chức lớn nhất hành tinh này. Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ, từ một nước cần sự hỗ trợ để tái thiết, đến nay đã trở thành đối tác ngày càng tích cực, chủ động, đóng góp thực chất vào các hoạt động của Liên Hợp Quốc.
Ở khu vực Mỹ Latinh và Châu Phi, nhiều quốc gia vừa giành độc lập như Nicaragua, Angola đã thể hiện sự ủng hộ chính trị này là vô cùng quan trọng, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ sự cô lập. Ở Trung Đông, Iraq cung cấp dầu mỏ dưới dạng vay nợ vào thời điểm Việt Nam thiếu thốn năng lượng trầm trọng.
Đặc biệt nhiều quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan đã dành hàng trăm triệu đô la Mỹ viện trợ không hoàn lại (tới 91% tổng viện trợ) từ năm 1975 đến 1978, góp phần quan trọng khắc phục hậu quả chiến tranh.
Bước ngoặt “Đổi mới” lịch sử và ánh sáng Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chính những khó khăn chồng chất về kinh tế - xã hội, sự bế tắc của mô hình kế hoạch hóa tập trung, Đảng ta đã thẳng thắn đề ra con đường “Đổi mới” Đất nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982 có ý nghĩa quan trọng trong quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội này đã phản ánh những tư duy đổi mới của Đảng đang được hình thành, báo hiệu một sự chuyển mình lớn lao. Sự thay đổi tư duy này cuối cùng đã dẫn đến quyết định Đổi mới vĩ đại tại Đại hội Đảng lần thứ VI vào tháng 12/1986.
Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn này, tư tưởng Hồ Chí Minh đã không ngừng được soi rọi và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, trở thành kim chỉ nam định hướng cho đường lối Đổi mới:
Thấm nhuần tinh thần "lấy dân làm gốc", "vì dân": Khi nền kinh tế bao cấp khiến đời sống nhân dân kiệt quệ, Đảng đã nhìn nhận lại, đối chiếu với tư tưởng "cơm no áo ấm" cho nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quyết định Đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, cùng các chính sách như Khoán 100, Khoán 10 trong nông nghiệp, chính là sự vận dụng sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng sức lao động, phát huy quyền làm chủ và sự sáng tạo của nhân dân, nhằm nâng cao đời sống cho người dân.
Tôn trọng thực tiễn, không giáo điều: Tư tưởng "thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý" của Hồ Chí Minh đã được vận dụng mạnh mẽ. Những sai lầm trong mô hình bao cấp đã buộc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá khách quan tình hình để tìm ra con đường đúng đắn, dũng cảm từ bỏ những quan niệm cũ không còn phù hợp.
Phát triển tư tưởng đối ngoại "Độc lập – Tự chủ" và "Thêm bạn bớt thù": Việc nhận ra sự phụ thuộc quá mức vào Liên Xô và những hệ quả tiêu cực đã dẫn đến sự phát triển tư duy đối ngoại Hồ Chí Minh. Đại hội VI khẳng định đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, sẵn sàng "làm bạn với tất cả các nước" trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Đây là sự vận dụng sáng tạo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu và linh hoạt trong quan hệ với các cường quốc, tránh đối đầu không cần thiết.
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại: Nhận thức rõ xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Đại hội VI đã khẳng định cần tranh thủ tối đa các yếu tố thuận lợi từ bên ngoài (vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý) để phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, đúng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc kết hợp nội lực và ngoại lực.
Thập kỷ 1976-1986 là một thập kỷ đầy cam go và thử thách, nhưng cũng là giai đoạn mà Việt Nam đã kiên cường vượt qua khó khăn, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, đồng thời thể hiện bản lĩnh và trí tuệ để tìm ra con đường phát triển phù hợp. Những chủ trương Đổi mới táo bạo tại Đại hội VI năm 1986 không chỉ là lời giải cho những bế tắc của giai đoạn trước, mà còn là ánh sáng soi đường, đặt nền móng vững chắc cho những thành tựu rực rỡ của Việt Nam trong những thập kỷ tiếp theo. Những kinh nghiệm quý báu từ giai đoạn này, đặc biệt là việc liên tục soi chiếu và vận dụng linh hoạt tư tưởng Hồ Chí Minh vào từng hoàn cảnh cụ thể, tiếp tục được vận dụng và phát huy hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.