TS. Nguyễn Văn Bộ: Bàn về xu hướng Nông nghiệp tuần hoàn

Nongthonvaphattrien - Khái niệm về kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) được nêu ra từ cuối những năm 1970s bởi Ellen MacArthur Foundation. Tuy nhiên, định nghĩa đầy đủ có thể coi là của Geissdoerfer Martin và cộng sự (2016) như sau: Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống tái sinh mà trong đó tài nguyên đầu vào và chất thải, khí thải, năng lượng thất thoát được giảm tối đa bởi quá trình làm chậm lại, kết thúc và hạn chế nguyên vật liệu, năng lượng của vòng tròn sản xuất. Quá trình này có thể đạt được thông qua thiết kế và duy trì lâu dài các hoạt động: Sửa chữa (Repair), Tái sử dụng (Reuse), Tái sản xuất (Remanufacturing) Tân trang (Refurbishment), và Tái chế (Recycling).

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Kinh tế tuần hoàn được cho là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, nhằm tạo ra các vòng khép kín cho tài nguyên sử dụng trong hệ thống kinh tế nhằm giảm đến mức tối thiểu khối lượng tài nguyên sử dụng đầu vào và phế thải tạo ra, hạn chế ở mức cao nhất ô nhiễm môi trường và khí thải. Khác với định nghĩa của Geissdoerfer Martin, các hệ thống tuần hoàn được cho là có 6 hoạt động (6R), thêm hoạt động chia sẻ (Sharing), tức là có thể cùng sử dụng sản phẩm khi nhàn rỗi hoặc dư thừa. Trong nông nghiệp, theo chúng tôi chỉ là 3 hoạt động chính trong vòng tròn sản xuất tuần hoàn là: Tái sử dụng, Tái sản xuất và Tái chế.

nong1-1650758545.jpg
TS. Nguyễn Văn Bộ: Bàn về xu hướng Nông nghiệp tuần hoàn

Mục đích của kinh tế tuần hoàn là nhằm kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, nhằm gia tăng giá trị. Nguyên tắc cơ bản của kinh tế tuần hoằn là: Tất cả các "phế thải" của quá trình sản xuất đều được coi như nguyên vật liệu của các quy trình sản xuất sản phẩm khác. Cách tiếp cận này là đối lập với kinh tế tuyến tính (linear economy), trong đó thâm canh (tăng đầu tư) là yếu tố quan trọng nhất và tài nguyên chỉ di chuyển một chiều, từ khai thác, sản xuất, sử dụng và loại bỏ sau đó như chất thải, dẫn đến việc lãng phí tài nguyên và tạo ra một lượng phế thải khổng lồ.

Nông nghiệp tuần hoàn (circular agriculture) hay khái niệm về tuần hoàn trong hệ thống nông nghiệp (circular food system) bắt nguồn từ sinh thái công nghiệp (Jurgilevich và cộng sự 2016); mục tiêu là để hạn chế sử dụng tài nguyên và giảm phát thải nhà kính vào môi trường bằng việc tổ chức sản xuất theo vòng tuần hoàn khép kín. 

Với khái niệm nêu trên có thể nói Nông nghiệp tuần hoàn đã tồn tại hàng ngàn ở Việt Nam trong các hệ thống canh tác: Vườn-Ao-Chuồng; xen canh, gối vụ. Các hợp phần cấu thành của vòng tròn sản xuất nông nghiệp tuần hoàn hiện nay đang được khai thác và ứng dụng, tuy nhiên chưa hiệu qủa như mong muốn, nên tiềm năng còn rất lớn. Có thể phân loại các yếu tố trong hệ thống sản xuất tuần hoàn nông nghiệp bao gồm:

Thứ nhất, tuần hoàn chất hữu cơ 

Chất hữu cơ là yếu tố cấu thành quan trọng nhất của độ phì nhiêu đất. Không có chất hữu cơ, không thể gọi là đất. Chất hữu cơ cũng là nguồn các bon để cây trồng quang hợp, tạo năng suất, do vậy cân bằng hữu cơ có vai trò đặc biệt.

Chất hữu cơ trong đất bao gồm các sản phẩm phân giải ở mức độ khác nhau của các vật liệu hữu cơ từ cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật. Chất hữu cơ luôn luôn chịu tác động của hai quá trình xảy ra đồng thời là quá trình mùn hóa (tạo nên các hợp chất mùn cao phân tử) và quá trình khoáng hóa. Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm như ở Việt Nam (nhiệt độ cao và lượng mưa lớn) thì quá trình khoáng hóa là chủ đạo, chiếm ưu thế, trong khi ở vùng ôn đới (nhiệt độ và độ ẩm thấp) thì quá trình mùn hóa lại chiếm ưu thế. Do vậy, việc ổn định được hàm lượng chất hữu cơ trong đất là nhiệm vụ hàng đầu của các nhà thổ nhưỡng. Chất hữu cơ đất quan trọng, bởi nhờ có chúng mà độ phì nhiêu đất được hình thành. Vai trò của chất hữu cơ trong đất thể hiện ở các khía cạnh sau: 

i)    Cải thiện tính chất vật lý-nước của đất, tăng khả năng giữ nước cho cây trồng, đồng thời, cấu trúc của đất cũng được cải thiện (Bảng 9). 
ii)    Cải thiện dung tích hấp thu của đất (CEC) nên chất dinh dưỡng bón vào không bị rửa trôi, hạn chế mất dinh dưỡng từ phân bón.
iii)    Chất hữu cơ chứa khá nhiều chất dinh dưỡng như đạm, lân, kali, các nguyên tố trung và vi lượng nên khi bị khoáng hóa, sẽ giải phóng các nguyên tố trên cho cây trồng, do vậy có thể nói chất hữu cơ là kho dự trữ dinh dưỡng quan trọng của cây trồng.
iv)    Tạo nền thâm canh, nâng cao hiệu quả sử dụng phân vô cơ.
v)    Tạo môi trường thuận lợi cho hệ vi sinh vật và động vật đất phát triển tạo thành hệ sinh thái đất hoàn thiện.
vi)    Hạn chế mức độ độc hại của Al3+, Fe2+… thông qua quá trình tạo phức với các ion kim loại trên.

Tuy nhiên, cùng với ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, quá trình thâm canh cao, tăng vụ, sử dụng giống mới, lạm dụng phân hóa học… đã dẫn đến suy thoái chất hữu cơ trong đất cả về số lượng và chất lượng. Việc bổ sung chất hữu cơ từ các nguồn phân hữu cơ ngày càng hạn chế. Những cánh đồng lúa, trang trại cà phê, cây công nghiệp, cây ăn quả vốn được bón từ 10-30 tấn phân hữu cơ/năm đã được thay bằng nhiều tấn phân hóa học. Quá thiên lệch về hóa học hóa nông nghiệp còn làm sâu bệnh tăng thêm và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngày một nhiều hơn, nguy cơ ô nhiễm môi trường và suy giảm chất lượng nông sản. Do vậy, việc ổn định chất hữu cơ trong đất đang là bài toán nan giải của sản xuất nông nghiệp bền vững.

Vậy làm thế nào để nâng cao độ phì nhiêu đất thông qua cải thiện lượng và chất của hữu cơ trong đất. Có nhiều giải pháp như vùi phế phụ phẩm, bón phân ủ, phân chuồng, phân xanh. Đây là giải pháp vốn được nông dân sử dụng từ hàng ngàn đời nay. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhất là về nhận thức chưa đúng về vai trò của chất hữu cơ, thay đổi phương thức chăn nuôi sử dụng quá nhiều nước nên không thu được chất thải chăn nuôi. đồng thời tất cả thải ra môi trường, vừa lãng phí nguồn chất hữu cơ lớn vừa làm ô nhiễm môi trường. Số liệu bảng 9 cho thấy, với đàn gia súc hiện nay, nếu tận dụng hết lượng chất thải rắn (63-65 triệu tấn/năm) thì chúng ta hoàn toàn có thể bổ sung cho đất 12-15 triệu tấn chất hữu cơ. Đó là chưa kể lượng lớn chất thải sinh hoạt, phân bồn cầu…Tương tự, hàng năm chúng ta cũng đang lãng phí khoảng 60-65 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp (45-50 triệu tấn rơm rạ, 7-8 triệu tấn trấu; trên 5 triệu tấn thân lá và lõi ngô; 5-6 triệu tấn bã mia; hàng trăm ngàn tấn thân lá các cây họ đậu….). Với hàm lượng các bon tổng số 55% và các bon hữu cơ khoảng 23% trong phụ phẩm trồng trọt (rơm rạ) (Mai Văn Trịnh, 2011), thì hàng năm phụ phẩm trồng trọt cũng có thể cung cấp cho đất khoảng 30-35 triệu tấn các bon tổng số và 11-12 triệu tấn các bon hữu cơ.

Theo điều tra của dự án “Nông nghiệp các bon thấp (LCASP)”, 2013, tại 10 tỉnh của dự án cho thấy có gần 50% rơm rạ bị đốt bỏ, 13,1% vứt bỏ tại ruộng, trong khi chỉ có 8,8%  được sử dụng để ủ phân bón (Bảng 9). Với số lượng rơm rạ này nếu được tái sử dụng thì ngoài chất hữu cơ để tạo nền thâm canh, các chất dinh dưỡng trung và vi lượng khác thì cho cây trồng còn có thể được cung cấp 315-350 ngàn tấn N (tương đương 685-760 ngàn tấn Urea), 100-115 ngàn tấn P205 (tương đương 610-700 ngàn tấn super lân), và 780-870 ngàn tấn  K20/năm (1,29-1,33 triệu tấn KCl). Đó là chưa kể khi hạn chế đốt rơm rạ, chúng ta còn góp phần giảm thiểu phát thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

vien1-1650757972.jpg

Ngoài việc sử dụng phế thải chăn nuôi và phụ phẩm trồng trọt làm phân ủ (compost), còn nhiều công nghệ chuyển hóa chất thải chăn nuôi rất hiệu quả như: Khí sinh học, đệm lót sinh học, nuôi giun quế…Còn trong xử lý phụ phẩm trồng trọt có các công nghệ sản xuất thanh nhiên liệu, than sinh học, tủ gốc…thậm chí vùi ngay tại ruộng với bổ sung chế phâm vi sinh vật. Tất cả các quá trình trên đều hỗ trợ chuyển hóa chất hữu cơ phù hợp hơn để bón cho cây trồng. 

Thứ hai, tuần hoàn chất dinh dưỡng

Có một định luật rất phổ biến trong trồng trọt là “Định luật trả lại”, do nhà hóa học Justus von Liebig (Đức) và Johsep Boussingaut (Pháp) nêu ra vào cuối thế kỷ 19 với nội dung cơ bản là: “Để cho đất khỏi bị kiệt màu, cần trả lại cho đất tất cả những nguyên tố mà cây trồng lấy đi theo sản phẩm thu hoạch”. Định luật này mở đường cho phát triển và sử dụng phân hóa học. 

Chúng ta biết rằng, cây trồng cần 16 nguyên tố dinh dưỡng khoáng, trong đó có 3 nguyên tố đa lượng (N, P, K); 4 nguyên tố trung lượng (Ca, Mg, Si, S); 7 nguyên tố vi lượng (Fe, Mn,  Zn, Cu, B, Mo, Cl). Có 3 nguyên tố dinh dưỡng không phải khoáng là C, H, O được cây trồng lấy từ nước, không khí…Ngoài các nguyên tố dinh dưỡng trên, còn một số nguyên tố đôi khi cần như: Si, Na, Co, V, Ni và thậm chí đất hiếm (chủ yếu là La, Ce). Tuy nhiên, tùy vào loại cây trồng, loại đất mà nhu cầu trả lại các yếu tố dinh dưỡng có khác nhau. 

Hiện tại, việc trả lại các chất dinh dưỡng chủ yếu từ phân bón hóa học. Tuy nhiên, loại phân bón này chỉ có thể cung cấp cho cây trồng chủ yếu là các yếu tố đa lượng, một phần trung lượng, còn hầu hết các yếu tố vi lượng đều không được trả lại. Như vậy, đất sẽ dần mất cân đối với nhiều yếu tố dinh dưỡng, làm chúng thoái hóa dần, Do vậy, việc trả lại tối đa phụ phẩm trồng trọt cho chính những mảnh ruộng gieo trồng chúng sẽ góp phần quan trọng trong việc cân đối dinh dưỡng trong hệ thống đât-cây.

Theo điều tra của Dự án nông nghiệp cacbon thấp tại 10 tỉnh vào năm 2013 thì có tới 62,1% lượng chất thải chăn nuôi bị bỏ đi/thải ra môi trường và chỉ có 10% được sử dụng để ủ phân compost. Điều này liên quan chủ yếu đến công nghệ chăn nuôi lợn thịt sử dụng quá nhiều nước và khan hiếm lao động. Một phần nữa do người dân chưa ý thức được vai trò của phân hữu cơ cũng như quản lý chăn nuôi và chất thải chăn nuôi còn lỏng lẻo. Theo tính toán của chúng tôi, nếu toàn bộ chất thải chăn nuôi của cả nước được thu gom và chế biến thành phân hữu cơ thì chúng ta có thêm lượng dinh dưỡng bổ sung cho cây trồng là 369 ngàn tấn N (tương đương 802 ngàn tấn Urea); 82 ngàn tấn P205 (tương đương 497 ngàn tấn super lân) và 343 ngàn tấn K20 tấn (tương đương 569 ngàn tấn KCl).

Như vậy, khối lượng chất dinh dưỡng có trong rơm rạ và chất thải chăn nuôi nếu được tái sử dụng cho tuần hoàn chất dinh dưỡng thì hàng năm có thể giảm được 1,5 triệu tấn urea; 1,1 triệu tấn super lân và khoảng 1,8 triệu tấn KCl, chưa kể khối lượng lớn chất hữu cơ và các nguyên tố trung, vi lượng hữu ích cho cây trồng. Số lượng này thật có ý nghĩa nếu xem xét đến lượng phân hóa học dùng cho ngành trồng trọt năm 2018 (bảng 10).

Trong hệ thống tuần hoàn trồng trọt – chăn nuôi còn có thể thấy công nghệ khí sinh học (biogas) xứ lý chất thải chăn nuôi vừa làm khí đốt cho sinh hoạt, thắp sáng và phát điện; hay công nghệ đệm lót sinh học, trồng nấm trên nền chất thải trồng trọt, nuôi giun quế trên nền chất thải chăn nuôi…cũng rất hiệu quả và phổ biến.

vien-1650758105.jpg

Trong hệ canh tác tuần hoàn cũng có thể thấy mô hình Vườn – Ao – Chuồng và Vườn – Ao – Chuồng rừng, trong đó, chất thải của chăn nuôi phục vụ trồng trọt, phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản,,,,vòng tròn cứ như vậy khép kín năm này qua năm khác. 

Một số năm gần đây, hệ canh tác lúa – cá, lúa – tôm và tôm – rừng phát triển rộng rãi, quy mô hàng trăm ngàn hecta tại bán đảo Cà Mau. Các hệ canh tác này vừa tuần hoàn xét về mặt dinh dưỡng, lại vừa thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Các hệ thống canh tác nêu trên rất phù hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Thứ ba, tuần hoàn nước

Nước là yếu tố có vai trò quyết định trong sản xuất và đời sông, trong đó có nông nghiệp. Như đã nêu ở phần sản xuất thông minh với tài nguyên, chỉ có dưới 30% lượng nước nội sinh, còn an ninh nguồn nước xếp hạng cuối trong các nước ASEAN (bảng 8), Do vậy ngoài việc tạo nguồn nước rất quan trọng. 

Hiện nay, công nghệ tuần hoàn nước chưa được áp dụng rộng rãi trong nông nghiệp, song với nguồn nước hạn chế nhưng lại đang còn sử dụng còn rất lãng phí. Những công nghệ sản xuất có tuần hoàn nước tuy còn ở quy mô nhỏ song rất tiềm năng như trong canh tác thủy canh, trồng trọt kết hợp chăn nuôi (Aquaponic); chăn nuôi lợn thịt tiết kiệm nước hay nuôi trồng thủy sản công nghệ cao (nhất là nuôi tôm công nghiệp và cá da trơn). Công nghệ tuần hoàn nước được Isarel ứng dụng rất thành công.

Thứ tư, tuần hoàn năng lượng

Năng lượng tái tạo là xu hướng ưu tiên trong phát triển nông nghiệp xanh và bền vững. Riêng trong chăn nuôi, khí sinh học là công nghệ có hiệu quả cao không chỉ trong xử lý chất thải chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường nước, không khí mà còn tại ra nguồn nhiên liệu phục vị sinh hoạt và phát điện. Theo tính toán của Bùi Hữu Đoàn và cộng sự (2021) thì nếu toàn bộ chất thải chăn nuôi trâu bò và lợn được ứng dụng công nghệ khí sinh học thì có thể thu được 7.9 triệu m3 khí sinh học với tỉ lệ khí mê tan (CH4) từ 50-60%. Khí sinh học có thể sử dụng trực tiếp trong đun nấu, sưởi cho gia súc và phát điện. Một m3 khí CH4 khi đốt cháy tỏa ra nhiệt lượng tương đương với 1,3kg than đá; 1,15 lít xăng. Nếu sử dụng để phát điện thì 1 m3 khí sinh học cũng cho ít nhất 1,28kW điện.

Sản xuất điện từ bã mía cũng là công nghệ được ứng dụng khá rộng rãi. Theo hiệp hội Mía Đường Việt Nam, điện sản xuất từ bã mía là nguồn năng lượng tái tạo nhiều tiềm năng. Với công nghệ hiện đại, từ mỗi tấn mía cây có thể sản xuất được 100 kWh điện .
Năng lượng tái tạo còn có thể thu được từ sản xuất các thanh nhiên liệu trên nền trấu, rơm rạ và lõi ngô (chủ yếu là củi trấu) phục vụ sấy nông sản. Nhiều nhà máy chế biến lúa gạo, gần như 100% nguồn năng lượng cho sấy lúa từ trấu của chính khối lượng thóc được xay xát.

Thứ năm, tuần hoàn vật liệu nhựa

Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, do vậy việc sử dụng nhiều vật tư như phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi hay thuốc thú y, màng phủ nông nghiệp… đồng thời cũng thải ra nhiều vỏ bao bì, trong đó chủ yếu là vật liệu nhựa khó phân hủy. Ước tính, với 11 triệu tấn phân hóa học, trên 3 triệu tấn phân hữu cơ, 24 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp, 100 ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật, hàng tỉ túi bầu ươm cây giống, hàng trăm ngàn hecta cây trồng được phủ nilon, hàng vạn hecta nhà màng… thì hàng năm Việt Nam cũng sử dụng hàng trăm ngàn tấn bao bì, màng phủ từ nhựa mà phần lớn không được tái chế, tái sử dụng. 

Trong nông nghiệp, vật liệu nhựa được ứng dụng trong hầu hết các công đoạn của quá trình sản xuất, phổ biến là các loại như PE, HDPE, PP, PVC và PA. Trong đó, nhựa PP được sử dụng để đựng hạt giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, túi bầu trồng cây; nhựa PE sử dụng cho phủ đất, hàng rào chống chuột; nhựa HDPE sử dụng phổ biến cho các chai đựng thuốc BVTV, thuốc thú y; dùng làm bạt phủ trong các hầm khí sinh học quy mô trung bình và lớn; PVC sử dụng cho sản xuất các ống nước trong hệ thống tưới và cấp nước tại các trại chăn nuôi cũng như trong các nhà màng…

Theo điều tra của Viện Môi trường nông nghiệp (2020), trung bình 1 hecta, chỉ tính riêng bao bì nhựa đựng hạt giống, phân bón và thuốc BVTV thì cây lúa sử dụng 5,43 kg (hay 40,56 ngàn tấn/năm); cây ngô: 4,90kg (4.856 tấn/năm); cây lạc: 6,33kg (1.120 tấn/năm). Các cây công nghiệp dài ngày trung bình sử dụng 7,32 kg (16.016 tấn/năm), cây ăn quả trung bình 2,51kg (2.678 tấn/năm). Cây lúa tại một số vùng còn sử dụng 83,3kg/ha màng phủ cho mạ, 343kg/ha màng nylon làm hàng rào chống chuột…Với diện tích nhà màng hiện nay khoảng 8.800 ha, mỗi năm chúng ta cũng sử dụng 11.550 tấn màng phủ (mái che và bao quanh) và với thời gian sử dụng trung bình 3 năm sẽ phát sinh 3.850 tấn chất thải nhựa/năm. 

Do việc sử dụng vật liệu nhựa ngày càng phổ biến và với khối lượng tăng nhanh theo thời gian nên lượng chất thải nhựa không được xử lý mà thải bỏ ra môi trường cũng tăng lên, trong đó phần lớn là đốt bỏ, chôn lấp và thải ra môi trường, trong đó chủ yếu trôi ra biển. Vì lý do đó mà Việt Nam được coi là 1 trong 4 quốc gia ASEAN (cùng với Indonesia, Thailand, Philippines) và Trung Quốc phải chịu trách nhiệm với 60% khối lượng rác thải nhựa đại dương .

Tại Việt Nam, chất thải nhựa phát sinh trong lĩnh vực trồng trọt là lớn nhất và thải ra môi trường với tỉ lệ nhiều nhất. Chất thải nhựa được xử lý với nhiều phương thức khác nhau, song đốt và chôn lấp vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà lưới, nhà màng và hệ thống tưới), 56,7% chất thải nhựa được thu gom để bán, song cũng có đến 40% bị đốt cùng rác thải sinh hoạt. Trong giai đoạn sản xuất (bao bì các loại, màng phủ...), cũng có đến 39,2% chất thải nhựa bị đốt ngay tại ruộng; 17,5% chôn lấp. Tuy nhiên, phần lớn chất thải nhựa trong giai đoạn sau thu hoạch lại được tái sử dụng (85%). Tuy nhiên, vấn đề lớn trong xử lý chất thải nhựa trong trồng trọt chính là bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuộc nhóm độc hại, song vấn đề thu gom chưa đạt kết quả như mong muốn. 

Trong chăn nuôi, tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh hàng năm là 109.413 tấn/năm, trong đó nhiều nhất là bao bì thức ăn (68,4%). Các loại vật liệu nhựa khác thuộc loại khá bền vững, sử dụng được trong thời gian dài và gần như toàn bộ được người dân thu gom, ít phát thải ra môi trường. Tuy nhiên, điểm nóng trong chăn nuôi chính là chất thải nhựa từ các bể khí sinh học, với khoảng 1.423 tấn/năm. Điều tra năm 2020 cho thấy, có đến 68% lượng nhựa trong giai đoạn chuẩn bị chuồng nuôi được bán để tái chế và tái sử dụng, trong khi đó số liệu này của giai đoạn chăn nuôi là 41%. Khối lượng bao thức ăn được tái sử dụng đạt 49.4%. Lượng chất thải nhựa bị đốt từ 8-17%. Nếu không kể lượng chất thải  nhựa là bao bì thuốc thú y và chế phẩm xử lý môi trường bị chôn lấp với tỉ lệ lớn (tương ứng 42 và 32%) thì chất thải nhựa chăn nuôi bị chôn lấp rất ít, chỉ 1-3%

Nhìn thấy nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải nhựa nên chính phủ, các Bộ liên quan ban hành khá nhiều văn bản pháp quy để quản lý rác thải nhựa, tối đa tuần hoàn nguồn vật liệu này. Các văn bản điển hình là: i) Quyết định số 1746/QĐ-TTg, ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; ii) Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020; iii) Chỉ thị 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; iv) Thông tư liên tịch 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT, ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng….
 

---

* Bài viết trong loạt bài của TS. Nguyễn Văn Bộ về chủ đề: "Dự báo xu hướng Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa, Nông nghiệp, Nông thôn giai đoạn 2021 - 2030 và 2045".