Tự hào 70 năm phát triển của ngành Nông nghiệp Hà Nội

Mùa thu này đánh dấu chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội (30/11/1954 – 30/11/2024).

Cùng với nền nông nghiệp cả nước lớn mạnh, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thông (PTNT) Hà Nội tự hào ghi dấu ấn qua từng thời kỳ đổi mới của đất nước. Mỗi giai đoạn một mục tiêu cụ thể khác nhau, nhưng xuyên suốt chặng đường 70 năm, các thế hệ cán bộ và nông dân ngoại thành Hà Nội có lúc chia tách, hợp nhất, đổi tên để đáp ứng yêu cầu của mỗi thời kỳ nhưng ngành Nông nghiệp của Thủ đô đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về nhiều mặt, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô Hà Nội, hướng tới nâng cao giá trị nông nghiệp, đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn. 

Từng bước trở thành vành đai thực phẩm của Thành phố

Sau ngày Thủ đô được tiếp quản (10/10/1954), do bị ảnh hưởng bởi chiến tranh tàn phá nặng nề, nông nghiệp ngoại thành tiêu điều, ruộng đất hoang hóa, sâu bệnh, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi hoành hành, trâu bò ít, sức kéo thiếu, hệ thống thủy lợi hầu như chưa có. Cùng bắt tay vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội hiện nay tiền thân là Sở Canh Nông Hà Nội đã được thành lập theo Nghị định số 10-CN/ND ngày 30/11/1954 của Bộ Canh Nông.

dt2hn2-1730428500.jpg

Ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau tại huyện Thường Tín. Ảnh: Internet.

Sinh thời, Bác Hồ dành sự quan tâm đặc biệt cho nông nghiệp Thủ đô. Người dân Hà Nội và cả nước không bao giờ quên hình ảnh sáng ngày 12/1/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm nông dân Tả Thanh Oai, nay là Hà Nội đang chống hạn. Bác đi thẳng ra cánh đồng Quai Chảo đang bị hạn nặng. Bác xắn quần quá gối, xách đôi dép lốp, đi thăm từng thửa ruộng, từng đợt tát nước. Đến trung tâm cánh đồng Quai Chảo, Bác nói: "Tôi tuy đã xa công việc nhà nông mấy chục năm nay, nhưng tát nước thì vẫn nhớ". Thực sự hoà mình vào đời sống lao động của người nông dân. Tấm lòng của Bác là nguồn cổ vũ lớn lao cho nông dân Tả Thanh Oai và nhân dân Hà Nội chiến thắng thiên tai, giành vụ Đông Xuân thắng lợi.

Nhiệm vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT là hướng dẫn nhân dân trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã được Thành ủy, UBND TP Hà Nội chỉ đạo sát sao với phương châm kết hợp giữa thủy lợi hóa và hợp tác hóa; chỉ đạo bước đầu thí điểm cơ khí hóa nông nghiệp từ những năm 60 của Thế kỷ XX.

Các hệ thống thủy nông, thủy lợi lớn đã được xây dựng dần đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp; nhân dân tích cực khai hoang mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời áp dụng rộng rãi các biện pháp cải tiến kỹ thuật canh tác nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; mở rộng phát triển thêm các ngành nghề nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống. Qua 10 năm tiến hành khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế XHCN và thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), nông nghiệp Thủ đô đã có những bước tiến vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nông nghiệp phát triển theo hướng đa canh và thâm canh, từ trồng cây lương thực là chủ yếu sang trồng cây thực phẩm, cây công nghiệp và phát triển chăn nuôi, thủy sản. Nông nghiệp ngoại thành Hà Nội hình thành 3 vùng chuyên canh: Vùng 1 sản xuất rau và chăn nuôi; Vùng 2 sản xuất cây công nghiệp, rau, đậu thực phẩm và chăn nuôi; Vùng 3 sản xuất lương thực và chăn nuôi, từng bước trở thành vành đai thực phẩm của Thành phố.

Trong giai đoạn 1965-1975, Ngành Nông nghiệp Hà Nội vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất vừa thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Thủ đô góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ở Miền Bắc, giải phòng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp được củng cố thông qua cuộc vận động cải tiến quản lý HTX, đưa lên HTX bậc cao; thực hiện “3 xây, 3 chống” trong các cơ sở nông, lâm, ngư nghiệp. Năng suất lúa đạt trên ngưỡng 5 tấn/ha/năm, tổng Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 1975 đạt 90.907 triệu đồng, tăng 19,3% so với năm 1965.

Đất nước hòa bình thống nhất, cả nước đi lên CNXH, ngành nông nghiệp Hà Nội cùng nhân dân Thủ đô chung tay tái thiết đất nước, ổn định cuộc sống cho người di tản trở về địa bàn sinh sống… Thực hiện chủ trương của Thành ủy Hà Nội, Ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, cải tiến một bước quản lý nông nghiệp theo Chỉ thị của Trung ương, kiện toàn bộ máy HTX, củng cố, sắp xếp lại lao động; quy hoạch phân vùng sản xuất. Hệ thống doanh nghiệp với 40 đơn vị trực thuộc được tăng cường và củng cố đã thực sự giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất. Các nông trường trạm, trại hàng năm đã cung cấp sản lượng hàng ngàn tấn thịt lợn, gà công nghiệp, trứng, cá, và hàng trăm tấn sữa bò theo kế hoạch, chỉ đạo của thành phố. Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã - doanh nghiệp là một điểm nhấn quan trọng của Nông nghiệp Thủ đô, tạo tiền đề tất yếu cho sự đổi mới và phát triển sau này.

dt2b-nong-nghiep-1730430886.jpg

Đường làng quê xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Internet.

Thực hiện Chỉ thị số 100 CT/TW ngày 13/01/1981 của Ban Bí thư TW đảng về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm cho nhóm lao động và người lao động trong HTX nông nghiệp” (khoán 100) và Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 05/4/1988 về “Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp (khoán 10)”;  thực hiện cơ chế khoán sản phẩm đến hộ nông dân là khâu đột phá trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý, quan hệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và nguyện vọng của nông dân, tạo ra động lực mới thúc đẩy mạnh mẽ nông nghiệp phát triển, làm biến đổi sâu sắc nền nông nghiệp Thủ đô và kinh tế-xã hội ngoại thành Hà Nội. Sản lượng lương thực quy thóc đạt 52,9 vạn tấn (năm 1989), sản xuất vụ đông đạt 45% diện tích canh tác.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng với Thủ đô thực hiện công cuộc đổi mới, chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Trong những năm này cơ cấu tổ chức của Sở cũng được thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế. Sở Lâm nghiệp được hợp nhất với Sở Nông nghiệp thành Sở Nông lâm nghiệp. Và đến năm 1996, Sở Thủy lợi hợp nhất với Sở Nông lâm nghiệp thành Sở Nông nghiệp & PTNT. Thời kỳ này, Nông nghiệp của Hà Nội được định hướng phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 10: “Nông nghiệp Hà Nội phải được xây dựng thành một vùng nông nghiệp tiên tiến, một vành đai thực phẩm cung cấp rau xanh, hoa quả, thịt, cá, trứng, một số cây công nghiệp xuất khẩu…Đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo ra nông sản hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu”. Với định hướng đó, ngành Nông nghiệp & PTNT đã xác định mục tiêu: Xây dựng nền nông nghiệp đô thị sinh thái, phát huy tiềm năng, lợi thế nông nghiệp Thủ đô, cùng hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sạch - nông nghiệp sinh thái.

Tháng 8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc Hội, tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được hợp nhất về Hà Nội. Thành phố có diện tích tự nhiên là 332.452,4 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… là trên 188.600 ha, chiếm gần 57% tổng diện tích; có 30 đơn vị hành chính (12 quận, 01 thị xã và 17 huyện) với dân số trên 7,2 triệu người, trong đó dân số ở khu vực nông thôn là 4,11 triệu người, chiếm 57% dân số toàn thành phố…

Được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, sự phối hợp của các sở ban ngành, quận, huyện, thị xã, cùng sự đồng thuận của nhân dân, giá trị sản xuất nông nghiệp Thủ đô liên tục tăng, vượt chỉ tiêu hàng năm, tạo đà mạnh mẽ để tiếp tục tái cơ cấu ngành, mở rộng quy mô phát triển nông nghiệp Thủ đô.  Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt khoảng 300.000 ha; trong đó diện tích lúa cả năm đạt trên 203.000 ha; năng suất bình quân đạt 58,80 tạ/ha; sản lượng bình quân xấp xỉ 1,2 triệu tấn/năm, chiếm 2,75% sản lượng lúa toàn quốc; Diện tích ngô cả năm bình quân đạt trên 20.000 ha, sản lượng bình quân xấp xỉ 100.000 tấn/năm; tổng diện tích rau, đậu thực phẩm các loại gần 30.000 ha, sản lượng xấp xỉ 600.000 tấn/năm; diện tích cây đậu tương đông hàng năm bình quân đạt khoảng 20.000 ha, sản lượng bình quân khoảng 30.000 tấn/năm... Chăn nuôi  có trên 1,4 triệu con lợn; trên 166.000 con trâu, bò (trong đó Bò sữa trên 13.500 con); trên 24,5 triệu con gia cầm (trong đó đàn gà 16,5 triệu con, vịt, ngan ngỗng 5,7 triệu con). Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 396.000 tấn/năm; sản lượng sữa tươi đạt 29 nghìn tấn/năm; sản lượng trứng các loại đạt trên 1 tỷ quả/năm; nuôi trồng thuỷ sản với diện tích 21.000 ha, sản lượng cá đạt 76.000 tấn.

Nông nghiệp Thủ đô bước đầu đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hoá tập trung với năng suất và giá trị thu nhập cao như vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng cam canh, bưởi diễn, vùng chăn nuôi gia cầm, bò thịt, bò sữa tập trung tại các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Ba Vì, Thanh Trì, Mê Linh…. Nhiều hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, các loại hình dịch vụ nông nghiệp, thương mại, vận tải... phát triển mạnh ở các huyện, thị xã đã góp phần tích cực thúc đẩy các hoạt động kinh tế khu vực nông thôn. Các công trình thủy lợi, đê điều, kè chống sạt lở bờ sông Đà, sông Hồng, sông Đáy, sông Bùi được đầu tư cải tạo nâng cấp ... Bộ mặt nông thôn thay đổi, để từ đó đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Đề án xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội. Tính đến hết năm 2013 trên địa bàn Thành phố có 19/19 huyện, thị xã phê duyệt đề án xây dựng NTM cấp huyện, 100% số xã phê duyệt quy hoạch và đề án xây dựng NTM. Trong đó đã có 50 xã đạt chuẩn Nông thôn mới được Thành phố công nhận; 153 xã đạt và cơ bản đạt từ 14-18 tiêu chí; 148 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 -13 tiêu chí; 50 xã đạt và cơ bản đạt từ  5 - 9 tiêu chí.

Hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông nông thôn, điện, nước sạch được quan tâm đầu tư. 100% số thôn, xã có điện sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt; Các đường liên xã được nâng cấp, đường liên thôn và đường làng phần lớn được bê tông hóa; 100% số xã có trạm y tế (trong đó 77,6% trạm y tế xã có bác sỹ). Hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực nông thôn. Công trình nhà văn hoá, sân vận động thể thao ở nhiều nơi được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Công tác vệ sinh môi trường bước đầu đã được quan tâm đầu tư, tỷ lệ xã, thôn được thu gom rác thải trên địa bàn thành phố đạt trên 74%. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 8,2 triệu đồng/năm ở năm 2008 lên trên 21,3 triệu đồng ở năm 2012 và  năm 2013 đã đạt 23,7 triệu đồng/người/năm. Nông thôn không còn nhà dột nát, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm trên 1% (năm 2008 là 9,27%, năm 2013 còn 5,1%...). Tỷ lệ số dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt trên 94%, trong đó có 37,5% số dân được sử dụng nước sạch; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt khoảng 42%; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao. Trên 90% số hộ gia đình có vô tuyến truyền hình; trên 95% số xã và 30% số thôn có máy tính kết nối Internet; 70% số hộ có điện thoại ...

Phát triển nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

Hà Nội hiện có 996 HTX nông nghiệp; 1.291 trang trại các loại; 1.350 làng nghề và làng có nghề (trong đó có 286 làng nghề đã được UBND Thành phố công nhận). Hoạt động của các HTX, các làng nghề và các trang trại đã thu hút được một lực lượng lao động đáng kể từ khu vực nông thôn tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú như: Hàng dệt may, đồ gỗ, nông sản chế biến... góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hoá cao. Tạo nên các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; tạo ra nhiều sản phẩm nông sản hàng hoá chất lượng cao cho thị trường và cho xã hội. Quan hệ hợp tác phát triển kinh tế trong nông thôn ngày càng được mở rộng. Nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp làm ăn có hiệu quả, các loại hình dịch vụ về xây dựng, vận tải, thương mại… phát triển đều khắp các vùng góp phần thúc đẩy và làm sôi động các hoạt động kinh tế khu vực nông thôn. Công tác hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp nông thôn được chú trọng, như Chương trình Hợp tác 3 bên Việt Nam, Nhật Bản Mozampic, trong đó Việt Nam hỗ trợ về chuyên gia kỹ thuật; Công tác hợp tác liên kết với các tỉnh trong cả nước Nông nghiệp Hà Nội được đánh giá cao. Đến năm 2014, Hà Nội đã hợp tác xúc tiến thương mại với 25 tỉnh, thành phố trong cả nước về các lĩnh vực trong nông nghiệp và nông thôn. Hàng năm ngành đã tổ chức và tham gia nhiều Hội chợ tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn Hà Nội đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nông dân, làm cơ sở ổn định và phát triển kinh tế - xã hội thủ đô. Đồng thời, những thành tựu này đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nổi bật là những thành tựu trong việc giải quyết vấn đề an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo, xuất khẩu nông sản với một số mặt hàng có vị thế cao trên thị trường quốc tế.

Nhằm tạo động lực phát triển cho nông nghiệp, nông thôn xứng với tầm vóc mới, trong 3 kỳ Đại hội của Thành phố, Thành uỷ Hà Nội đều có Chương trình riêng về lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ở nhiệm kỳ 2011 - 2015 và 2016 - 2020, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 2 chương trình công tác trọng tâm toàn khóa và đều lấy tên là Chương trình số 02 với nội dung trọng tâm về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân. Giai đoạn 2021 - 2025, Thành ủy tiếp tục ban hành Chương trình số 04 về Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Sở đã tham mưu UBND thành phố đưa 13 nội dung liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp vào trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Quyết liệt tham mưu ban hành các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và PTNT. Trong đó có Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND, ngày 4/7/2023, về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp; Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND, ngày 6/12/2023 về việc quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân Thành phố; Nghị quyết số 33/NQ-HĐND, ngày 6/12/2023 Thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025; ….Đây là 3 trong số 6 Nghị quyết quan trọng mà Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND thành phố và đã được HĐND Thành phố ban hành trong năm 2023 đã cho thấy sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND, cùng sự quyết tâm vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương và sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; đẩy mạnh phát triển sản xuất cây, con giống; phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái thông minh, gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn…

Không bằng lòng với những kết quả đã đạt được, tiếp tục trở thành trụ đỡ cho phát triển kinh tế, Nông nghiệp Hà Nội đang hướng tới mục tiêu chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; phát triển nền nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến và chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm,... Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn trở thành những miền quê đáng sống, sáng, xanh, sạch, đẹp, an ninh trật tự được đảm bảo, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại. Đồng thời, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống và vai trò chủ thể của người dân nông thôn.

Tái cơ cấu nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, trên tất cả các lĩnh vực và gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Từ chỗ giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2008 chỉ đạt hơn 7.000 tỷ đồng thì năm 2023 đã đạt trên 59.000 tỷ đồng (theo giá thực tế) (cao hơn 8 lần so với năm 2008, đứng top đầu so với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng). Giá trị sản xuất trên 01 ha đất canh tác (giá thực tế) ước đạt 250 triệu đồng/ha (năm 2008 đạt 87,9 triệu đồng). Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân hàng năm 3,03%, vượt so chỉ tiêu kế hoạch Thành phố giao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 tăng hơn 7 lần so với năm 2008, nhiều địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao, điển hình như huyện Thạch Thất đạt 100 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức 78 triệu đồng/người/năm, Đan Phượng: 78 triệu đồng/người/năm,...Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chiếm 0,03%, trong đó có 7/18 huyện, thị xã không có hộ nghèo.

Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã hình thành gần 400 vùng sản xuất chuyên canh tập trung, 159 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 46% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố. Sản phẩm nông sản và làng nghề Hà Nội ngày càng khẳng định thương hiệu, gia tăng về giá trị, chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước. Năm 2023, xuất khẩu nông sản của Hà Nội vượt ngưỡng 1 tỷ đô (đạt 1 tỷ 075 triệu đô, tăng 123%). Giá trị sản xuất làng nghề đạt khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD, giá trị kim ngạch xuất khẩu của các làng nghề đạt khoảng 200 triệu USD/năm. Các sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ và nông sản chế biến của thành phố đã xuất khẩu trên 40 Quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện trên địa bàn thành phố có trên 250 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông sản.

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) Hà Nội được lan toả, nhiều địa phương đang hướng tới xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, được đánh giá là điểm sáng của cả nước và là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của thành phố trong năm 2023. Đến nay 18/18 huyện, thị xã đã được Thủ tướng chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành trước 01 năm mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới. Thành phố đã có 188/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 49,2% tổng số xã toàn thành phố, vượt mục tiêu Chương trình số 04 đề ra là: Đến năm 2025 có ít nhất 40% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hoàn thành mục tiêu thành phố nông thôn mới khi 4 huyện là Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức và Thanh Trì đã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Giữa khu vực ngoại thành với trung tâm thành phố ngày càng thu hẹp khoảng cách về vật chất và tinh thần thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, các thiết chế văn hoá, cơ sở giáo dục được quan tâm đầu tư... Đa số hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Hiện nay, hầu hết thôn, làng khu vực ngoại thành đều có nhà văn hóa riêng - nơi diễn ra hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao. Nhiều địa phương phát động phong trào sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn với nhiều tuyến đường cây, đường hoa, bích họa... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, khẳng định vai trò chủ thể của người nông dân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Ngành nông nghiệp của Thủ đô tiếp tục phấn đấu trở thành hình mẫu của cả nước về phát triển nông nghiệp gắn với đô thị hóa nông thôn, trong đó khâu đột phá là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất, phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, song hành với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Những thành tựu đạt được là kết quả của việc thay đổi phương thức mạnh mẽ, hóa giải những nút thắt, đẩy mạnh tái cơ cấu để ngành Nông nghiệp và PTNT Thủ đô hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu theo Nghị quyết các kỳ  Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội và tiếp tục định hướng phát triển nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, dần trở thành miền quê đáng sống, góp phần xây dựng nền văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Thành tích nổi bật của ngành nông nghiệp Hà Nội trong năm 2023

1. Công tác tham mưu, cải cách hành chính: kịp thời, chất lượng, có tính chiến lược. Trong đó, tham mưu UBND trình HĐND Thành phố ban hành 6 Nghị quyết liên quan đến nông nghiệp và PTNT

2. 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hoàn thành trước 1 năm mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới và đây là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thành phố trong năm 2023

3. Dẫn đầu cả nước về số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP. Luỹ kế đến hết năm 2023 đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm

4. Đời sống người dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 tăng hơn 7 lần so với năm 2008

5. Tốc độ tăng trưởng đạt mức cao, tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2022

6. Xuất khẩu nông sản vượt ngưỡng 1 tỷ đô, tăng 123%.

Năm 2024, ngành Nông nghiệp thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt từ 2,5% đến 3%.