Vài cảm nghĩ Thơ trào phúng tuyển chọn “Ngược dòng thế sự 3” của Nghiêm Thanh

Về nghỉ hưu rồi, tôi cùng đồng nghiệp Nghiêm Thanh, cựu Phó trưởng Ban Văn hóa, Văn nghệ Báo Nhân Dân mới quen biết, thân thiết, quý mến nhau. Đồng nghiệp Nghiêm Thanh nay bước sang tuổi 84, hơn tôi 9 tuổi, xét về tuổi tác là liền anh nên tôi thường goi là bác Nghiêm Thanh để tỏ lòng kính trọng.

img-20240720-222527-burst03-1721526518.jpg

Lưu bút tặng sách của tác giả Nghiêm Thanh.

 

Bác Nghiêm Thanh quê gốc ở Hải Dương, sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng từng trải qua quân ngũ rồi mới vào giảng đường Đại học. Dù hơn tuổi như vậy nhưng bác Nghiêm Thanh cùng tôi đều tốt nghiệp Đại học cùng khóa 13 (1968 -1972) Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) nhưng ở hai khoa khác nhau. Bác Nghiêm Thanh tốt nghiệp Khoa Văn, còn tôi tốt nghiệp Lịch Sử.

Tôi đã về hưu sang năm thứ 14, còn Bác Nghiêm Thanh đã về hưu 15 năm tiếp tục theo mạch sáng tác thơ, tản văn, phê bình, tiểu luân từ năm 2016 đến nay đã xuất bản 7 đầu sách mà nổi trội hơn cả là 3 tập thơ trào lộng, trào phúng với tựa đề “Ngược dòng thế sự”, trong đó NGƯỢC DÒNG THẾ SỰ 3 là tập thơ trào phúng tuyển chọn từ 2 tập trước là trào lộng và có thêm một số bài sáng tác gần đây do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2024. Mỗi khi xuất bản được sách, chúng tôi đều tặng, hàn huyện về nghề viết lách, động viên lẫn nhau hạn chế “sức ỳ”, lấy đó là niềm vui khi tuổi ngày cao, sức khỏe theo quy luật ngày càng giảm sút.

Tập thơ trào phúng NGƯỢC DÒNG THẾ SỰ 3 vừa in xong còn thơm mùi mực, bác Nghiêm Thanh liền gọi ĐT mời đến nhà ở phố Huỳnh Thúc Kháng - Hà Nội uống trà để hàn huyên, tặng sách mới. Sách khổ 14,5 x 20,5 Cm dày 343 trang, Bìa và tranh minh họa do Họa sĩ Đức Bảo, nguyên Trưởng phòng Mỹ thuật Báo Nhân dân trình bày rất bắt mắt. Ngoài bài “Thay lời tựa – Khơi thông dòng chảy thơ Trào phúng”, nội dung sách gồm 2 phần: Phần I – Thơ châm biếm là phần chủ lực gồm 210 bài. Phần II – Thơ trào lộng gồm 53 bài. Cuối sách, tác giả dành 15 trang tóm tắt lời bình trên facebook khi ra mắt bạn đọc NGƯỢC DÒNG THẾ SỰ TẬP 2 do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2022 cùng bài “Đôi điều về Ngược dòng thế sự” của tác giả và một số bài giới thiệu về quyển sách NGƯỢC DÒNG THẾ SỰ 2.

Nói đến Thơ trước tiên phải là sự rung động của trái tim. Nhà thơ Tố Hữu nhận định: “Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn”. Thật vậy, thơ là tiếng lòng, thể hiện tâm tư tình cảm của con người, là phương thức để thi nhân bộc lộ thế giới nội tâm, còn người đọc thì cảm nhận và tìm thấy mình trong đó. Bước vào thế giới của thơ ca là đắm chìm trong những câu chữ, những dòng xúc cảm bồng bềnh chứa chan. Bởi thế, người ta yêu cái đẹp và cũng yêu những vần thơ hay.

Thế nhưng đối với thể thơ trào phúng đạt được những ý tưởng nêu trên khó hơn rất nhiều so với sáng tác những thể thơ khác. Bởi nó là một thể thơ sử dụng thủ pháp trào phúng, dùng tiếng cười để xây dựng tư tưởng, tình cảm cho con người, chống lại cái xấu xa, lạc hậu, thoái hóa, rởm đời, hoặc để đả kích, vạch mặt kẻ thù, đánh vào những tư tưởng, hành động mang bản chất thù địch với con người. Vạch mâu thuẫn của sự vật - mâu thuẫn giữa cái bên ngoài và cái thực chất bên trong - để làm cho người đọc nhận thấy sự mỉa mai, trào lộng của sự vật là cách làm chủ yếu của thơ trào phúng; cho nên thơ trào phúng thường sử dụng lối nói phóng đại, so sánh, chơi chữ dí dỏm hay lời nói mát mẻ sâu cay.

Chính vì khó như vậy, các tác giả viết về thể thơ trào phúng gần đây ít dần đi. Trong bài “Thay lời tựa”, tác giả Nghiêm Thanh đã than thở: “ Đáng tiếc là những năm gần đây, dường như chững lại. Mặt báo thưa dần, hầu như vắng bóng những bài thơ “chữa bệnh”, phá vở những ung nhọt của những thói tật thâm căn cố đế, những biến thái của tiêu cực, những sự tham ô, nhận và đưa hối lộ, những thủ đoạn tiến thân, những mánh khóe buôn lậu, lừa đảo, kéo bè kéo cánh chia chác lợi ích bất chính, thói quan liêu, hống hách, những hiện tượng tréo ngoe trái luân thường, đạo lý, đi ngược những giá trị thuần phong mỹ tục của dân tộc.” (tr 9).

Tuyển tập thơ trào phúng NGƯỢC DÒNG THẾ SỰ 3 của Nghiêm Thanh đề cập nhiều chiều, nhiều khía cạnh những mặt trái của đời sống xã hội như những hủ tục đồi bại, lạc hậu; những ngộ nhận, lầm lẫn, sùng bái vô lối, tệ nạn mê tin, dị đoan, nhũng nhiễu, tham ô, lãng phí; những thói tật cố hữu ích kỷ tham lam, gian dối, kéo bè, kéo cánh, cục bộ, địa phương, quan liêu, lộng hành, hách dịch…Tác giả Nghiêm Thanh tỏ ra tỉnh táo, xét đoán khách quan với giọng thơ trào phúng, trào lộng nhẹ nhàng không hằn học, phỉ báng mà chân thành theo phương châm “chống để xây” và “xây để chống”. Trong bài “U mê” (tr 9), tác giả cảnh báo:

Lạ kỳ - soạn sách giáo khoa
Lại dùng xảo ngữ nhập nhòa trắng đen
...
Phải vì tâm trí quẳng đâu
Mà đưa ngọn bút lộn đầu viết sai.

Tác giả thẳng thắn phê phán thói nịnh bợ cấp trên trong bài “Khoe mẽ” (tr 64):

Thông lệ kìa ai khéo đặt bày
Đón chào thượng cấp lạ lùng thay
Nền phông khẩu hiệu treo lơ lửng
...
Khoe mẽ dưới trên cùng một giuộc
Thuế dân không cánh thế mà bay.

Tính “chiến đấu” trong thơ trào phúng của Nghiêm Thanh được vận dụng linh hoạt trong biểu đạt vần điệu, thanh thoát, hấp dẫn như bài “Cái lưỡi” (tr 140):

Dẽo mồm cái lưỡi không xương
Trắng, đen quay quắt thật khôn lường
Ninh bợ véo von như khiếu hót
Hứa suông ngọt sớt tựa mía đường
Vu vạ chẳng thẹn cùng trời đất
Đỗ oan không xót nỗi tang thương
Lắt léo, điêu ngoa không sớm sửa
Tránh sao tự chuốc lấy tai ương!

Hoặc bài “Nội tăc” (tr 143):

Ngay ở bên trong chứ ở đâu
Từ ngành y dược đến xăng dầu
Găm hàng lúc thị trường khan hiếm
Tăng giá khi cung thấp hơn cầu
...
Gian lận có khác nào nội tặc
Kiếm lời bằng mánh hiểm, kế sâu!

Cũng như nhiều nhà thơ trào phúng nổi danh khác, Nghiêm Thanh cũng có một số bài thơ tự trào, thẳng thắn, chân thành, trung thực như tính cách con người ông để tự ngẫm, răn mình, vừa hài hước, vừa thêm yêu quý cuộc đời như trong bài “Tự thán” (tr 241):

Nỗi niềm nào biết ngỏ cùng ai
Bước đời toàn gặp những chông gai
Công danh trước mặt chưa kịp ngó
Sự nghiệp sau lưng cửa đã gài.

Hoặc trong bài “Tự ngẫn” (tr 243):

Sinh vào tháng Chạp - thân trâu
Kéo cày đồng cạn, ruộng sâu suốt đời
Thẳng ngay khí chất do trời
Không màng danh, lợi giữa nơi quan trường
...
Đối đầu gian trá bất lương
Ngoảnh nhìn tóc đã pha sương tuổi mình...

Do đó, dù tuổi cao, bị lãng tai, giảm thính lực nhưng vẫn quyết tâm tuyển chọn xuất bản tập thơ trào phúng NGƯỢC DÒNG THẾ SỰ 3 phục vụ bạn đọc và công chúng là sự cố gắng, tâm huyết và thành công nổi bật của tác giả Nghiêm Thanh với thể thơ trào phúng, trào lộng này.

V.X.B

21.7.2024

Theo vtudien.com: Thơ Trào lộng có tính chất gây cười để đùa cợt, không nhằm mục đích phê phán, khác với trào phúng, cũng gây cười nhưng có ý nghĩa châm biếm xã hội. Cho nên văn chương Trào lộng thường hời hợt, còn văn chương trào phúng thì sâu sắc. Trong truyện tiếu lâm, có truyện trào phúng có tác dụng giáo dục, nhưng có truyện chỉ mua vui trong chốc lát, đó là những truyện trào lộng.

Có thể chia thơ trào phúng ra làm hai: Thơ châm biếm và thơ đả kích: Thơ châm biếm nhằm mục đích giáo dục xã hội, giáo dục con người bằng nụ cười nhẹ nhàng mà kín đáo, dí dòm mà sâu sắc. Nụ cười đó bao hàm cả việc phê phán lẫn tinh thần xây dựng. Thơ đả kích nhằm lột mặt nạ kẻ thù bằng nụ cười có sức công phá mãnh liệt. Nhà thơ tiêu biểu cho dòng thơ trào phúng đó trong thế kỷ 20  và những năm đầu thế kỷ này là Tú Xương (1870 - 1907), Tú Mỡ (1900 – 1976), Đồ Phồn (1911 - 1990), Dương Quân (1926 - 1985), Xích Điểu (1913 – 2023), Thợ Rèn (1923 – 2008)...