Chuyện làng - Chuyện phố: Đạo đức “trồng người” của ông Cù bỗng chốc đổ xuống sông, biển

Có lần chiều cuối tuần, ông Cù và “người tình” là cô giáo vừa bước vào phòng nghỉ khách sạn hạng sang, trời đổ mưa rào rào. Ông Cù nhanh tay chốt cửa lại, giục “người tình”: Thế chúng mình lên giường nhé! Anh hứa sẽ đền em. Muốn gì cũng chiều. Nào em...

dt2abv2-1721266122.jpg

Tranh minh họa. Nguồn: Internet

 

“Cô giáo” nhà quê ra phố thị vừa rụt rè, e thẹn, lại vừa háo hức si mê, trở nên bạo dạn, thoăn thoắt trút bỏ quần áo.

- Giời ơi! Em mong anh. Em nhớ anh muốn phát điên lên đây này!

Rồi tiếng thở gấp gáp, anh cũng nhớ em lắm. Nhanh lên đi anh yêu, không chịu được nữa đâu!

Không như ở nhà quê, đèn trong phòng vẫn bật sáng. Chỉ có chiếc giường đang rung lên dưới sức nặng của hai người khác giới quấn quít lấy nhau...Rồi ông Cù thở dốc, toát mồ hôi!

Lâu lắm mới được “lên tiên”, xả stress, đầu óc ông Cù bỗng trở nên nhẹ nhõm, sáng láng như mới trút được gánh nặng mà quên mất cương vị “quan chức” là phó chủ tịch tỉnh, từng là giám đốc sở giáo dục đào tạo ra bao thế hệ trồng người, chỉ dạy bảo lời hay ý đẹp về đạo đức làm người. Ông Cù ngẫm nghĩ bọn lái xe nói đúng:

- Kinh tế thị trường, “có tiền mua tiên cũng được”!

Từ đó, lão Cù rất tâm đắc với triết lý:

- Trên đời này, nếu có thứ gì đó không thể mua được bằng tiền, thì vẫn có thể mua được bằng ... rất nhiều tiền! Tiền đã cho ta cái quyền được quát tháo, sai khiến người khác. Tiền đã bắt người ta phải vâng dạ, phục vụ theo ý thích của chúng.

Lão Cù lại reo lên như đang thuyết giảng đạo đức cho học sinh trung học phổ thông ngày nào:

- Ta đang có quyền! Tiền thì ta thiếu gì, sẽ tiếp tục cuộc chơi, kẻo sắp về nghỉ hưu! Tiếc đời lắm! Thời gian đâu có quay trở lại được!

Thế rồi, lão Cù lại tự cật vấn:

- Sống trên đời này mà không có tiền, không danh phận thì khác gì con trâu, con bò... Có tiền cứ làm “vua” một ngày cũng sướng!

Choàng tỉnh dậy, lão Cù tĩnh tâm, lo lắng:

- Tay đã “nhúng chàm” như thế này rồi còn dạy bảo được ai? Rồi từ hôm nay thành kẻ bán thân cuộc đời, bắt đầu bị coi rẻ.

Những rao giảng về đạo đức “trồng người” trong sáng của ông Cù lâu nay bỗng chốc đổ xuống sông, xuống biển. Từ nay trở đi không dám quát lác cậu lái xe. Ông Cù đành an ủi:

- Thôi đành phải hy sinh “danh giá” để đạt mục tiêu có thằng cu nối dõi tông đường. Về quê ăn cỗ hội làng, phân tịch, không phải ngồi chiếu dưới!

- Dù hắn là người nhà nhưng vẫn phải đề phòng cậu lái xe - Ông Cù tự cảnh giác.

Nó mà phản, tố ra thì chết ráo. Khoản chơi gái, món lái xe là “sư phụ”, xách dép cho nó.

Thầy trò nhà ông Cù cứ thậm thụt trong quan hệ tay ba với cô giáo tiểu học lỡ thì. Ông Cù muốn gặp gỡ ngoài luồng với “cô giáo” thì phải do cậu lái xe bố trí, tự ông ta không chủ động theo ý mình được. Bản năng ích kỷ trong con người ông Cù trỗi dậy, trở nên ám ảnh, nghi ngờ và có lúc ghen tuông về quan hệ tay ba với “cô giáo”.

Ông Cù trộm nghĩ rất có thể cậu lái xe mới là kẻ “ăn ốc”. Còn chính ông mới là người “đổ vỏ”. Ông chỉ là “giám đốc nhà máy tráng men”, chịu mọi phí tổn cuộc chơi tình yêu vụng trộm tay ba này. Nếu không là phó chủ tịch tỉnh, không có tiềm lực tài chính mạnh do “đàn em” cung cấp thì không thể ném vào cuộc chơi tốn kém như thế được. Rõ ràng lại theo quy luật “của thiên trả địa”.

“Cô giáo” tiểu học sau đó mang bầu cho kết quả một thằng cu đúng như lão Cù khao khát mong đợi. Để tránh điều tiếng, ông Cù tận dụng tất cả quan hệ khi còn đương chức phó chủ tịch tỉnh để chuyển công tác cho “cô giáo” tiểu học từ một huyện miền trung du về dạy ở Hà Thành. Sẵn có tiền, để tránh điều tiếng, ông Cù đã mua một căn hộ chung cư hơn 70 m2 cho cô giáo để có điều kiện quan hệ, ân ái, nuôi thằng cu khôn lớn.

Ông Cù lại nghe lái xe tư vấn sẵn sàng xả thân vì chủ, đăng ký khai sinh cho cậu ấm mà ông Cù nhận là “quý tử”dưới danh nghĩa con trai cậu lái xe để tránh tiếng xấu cho lãnh đạo. Cũng có lời bàn ra tán vào nhưng vì thằng cu có khai sinh rõ ràng nên cũng không ai châm chọc, chỉ trích ông Cù.

Trong gia đình, ông Cù chưa tuyên bố thẳng việc hệ trọng này. Nhưng cũng có vài lần, ông Cù đánh động với vợ con. Bây giờ già rồi, con gái là “vịt giời” đi lấy chồng, bay đi hết. Hai ông bà già, ai chăm? Có lần ông tâm sự với 3 cô con gái:

- Tài sản bố cho các con hết, chia nhau kể cả biệt phủ này nhưng lỡ bố có sai một tí thì chúng mày phải biết thương bố nhé!

Từ đó, vợ con ông Cù cũng nghi hoặc nhưng không có bằng chứng nên mọi việc trong nhà vẫn êm ấm.

Sau khi nghỉ hưu một thời gian, lựa một hôm đông đủ cả nhà, ông Cù tuyên bố với vợ con chuyện “thằng cu” và nói rằng nếu vợ con không chấp nhận, ông sẽ về Hà Thành ở với hai mẹ con “thằng cu”. Vì chuyện chẳng hay ho gì, dù vợ con rất phản đối nhưng gia đình ông Cù vẫn giữ kín chuyện này. Chỉ đến khi trong một cuộc họp lớp (cấp 3 cũ, nay là trung học phổ thông), hôm đó do quá chén, say quá, ông Cù hứng chí tuyên bố khoe với bạn học cũ là mình đã có “thằng cu”, sẽ đón về nuôi dạy.

Biết ông Cù chỉ có “ba ả tố nga” đều đã lấy chồng, thành đạt, phần lớn bạn bè dự cuộc gặp mặt hôm đó đều thông cảm, hỷ hả, chúc mừng ông. Chuyện ông Cù khoe khoang có “thằng cu” nhanh chóng loan ra khắp cả tỉnh. Chỗ nào cũng bàn tán, xôn xao. Ông Cù có con riêng là “thằng cu”, có thằng chống gậy, nối dõi tông đường...

Cô con gái cả của ông Cù biết được chuyện này vô cùng bực dọc, xấu hổ. Nếu ông Cù im ỉm chỉ trong nhà thôi thì các con thương bố, đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Nay ông Cù công khai khoe khoang trước bàn dân thiên hạ như thế, các con ông đều đang công tác, lâu nay được khen là gia đình gia giáo, nền nếp, đạo đức, phẩm hạnh, cảm thấy mắc cỡ, nhục quá, quyết làm cho ra nhẽ.

Cô con gái cả của ông Cù đã thuê cả thám tử tư điều tra cặn kẽ nguồn gốc sự việc. Sau một thời gian thu thập thông tin, cô con gái cả ông Cù rất bất ngờ khi ông “bố hờ” trên danh nghĩa của “cậu em” cùng cha khác mẹ là tay lái xe cũ của bố mình. Hắn đã tứ tuần mà vẫn chưa lấy vợ. Hắn cũng hay nói với bạn bè là đã có một “thằng cu”. Nghi ngờ nổi lên, cô con gái cả ông Cù tìm cách lấy mẫu tóc “cậu em” để đi giám định ADN, có cơ sở khoa học chắc chắn.

Đầu tiên, cô con gái cả ông Cù giả vờ nhận “cậu em trai” về chơi cho bố đỡ nhớ. Sau khi đã có lòng tin, cô con gái cả ông Cù lấy mẫu tóc đi xét nghiệm ADN.

Thật bất ngờ, bố đẻ của cậu bé đúng là ông bố trong giấy khai sinh là lái xe cho ông Cù. Cả nhà ông Cù ngã bổ chửng, thốt lên lâu nay ông “nuôi con... tu hú”, đâu phải con ông mà ông nhận vơ. Nếu không có con gái lớn quyết liệt làm rõ trắng đen, có cơ sở khoa học, thì cả biệt phủ trên mảnh đất hơn nghìn m2 của ông Cù ở trung tâm phố thị này sẽ dành cho “thằng cu”, là “cậu em” hờ!

Sau khi có kết luận giám định ADN rõ ràng, vị lái xe và “cô giáo” tiểu học trở thành vợ chồng, có nhà cửa, công ăn việc làm ở Hà Thành. Ông Cù mới thấy bị hố. Ông ta tưởng học rộng, mưu cao, làm phó chủ tịch tỉnh phải hơn người nhưng lại thua “trí khôn” của cậu lái xe.

Cú này, lão Cù tiền mất, tật mang, đau hơn hoạn! Cũng may nhờ sự khôn ngoan, tỉnh táo, quyết liệt của cô con gái lớn, ông Cù không bị mất cả biệt phủ nhiều tỷ đồng, trao nhầm cho “thằng cu” hờ, suýt nữa bỏ con đẻ đi nuôi “con... tu hú”!

Câu chuyện vỡ lở, sự thật được phơi bày. Từ đó về sau, có lẽ vì xấu hổ, lão Cù ít giao du với mọi người. Chỉ có đàn em cùng quê hay ra vào nhà ông Cù xin ý kiến, bày mưu tính kế bẩn...

Cuối đời, lão Hoàng Trương Cù chỉ còn niềm vui nho nhỏ, có vài đứa cơ hội tôn là “Thái thượng hoàng” vùng đất trung du này. Ông Cù cứ nghĩ việc gì cũng có ý kiến của ông thì chúng mới quyết. Đến khi ông Cù về quê ăn giỗ thấy một dự án “nuốt” trọn cánh đồng làm nhà máy, đòi di dời cả ngôi đình cổ, lại được chủ tịch huyện ủng hộ, nói rằng đây là ý kiến “bác Cù” thì ông mới biết là mình đã bị lợi dụng. Chính vì vây, cuối đời ông Cù lúc nào cũng ấm ức mà không làm gì được!

Q.Y