Vai trò và định hướng phát triển ngành hoa, cây cảnh Việt Nam

I. VAI TRÒ CỦA HOA, CÂY CẢNH TRONG ĐỜI SỐNG 

Hoa, cây cảnh có vai trò quan trọng trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Do đặc trưng của từng nền văn hóa và điều kiện kinh tế - xã hội mà ở mỗi nước hoa, cây cảnh có những vai trò, vị trí khác nhau.

1.1. Cải thiện môi trường sống

Giảm ô nhiễm: Theo Shepherd (2011) cây hoa, cây cảnh hấp thụ khí cacbonic, các chất độc hại có trong không khí (như formaldehyde, benzene, trichloroethylene và ammonia) và các khí nhà kính khác. Quá trình này làm sạch không khí, giảm nguy cơ về các vấn đề sức khỏe có liên quan đến chất lượng không khí trong nhà và ngoài trời và giảm tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe của con người.

Tăng cường oxy: Qua quá trình quang hợp, hoa cây cảnh giải phóng oxy giúp tăng cường chất lượng không khí, đặc biệt trong các khu vực đô thị - nơi mức độ ô nhiễm không khí thường cao.

Giảm nhiệt độ: cây xanh cung cấp bóng mát, giúp làm giảm nhiệt độ bề mặt và không khí xung quanh. Khu vực có cây thường mát mẻ hơn các khu vực không có cây do lá cây che chắn ánh nắng mặt trời. Quá trình quang hợp của cây không chỉ sản sinh ra oxy mà còn thoát hơi nước vào không khí. Quá trình này giúp làm mát không khí xung quanh, tương tự như hiệu ứng làm mát của một chiếc máy điều hòa tự nhiên.

Giảm tiếng ồn: Lá và cành cây có thể phản xạ, hấp thụ và phân tán sóng âm. Vì vậy, ở những nơi có cây mức độ tiếng ồn môi trường sẽ giảm do sự truyền dẫn âm thanh qua không khí giảm. Hou (2009) cho rằng hàng rào cây cảnh dày có thể tạo thành một rào cản vật lý hiệu quả để ngăn chặn tiếng ồn từ các nguồn như giao thông và hoạt động công nghiệp. Điều này đặc biệt quan trọng trong các khu vực gần đường cao tốc, sân bay, hoặc khu công nghiệp.

hoa-1725528292.jpg

1.2. Mang lại giá trị thẩm mỹ, tinh thần 

Tô điểm cho không gian sống: Hoa, cây cảnh có thể làm cho môi trường sống xung quanh trở nên sống động và thú vị hơn, tạo  cảm giác thư giãn, thoải mái, tạo thêm màu sắc, kết cấu và hình dạng vào một không gian, từ vườn nhà đến ban công và phòng khách (Stuart-Smith, 2021).

Làm đẹp cảnh quan đô thị: Hoa, cây cảnh giúp làm mềm mại các kết cấu cứng nhắc và thêm màu sắc đa dạng vào môi trường đô thị, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng (Adeyela, 2016).

Sử dụng để trang trí trong các sự kiện: hoa, cây cảnh được sử dụng rộng rãi để trang trí trong các sự kiện quan trọng như đám cưới, lễ kỷ niệm và các buổi lễ, mang lại vẻ đẹp tự nhiên và tạo không khí lễ hội (Farahmand, 2023).

Theo Stuart-Smith (2021) hoa, cây cảnh có tác dụng: Tạo tâm trạng thư thái: sự hiện diện của cây xanh, lọ hoa tươi trong nhà cũng như công sở giúp giảm căng thẳng và tạo cảm giác thư giãn, từ đó cải thiện tâm trạng và sức khỏe tinh thần đồng thời kích thích sự sáng tạo, tăng năng suất làm việc. Màu sắc và hương thơm tự nhiên của hoa có thể kích thích cảm giác hạnh phúc và lạc quan. Monroe (2015) cho rằng chỉ cần nhìn vào cây cảnh hoặc ở trong môi trường xanh có thể giúp giảm stress.

Thúc đẩy sự gần gũi với thiên nhiên: hoa, cây cảnh giúp mọi người kết nối lại với thiên nhiên, mang lại năng lượng tích cực cho ngôi nhà và những người sống trong đó, giúp tạo ra một môi trường sống hòa thuận và hạnh phúc.

Tăng cường sức khỏe: chăm sóc hoa, cây cảnh có thể coi là một hoạt động thể chất nhẹ nhàng, giúp tăng cường sự dẻo dai và hoạt động của cơ thể, đặc biệt đối với người lớn tuổi việc này còn giúp giữ cho tinh thần minh mẫn và cơ thể linh hoạt (Monroe, 2015; Dhanraj, 2019).

1.3. Mang lại giá trị văn hóa

Theo các tác giả Goody (1990), Stuart-Smith (2021) hoa, cây cảnh có một vị trí đặc biệt trong văn hóa và tinh thần của nhiều dân tộc trên thế giới.

Hoa, cây cảnh được coi là biểu tượng của sự sống, sức mạnh, tình yêu trong nhiều nền văn hóa. Chúng thường xuyên được trưng bày trong các nghi lễ, các sự kiện tôn giáo. Hoa, cây cảnh cũng là một phần không thể thiếu trong nhiều lễ hội và nghi lễ truyền thống trên khắp thế giới, ví dụ Tết Nguyên Đán ở Việt Nam có truyền thống trang trí nhà cửa bằng cây mai và cây đào, trong khi lễ Holi ở Ấn Độ được trang trí bởi các loài hoa với nhiều màu sắc. Còn trong các dịp cưới hỏi, tang lễ, hoa đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tình cảm, lòng kính trọng và sự tôn vinh. Một số loài hoa, cây cảnh cụ thể được gắn với những ý nghĩa tinh thần sâu sắc, như hoa sen trong Phật giáo biểu tượng cho sự thanh khiết, hoặc cây oliu trong văn hóa Địa trung hải là biểu tượng cho hòa bình và thịnh vượng.

Nhiều quốc gia đã lựa chọn một loài hoa đặc trưng, nổi tiếng và phổ biến nhất ở đất nước đó để làm quốc hoa. Đặc biệt hơn những loài hoa thông thường, quốc hoa mang vẻ đẹp tâm hồn dân tộc hàm chứa những giá trị văn hóa, truyền thống hoặc gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc và đời sống thường ngày của người dân. Chính vì vậy, người ta tìm thấy ở quốc hoa nét văn hóa rực rỡ và lịch sử lâu đời của đất nước, phản ánh những đức tính tốt đẹp của con người cũng như tâm hồn, tính cách, đặc điểm dân tộc của quốc gia đó. (Minahan, 2009)

sen-3-1725528469.jpg

Hiện có hơn 100 quốc gia/vùng lãnh thổ đã công bố quốc hoa, ví dụ quốc hoa của Hà Lan là hoa tulip, Nhật Bản là hoa cúc, Malaysia là hoa dâm bụt, Lào là hoa đại, Bungari là hoa hồng... Trên khía cạnh nào đó, quốc hoa còn có giá trị kinh tế nhất định (ví dụ hoa tulip đã mang về cho đất nước Hà Lan hàng trăm triệu USD/năm, hay hoa hồng mang lại thu nhập rất cao cho nhiều nông dân ở Bugaria). 

1.4.  Mang lại giá trị kinh tế

Các tác giả Nguyễn Xuân Linh (2022), Đào Thanh Vân và cs. (2021) cho rằng nghề trồng hoa, cây cảnh đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp của nhiều quốc gia, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho những người trồng mà còn tạo ra giá trị gia tăng trong nhiều khía cạnh khác.

Nghề trồng hoa, cây cảnh tạo ra hàng triệu việc làm trên toàn thế giới, từ  trồng trọt, chăm sóc, đến thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và bán lẻ, đồng thời  cung cấp nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình nông nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các tập đoàn lớn. Theo Bộ NN&PTNT (2022) giá trị ngành hoa, cây cảnh của Việt Nam năm 2021 là  37.967,9 tỷ đồng, chiếm 3,99% trong tỷ trọng của ngành trồng trọt.

Trồng hoa, cây cảnh giúp đa dạng hóa nền kinh tế nông nghiệp, giảm phụ thuộc vào một số ít cây trồng truyền thống, điều này làm giảm rủi ro kinh tế cho nông dân và cộng đồng nông thôn. Hoa cây, cây cảnh cũng là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nhiều quốc gia. Hà Lan, Colombia và Kenya là những ví dụ nổi bật, nơi ngành công nghiệp hoa đem lại giá trị xuất khẩu lớn, góp phần đáng kể vào GDP quốc gia. Việc xuất khẩu mặt hàng này giúp tạo ra thị trường toàn cầu, mở rộng cơ hội kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Các khu vườn thực vật, vườn hoa và các sự kiện liên quan đến hoa như lễ hội hoa, thường thu hút một lượng lớn du khách, đóng góp vào ngành công nghiệp du lịch của quốc gia hoặc khu vực. Các điểm du lịch này không chỉ làm tăng doanh thu từ vé vào cửa và dịch vụ liên quan mà còn tăng cường hình ảnh và vị thế của địa phương, đất nước trên bản đồ du lịch thế giới.

Các công nghệ như phương pháp nhân giống bằng in vitro, kỹ thuật trồng cây trong nhà kính, sử dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm, công nghệ sau thu hoạch…và các ngành phụ trợ như sản xuất nhà màng, nhà kính, các trang thiết bị, các loại vật tư, giá thể, phân bón..  cũng đã góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho ngành hoa, cây cảnh.

1.5. Mang lại giá trị giáo dục và nghiên cứu

Hoa, cây cảnh cung cấp cơ hội học tập và nghiên cứu về sinh học, bảo tồn và kỹ thuật canh tác, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về môi trường và bảo vệ thiên nhiên (Collyns, 2022). Cụ thể như sau:

Hoa, cây cảnh giúp giáo dục công chúng về đa dạng sinh học và tầm quan trọng của việc bảo tồn các loài thực vật. Các vườn bách thảo, vườn thực vật và khu bảo tồn thiên nhiên là nơi lý tưởng để mọi người dân đến học hỏi về các loài cây bản địa, cũng như nhập nội. Tại đây các chương trình giáo dục có thể kết hợp với việc phổ biến kiến thức vai trò của cây về kỹ thuật chăm sóc cây, nhân giống cây… từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Hoa, cây cảnh là đối tượng của nhiều nghiên cứu khoa học bao gồm phân loại thực vật, lai tạo giống, nghiên cứu phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật canh tác... Nghiên cứu giúp bảo tồn các loài hoa, cây cảnh quý hiếm có nguy cơ cạn kiệt nguồn gen và tạo ra các giống cây mới có chất lượng cao hơn, khả năng chống chịu bệnh tốt và hiệu quả kinh tế cao.

Các chương trình giáo dục thực nghiệm về hoa, cây cảnh cung cấp kiến thức chuyên sâu các nghiên cứu về sinh lý học thực vật, di truyền học và kỹ thuật canh tác mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực liên quan đến hoa, cây cảnh và môi trường đồng thời giúp người dân học cách trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh một cách bền vững, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên có sẵn và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Còn các dự án trồng hoa, cây cảnh giúp nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí từ đó khuyến khích mọi người tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên (Van Tuyl, 2014).

hoa1-1725528520.jpg

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH HOA, CÂY CẢNH VIỆT NAM

2.1. Những thuận lợi và tiềm năng phát triển hoa, cây cảnh ở Việt Nam

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển hoa, cây cảnh do có các thuận lợi sau:

- Thị trường tiêu thụ rộng lớn: Việt Nam là nước đông dân với dân số xấp xỉ 100 triệu người, người dân Việt Nam rất ưa chuộng sử dụng hoa cây cảnh. Hoa, cây cảnh được sử dụng vào rất nhiều mục đích khác nhau: đón chào năm mới, lễ, hội, khai trương, trang trí nội ngoại thất…. Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Rau quả năm 2021thì trung bình mỗi người Việt Nam giành 45.000 đồng/năm mua hoa, cây cảnh. Từ năm 2010 đến nay, nhu cầu sử dụng hoa, cây cảnh trong nước tăng bình quân 10-15%/năm. .. Bên cạnh đó thị trường hoa, cây cảnh trên thế giới cũng rất lớn, hàng năm khoảng 15 tỷ USD với mức tăng trưởng 6%/năm.

- Nguồn tài nguyên khí hậu, địa hình đa dạng: Việt Nam với rất nhiều địa hình khác nhau, có nhiều loại khí hậu và các vùng tiểu khí hậu khác nhau từ ôn đới, á nhiệt đới đến nhiệt đới do vậy có thể phát triển được rất nhiều các chủng loại hoa, cây cảnh đa dạng về màu sắc, hình dáng. Miền Bắc có thời tiết lạnh vào vụ Đông nên có thể phát triển sản xuất hoa ôn đới. Bên cạnh một số vùng núi cao như Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo, Mộc Châu... có thể trồng, phát triển các loại hoa, cây cảnh quanh năm, nhất là các chủng loại hoa, cây cảnh quý hiếm.

- Nguồn gen các giống hoa, cây cảnh rất đa dạng, phong phú: vì Việt Nam có nguồn tài nguyên khí hậu đa dạng nên cũng có rất nhiều các loại thực vật quý hiếm nói chung và các loại hoa, cây cảnh đẹp, có giá trị nói riêng. Rất nhiều loại cây trồng mới có thể được khai thác và phát triển thành những loại hoa, cây cảnh có triển vọng, có giá trị cao trên thị trường quốc tế, có thể phát triển cho sản xuất, phục vụ không chỉ nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu.

- Nguồn lao động dồi dào cần cù sáng tạo: nông dân Việt Nam rất cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm sản xuất, chịu được sự gian khổ, vất vả và có ý chí quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp, trong đó có hoa, cây cảnh.

- Công nghệ và khoa học kỹ thuật trợ giúp: Hiện nay đã có nhiều bộ giống hoa, cây cảnh mới và nhiều tiến bộ kỹ thuật sản xuất hoa của Việt Nam đã tiếp cận với thế giới từ đó giúp cho các doanh nghiệp và người dân có điều kiện phát triển sản xuất hoa, cây cảnh theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững đủ sức cạnh tranh với hoa cây cảnh nhập nội.

- Sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước: Trong những năm qua, nhà nước đã có nhiều chính sách giúp phát triển hoa, cây cảnh như đầu tư cho công tác nghiên cứu bảo tồn phát triển nguồn gen; chọn tạo giống hoa, cây cảnh mới; xây dựng các mô hình sản xuất hoa, cây cảnh chất lượng cao... Nhờ các chương trình này mà các cơ quan khoa học đã chọn tạo được hàng trăm giống hoa, cây cảnh mới cũng như xây dựng được các quy trình kỹ thuật chuyển giao cho người dân.

- Hiệu quả sản xuất hoa cao hơn so với sản xuất các cây trồng khác: Sản xuất hoa, cây cảnh không đòi hỏi quá nhiều về đất đai, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và dễ áp dụng các công nghệ mới, vì vậy phát triển hoa, cây cảnh đang là một hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên ở nhiều vùng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hoa cây cảnh ngày càng tăng.

 Tóm lại với những lợi thế về thị trường, khí hậu, đất đai, lao động, khoa học công nghệ, chính sách hỗ trợ…sản xuất hoa ở Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng về mặt số lượng, chất lượng, giá thành, để từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hoa, cây cảnh Việt Nam so với các nước khác (Đề án phát triển hoa, cây cảnh - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 2022). 

2.2. Một số khó khăn, thách thức của ngành hoa, cây cảnh

       Theo đề án phát triển hoa, cây cảnh của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn năm 2022 thì ngành sản xuất hoa, cây cảnh của Việt Nam có những khó khăn, thách thức sau:  

- Định hướng phát triển vùng hoa cây cảnh còn nhiều vướng mắc, bất cập: Công tác quy hoạch vùng trồng hoa, cây cảnh chưa được nhiều địa phương quan tâm, chú trọng. Sản xuất chủ yếu mang tính tự phát dẫn đến diện tích trồng hoa, cây cảnh còn phân tán, nhỏ lẻ. Diện tích canh tác bình quân trên một hộ dân rất thấp, nên khó hình thành vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung theo quy mô lớn.

- Kỹ thuật sản xuất hoa, cây cảnh mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn lạc hậu so với các nước trong khu vực. Tính đến năm 2020 tỷ lệ diện tích hoa, cây cảnh áp dụng tiến bộ khoa học đạt khoảng 45%, diện tích trồng trong nhà có mái che chiếm trên 12,4%, chính vì lý do trên mà nghề sản xuất hoa, cây cảnh mặc dù có thu nhập cao, nhưng cũng gặp nhiều rủi ro và phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên.

- Hầu hết các giống hoa, cây cảnh đang được trồng ở Việt Nam được nhập theo con đường không chính thức từ nước ngoài nên không có bản quyền, trong khi khả năng tạo giống mới hoa mới có chất lượng cao, ở trong nước còn khó khăn, phái có thời gian 10 -20 năm nữa mới theo kịp các cường quốc hoa, như Hà Lan, Pháp, Trung Quốc..

- Nguồn nhân lực phục vụ quản lý, sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh công nghệ cao còn thiếu và yếu, tỷ lệ qua đào tạo thấp. Tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực sản xuất hoa, cây cảnh do di dân, do đô thị hóa… có tác động đến phát triển sản xuất hoa, cây cảnh.

- Có sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường thế giới, đặc biệt là các sản phẩm mới. Hiện  tại nhiều sản phẩm về hoa, cây cảnh của nước ngoài có chất lượng cao hơn, có thương hiệu và có sự liên kết chặt chẽ hơn của chúng ta.

- Biến đổi khí hậu làm điều kiện khí hậu không theo quy luật, ngày càng khắc nghiệt và khó dự đoán. Thiên tai, dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp và gây thiệt hại không nhỏ cho ngành nông nghiệp nói chung và ngành sản xuất hoa, cây cảnh nói riêng.

2.3. Định hướng phát triển hoa, cây cảnh ở Việt Nam

        Quan điểm phát triển ngành hoa, cây cảnh Việt Nam là dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng sinh thái và định hướng phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương. Căn cứ vào nhu cầu thị trường, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Ứng dụng khoa học, công nghệ mới, công nghệ số trong công tác quản lý, sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh, trong đó Nhà nước tạo cơ chế, chính sách và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.

hoaaa-1725528584.png

        Ngày 26/10/2022 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 4081/QĐ-BNN-TT phê duyệt “Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030” với mục tiêu: xây dựng và phát triển một cách bền vững, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Mục tiêu đặt ra là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành hoa, cây cảnh giai đoạn năm 2025 – 2030 đạt khoảng 6 - 8%/năm; giá trị sản xuất hoa, cây cảnh đến năm 2030 đạt khoảng 70.000 - 75.000 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu sản phẩm hoa, cây cảnh đến năm 2030 đạt khoảng 180 - 200 triệu USD. Giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng hoa, cây cảnh đạt bình quân khoảng 700 – 750 triệu đồng/năm.

2.3.1. Phát triển hoa, cây cảnh theo mục đích sử dụng

Để phát triển ổn định, ngành sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh cần có một số định hướng sau: 

- Phát triển sản xuất hoa, cây cảnh theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, hạ giá thành. Đối tượng chính là các loại hoa lily, hoa lan (hồ điệp, vũ nữ, catlaya, hoàng thảo, đai châu, địa lan kiếm) hoa chậu, hoa thảm…

- Phát triển sản xuất hoa, cây cảnh gắn với chế biến thực phẩm: sản xuất hoa vừa làm cảnh vừa làm thực phẩm. Có thể trồng trên đất lúa, hoặc đất trồng màu. Đối tượng là các loại hoa sen, tam giác mạch, hướng dương…

- Phát triển sản xuất hoa, cây cảnh gắn với chế biến dược liệu: sử dụng những loại cây hoa bản địa vừa để trang trí, vừa có thể làm dược liệu. Đối tượng là lan kim tuyến, lan thạch hộc, lan bạch cập, trà hoa vàng, hoa cúc chi…

- Phát triển sản xuất hoa, cây cảnh gắn với chiết xuất, chế biến hương liệu. Sử dụng làm tinh dầu, nước hoa, các loại mỹ phẩm, hoặc đồ uống… Đối tượng là hoa hồng, hoa dành dành, hoa phong lữ, hoa iris, hoa nhài, hoa oải hương…

- Phát triển sản xuất hoa, cây cảnh gắn với du lịch sinh thái: có thể cho du khách chiêm ngưỡng trực tiếp, có thể làm đẹp cảnh quan, để thu hút khách du lịch. 

2.3.2. Phát triển hoa, cây cảnh gắn với thị trường

- Mở rộng và giữ ổn định diện tích trồng hoa khoảng 38 ngàn - 40 ngàn ha, sản lượng khoảng 12 tỷ cành, trong đó diện tích trồng hoa tập trung đạt khoảng 30% - 40%, diện tích trồng hoa có ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng trên 10% diện tích. Vùng sản xuất hoa trọng điểm, tập trung tại các tỉnh: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Gia Lai, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Vĩnh Long, và Đồng Tháp.       

- Mở rộng và giữ ổn định diện tích trồng cây cảnh khoảng 16,0 ngàn - 16,5 ngàn ha, sản lượng khoảng 55 - 56 triệu chậu (cành), trong đó diện tích trồng tập trung đạt 8,51 ngàn ha (chiếm 52%), diện tích trồng cây cảnh có ứng dụng công nghệ cao đạt 1,68 ngàn ha (chiếm 10,3%). Các nhóm cây cảnh chính gồm đào, quất, mai, lan, các loại cây thế bon sai, nhóm cây hoa, cây ăn quả làm cảnh, nhóm cây cảnh phụ trợ (cây cành, lá trang trí), nhóm bon sai, cây thế, cây cảnh trang trí và các loại cây cảnh khác...

- Phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường, tiếp cận và sử dụng các chợ đầu mối, các hệ thống siêu thị làm cầu nối để tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng thương hiệu hoa, cây cảnh và một số trung tâm giao dịch, chợ đầu mối bán buôn hoa, cây cảnh ở một số vùng trọng điểm có sản lượng hoa, cây cảnh lớn như Hà Nội, Lâm Đồng và TP. Hồ Chí Minh...

- Hình thành thị trường giao dịch, bán buôn hoa, cây cảnh gắn với các siêu thị vật tư nông nghiệp và sản phẩm chuyên nông nghiệp. Tìm kiếm mở rộng các thị trường xuất khẩu hoa, cây cảnh, cây thế bon sai. Củng cố nâng cao sức mạnh và kết nối theo chuỗi sản xuất của hệ thống hộ với doanh nghiệp, hình thành hiệp hội hoa, cây cảnh ở các vùng trọng điểm được quy hoạch nhằm hỗ trợ nhau trong nghiên cứu khoa học, công nghệ, thị trường.

- Tiếp tục củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hoá thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư, sản xuất hoa, cây cảnh xuất khẩu. Có những cơ chế cụ thể rõ ràng hơn cho sản xuất hoa, cây cảnh tương đương như đối với một số đối tượng cây trồng được ưu tiên khác.