Vang vọng lời thề Độc lập từ mùa thu cách mạng

Hà Nội mỗi độ thu về lại âm vang giai điệu đi cùng năm tháng  “Ba Đình nắng”  của Bùi Công Kỳ phổ thơ của Vũ Hoàng Địch “Gió vút lên! Ngọn cờ trên kỳ đài phơi phới/ Gió vút lên! Đây bao nguồn sống mới dạt dào….”  vẫn vang vọng đâu đây giọng nói của Bác Hồ “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?...” rất đỗi thiêng liêng quen thuộc với mỗi dân đất Việt.

Lời ca đó gợi nhớ hình ảnh biển người đổ về Quảng trường Ba Đình 79 năm về trước, chờ đợi giờ phút lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Công hòa XHCN Việt Nam. Ngày 2-9-1945 đã đi vào lịch sử, là ngày trọng đại của dân tộc, được quyết định là ngày Quốc khánh, là “Tết Độc lâp” của  Việt Nam.

 

Nhìn lại lịch sử thì “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1945 của Chủ tịch  Hồ Chí Minh có thể sánh với những áng "thiên cổ hùng văn" mà ông cha ta đã để lại trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cả ngàn năm tồn tại. Đó là “Nam quốc sơn hà”   năm 1076 của Lý Thương Kiệt  gắn với cuộc kháng chiến chống nhà Tống,  "Hịch tướng sĩ " năm 1284 của  Trần Hưng Đạo thống lĩnh toàn dân ba lần đánh bại giặc Nguyên – Mông,  "Đại cáo Bình Ngô" năm 1428 của Nguyễn Trãi tuyên cáo về chiến thắng vẻ vang của cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đuổi giặc Minh đô hộ dưới ngọn cờ của minh quân Lê Lợi, góp phần làm rạng rỡ non sông Việt Nam.

dt1bh1-1725159665.jpg

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

 

 Thực tiễn đã minh chứng Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định quyền độc lập của dân tộc dựa trên công lý về quyền con người. Đó thực sự là “những lẽ phải không ai chối cãi được”, được khẳng định trong Tuyên Ngôn độc lập năm 1945.

Điểm sáng tạo đồng thời là tư tưởng cốt lõi trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh là việc khẳng định quyền con người và quyền độc lập dân tộc không thể tách rời nhau. “Nước mất nhà tan”, có độc lập dân tộc mới có quyền con người. Tư tưởng đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tuyên ngôn độc lập ca ngợi tinh thần đấu tranh kiên cường của nhân dân Việt Nam để giành độc lập, giành lấy quyền sống tự do và bình đẳng với tinh thần kiên cường, gan góc đứng về phía Đồng minh chống lại phát xít Nhật. Chính vì vậy mà “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tinh mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

dt2hn2a-1725159956.jpg

Phố Tràng Tiền rực rỡ sắc đỏ của màu cờ, băng rôn, khẩu hiệu, tranh cổ động, pano chào mừng những ngày kỷ niệm. Ảnh: VGP

 

Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp bút và đọc tại quảng trường Ba Đình lịch sử là một tác phẩm chính luận đặc sắc. Sức mạnh và tính thuyết phục của Tuyên ngôn độc lập được thể hiện chủ yếu ở cách lập luận chặt chẽ, lời lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực, ngôn ngữ hùng hồn đầy cảm xúc. Đó cũng là áng văn tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội tụ đầy đủ tư tưởng cao đẹp cũng như tình cảm sâu nặng của Người đối với đất nước, đối với nhân dân, đồng thời cũng là kết tinh khát vọng cháy bỏng về độc lập tự do của dân tộc ta.

Lời thề thiêng liêng và tinh thần bất diệt của mùa thu cách mạng Tháng Tám cũng như nền độc lập, tự do trong Tuyên ngôn độc lập vang vọng khắp non sông đất nước, bay cao, lan tỏa trên trường quốc tế, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để mọi người dân Việt Nam tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử, quyết tâm giữ vững và bảo vệ nền tự do, độc lập vừa giành được.

79 năm trôi qua, thực hiện lời thề Độc lập đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, tiến hành 2 cuộc kháng chiến trường kỳ làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và cuộc “Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975” giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tiếp đó là các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc và lãnh hải, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả; chiến thắng đại dịch CoVid 19 và đang tiếp tục phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Chúng ta càng thêm tự hào khi trải qua gần 40 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Đời sống nhân dân được cải thiện. Chính trị xã hội ổn định. Độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Có thể khẳng định, 79 năm trôi qua, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, với tinh thần đoàn kết dân tộc triệu người như một, đã giúp Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, từng bước phát triển ổn định. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, nhân dân Việt Nam đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực phục hồi sản xuất, phát triển kinh   tế sau đại dịch CoVid 10, đảm bảo đời sống nhân dân để “không một ai bị bỏ lại phía sau”.

Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 năm nay, trên khắp mọi miền Tổ quốc, mỗi người con đất Việt dù đang ở bất kỳ nơi đâu, ngay trên dải đất hình chữ S hay xa Tổ quốc cũng không khỏi xúc động, bồi hồi nhớ lại khí thế hào hùng, sục sôi của những ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 lịch sử. Tự hào và thể hiện lòng biết ơn đó, nhân dân cả nước luôn hướng về Quảng trường Ba Đình lịch sử, hướng về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ trong Chương trình kỷ niệm 79 năm Quôc khánh 2/9: Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang ra sức phấn đấu bứt tốc, sớm về đích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hướng đến kỷ niệm 80 năm giành độc lập, 50 năm thống nhất đất nước, quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được sống trong môi trường an ninh, an toàn, an tâm, không ai bị bỏ lại phía sau, qua đó thực hiện đúng ước nguyện trong di chúc của Bác Hồ đó là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

V.X.B