Trong những năm gần đây, bên cạnh SUV đô thị (B-SUV) và xe gia đình cỡ nhỏ (MPV), xe bán tải (pick-up) là một trong những phân khúc sở hữu mức tăng trưởng ấn tượng.
Dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, cách đây một thập kỷ, thị trường xe bán tải trong nước vẫn còn hạn chế với doanh số chưa vượt mốc 10.000 xe mỗi năm. Tuy nhiên, đến năm 2023, doanh số dòng xe này đã đạt gần 20.000 chiếc, tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2014.
Phân khúc của "một mẫu xe"
Điểm đáng chú ý của thị trường xe bán tải tại Việt Nam là sự thống trị gần như tuyệt đối của Ford Ranger. Chiếc bán tải đến từ Mỹ này không chỉ "gánh" cả phân khúc mà còn thường xuyên chiếm giữ từ 70 đến 80% thị phần. Điều này khiến nhiều người gọi đây là phân khúc của "một mẫu xe".
Mặc dù không thiếu sự cạnh tranh từ các dòng bán tải Nhật Bản, Ford Ranger vẫn áp đảo nhờ sự toàn diện trong thiết kế và tính năng. Theo các chuyên gia, mẫu xe này không chỉ mang phong cách khỏe khoắn, cá tính mà còn đáp ứng tốt các yêu cầu thực dụng, từ chuyên chở hàng hóa, vượt địa hình khó đến các hành trình xa.
Sức mạnh vượt trội và tính thực dụng cao
Ford Ranger ghi điểm nhờ các trang bị và tính năng chuyên biệt dành cho công việc. Với tải trọng lên tới 808 kg, sức kéo 3,5 tấn (đủ để kéo ít nhất 8 con ngựa), khả năng lội nước sâu tới 800 mm, mẫu bán tải này chứng minh được năng lực vượt trội trong các tình huống thực địa.
Ở bản nâng cấp mới, Ford Ranger mang đến nhiều cải tiến đáng giá, đặc biệt ở khu vực thùng xe. Bậc lên xuống thùng được bổ sung, giúp việc bốc dỡ hàng hóa dễ dàng và an toàn hơn.
Thùng xe được trang bị tấm lót nhựa đúc chống trầy xước, dễ vệ sinh, đồng thời tích hợp các rãnh dọc ở thành thùng, cho phép người dùng cài thanh gỗ để tùy chỉnh không gian, tạo thành các khoang nhỏ phù hợp nhu cầu vận chuyển.
Ford Ranger còn có 6 điểm neo, hỗ trợ buộc cố định hàng hóa một cách chắc chắn. Cửa thùng xe đa năng có thể được sử dụng như bàn làm việc kỹ thuật di động, tích hợp hốc gắn ngàm kẹp để cố định vật liệu trong các thao tác cắt hoặc gia công.
Phiên bản Stormtrak có thêm hệ thống giá đỡ linh hoạt, bao gồm giá nóc và thanh thể thao chịu tải trọng lớn, có thể dễ dàng điều chỉnh. Ngoài ra, Ranger còn được trang bị nguồn điện AC và ổ cắm ngay trên thùng hàng, đáp ứng nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử khi làm việc ngoài trời.
Công nghệ hiện đại, tiện ích đa dạng
Bên trong khoang lái, Ford Ranger mang đến trải nghiệm tiện nghi với hàng loạt tính năng hiện đại như màn hình cảm ứng 12 inch (phiên bản Wildtrak) hoặc 10 inch (các phiên bản khác) tích hợp hệ thống SYNC 4, hỗ trợ kết nối không dây với Apple CarPlay/Android Auto.
Đáng chú ý, ứng dụng FordPass được tích hợp trên Ranger cho phép người dùng kết nối thông minh với xe. Tính năng này giúp theo dõi tình trạng xe, định vị, mở khóa và khởi động từ xa, đem lại sự tiện lợi tối đa.
Hệ thống an toàn cũng là điểm mạnh của Ford Ranger. Các phiên bản cơ bản như XLS và Sport được trang bị camera lùi, cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, kiểm soát hành trình và 6 túi khí.
Trong khi đó, các phiên bản cao cấp như Wildtrak, Stormtrak và Raptor sở hữu camera 360, cảm biến hỗ trợ đỗ xe, cảnh báo điểm mù và lệch làn, hệ thống phanh khẩn cấp thông minh có khả năng nhận diện người đi bộ,...
Với sự đa dạng trong các phiên bản và trang bị, Ford Ranger không chỉ đáp ứng nhu cầu vận chuyển và làm việc mà còn phù hợp cho các chuyến du lịch hoặc khám phá địa hình.
Mỗi phiên bản đều được tinh chỉnh để phù hợp với từng nhóm khách hàng, từ người lao động cần một công cụ bền bỉ đến những người đam mê off-road.