Vĩnh Phúc: Dấu ấn tăng trưởng kinh tế ở Vĩnh Tường

Việc tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, phát huy tinh thần đoàn kết cùng sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo được dấu ấn về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm.
img-0905-1735638473.jpeg
Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ Dự án đường Thổ Tang - Vĩnh Sơn, tuyến đô thị phía Đông thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường), nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Ảnh: Chu Kiều

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường Nguyễn Phương Nam cho biết: Với quyết tâm cao của toàn Đảng bộ và người dân địa phương, các nhóm nhiệm vụ khó đều được tập trung thực hiện và đạt kết quả cao. Nổi bật là lĩnh vực công nghiệp với tổng giá trị sản xuất đạt hơn 7,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13,85% so với cùng kỳ. Các hoạt động khuyến công trên địa bàn được quan tâm, thực hiện có hiệu quả.

Cùng với công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ cũng có những bước tiến đáng kể. Tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt hơn 5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,53% so với cùng kỳ. Ngoài hoạt động mua bán hàng hóa truyền thống, hiện nay, việc mua bán hàng hóa trực tuyến trên địa bàn đang phát triển mạnh, góp phần đáng kể vào tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành thương mại, dịch vụ.

Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân được đảm bảo, các doanh nghiệp, nhà phân phối chủ động nguồn hàng hóa đưa ra thị trường, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức. UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn.

Dịch vụ tín dụng ngân hàng cũng góp phần đắc lực hỗ trợ cho phát triển kinh tế của huyện, hiện tổng dư nợ tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vĩnh Tường đạt 2.430 tỷ đồng, tăng 250 tỷ đồng so với cùng kỳ; dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt hơn 640 tỷ đồng, tăng hơn 46 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ phát triển, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được huyện đặc biệt quan tâm với sự chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong năm, toàn huyện đã bồi thường, bàn giao mặt bằng được gần 40ha, với tổng số tiền đã chi trả gần 155 tỷ đồng.
Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn tại đối với các công trình, dự án trên địa bàn quản lý. Tập trung triển khai các dự án do UBND huyện làm chủ đầu tư đã có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của huyện.
Chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan và các chủ đầu tư thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch bàn giao cho nhà đầu tư triển khai các dự án đảm bảo theo quy định.

Bước sang năm mới với khí thế mới, huyện Vĩnh Tường tập trung cao độ để tăng tốc, bứt phá, về đích, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm (2021 - 2026) đã đề ra.

Với quyết tâm đó, UBND huyện tiếp tục khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Tập trung bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung hàng hóa.
Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội; duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục; quan tâm bảo vệ môi trường; bảo đảm an sinh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Tập trung phấn đấu thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2025 “Thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp. Đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức cán bộ. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính. Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống nhân dân”.

Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, huyện Vĩnh Tường tập trung chỉ đạo các cơ quan, địa phương thực hiện tốt việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ vào chương trình công tác năm 2024.

Cùng với đó, xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để triển khai nhiệm vụ được giao, nhất là các nhiệm vụ khó, phức tạp. Định kỳ hằng quý hoặc đột xuất theo yêu cầu, báo cáo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ với Ban Thường vụ Huyện ủy.

Với sự chủ động, nắm chắc tình hình của các ngành, chính quyền các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của huyện Vĩnh Tường đều tăng so với cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất ước đạt gần 19 nghìn tỷ đồng, đạt 99,06% so với kế hoạch, tăng 9,57% so với cùng kỳ (tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 3 toàn tỉnh).

Trong đó, công nghiệp - xây dựng đạt gần 11 nghìn tỷ đồng, tăng 11,83% so với cùng kỳ; dịch vụ đạt hơn 5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,53% so với cùng kỳ; nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt hơn 2,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ; thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 624,889 tỷ đồng, đạt 129,58% so với dự toán năm; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 72 triệu đồng/năm (tăng 7,6 triệu đồng so với năm 2023).