Cùng truyền hình QPVN thăm và tặng quà hoạ sĩ trẻ Dương Cao Thành tại Vĩnh Phúc

Họa sĩ trẻ Dương Cao Thành, là một trong những người đã cộng tác với Tổ chức “Trái người lính Việt Nam”, phục dựng màu hàng trăm di ảnh thờ các Anh hùng – Liệt sĩ trong thời gian gần đây. Chỉ tính riêng sự kiện do Hội Cựu CAND tỉnh Ninh Bình phối hợp với “Trái tim người lính” tổ chức trong dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam, Thành đã làm tới ½ số lượng di ảnh.

dt1vp1vh-1735349162.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Nhưng rất ít người biết Dương Cao Thành là một người khuyết tật. Anh sinh 1991, có bố là Cựu chiến binh trong Chiến tranh biên giới, bác ruột là Thương binh trong Kháng chiến chống Mỹ. Thành bị tai nạn giao thông từ năm 13 tuổi, hiện phải di chuyển bằng xe lăn. Với nghị lực phi thường, vượt lên số phận, anh đã học vẽ truyền thần và tranh đá quý tại Trung tâm Phục hồi chức năng Trẻ tàn tật Thụy An ở Ba Vì, TP. Hà Nội. Sau đó, Thành xin học thêm lớp Tin học và công nghệ máy tính. Đặc biệt, qua mấy người bạn giới thiệu, anh đã trực tiếp về tận Thái Bình và Hà Nội, để tìm thầy học phục dựng ảnh cũ bằng máy tính và công nghệ AI…

Trở về Vĩnh Phúc, Dương Cao Thành đã lập nhóm bạn hỗ trợ lẫn nhau, cùng làm công việc phục dựng màu cho di ảnh. Trong hơn 2 năm qua, Thành và nhóm bạn đã phục dựng thành công khoảng 1000 ảnh cũ, hầu hết trong số đó là di ảnh của các Anh hùng – Liệt sĩ. Hiện Thành đã có vợ và 2 con nhỏ. Vợ của anh làm nghề phụ hồ. Gia đình nhỏ của họ đang sống hạnh phúc tại xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

“Trái tim người lính” vừa cùng ekip Truyền hình QPVN (Biên tập Thùy Minh, Quay phim Hữu Phụng) đến thăm và tặng quà cho Họa sĩ trẻ Dương Cao Thành. Những hình ảnh của chuyến đi ý nghĩa cuối năm 2024 này sẽ có trong một phóng sự giới thiệu sự kiện Lễ trao di ảnh Anh hùng – Liệt sĩ CAND và QĐND tại Ninh Bình, do Hội Cựu CAND tỉnh Ninh Bình, phối hợp với Tổ chức “Trái tim người lính” thực hiện. Dự kiến, sẽ được phát trên sóng của Truyền hình QPVN đầu năm 2025.

Nhân đây, chúng tôi xin giới thiệu chùm ảnh kỷ niệm vừa được chụp tại nhà riêng của Họa sĩ trẻ Dương Cao Thành tại Vĩnh Phúc và bài phát biểu của Nhà văn Đặng Vương Hưng, trong khuôn khổ sự kiện Lễ trao di ảnh các Anh hùng – Liệt sĩ CAND tại Ninh Bình nêu trên…

*

Trước hết, thay mặt Tổ chức TTNL, xin trân trọng cảm ơn sự phối hợp từ Hội Cựu CAND tỉnh Ninh Bình, đặc biệt là của Trung tướng Bùi Bá Định – Chủ tịch Hội, đã ủng hộ chương trình nhân văn phục dựng di ảnh thờ cho các Anh hùng – Liệt sĩ .

Chúng ta đều biết trong thời gian gần đây, nhờ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt biệt là trí tuệ nhân tạo, đã cho phép chúng ta khôi phục lại màu sắc sống động cho những di ảnh đen trắng đã nhòe mờ bởi thời gian năm tháng…

“Trái tim người lính” là một trong những tổ chức kết nối sớm nhất những nhóm bạn trẻ có khả năng sử dụng công nghệ kết hợp với hội họa. Có thể nói: Để chuyển màu cho ảnh đen trắng không khó. Nhưng phục dựng màu cho di ảnh chân dung sống động và đúng thần thái, thì không hề đơn giản. Yêu cầu các bạn trẻ không chỉ cần nắm vững kỹ thuật, công nghệ AI, mà còn phải hiểu biết về lịch sử, văn hóa trang phục, quân trang, quân hàm… từng thời kỳ lịch sử. Đặc biệt, bạn trẻ phải có tâm hồn trong sáng và lòng thành kính với các bậc tiền nhân.

Nhờ sự nỗ lực cố gắng, cộng với sự trợ giúp của nhiều cơ quan, đơn vị, “Trái tim người lính” đã tổ chức thành công sự kiện ra mắt chương trình phục dựng màu cho di ảnh các Văn nghệ sĩ, trí thức đã hy sinh và có công trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và những Anh hùng – Liệt sĩ “Mãi mãi tuổi 20”.

Tiếp đó, chúng tôi đã phục dựng và trao tặng loạt di ảnh Anh hùng – Liệt sĩ “Mãi mãi tuổi 20”; Tổ chức sự kiện giới thiệu di ảnh 10 nữ Anh hùng – Liệt sĩ dân quân Lam Hạ và một số Liệt sĩ Công an tỉnh Hà Nam.

Ngay tuần đầu tháng 12 này, chúng tôi vừa tổ chức một sự kiện trang trọng tại TP. Hồ Chí Minh, trao tặng hàng chục di ảnh vừa được phục dựng màu cho thân nhân các gia đình Anh hùng – Liệt sĩ tại các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, có 2 liệt sĩ là Lê Tấn Tài và Lê Tấn Lộc, là anh em ruột, con của Mẹ VNAH Trịnh Thị Gần tại tỉnh Cà Mau.

Và hôm nay, là 80 di ảnh thờ của các Anh hùng – Liệt sĩ tỉnh Ninh Bình – Một con số mang tính biểu tượng ý nghĩa. Rất nhiều những gương mặt trong số đó là của những chiến sĩ Công an và Quân đội tuổi 20, trước khi ngã xuống, hi sinh vì Tổ quốc. Bởi thế, khi chạm vào những di ảnh này, chính là chạm vào quá khứ hào hùng, chạm vào lịch sử, truyền thống chống ngoại xâm của cha ông mình, của dân tộc, nhắc nhớ chúng ta không được lãng quên.

Một câu hỏi đặt ra là: Ai là người đã kiểm duyệt chất lượng nội dung và nghệ thuật những di ảnh được trao tặng hôm nay? Xin được trả lời ngay: Không phải Tổ chức TTNL, cũng không phải Hội Cựu CAND tỉnh Ninh Bình, mà chính là thân nhân các gia đình các Anh hùng – Liệt sĩ. Từ những di ảnh (hầu hết là đen trắng) đã nhòe mờ bởi thời gian nhiều năm tháng, ngay sau khi phục dựng xong, chúng tôi đã gửi cho gia đình để, góp ý chỉnh sửa cho tới khi hài lòng, nhóm họa sĩ mới cho xuất file in cuối cùng.

Đặc biệt, chúng tôi xin được báo cáo thêm về trang phục và quân hàm các di ảnh của cán bộ chiến sĩ CAND: Chúng ta đều biết Pháp lệnh CSND có từ 20/7/1962 và Pháp lệnh ANND có từ 2/11/1987. Nghĩa là trước những thời điểm đó, Lực lượng CSND và ANND chưa có quy định cấp hàm cụ thể. Trang phục của các lực lượng cũng đã thay đổi nhiền lần, theo thời gian… Tất cả những yếu tố đó, đều liên quan đến việc phục dựng di ảnh thờ. Để giúp các họa sĩ trẻ nắm được những chi tiết cơ bản, chúng tôi đã phải đến Bảo tàng CAND chụp ảnh một số kỷ vật liên quan đến trang phục và quân hàm. Tuy nhiên, theo yêu cầu đề nghị của thân nhân một số gia đình: Liệt sĩ hi sinh trước thời điểm 20/7/1962, nhưng vẫn muốn có trang phục CAND. Cũng như một số Liệt sĩ QĐND chỉ có ảnh thường phục, nhưng khi phục dựng gia đình muốn có di ảnh mặc quân phục. Chúng tôi đã xin ý kiến và thống nhất với lãnh đạo Hội Cựu CAND tỉnh Ninh Bình là đưa thêm biểu tượng CAND và QĐND vào ve áo trang phục di ảnh của Liệt sĩ khi gia đình có yêu cầu.

Chúng tôi hiểu rằng: Trong kháng chiến, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và tính chất đặc thù của Lực lượng Công an khiến việc lưu giữ ảnh chân dung trở nên hạn chế. Các ảnh đen trắng nhỏ đã mờ nhòa theo thời gian là di sản quý giá, cần được phục dựng để tôn vinh công lao của các Anh hùng – Liệt sĩ.

Chương trình phục dựng màu cho các di ảnh Anh hùng – Liệt sĩ hoàn toàn sử dụng kinh phí xã hội hóa. Các họa sĩ trẻ và sinh viên tham gia, chủ yếu làm việc ngoài giờ với lòng đam mê. Nhiều bạn là con em gia đình CCB, có điều kiện hoàn cảnh rất khó khăn. Có bạn còn là người khuyết tật về sức khỏe. (Trong nhóm họa sĩ trẻ mà TTNL kết nối có bạn bị khiếm thính, có bạn bại liệt, phải đi xe lăn).

Hiện nay, chương trình đang mở rộng trên toàn quốc và đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Các di ảnh sau phục dựng sẽ được giới thiệu trong các sự kiện văn hóa tại nhiều vùng miền.

Quý vị có ảnh tư liệu cần phục dựng, vui lòng cung cấp thêm tóm tắt về công lao, sự nghiệp người đã mất. Các họa sĩ muốn tham gia chương trình, xin liên hệ với chúng tôi.

Tổ chức “Trái tim người lính” trân trọng cảm ơn sự đồng hành của các tập thế, cá nhân và cộng đồng xã hội trong hành trình nhân văn này. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, chung tay, góp sức, để lan tỏa giá trị ý nghĩa và tri ân sâu sắc đến những người đã cống hiến cho quê hương, đất nước.

Hà Nội, 28/12/2024

TTNL