Thượng tá Nguyễn Đỗ Huấn (ảnh trên) - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ: Hiện nay, các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như: Sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, sau đó giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuê yêu cầu nộp tiền để nhận quà; Lập tài khoản mạng xã hội hoặc chiếm quyền quản trị mạng xã hội (hack) của người khác rồi nhắn tin lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền; Lập trang Web đăng tải các nội dung sai sự thật hoặc tạo tài khoản mạng xã hội rao bán các mặt hàng, sau đó lừa bị hại chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt.
Thủ đoạn cho vay tiền qua app (vay tiền online), lợi dụng tâm lý vay tiền online thuận lợi, nhanh chóng, không phải ra ngân hàng làm thủ tục, các đối tượng lập ra các trang trên mạng xã hội (zalo, facebook...) chạy quảng cáo để tiếp cận các bị hại rồi đối tượng gửi các đường link kết nối với CH Play để bị hại cài đặt ứng dụng vào điện thoại và làm theo ứng dụng của app, khi bị hại đăng nhập app để vay tiền thì app sẽ báo lỗi, đòi tượng yêu cầu bị hại phải chuyển tiền đặt cọc để mở lại app thì mới giải ngân được (hứa hẹn sau khi giải ngân thì sẽ trả lại tiền cọc và tiền cho vay), hoặc đối tượng yêu cầu bị hại mua bảo hiểm khoản vay, đóng tiền phí giải ngân rồi chiếm đoạt tiền của bị hại; (5) Giả danh nhân viên Cơ quan nhà nước, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thoại hoặc lập trang Web giả mạo để khai thác thông tin cá nhân của bị hại, yêu cầu đóng tiền để nhận quà tặng, cung cấp mã OTP tài khoản ngân hàng, dọa liên quan đến vụ án và yêu cầu chuyển tiền để kiểm tra nhằm chiếm đoạt.
Thủ đoạn lừa đảo thông qua hình thức vay tiền góp vốn để hưởng tiền hoa hồng cao, sau đó đối tượng dùng số tiền đã huy động được trả tiền hoa hồng cho khách hàng, đến một thời điểm nào đó đối tượng không có khả năng để trả tiền hoa hồng cho khách hàng dẫn đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng; Tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng “mồi nhử” là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư kinh doanh tiền ảo, ngoại hối (Forex), sàn giao dịch quyền chọn nhị phân... theo mô hình đa cấp, sau đó can thiệp vào hệ thống kỹ thuật, làm cho nhà đầu tư thua lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt tài sản; Thủ đoạn sử dụng các phần mềm, ứng dụng để giả giọng nói, khuôn mặt, giấy tờ của Cơ quan nhà nước nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn lừa đảo thông qua hoạt động đầu tư kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, lợi dụng nhu cầu đầu tư của người dân, các đối tượng xây dựng các website tạo thành các sàn giao dịch tài chính, sàn giao dịch thương mại điện tử, chứng khoán quốc tế tế giả gi như shopping.cc, coolcat... kêu gọi đầu tư theo mô hình đa cấp có hưởng hoa hồng giới thiệu, hưởng lợi trên số tiền đầu tư dựa trên chính sách khuyến mãi, chiết khấu..., người đầu tư đóng tiền vào hệ thống bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản để quy đổi thành tiền “ảo” trong từng hệ thống, khi người tham gia đạt số lượng nhất định, chúng sẽ cho “sập sàn” hoặc cho máy chạy tự động giao dịch để chiếm đoạt số tiền nộp vào hệ thống của người chơi và một số thủ đoạn khác.
Trước tình trạng trên, công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu cho UBND tỉnh và các sở ngành và các huyện thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài tài sản.
Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an các xã, phường, thị trấn tuyên truyền về phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cho người dân theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ”, đồng thời, triển khai ký cam kết đối với 100% người dân trên địa bàn về việc đã được tuyên truyền cảnh giác, phòng ngừa đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; chỉ đạo Công an cấp huyện chủ động phối hợp với đơn vị quản lý hệ thống loa truyền thanh tổ chức tuyên truyền ít nhất 02 lượt/ngày vào các khung giờ cao điểm 05h30 - 06h30 và 17h00 18h00; đẩy mạnh công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, công tác điều tra, xử lý án về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Qua đó, công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm này trên địa bàn tỉnh, giữ vững ổn định an ninh trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống Nhân dân.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại địa bàn tỉnh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Thời gian tới sẽ chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của các đối tượng, ổ nhóm liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, từ đó áp dụng các biện pháp đấu tranh, xử lý nghiêm đối với loại tội phạm này. Tiếp tục làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết 100% tố giác, tin báo về tội phạm liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng theo đúng quy định của pháp luật.
Nâng cao chất lượng, đổi mới công tác tuyên truyền, trong đó tập trung vào các khu vực đông dân cư, trường học, khu công nghiệp, nơi có đông công nhân, người lao động sinh sống; đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội; nội dung tuyên truyền tập trung về các phương thức, thủ đoạn và cách phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ án, vụ việc để các tổ chức, cá nhân tăng cường cảnh giác trước những thủ đoạn của các đối tượng. Và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, điều tra, làm rõ, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản để góp phần răn đe, phòng ngừa chung. Đầu tư kinh phí, mua sắm phương tiện, trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, rà soát, điều tra đối với các vụ án liên quan để các lực lượng triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong tình hình mới.
Trong 06 tháng đầu năm 2024, lực lượng Công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 19 tổ tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng (đạt 100%), tổng số tiền thiệt hại hơn 3,8 tỷ đồng, đã khởi tố 14 vụ với 05 bị can, thu hồi số tiền hơn 17,3 triệu đồng.
Định hướng tuyên truyền trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đề nghị các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền kịp thời, toàn diện, đậm nét các sự kiện thời sự, chính trị - xã hội, đối ngoại quan trọng, nổi bật của của tỉnh, đất nước và quốc tế. Tiếp tục tuyên truyền nội dung, kết quả việc triển khai thực hiện các nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV; Kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh khóa XVII và HĐND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; hoạt động tiếp xúc cử tri sau kỳ họp; Tuyên truyền kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu theo nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025; Tiếp tục tuyên truyền việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ và kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả năm 2024, gắn với tuyên truyền triển khai thực hiện các quy định nêu gương của Đảng, những điều đảng viên không được làm, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và chuyên đề năm 2024...
Tập trung tuyên truyền kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng 6 tháng đầu năm; chủ trương, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh năm 2024. Đặc biệt tuyên truyền kịp thời hoạt động của bộ đội giúp dân và tình cảm của Nhân dân dành cho bộ đội, cụ thể: hoạt động của bộ đội giúp Nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; cứu hộ cứu nạn; phòng chống cháy rừng; xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; tham gia xây dựng nông thôn mới...
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung một số cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, về đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Trong thời gian qua, công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn thực hiện theo tinh thần Quy định số 27-QĐ/TU, ngày 28/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các cơ quan báo chí đã bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, định hướng của Trung ương, của tỉnh, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, không có sai sót về lập trường, quan điểm, tư tưởng chính trị.
Các cơ quan báo chí của tỉnh, Cổng TT-GT điện tử tỉnh tiếp tục duy trì và thực hiện tốt các chương trình phát sóng, các kỳ xuất bản, các chuyên trang, chuyên mục, phản ánh đậm nét, kịp thời tình hình đời sống xã hội và những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Chất lượng nội dung, hình thức các chương trình, tác phẩm báo chí được quan tâm, từng bước nâng cao với nhiều bài viết, phóng sự dài kỳ; đẩy mạnh ứng dụng hình thức báo chí hiện đại (Inforgraphic, Emagazin...) nhằm chuyển tải một cách phong phú, sinh động về những thành tựu, kết quả đạt được ở các đơn vị, địa phương; công tác tuyên truyền trên các nền tảng số được các cơ quan báo chí chú trọng, thu hút sự quan tâm, chia sẻ của bạn đọc".