Vĩnh Phúc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế

Bằng việc khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển, sau 27 năm tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực và nằm trong top dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế.
img-8223-1723210466.jpeg
Công nghiệp điện tử luôn có mức tăng trưởng cao nhất trong cơ cấu giá trị ngành công nghiệp​

Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa cao, thậm chí đang có dấu hiệu chững lại so với một số tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Hồng và dư địa cho tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào FDI đã bộc lộ những hạn chế.

Tăng trưởng chưa bền vững, phụ thuộc vào dòng vốn FDI

Theo thống kê của UBND tỉnh, giai đoạn 1997 - 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân tăng 13,42%/năm. Tuy nhiên, trong giai đoạn này tăng trưởng kinh tế có năm rất thấp, như năm 2020 chỉ tăng 2,97%, năm 2012 là tăng trưởng âm 3,28% do dòng vốn đầu tư của các dự án FDI giảm 37,5%.
Còn từ năm 2022 đến nay, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, trong đó, năm 2022, tăng trưởng kinh tế tăng 9,5% - là mức tăng cao nhất kể từ năm 2014 đến nay; năm 2023, Vĩnh Phúc là tỉnh duy nhất của cả nước có tăng trưởng âm trong quý I nhưng đã lấy lại được đà tăng trưởng ở các quý tiếp theo, đưa GRDP cả năm tăng 2,37%. Riêng 6 tháng năm 2024, quy mô nền kinh tế của tỉnh đạt 80.700 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,26% nhưng so với 11 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Hồng thì Vĩnh Phúc chỉ cao hơn thành phố Hà Nội 0,26%, cao hơn tỉnh Bắc Ninh 3,94% và thấp hơn 8 tỉnh, thành còn lại Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hưng Yên từ 0,55 đến 4,09%.

Theo phân tích của các chuyên gia và số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế và quy mô kinh tế của Vĩnh Phúc còn tương đối thấp so với các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Hồng. Cụ thể, quy mô kinh tế chỉ bằng 1/8 so với thành phố Hà Nội, bằng 1/2 so với thành phố Hải Phòng và các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh. Đặc biệt, khoảng cách về GRDP bình quân đầu người giữa Vĩnh Phúc và các tỉnh đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng có nhiều thay đổi. Giai đoạn 2011 - 2020, GRDP bình quân đầu người của tỉnh cao hơn thành phố Hải Phòng và tương đương với thành phố Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh nhưng từ năm 2021 đến nay, khoảng cách chênh lệch ngày càng lớn. Hiện GRDP bình quân đầu người của Vĩnh Phúc đạt 130,5 triệu đồng/người/năm, gần bằng tỉnh Bắc Ninh; thấp hơn khoảng 60 triệu đồng/người/năm so với thành phố Hải Phòng và gần bằng 2/3 tỉnh Quảng Ninh. Cùng với đó, quy mô ngành công nghiệp - xây dựng của tỉnh còn khá thấp so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng. Hiện chỉ chiếm khoảng 6% tổng giá trị gia tăng ngành công nghiệp - xây dựng của vùng đồng bằng sông Hồng, bằng 1/5 so với thành phố Hà Nội, 1/3 so với Bắc Ninh và ½ so với Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, nguồn thu ngân sách của tỉnh còn thiếu đa dạng và rủi ro, chủ yếu phụ thuộc vào các ngành công nghiệp thuộc khu vực FDI, nhất là công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy. Hiện khu vực FDI chiếm gần 80% tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh, trong đó, Công ty Honda Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam chiếm hơn 90% tổng số thu ngân sách từ khu vực FDI.

Dịch chuyển tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước. Đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương và đến năm 2045 là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường.

Từng bước hiện thực hóa các mục tiêu này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách; yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung cụ thể hóa, triển khai thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, trong đó, trọng tâm là đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; khơi thông các điểm nghẽn, thu hút đầu tư, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh…

Tận dụng tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương và từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm sự phụ thuộc vào số ít doanh nghiệp, nhất là 2 doanh nghiệp trọng điểm là Toyota và Honda, kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc đã có sự dịch chuyển dịch cực, với GRDP theo giá hiện hành từ 137.000 tỷ đồng năm 2021 tăng lên 153.000 tỷ đồng năm 2022, tăng lên 158.000 tỷ đồng năm 2023 và đạt 80,7 nghìn tỷ đồng 6 tháng năm 2024. Cùng với đó, giá trị GRDP bình quân đầu người cũng tăng từ 115 triệu đồng/người/năm 2021 lên 128 triệu đồng/người năm 2022, tăng lên 130,5 triệu đồng/người /năm 2023, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là từ 130 - 135 triệu đồng/người/năm 2025. Qua đó, thể hiện sự ổn định trong tăng trưởng và phát triển kinh tế, khẳng định vị thế của tỉnh là địa phương trong top dẫn đầu của cả nước.

Kinh tế phát triển, chuyển dịch đúng hướng đã đưa cơ cấu sử dụng lao động chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp, xây dựng và lao động dịch vụ. Đặc biệt, trong cơ cấu kinh tế, ngành công nghiệp tiếp tục giữ vai trò là đầu tàu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Công nghiệp hỗ trợ được hình thành và từng bước phát triển, nhất là công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp cơ khí chế tạo và công nghiệp điện tử - tin học.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp hỗ trợ đã thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực tiếp tục phát triển, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Đây cũng là cơ sở quan trọng để chuyển đổi mô hình từ chiều rộng sang chiều sâu, với nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới như NorthStar Precious, Sojitz, Kraft Vina... đã quan tâm, đầu tư tại tỉnh. Công nghiệp ứng dụng sản xuất ngày càng tiên tiến, hiện đại. Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 80 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cho Samsung, Dell và một số doanh nghiệp cung ứng linh kiện cho Apple... Nhiều doanh nghiệp nội địa làm chủ chuỗi cung ứng sản xuất như Cosmos, Á Mỹ, CNCTech… sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và các thị trường lớn trên thế giới.

Song hành với phát triển công nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch của tỉnh phát triển mạnh mẽ, nhất là từ khi thị trấn Tam Đảo được vinh danh là Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng bình quân khoảng 13,8%/năm.

Riêng đối với ngành nông nghiệp, từ việc kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025, nông nghiệp Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển. Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành được các chuỗi liên kết chế, thu hút thành công dự án liên danh với SOJIT Nhật Bản để tiến hành chế biến sâu trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều giống gia súc, gia cầm mới có năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào sản xuất. Các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi; chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển mạnh theo hướng công nghiệp và trở thành thế mạnh của tỉnh. Một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, vùng sản xuất rau, quả an toàn thực phẩm theo chuẩn VietGAP được hình thành, phát triển.

Để kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVII mới đây, nhiều đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, trong bối cảnh kinh tế của tỉnh vẫn đang là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, phụ thuộc vào sự gia tăng yếu tố đầu vào và chưa tạo ra được nhiều những yếu tố nội sinh thì tăng trưởng kinh tế là điều rất khó khăn. Do vậy, tỉnh cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu dựa trên tích lũy tri thức và công nghệ, chú trọng cải thiện chất lượng và năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, khuyến khích chuyển dịch sang những ngành nghề, dịch vụ đòi hỏi trình độ công nghệ, trí tuệ và mang lại giá trị gia tăng cao. Chú trọng nâng cao năng suất lao động, nâng cao hàm lượng khoa học và công nghệ cao, năng lực quản trị; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đẩy nhanh ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, kinh doanh và quản lý xã hội.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ. Chú trọng phát triển công nghiệp để làm tiền đề, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Tiếp tục khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ; duy trì phát triển các ngành sản xuất và lắp ráp phụ tùng ô tô, xe máy; linh kiện điện tử; các sản phẩm điện tử hoàn chỉnh... để trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn.

Trước đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã tổ chức các hội nghị, lấy ý kiến các chuyên gia về định hướng và giải pháp chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc. Đặc biệt, trong Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tháng 2/2024, Vĩnh Phúc tiếp tục xác định 1 trong 5 giải pháp trọng tâm, đột phá để hiện thực hóa được các mục tiêu của Quy hoạch là đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng năng suất lao động trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao thu nhập bình quân đầu người.

Phát triển theo hướng này, tỉnh sẽ thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, bởi doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn là nguồn lực quan trọng để bảo đảm tăng trưởng trong dài hạn, vừa tạo việc làm, tích lũy vốn và là nguồn đầu tư ổn định. Cùng với đó, tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài, tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm công nghiệp có triển vọng. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Khuyến khích, thu hút, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; trọng dụng, đãi ngộ nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ công nghệ số và hội nhập kinh tế quốc tế.