Tích cực DTĐR, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp
Thực hiện chủ trương của tỉnh về DTĐR, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Tường, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đưa DTĐR là 1 trong 20 chỉ tiêu nhiệm vụ quan trọng để thực hiện. Đến nay, toàn huyện đã triển khai DTĐR tại 8 xã với tổng diện tích đạt hơn 1.251 ha, là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về DTĐR, hiện thực hóa những cánh đồng mẫu lớn.
Sau DTĐR, mỗi hộ còn 1-2 thửa ruộng, các thửa tiếp giáp đường, mương, thuận lợi cho việc canh tác, tạo tiền đề cho nông dân áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, hình thành vùng liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, thu nhập cho nông dân.
Nhờ triển khai DTĐR, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ, cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa với tổng diện tích 100 ha tại xã Ngũ Kiên; mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, có liên kết và bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích 80 ha tại xã Phú Đa; mô hình áp dụng phun thuốc bằng máy bay không người lái để phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa với tổng diện tích 500 ha tại các xã Vũ Di, Phú Đa; mô hình phát triển vùng trồng bưởi tập trung trên tổng diện tích 25 ha tại các xã Vĩnh Ninh, Phú Đa.
Bên cạnh khu vực có vị trí thuận lợi để gieo trồng, các khu vực ruộng trũng cũng được người dân tận dụng nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao, điển hình như mô hình nuôi trồng thủy sản tập trung với tổng diện tích 36,8 ha tại xã Phú Đa, giá trị sản xuất trung bình của mô hình đạt gần 70 triệu đồng/ha.
Tập trung khai thác thế mạnh phát triển nông nghiệp
Cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đưa Vĩnh Tường trở thành nơi cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch, có thương hiệu, giá trị kinh tế cao ra thị trường, huyện Vĩnh Tường đã ban hành và triển khai nhiều đề án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Theo đó, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình sản xuất các sản phẩm chủ lực tập trung.
Toàn huyện hiện có 185 trang trại, hơn 1.700 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn gần 16 nghìn con… Sản phẩm sữa bò tươi của huyện đã hình thành liên kết 6 doanh nghiệp với 12 trạm thu gom sữa gồm Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam; Công ty cổ phần Sữa Việt Nam; Công ty cổ phần sữa Ba Vì; Công ty cổ phần Sữa quốc tế; Công ty cổ phần dinh dưỡng Nutricare và 1 doanh nghiệp của địa phương là Công ty cổ phần chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh.
Được mệnh danh là thủ phủ bò sữa của tỉnh, xã Vĩnh Thịnh có sản lượng sữa bò tươi đạt hơn 23 nghìn tấn/năm. Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào từ địa phương, năm 2021, anh Nguyễn Tiến Lộc, xã Vĩnh Thịnh đã thành lập Công ty cổ phần chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh.
Nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng, dây chuyền sản xuất hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với công suất sản xuất khoảng 2.000 tấn sữa/năm, sản phẩm Vinhtuongmilk của công ty được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, cung cấp cho chuỗi các cửa hàng, siêu thị toàn quốc và gần 40 trường học trên địa bàn các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc.
Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh Nguyễn Tiến Lộc cho biết: Để có chỗ đứng trên thị trường, doanh nghiệp phải đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Xác định công nghệ là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, mới đây, công ty đầu tư hơn 2 tỷ đồng nâng cấp hệ thống máy thanh trùng, máy đồng hóa sữa với công suất 1.000 lít/giờ. Hiện nay, quy trình sản xuất của công ty đạt tiêu chuẩn ISO 22.000:2018.
Bên cạnh mô hình chăn nuôi bò sữa, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường còn nhiều mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã hình thành được vùng sản xuất tập trung như nuôi rắn tại Vĩnh Sơn với tổng đàn khoảng 328.000 con; sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản tại các xã Yên Lập, Đại Đồng, Tân Tiến, Nghĩa Hưng với sản lượng đạt hơn 26 triệu con/năm; vùng chuyên canh rau, củ, quả tại các xã, thị trấn Tân Tiến, Đại Đồng, Thổ Tang; vùng chuyên canh bưởi tại các xã Vĩnh Ninh, Phú Đa…
Việc tập trung khai thác thế mạnh phát triển nông nghiệp đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2024 ước đạt 66,5 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 11,3 triệu đồng so với năm 2020; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,6%.
Tiếp tục phát huy thế mạnh nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất, huyện Vĩnh Tường đề ra một số giải pháp trọng tâm để thực hiện, trong đó tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng địa phương; nâng cấp, phát triển hệ thống thủy lợi, tạo thuận lợi trong sản xuất; tăng cường hỗ trợ nông dân trong việc liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển các HTX nông nghiệp kiểu mới.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân DTĐR, ứng dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, thân thiện với môi trường; tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong việc hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, giúp nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất manh mún sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm…