Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp (CASRAD)
Không bảo hộ riêng “BƠ”, “AVOCADO”, “hình quả bơ”. Để nâng cao hiệu quả quản lý nhãn hiệu sau bảo hộ, bên cạnh ban hành các quy định quản lý thì việc tham gia của cơ quan chuyên môn và đơn vị trực tiếp sử dụng NHCN đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhãn hiệu từ giai đoạn sản xuất đến lưu thông, phân phối trên thị trường. Thông qua các hoạt động xây dựng công cụ quảng bá và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm đã giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ chỗ chỉ bán buôn cho các thương lái tại chợ đầu mối, các HTX sản xuất và kinh doanh bơ đã thiết lập được kênh tiêu thụ sản phẩm thông qua các hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội giúp nâng cao giá trị sản phẩm.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong những năm qua Sơn La đã phát triển diện tích bơ khá lớn từ diện tích đất dốc canh tác cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp hiệu quả thấp. Năm 2020 Sơn La có 1.254 ha cây bơ và cho sản lượng 5.532 tấn (số liệu thống kê tỉnh Sơn La, năm 2020). Bơ Sơn La chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa là chủ yếu và ở dạng quả tươi. Theo dự báo trong những năm tới sản lượng bơ của Sơn La sẽ tăng lên nhanh chóng và điều này sẽ đặt ra thách thức cho Sơn La trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường để đảm bảo ổn định giá bán. Một trong những giải pháp để mở rộng được thị trường bơ, tăng thu nhập cho người dân đó là đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Bơ Sơn La. Căn cứ vào yêu cầu và vai trò của các hình thức bảo hộ SHTT gắn với địa danh cho thấy: Hình thức bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận là phù hợp nhất đối với sản phẩm Bơ Sơn La.
Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá kết quả: “Xây dựng, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Bơ Sơn La” cho sản phẩm quả bơ của tỉnh Sơn La”.
II. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Nội dung nghiên cứu
Nghiên cứu hiện trạng sản xuất và thị trường tiêu thụ quả bơ Sơn La. Cơ sở khoa học và thực tiễn trong xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Bơ Sơn La” cho sản phẩm quả bơ của tỉnh Sơn La.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp thu thập thông tin:
Thông tin thứ cấp: Thu thập các tài liệu về Luật Sở hữu trí tuệ, các Nghị định của Chính Phủ, các tài liệu liên quan đến Nhãn hiệu chứng nhận “Bơ Mộc Châu”, các số liệu, thông tin, báo cáo liên quan đến sản xuất bơ và thị trường bơ Sơn La qua các năm, các tài liệu về bản đồ và quy hoạch vùng sản xuất bơ của tỉnh Sơn La.
Thông tin sơ cấp: Thu thập thông tin thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp và điều tra các tác nhân thương mại và người tiêu dùng về Bơ Sơn La. Điều tra 100 mẫu tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Sơn La, Lạng Sơn và Lào Cai bằng phiếu câu hỏi.
- Phương pháp phân tích thông tin
Thông tin, số liệu được xử lý bằng phần mềm Excel.
III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Hiện trạng sản xuất và thị trường tiêu thụ quả bơ Sơn La
Trong những năm qua Sơn La đã phát triển diện tích bơ khá lớn từ diện tích đất dốc canh tác cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp hiệu quả thấp. Năm 2020 Sơn La có 1.254 ha cây bơ và cho sản lượng 5.532 tấn. Bơ Sơn La chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa là chủ yếu và ở dạng quả tươi. Sơ đồ kênh tiêu thụ quả bơ Sơn La như sau:
Các kênh tiêu thụ chính trong chuỗi giá trị bơ
- Kênh 1: Người sản xuất à 80% HTX/DN, thu gom địa phương à 53% Bán buôn tại Hà Nộià 100% Bán lẻ tại Hà Nộià 100% Người tiêu dùng;
- Kênh 2: Người sản xuất à 80% HTX/DN, thu gom địa phương à 35% Bán buôn tại các tỉnh lân cận à 100% Bán lẻ tại các tỉnh à 100% Người tiêu dùng;
- Kênh 3: Người sản xuất à 80% HTX/DN, thu gom địa phương à 2% Bán cho siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch à 100% Người tiêu dùng;
- Kênh 4: Người sản xuất à 80% HTX/DN, thu gom địa phương người tiêu dùngà 10% Bán lẻ tại Sơn La à 100% Người tiêu dùng;
- Kênh 5: Người sản xuất à20% Bán lẻ tại Sơn La à 100% Người tiêu dùng.
Nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ quả bơ mang NHCN “Bơ Sơn La”, các hoạt động nghiên cứu xác định nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng Bơ Sơn La, quảng bá và phát triển thị trường cho sản phẩm quả bơ Sơn La đã được tiến hành.
Thị hiếu của người tiêu dùng về sản phẩm bơ Sơn La
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng thị hiếu của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm bơ Sơn La được nhóm thành 4 nhóm chính:
Chất lượng dinh dưỡng: Người tiêu dùng rất quan tâm tới chất lượng dinh dưỡng, đó là thành phần dinh dưỡng trong quả bơ như protein, Omega-3, Vitamin E, Vitamin K, Vitamin B9, Caroten, kali, gluxit,….
Chất lượng cảm quan: Đó là các tiêu chí về hình dáng, màu sắc, kích cỡ,… Đây cũng là một trong những nhóm tiêu chí mà người tiêu dùng quan tâm khi lựa chọn mua sản phẩm.
Chất lượng an toàn thực phẩm: Đó là hàm lượng kim loại nặng, dư lượng chất bảo vệ thực vật.
Chất lượng bên ngoài gồm có hệ thống bao bì nhãn mác đẹp mắt, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, logo, poster,…
|
Đồ thị 1 cho thấy có đến 98% số người điều tra cho rằng chất lượng an toàn thực phẩm của quả bơ sẽ quyết định đến việc mua của họ, 91% mẫu điều tra cho rằng chất lượng dinh dưỡng ảnh hưởng đến quyết định mua, 86% mẫu điều tra cho rằng chất lượng bên ngoài ảnh hưởng đến việc ra quyết định mua quả bơ và 73% sẽ mua quả bơ dựa vào chất lượng cảm quan và 65% mua dựa vào yếu tố khác như vị trí cửa hàng, quan hệ với chủ cửa hàng,…. Kết quả này cho thấy việc quyết định mua bơ của người tiêu dùng sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố cùng lúc.
Hiện nay, bơ của nông dân sau khi thu hoạch được bán cho các thu gom địa phương và tiêu thụ chủ yếu trong nước dưới dạng quả tươi chưa có bao bì, nhãn mác đồng bộ nên khi bán chưa có bất cứ dấu hiệu nào để người tiêu dùng nhận biết đúng sản phẩm Bơ Sơn La.
3.2. Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Bơ Sơn La”
Quá trình xây dựng NHCN “Bơ Sơn La” đã được thực hiện theo đúng yêu cầu của Luật Sở hữu trí tuệ. Bộ hồ sơ đăng ký NHCN “Bơ Sơn La” đã được hoàn thiện bao gồm: Tờ khai đăng ký NHCN, mẫu nhãn hiệu (logo) Bơ Sơn La, bộ tiêu chí chứng nhận sản phẩm, quy định quản lý và sử dụng NHCN “Bơ Sơn La”, quyết định của UBND tỉnh Sơn La cho phép sử dụng tên địa danh và công nhận bản đồ khu vực địa lý tương ứng với NHCN, bản đồ khu vực địa lý tương ứng với NHCN “Bơ Sơn La”.
Thiết kế lựa chọn mẫu nhãn hiệu (logo)
Xây dựng mẫu nhãn hiệu (logo) là yêu cầu bắt buộc trong quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Kết quả mẫu nhãn hiệu (logo) cuối cùng được lựa chọn có đăng ký NHCN “Bơ Sơn La” được mô tả như sau:
Logo được đặt trên nền màu xanh nõn chuối. Logo có hình tròn không viền thể hiện sự phóng khoáng cho sự phát triển quả bơ của tỉnh Sơn La.
Bên phải logo là hình 3 quả bơ màu xanh lá cây: 2 quả bơ nguyên và 1 quả bơ bổ dọc để lộ hạt và thịt quả. Phía trên là hình ảnh cách điệu của ngọn núi thoải thể hiện vùng cao nguyên nơi trồng bơ Sơn La.
Bên trái là cụm từ viết hoa màu xanh lá cây “Bơ Sơn La”, phía dưới logo là chữ “SON LA AVOCADO”.
Xây dựng Bộ tiêu chí chứng nhận sản phẩm
Các tiêu chí của quả bơ mang NHCN “Bơ Sơn La” gồm 2 nội dung chính: tiêu chí nguồn gốc xuất xứ, tiêu chí chất lượng. Các tiêu chí chứng nhận của sản phẩm “Bơ Sơn La” được xây dựng và hoàn thiện kế thừa từ các nội dung đã nghiên cứu tại dự án Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Bơ Mộc Châu” cho sản phẩm quả bơ của huyện Mộc Châu.
Tiêu chí nguồn gốc xuất xứ: nguồn gốc xuất xứ của Quả bơ mang NHCN “Bơ Sơn La” phải được trồng trong khu vực địa lý tương ứng với sản phẩm bơ mang NHCN “Bơ Sơn La” đã đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ. Giống bơ: Tất cả giống bơ (TA3, TA31, Hass, Fuerte, Ettinger, Reed, Booth7, SHARWIL, EST4, VĐ1, TA54, TA5, TA44, GC, TA1, …)
Tiêu chí chất lượng: gồm chất lượng cảm quan, chất lượng cơ lý, chất lượng dinh dưỡng
Chất lượng cảm quan: Hình dáng quả (Hình cầu tròn, hình quả lê, hình trứng ngược, hình elip); vỏ quả (vỏ mỏng, màu xanh hoặc màu tím khi chín, nguyên vẹn, lành lặn, không bị dập nát khi chín), mùi thơm dịu (thoang thoảng), vị béo ngậy, thịt quả (thịt quả dày, màu vàng kem tới màu vàng đậm, dẻo, không có sơ, ít nước).
Chất lượng cơ lý: Độ dày thịt quả từ 14,2 – 16,7 mm, khối lượng ≥253 gram/quả.
Chất lượng dinh dưỡng của quả bơ mang NHCN phải đạt trong giá trị giới hạn như bảng dưới:
Bảng 1. Tiêu chí chất lượng dinh dưỡng trong quả bơ Sơn La
TT |
Tiêu chí |
Đơn vị |
Giá trị giới hạn/yêu cầu |
1 |
Flolate (Vitamin B9) |
µg/100g |
≥ 77 |
2 |
Protein |
g/100g |
≥ 1,75 |
3 |
Beta-Caroten |
µg/100g |
123 - 129 |
4 |
Omega-3 |
g/100g |
0,15 – 0,19 |
5 |
Vitamin E |
mg/100g |
≥ 0,45 |
6 |
Vitamin K |
µg/100g |
≥ 3,08 |
7 |
Kali |
mg/100g |
197,5 – 352,34 |
8 |
Gluxit |
µg/100g |
6,6 – 7,2 |
Quy định Quản lý và sử dụng NHCN “Bơ Sơn La” được xây dựng theo quy định tại Điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ và Điểm 37.6 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN. Bản Quy định bao gồm các nội dung chính quy định về cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận, mẫu nhãn hiệu, trách nhiệm của tổ chức chứng nhận, quyền lợi và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng NHCN, các hành vi vi phạm và xử lý hành vi vi phạm này,… đã được chính thức ban hành theo Quyết định số 67/QĐ-KHCN ngày 5/5/2020 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La.
Kết quả tổng hợp thông tin thực địa, thu thập tư liệu bản đồ và tổ chức hội thảo góp ý, thống nhất bản đồ vùng sản xuất mang NHCN Bơ Sơn La đã lựa chọn được 49 xã/phường thuộc 7 huyện/thành phố của tỉnh Sơn La đưa vào Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với nhãn hiệu chứng nhận “Sơn La” cho sản phẩm quả bơ của tỉnh Sơn La (theo Quyết định số 296/QĐ-UBND ngày 18/2/2020 của UBND tỉnh Sơn La), gồm: các huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Yên Châu, Mai sơn, Thuận Châu, Quỳnh Nhai và thành phố Sơn La.
Với việc hoàn thiện và thông qua các tài liệu nêu trên, Nhãn hiệu chứng nhận “Bơ Sơn La” đã được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 387183 (theo Quyết định số 40635/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu Trí tuệ ngày 21 tháng 05 năm 2021) với các thông tin: nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể. Không bảo hộ riêng “BƠ”, “AVOCADO”, “hình quả bơ”.
3.3. Quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Bơ Sơn La”
Để khai thác và sử dụng NHCN “Bơ Sơn La”, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La đã cấp quyền sử dụng NHCN cho các tổ chức/cá nhân có nhu cầu và đủ điều kiện sử dụng. Cụ thể, đã tổ chức cấp quyền cho HTX Anh Trang tại huyện Mai Sơn và HTX Phương Nam tại huyện Yên Châu. Quy trình cấp quyền sử dụng NHCN Bơ Sơn La được hoàn thiện gồm 04 bước, thể hiện qua sơ đồ dưới:
Điểm mấu chốt của việc quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Bơ SơnLa” chính là cơ chế đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc địa lý của sản phẩm và đảm bảo tính đặc thù của sản phẩm thông qua quy trình kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm. Việc quản lý NHCN “Bơ Sơn La” được áp dụng theo mô hình sau:
-Hoạt động kiểm soát sản phẩm mang NHCN “Bơ Sơn La” cho sản phẩm bơ của tỉnh Sơn La được tổ chức thành 03 mức độ kiểm soát:
-Hoạt động tự kiểm soát: Là hoạt động của tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bơ Sơn La” thực hiện trong sản xuất, chế biến, kinh doanh của mình;
-Hoạt động kiểm soát của cơ quan quản lý nhãn hiệu: Là hoạt động của các cơ quan quản lý nhãn hiệu thực hiện kiểm soát theo kế hoạch đã được phê duyệt. Bao gồm: hoạt động kiểm soát của sở Khoa học và Công nghệ (chủ sở hữu nhãn hiệu); hoạt động kiểm soát của UBND các huyện, thành phố (cơ quan phối hợp quản lý nhãn hiệu) có sản phẩm trong vùng địa lý;
-Kiểm soát bên ngoài: Do cơ quan chức năng thực hiện. Kiểm soát này cho phép đảm bảo sự tuân thủ các yêu cầu liên quan đến nhãn hiệu chứng nhận “Bơ Sơn La”.
Để hỗ trợ cho việc quản lý và sử dụng NHCN “Bơ Sơn La” một số hoạt động đã được triển khai như: Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn quản lý, kiểm soát và sử dụng NHCN “Bơ Sơn La” cho sản phẩm quả bơ của tỉnh Sơn La, tập huấn marketing và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị….. xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (Qr code), mã số mã vạch, xây dựng sổ tay hướng dẫn sử dụng NHCN “Bơ Sơn La” và phát cho các tổ chức/cá nhân sử dụng.
3.3. Phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Bơ Sơn La”
- Để mở rộng thị trường tiêu thụ bơ Sơn La, một số hoạt động liên kết, quảng bá phát triển thị trường sản phẩm bơ sơn la đã được thực hiện.
- Bộ nhận diện sản phẩm quả Bơ Sơn La (tờ rơi, poster, túi nilon, tem) đã được thiết kế và đưa vào sử dụng. Các thiết kế lấy màu sắc chủ đạo là màu xanh lá cây (tương ứng với màu Logo được phê duyệt, thể hiện sản phẩm là tự nhiên và an toàn) và chú trọng vào tính hữu dụng của sản phẩm. Các thiết kế sử dụng logo để làm dấu hiệu nhận diện sản phẩm mang NHCN. Trên mỗi phương án thiết kế làm nổi bật chữ “Bơ Sơn La” và slogan của nhãn hiệu là “mùi thơm dịu, vị béo ngậy”.
Bơ Sơn La được bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội |
-Xây dựng 01 phóng sự quảng bá về sản phẩm quả Bơ Sơn La mang NHCN với thời lượng 8 phút 22, phát sóng trên bản tin Bạn của nhà nông, kênh truyền hình VTV2 vào lúc 16 h 45 phút ngày 11 tháng 10 năm 2021.
-Xây dựng liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm quả bơ mang NHCN theo chuỗi giá trị đến các thị trường Hà Nội, Lạng Sơn và Lào Cai.
-Kết quả triển khai các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm đã giúp cho HTX Anh Trang và HTX Phương Nam đã thiết lập các kênh tiêu thụ đến các thị trường tại Hà Nội (Kênh Happy Mart, Biggreen).
IV. KẾT LUẬN
-Nghiên cứu Xây dựng, quản lý và phát triển NHCN “Bơ Sơn La” đã giúp xây dựng hệ thống văn bản và bộ máy quản lý nhãn hiệu phù hợp với thực tế sản phẩm. Hệ thống văn bản làm cơ sở cho hoạt động quản lý khai thác NHCN “Bơ Sơn La. Hệ thống nhận diện, nhãn mác, bao bì sản phẩm, phương tiện giới thiệu và quảng bá cho NHCN “Bơ Sơn La” dùng cho sản phẩm, hệ thống công cụ quản lý, quảng bá và sử dụng NHCN được đánh giá là phù hợp với thực tế địa phương, sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng bơ Sơn La. Từ đó góp phần bảo vệ danh tiếng, uy tín và nâng cao chất lượng của sản phẩm bơ Sơn La, mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng thu nhập cho người sản xuất.
Tài liệu tham khảo
- Luật Sở hữu tí tuệ 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19/6/2009.
- Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ và Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
- Quyết định 131/QĐ-UBND ngày 19/01/2018 của UBND tỉnh Sơn La về việc Ban hành Kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh Sơn La năm 2018.
- Cục Thống kê Sơn La, Số liệu thống kê năm 2020.