Ấn Độ chuyển đổi nông nghiệp xanh như thế nào?

Nông dân ở vùng sa mạc hóa của Ấn Độ đang chuyển đổi mô hình canh tác bền vững nhằm phục hồi những vùng đất khô cằn và gia tăng lợi nhuận. P. Ramesh, một nông dân trẻ ở quận Anantapur, miền nam Ấn Độ, đã trải qua thua lỗ nặng nề vào năm 2007 khi sử dụng phương pháp canh tác hóa học trên diện tích 2,4 ha trồng lạc của mình. Khu vực này có lượng mưa hàng năm dưới 600mm, gây nhiều thách thức cho việc trồng trọt. 

Ramesh cho biết: “Tôi đã mất rất nhiều tiền khi trồng lạc bằng phương pháp canh tác hóa học”. Các hóa chất đắt đỏ khiến năng suất ruộng nhà anh thấp. Nhận ra sự cần thiết phải thay đổi, đến năm 2017, anh đã từ bỏ việc sử dụng hóa chất và chuyển sang áp dụng các phương pháp nông nghiệp tái tạo như nông lâm kết hợp và canh tác thuận tự nhiên. Phương pháp nông lâm kết hợp bao gồm việc trồng các cây thân gỗ lâu năm như cây, cây bụi, cọ, tre và cây nông nghiệp cùng nhau. Canh tác thuận tự nhiên nhấn mạnh việc thay thế phân bón hóa học, thuốc trừ sâu bằng các chất hữu cơ như phân bò và đường thốt nốt để tăng dinh dưỡng cho đất. Ngoài ra, Ramesh cũng đa dạng hóa cây trồng, bổ sung các loại cây như đu đủ, kê, đậu bắp, và cà tím.

a1-1719231638.jpeg

Ấn Độ chuyển đổi nông nghiệp xanh như thế nào?

Với sự hỗ trợ từ Trung tâm Sinh thái Accion Fraterna, một tổ chức phi lợi nhuận ở Anantapur, Ramesh đã tăng lợi nhuận đủ để mở rộng trang trại lên khoảng 4 ha. Như hàng nghìn nông dân khác đang thực hành canh tác tái tạo trên khắp Ấn Độ, Ramesh đã tìm cách nuôi dưỡng và hồi sinh vùng đất cạn kiệt dinh dưỡng, đồng thời giúp loại bỏ carbon khỏi khí quyển. Các nghiên cứu cho thấy tiềm năng cô lập carbon của nông lâm kết hợp cao hơn tới 34% so với các hình thức nông nghiệp tiêu chuẩn.

Ở miền Tây Ấn Độ, tại làng Dhundi ở Gujarat, Pravinbhai Parmar đang nâng cấp trang trại trồng lúa của mình bằng cách lắp đặt các tấm pin mặt trời. Nhờ đó, anh không còn phải sử dụng dầu diesel để vận hành máy bơm nước ngầm, chỉ bơm lượng nước cần thiết và bán lượng điện không sử dụng cho Nhà nước để gia tăng thu nhập. Theo một báo cáo năm 2020 trên tạp chí Quản lý Carbon, nếu tất cả nông dân như Parmar chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời, lượng khí thải carbon của Ấn Độ có thể giảm từ 45 triệu đến 62 triệu tấn mỗi năm. Hiện tại, cả nước có khoảng 250.000 máy bơm tưới tiêu bằng năng lượng mặt trời trong tổng số khoảng 20 đến 25 triệu máy bơm nước ngầm. Nông nghiệp và chăn nuôi hiện chiếm 14% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Ấn Độ, và con số này tăng lên tới 22% khi tính cả lượng điện mà ngành nông nghiệp sử dụng.

Ramesh và Parmar là những thành viên của nhóm nông dân đang dần lớn mạnh và nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ Ấn Độ và các tổ chức phi chính phủ để thay đổi thực hành canh tác, góp phần vào mục tiêu kép vừa sản xuất nông sản vừa giảm lượng khí thải nhà kính.