Áp dụng công nghệ với nông nghiệp chi phí giảm đáng kể

Từ khi sử dụng máy bơm điện, mỗi lứa rau nông dân HTX Đông Cao chỉ tốn tiền điện 80.000 đồng/sào cho chi phí tưới tiêu, trong khi trước đây mất tới 600.000 đồng.

z3896054515016_f58d700529fa1bedb52e8cfc2ebbcfa8

Đưa hệ thống điện về tận bờ ruộng, người trồng rau tại HTX Đông Cao tiết kiệm được cả triệu đồng/sào. Ảnh: Quang Linh.

Với tổng diện tích canh tác trên 200ha Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) hiện đang cung cấp sản phẩm rau, củ sạch cho nhiều siêu thị và nhiều chợ đầu mối lớn của các tỉnh, thành phía Bắc.

Mỗi ngày, HTX cung ứng cho các thị trường từ 200 - 300 tấn rau, củ các loại, trong đó, sản phẩm chủ lực là củ cải trắng, hiện chiếm tỷ lệ 70%. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nay, HTX Đông Cao dự kiến cung cấp ra thị trường 300 - 400 tấn rau, củ các loại mỗi ngày.

Để tiết giảm chi phí và nâng cao năng suất, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục biến động, các xã viên HTX Đông Cao đã cùng nhau đầu tư hệ thống điện phục vụ canh tác. Qua đó, chuyển từ sử dụng máy bơm xăng sang máy bơm điện phục vụ cấp nước cho toàn bộ hệ thống tưới của hợp tác xã.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, thành viên HTX Đông Cao cho biết, việc sử dụng máy bơm xăng để cấp nước tốn chi phí lớn, việc vận chuyển mất rất nhiều thời gian cũng như thường xuyên xảy ra tình trạng hỏng hóc, chưa kể gây ô nhiễm môi trường.

“Nhân công canh tác tại HTX chủ yếu là phụ nữ, do vậy, việc vận chuyển hay sửa chữa máy móc rất khó khăn. Từ ngày có hệ thống điện vào tận ruộng bà con chỉ việc cắm điện là có thể cấp nước cho hệ thống tưới và gần như không xảy ra tình trạng hỏng hóc. Ai cũng cảm thấy nhàn hơn rất nhiều”, ông Ngọc chia sẻ.

Theo thống kê của các xã viên HTX Đông Cao, trước kia, chi phí nhiên liệu cho việc tưới tiêu mỗi lứa rau là 600.000 đồng/sào, nhưng khi chuyển sang sử dụng máy bơm điện, chi phí chỉ còn khoảng 80.000 đồng/sào, tức giảm trên 7 lần. 

z3896054521018_35f61c8d29653b623be7aeae5e1568ee

Các xã viên HTX Đông Cao đầu tư hệ thống điện với chi phí trung bình khoảng 3,5 triệu/sào. Ảnh: Quang Linh.

Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX Đông Cao cho biết, chi phí sản xuất 1 sào rau này giảm được thêm 1 triệu đồng nhờ sử dụng máy bơm điện thay cho máy chạy bằng xăng, bởi ngoài tiết kiệm hơn 500.000 đồng tiền nhiên liệu xăng, bà con còn giảm được thêm chi phí sửa chữa cũng như nhân lực vận hành. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến hệ thống tưới tiêu tự động để tiết giảm chi phí canh tác, nhân công lao động cho các xã viên.

Nhận định tình hình sâu bệnh hại trên rau năm nay, ông Đua cho rằng, thời tiết năm nay ấm hơn so với mọi năm, đây là yếu tố khiến nhiều loại sâu bệnh phát triển mạnh trên diện rộng, năng suất vì thế cũng giảm đi, trong khi công chăm sóc lại tăng lên đáng kể.

Để hạn chế sâu bệnh và canh tác rau an toàn, HTX Đông Cao đã triển khai nhiều giải pháp như: tuyên truyền, vận động bà con xã viên tăng sử dụng các loại bẫy côn trùng, điều chỉnh lượng phân bón, nước tưới phù hợp.

“Mỗi tháng, chúng tôi tổ chức từ 2 - 3 hội nghị phổ biến, tập huấn cho bà con nông dân về phương pháp canh tác phù hợp với điện kiện thời tiết, sâu bệnh hại và thị trường. HTX cũng yêu cầu bà con xuống giống phù hợp, không ồ ạt. Chính vì vậy, giá trị của cây rau màu được ổn định, không bị xảy ra tình trạng cung vượt cầu, tuy số lượng ít nhưng mang lại giá trị kinh tế cao”, ông Đua chia sẻ.

Ông Bùi Mạnh Tiến, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Mê Linh (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội) đánh giá, thời tiết ấm vừa là điều kiện thuận lợi cho cây trồng phát triển, vừa là yếu tố khiến các loại sâu bệnh hại phát triển mạnh.

Để kịp thời hỗ trợ bà con nông dân phòng trừ sâu bệnh và duy trì vùng sản xuất rau an toàn, Trạm đang cắt cử cán bộ bám sát ruộng vườn, khi mật độ sâu bệnh hại cao, đơn vị sẽ thông báo trên loa truyền thanh và hướng dẫn phòng chống sâu bệnh trực tiếp.

Ông Tiến cho biết thêm, Trạm đang phối hợp với HTX Đông Cao tổ chức kế hoạch sản xuất ngay từ đầu vụ, vận động bà con trồng phủ kín diện tích cây vụ đông. Đồng thời, chỉ đạo một cán bộ theo dõi tại xã Tráng Việt túc trực hướng dẫn bà con canh tác từ khi gieo trồng đến thu hoạch.