Bà Đồ "Mỹ Lý" - Người chở hồn thư pháp Sài Thành lên "Phố" Ông Đồ Hà Nội

28/01/2023 17:55

Đường phố vắng vẻ, nhà nhà đang chuẩn bị đón giao thừa. Niềm vui, tiếng cười, những ánh mắt chờ đợi và hạnh phúc như giao hòa, chen lẫn hơi thở của cái Tết Quý mão đến rất gần qua từng ô cửa nhỏ. Bà vẫn ngồi một mình, tĩnh lặng, đôi mắt xa xăm nhìn lên bầu trời như tìm kiếm một điều gì đó thật cổ kính và thiêng liêng. Không gian nhỏ nhắn và xinh xắn, chỉ vẻn vẹn 10m2 nhưng cũng đủ chỗ niềm đam mê của bà, với bút nghiên bề bộn, con chữ ngổn ngang, giấy mực chưa khô ráo và nét bút như ngọn gió lạ lướt qua mặt giấy hoa tiên vừa kịp để lại chút dư vị rét ngọt ngày cuối Đông Hà Nội. Nhìn 3 chữ “uống trà đi” vừa tao nhã, vừa phóng khoáng, bay bổng trước mặt mà tự nhiên lại cảm thấy như vừa nhấp một ngụm trà ướp hoa sen Tây Hồ ấm áp, dễ chịu để cảm nhận một cuộc sống thật chậm như những giọt sương long lanh trôi sắc xuân về trên những cánh đào phai. Một chút nhân duyên trong khung cảnh và thời khắc đặc biệt này được gặp gỡ, trò chuyện cùng bà Mỹ Lý - một trong hai thư pháp gia Sài Thành được mời đến “phố” Ông Đồ Hà Nội trong dịp xuân Quý Mão.

1. Thư trung hữu nhạc - từ truyền thống gia đình 5 đời hoạt động âm nhạc đến thư pháp

Gia đình Bà Mỹ Lý sinh sống ở chốn phồn hoa Sài Gòn từ đầu thế kỷ XX, nổi tiếng là một gia đình nhiều đời làm nghệ thuật với các nghệ sĩ tài danh, uy tín và có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực sân khấu và âm nhạc.

Thế hệ thứ nhất là ông nội bà Mỹ Lý, soạn giả Huỳnh Thủ Trung (Nghệ danh Tư Chơi) từng được ví là “là một vì sao sáng chói nhất trên bầu trời nghệ thuật sân khấu cải lương thời kỳ đầu”.  Không chỉ biên soạn nhiều tuồng cải lương, mà ông nội bà là người có công cải cách, phát triển âm nhạc cải lương khi đưa nhạc Tây lên sân khấu. Bà nội bà là nghệ sĩ Kim Thoa, người sáng lập đoàn cải lương Kim Thoa danh tiếng một thời.

Bà Mỹ Lý với tác phẩm Xuân, hạ, thu, đông tại nhà riêng
Bà Mỹ Lý với tác phẩm Xuân, Hạ, Thu, Đông tại nhà riêng

 

Bà Mỹ Lý cho chữ tại đêm 30 Tết Quý Mão tại Phố ông Đồ - Hà Nội
Bà Mỹ Lý cho chữ tại đêm 30 Tết Quý Mão tại Phố ông Đồ - Hà Nội

Cha bà là nhạc sĩ Huỳnh Thủ Hiếu (Nghệ danh Huỳnh Hiếu), tác giả của ca khúc Tiếng đàn trong gió đông, từng đạt danh hiệu Tay trống đệ nhất Đông Dương. Chồng bà, nghệ sĩ Nguyễn Văn Chốt, em trai bà là nhạc sĩ Huỳnh Hữu Thạnh, đều là những cây guitar cự phách, đồng thời là người hòa âm, sản xuất âm nhạc. Hai con trai bà là hai nhạc sĩ  thành danh Yên Lam và Yên Lâm. Đặc biệt Nhạc sĩ Yên Lam đã có nhiều ca khúc sáng tác nổi tiếng như: Tìm lại lời thề (Phương Thanh), Đừng sợ (Đàm Vĩnh Hưng), Ra đi (Hồng Ngọc), Mong em về đây (Hồ Quỳnh Hương), Đừng bao giờ hỏi (Phan Đinh Tùng)…Nhạc sĩ Yên Lam cũng từng nhiều lần nhận danh hiệu Nhạc sĩ được yêu thích nhất của giải thưởng Làn sóng xanh và nhiều danh hiệu âm nhạc cao quý khác. 

Thế hệ thứ 5 của gia đình bà Mỹ Lý khá đặc biệt với hiện tượng ca sĩ nhí Bào Ngư, không chỉ đàn, hát, múa giỏi, thể hiện rất thành công các ca khúc thiếu nhi mà Bào Ngư còn sở hữu một lượng xem và theo dõi khủng trên nền tảng YouTube với sự yêu mến của hàng triệu công chúng cả nước. Hiện tại, kênh cá nhân của Bào Ngư cũng đã nhận được nút Vàng danh giá khi sở hữu 1,74 triệu người đăng ký.

Sinh ra, lớn lên và cả cuộc đời bà Mỹ Lý dường như sống trong hơi thở của những nốt nhạc, của những thanh âm réo rắt, trầm bổng từ rất nhiều nhạc cụ khác nhau, trong một gia đình ai cũng biết đến ký, xướng âm, đến hát, đến đàn, đến biểu diễn…nhưng có điều lạ là bà Mỹ Lý không chọn cho mình con đường âm nhạc.

Mặc dù nghe rất nhiều loại nhạc, không chỉ nghe mà còn hiểu, cảm nhận đến sự tinh tế và vi diệu của những nốt nhạc, ca từ, các bản hòa âm,thậm chí là thẩm định ca khúc, tuy nhiên bà Mỹ Lý vẫn khiêm tốn tự nhận chỉ là “chuyên gia” thưởng thức những món đặc sản tinh thần này trong gia đình mình. Bên cạnh những lúc vui thư pháp, bà lại đảm nhiệm vai trò “cố vấn” đặc biệt cho cháu gái Bào Ngư trong âm nhạc và biểu diễn.

Dường như ở bà Mỹ Lý luôn có mối liên hệ đặc biệt giữa âm nhạc và thư pháp mà chính bà cũng không thể lý giải nổi. Với bà, thư pháp dường như đó không chỉ là nét bút, nét vẽ mà nhìn sâu vào mỗi tác phẩm, khán giả tinh tế có thể nhận thấy luôn có sự lôi cuốn của một thế giới âm nhạc trong từng đường nét mềm mại, uyển chuyển và có phần “phá cách” so với những tác phẩm thư pháp thông thường.

Thư pháp Mỹ Lý trên Phố ông Đồ - Hà Nội
Thư pháp Mỹ Lý trên Phố ông Đồ - Hà Nội

Là những ý tưởng như ẩn trong tiềm thức, nhưng lại xuất hiện một cách tự nhiên, nên ngay những ngày luyện thư pháp, Bà Mỹ Lý đã chủ động chọn thơ và nhạc làm chất liệu để sáng tạo, thổi hồn nên những con chữ. Bà luôn biết chọn những lời hay, ý đẹp, những câu đắt giá trong ca từ để thể hiện tác phẩm. Mỗi khi phóng bút, thư pháp Mỹ Lý không chỉ là sự tập trung, tĩnh tâm cần thiết thường thấy mà trái lại, một trái tim luôn biết hát, múa theo những giai điệu lại đưa nét bút, con chữ đi xa hơn.  Bà Mỹ Lý không theo nghiệp âm nhạc nhưng lại chọn cho mình một lối đi riêng, một phong cách thể hiện âm nhạc kỳ lạ mang tính tượng hình và tĩnh lặng từ tâm hồn đến bút pháp.

Tác phẩm Thiền trăng mây gió – Thư pháp Mỹ Lý
Tác phẩm Thiền trăng mây gió – Thư pháp Mỹ Lý

Có lẽ ngày 1/4/2013 là một ngày đáng nhớ của bà Mỹ Lý, khi bà đem những đứa con tinh thần, tâm huyết của mình sau những trải nghiệm đầy xúc cảm trong bút pháp đến với công chúng yêu thư pháp. Đó là cuộc triển lãm các tác phẩm thư pháp với chủ đề “Cảm hứng Trịnh”, do bà và một người bạn viết thư pháp cùng thể hiện, kỷ niệm 13 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sự kiện được tổ chức tại không gian quán cà phê nhà vườn Siena số 64 Trần Quốc Thảo, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh.

Tác phẩm Mẹ - Thu pháp Mỹ Lý tại triển lãm “Cảm hứng Trịnh”, 2013
Tác phẩm Mẹ - Thu pháp Mỹ Lý tại triển lãm “Cảm hứng Trịnh”, 2013

Với nhiều chất liệu giấy, lụa, vải khác nhau, những bức thư pháp của bà Mỹ Lý đã chuyển tải một cách thành công và thuyết phục phần hồn của những nốt nhạc, ca từ, nhân sinh quan sâu sắc trong những ca khúc nhạc Trịnh nổi tiếng. Chữ “Mẹ” và câu viết “Mẹ là gió uốn quanh, Trên đời con thầm lặng, Trong câu hát thanh bình, Mẹ làm gió mong manh...”, chữ Mưa” và câu viết “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ...”, chữ “Gió” và câu viết “Em đến bên đời hoa vàng một đóa, Một thoáng hương bay bên trời phố hạ, Nào có ai hay ta”, câu viết Thương ai về xóm vắng đêm nay thiếu ánh trăng. Đôi vai gầy ướt mềm người lạnh lắm hay không. Thương ai màu áo trắng trong như ánh sao băng”…của thư pháp Mỹ Lý đã gây không ít xúc động cho công chúng yêu mến thư pháp và nhạc Trịnh. Có lẽ chỉ những người sống trong môi trường âm nhạc, cả cuộc đời làm bạn với âm nhạc như bà Mỹ Lý mới có thể tìm thấy mối dây liên hệ tâm hồn, trái tim đồng điệu cảm xúc và nhân văn với người nhạc sĩ tài năng, vang bóng một thời đến thế.
2. Không phải nghề mà là duyên, là nghiệp

Bà Mỹ Lý tên đầy đủ là Huỳnh Thị Mỹ Lý, tuổi Giáp Ngọ (sinh năm 1954), cái tuổi mà thầy Tử Vi phán là mẫu người “vượng phu, ích tử” nhưng số vất vả, phải chuyên tâm chăm sóc gia đình, chồng con và chỉ có thể an nhàn về hậu vận. Cũng không hoàn toàn là số mệnh nhưng quan điểm sống của bà Mỹ Lý chính là hình mẫu điển hình của người phụ nữ Nam bộ, tần tảo, sớm hôm, lao động, kiếm sống, dành cả tuổi xuân chăm lo gia đình, hy sinh tất cả cho chồng, con. Bà làm người đã làm nên những thành công và danh tiếng cho những người trong gia đình mình. Dù có rất nhiều cơ hội và điều kiện, song bà không có chút tham vọng, sự quan tâm nào đến địa vị hay danh tiếng. Bà luôn thấy hạnh phúc khi những người thân yêu của mình đạt được những thành tựu trong sự nghiệp.

Bà Mỹ Lý tại Phố ông Đồ - Hà Nội

Bà Mỹ Lý tại Phố ông Đồ - Hà Nội

Xin về hưu sớm ở độ tuổi tri thiên mệnh (50 tuổi), nhân duyên mới tìm đến bà Mỹ Lý, dẫn dắt bà đến với thư pháp - môn nghệ thuật quý tộc, sang trọng và tao nhã có đến hơn 2000 năm tuổi, trải khắp các quốc gia từ Đông sang Tây. Từ đầu, bà Mỹ Lý cũng biết câu chuyện “văn phòng tứ bảo” (bút lông, nghiên mực, mực tầu, giấy viết) xưa nay cũng hiếm khi là đặc ân dành cho một phụ nữ luống tuổi như bà. Mặc dù lịch sử phong kiến cũng ghi nhận nhiều phụ nữ viết thư pháp rất đẹp như Thượng Quan Uyển Nhi thời Đường, Lý Thanh Chiếu thời Tống…

Một ngày đẹp trời năm 2003, tình cờ đi ăn trưa, bà Mỹ Lý nghe bàn bên cạnh bên nói chuyện là trong quận 5 có triển lãm 100 chữ mẹ của Câu lạc bộ nghệ thuật người Hoa tổ chức. Hôm sau, bà tò mò đến xem và vừa nhìn thấy những bức thư pháp chữ Mẹ của họa sĩ Trần Văn Hải tại triển lãm (Sau được giải nhất), bà không sao rời mắt nổi. Bà nhận ra, bà đã ở đó. Không ngại ngần về tuổi tác hay thân phận, vì nhân duyên với buổi triển lãm định mệnh đó, bà xin gặp và xin theo học thư pháp với họa sĩ Trần Văn Hải. Dù rất ngạc nhiên nhưng thầy đã nhận dạy bà. Sau này bà lại xin học thêm một lớp vẽ thủy mặc để bổ sung cách thể hiện sinh động hơn cho các tác phẩm thư pháp.

Đến với thư pháp một cách tình cờ, giản dị như trong một giấc mơ đẹp, nhưng không ngờ giấc mơ ấy lại dài mãi hàng chục năm trời với bà Mỹ Lý trong một niềm đam mê khó có thể diễn tả được thành lời. Chỉ khi đam mê thực sự trỗi dậy và bất chợt nhận ra nó là khí trời, là tự do, là hơi thở và cuộc sống bản thân mình , mỗi con người mới có thể vượt được qua những khó khăn, trở ngại mà đặt chân vào cánh cổng chính của nghệ thuật. Bà Mỹ Lý không phải là trường hợp ngoại lệ khi bén duyên cùng nghệ thuật.

Khi đi học bà Mỹ Lý từng được coi là người viết đẹp nhất ở trường phổ thông. Lúc xin đi làm, vì bà viết quá đẹp, nên cấp trên không giao bà làm việc trong công xưởng mà làm nhiệm vụ ghi chép sổ sách…Một số vốn liếng ít ỏi ấy cùng 5 năm “bế quan”, chuyên tâm với thư pháp, bà Mỹ Lý đã dành cho cái “nghiệp” đam mê của mình 8 tiếng/ngày, kiên trì khổ luyện, vừa học thầy, vừa tìm phong cách, lối đi riêng cho mình.

Đến với thư pháp, bà Mỹ Lý không học viết chữ Hán mà chỉ chuyên tâm nghiên cứu chữ Quốc Ngữ. Không phải vì khó, vì khổ, vì phải luyện lệ, khải, hành, thảo thư trong Hán tự mà bà đã có chính kiến riêng khi cho rằng chữ Quốc ngữ với các mẫu tự Latinh viết thư pháp Việt rất đẹp. Tuy không thể biểu cảm tượng hình như Hán tự, song với thư pháp Mỹ Lý, chữ Quốc ngữ lại là nguồn cảm hứng vô tận của sự tự do, sáng tạo, phá cách khi thể hiện ca dao, tục ngữ, những lời dạy tiền nhân, những bài thơ, bản nhạc mang đậm nét hồn cốt dân tộc.

Cuối cùng vào năm 2008, được sự cổ vũ, động viên, khen ngợi của bạn bè với những tác phẩm đầu tay, bà Mỹ Lý bắt đầu tham gia các sân chơi Thư pháp chuyên nghiệp. Bà tham gia và chia sẻ các tác phẩm, bình luận trên một số diễn đàn thư pháp nổi tiếng như: hồn việt, thư hoạ Việt Nam. Ngày 8/3/2008, lần đầu tiên bà đã gửi các tác phẩm của mình triển làm ở Cung văn hoá Lao Động. Và từ năm 2010 đến nay Thư pháp Mỹ Lý đã có mặt ở rất nhiều cuộc triển lãm thư pháp trong nước và quốc tế, được các nhà chuyên môn và công chúng yêu nghệ thuật đánh giá cao cả về ý tưởng sáng tạo lẫn bút pháp nghệ thuật.  

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của bà Mỹ Lý là lần này bà được mời ra Văn Miếu viết thư pháp nhân dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Hôm đó ở “thánh địa” chữ nghĩa Văn Miếu, ban tổ chức trải 1 tấm giấy bản rộng hàng chục mét, mời 10 thư pháp gia lên viết. Ở chính giữa viết chữ Hán hai bên viết chữ Thăng Long, Hà Nội. Bà Mỹ Lý được giao nhiệm vụ là người viết đầu tiên với 2 chữ "Thăng Long".

Bà Mỹ Lý viết chữ tại lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.
Bà Mỹ Lý viết chữ tại lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nhớ lại kỷ niệm cũ, bà Mỹ Lý vẫn còn run khi không gian “đền thiêng” Văn Miếu trong tâm trí bà được trang hoàng như 1 sân khấu lớn và trang trọng với hàng trăm cặp mắt học giả, công chúng thủ đô đổ dồn về bà. Bà Mỹ Lý lúc ấy chỉ tâm niệm làm sao có thể hoàn thành nhiệm vụ với 2 nét bút mà không bị sai chính tả, chẳng còn nghĩ là viết đẹp hay không, mọi người khen hay chê thế nào nữa. Bà sợ nhất chẳng may một nét bút nào đó có thể biến chữ “Thăng Long” thành “Thành Long” chẳng hạn…Cuối cùng trong sự tập trung cao độ, bà nhắm mắt, hít một hơi thở thật sâu, rồi bất ngờ mở mắt, cầm chiếc bút to, ngồi xuống, dùng hết nội lực viết mạch một mạch 2 chữ "Thăng Long" trong tiếng vỗ tay vang dội của mọi người. Có lẽ chưa bao giờ bà Mỹ Lý cảm thấy tim mình đập mạnh đến vậy và rồi áp lực tan biến, người lại lâng lâng, nhẹ nhõm, sung sướng đến vậy.

Bà Mỹ Lý viết chữ Thắng Long tại lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.
Bà Mỹ Lý viết chữ Thăng Long tại lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Hơn 15 năm, lao động nghệ thuật sáng tạo không mệt mỏi, dù đã có tên tuổi, được nhiều người yêu mến, xin chữ, treo chữ ở những nơi trang trọng, tuy nhiên bà Mỹ Lý chưa từng hài lòng với các tác phẩm của mình. Bà coi thư pháp là cái "duyên", cái “nghiệp”,  là cuộc sống của bà và không phải là cái để kiếm tiền hay làm kinh tế. Đã là cái “nghiệp”, mà cái “nghiệp”, trong nghệ thuật sáng tạo con chữ, với bà Mỹ Lý, tức là phải biết vượt qua giới hạn của kỹ thuật viết chữ đẹp, chuẩn xác, cảm nhận được bằng trực giác, mắt thường… mà hơn thế, những đòi hỏi khắt khe của thư pháp đỉnh cao còn phải tạo ra được âm thanh, hình tượng thể hiện được ý tứ sâu xa trong tâm hồn và cảm xúc chân, thiện, mỹ của tác giả. Con đường và thử thách cùng chữ “nghiệp” ấy vẫn luôn ở trước mặt với rất nhiều việc phải làm và cần làm để vượt qua chính mình, dù Thư pháp gia Mỹ Lý tiệm cần dần cái tuổi xưa nay hiếm.

3. Cùng chờ đợi món quà đặc biệt

Trong cuộc sống hàng ngày, bà Mỹ Lý khá giản dị và gần gũi mọi người. Bà mở trang mạng xã hội Thư pháp Mỹ Lý để mọi người yêu mến thư pháp, yêu mến bà có thể vào xem các tác phẩm hoặc xin chữ bà. Bà thường xuyên tương tác facebook và “check in” mỗi sự kiện văn hóa, nghệ thuật. Bà cũng hồn nhiên và duy trì thói quen thả trái tim với các bạn trẻ.  

Chữ “Trà” của Thư pháp Mỹ Lý rất đẹp và độc đáo khi chẳng chữ nào giống chữ nào. Bà Mỹ Lý rất thích uống trà và viết chữ“Trà”. Mỗi chữ “Trà” bà Mỹ Lý phóng tác lại là một tâm trạng khác nhau, như hương vị trăm loại trà chát, ngọt, đắng, thơm, nồng, sánh, thanh, mát…Nhiều phòng trà thường đặt bà viết chữ “Trà” trên những chất liệu sang trọng để biểu đạt cho những ý tưởng gắn kết về Trà Đạo và Thư pháp.. Nhiều đại gia cũng trả giá cao để có được vài bức Thư pháp Mỹ Lý cùng những lời hay ý đẹp về trà để treo ở những trong nhà, hoặc nơi làm việc của họ.

Chữ “Trà” của thư pháp Mỹ Lý
Chữ “Trà” của thư pháp Mỹ Lý

Ai muốn xin chữ gì, đặt chữ gì bà Mỹ Lý sẽ cho chữ ấy, bà dễ dãi như một nghệ sĩ của nhân dân. Mỗi khi cao hứng, bà lại chép kèm thơ, nhạc theo mỗi chữ tặng mọi người. Sự tự do, phóng khoáng trong suy nghĩ luôn đặt bà trong trạng thái gần nhất với “Đạo” của thư pháp Việt. Mỗi lần cầm bút, bà Mỹ Lý không chỉ đặt những suy nghĩ nội tâm trong phần hồn của con chữ mà gần như bà cũng lại quên chính hình tượng thông thường của chữ viết viết đó. Sắc thái trong Thư pháp Mỹ Lý luôn có sự kết hợp những nét cứng, mạnh mẽ và sự mềm mại, uyển chuyển, thanh thoát dẫn dắt người thưởng lãm lạc vào thế giới một nghệ thuật chữ viết trầm mặc, hư ảo, không có giới hạn.

Bà Mỹ Lý cho chữ tại đêm 30 Tết Quý Mão tại Phố ông Đồ - Hà Nội
Bà Mỹ Lý cho chữ tại đêm 30 Tết Quý Mão tại Phố ông Đồ - Hà Nội

Dự định làm một món quà đặc biệt tặng công chúng trong năm 2024, bà Mỹ Lý vẫn đang ấp ủ những ý tưởng và cố gắng ngày đêm thực hiện việc đó. Bà muốn tri ân mọi người bằng một triển lãm cá nhân với 70 bức thư pháp bằng tất cả sự lao động, sáng tạo và tình yêu với nghệ thuật chân chính, nhân dịp bà 70 tuổi

Bà Mỹ Lý trò chuyện với Nhà báo Hàn Vũ Linh tại đêm 30 Tết Quý Mão tại Phố ông Đồ - Hà Nội
Bà Mỹ Lý trò chuyện với Nhà báo Hàn Vũ Linh tại đêm 30 Tết Quý Mão tại Phố ông Đồ - Hà Nội

Lâu lắm rồi, bà Mỹ Lý mới có một cái Tết xa nhà, không được hưởng cái Tết quây quần, ấm áp bên con cháu. Ít phút nữa sẽ là thời khắc thiêng liêng của đêm giao thừa, những cành đào chớm nở, những cây quất trĩu quả, những cánh hoa khoe sắc xuân rực rỡ, chắc chắn những dòng chữ khai bút của thư pháp gia Mỹ Lý sẽ như một nhân duyên mang niềm vui, hạnh phúc đến với mọi người và chắc chắn rằng bà sẽ là người hạnh phúc nhất khi Thư pháp Mỹ Lý lần đầu tiên mang một làn gió xuân mới đến nơi đây – “phố” ông Đồ Hà Nội./. 

Chu Thao (TH)