Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, hồi 19h ngày 28/10, vị trí tâm bão Nalgae ở vào khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 125,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 88km/h), giật cấp 11.
Trong 24h tới bão có khả năng mạnh thêm và tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15 - 20 km/h. Tới 19h ngày 29/10, vị trí bão ở trên quần đảo Philippines, có sức gió mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 13. Tới 19h ngày 30/10 vị trí tâm bão ở khu vực phía đông của bắc và giữa Biển Đông, với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12.
Dự báo sau khi vào Biển Đông, bão có khả năng sẽ di chuyển lên phía bắc và khả năng cao đây sẽ là cơn bão số 7, ảnh hưởng đến Việt Nam trong mùa bão lũ năm nay.
Trên biển, từ ngày 29/10, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) sẽ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6 - 7. Vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 7 - 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 12; biển động rất mạnh.
Vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, sóng biển cao 5 - 7m.
Bộ Công an có công điện về chủ động ứng phó bão Nalgae
Trước tình hình bão Nalgae khả năng cao trở thành bão số 7 ảnh hưởng đến Việt Nam, ngày 28/10, Văn phòng Bộ Công an có Công điện số 21 gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ huy ƯPT) Công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa.
Để chủ động ứng phó với bão Nalgae, Văn phòng Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó với bão.
Căn cứ thực tế tình hình bão, các đơn vị cần rà soát các phương án, kế hoạch, sẵn sàng các điều kiện, lực lượng, phương tiện để bảo đảm an ninh, trật tự, kiểm soát, điều tiết, phân luồng giao thông, tổ chức cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ địa phương di dời, sơ tán dân khi có yêu cầu.
Chủ động các phương án phòng, chống thiên tai trong cơ quan, đơn vị công an. Bảo đảm an toàn các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng công an nhân dân.
Bên cạnh đó, kịp thời thông tin về hình ảnh, hoạt động của lực lượng công an nhân dân trong công tác phòng chống thiên tai. Tổ chức tốt công tác trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai.