Trong đó, riêng ngành trồng trọt tăng 4,19%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm. Năm 2023, ngành nông nghiệp Bình Định tiếp tục xây dựng nhiều cánh đồng lớn, dự án liên kết sản xuất; ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển, nhất là chăn nuôi quy mô trang trại, ứng dụng công nghệ cao theo hướng an toàn sinh học; ngành thủy sản cũng có mức tăng trưởng 2,15%...
Theo bà Lê Thị Liên, Phó trưởng Phòng Thống kê Kinh tế (Cục Thống kê Bình Định), trong tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp có đóng góp lớn của lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Trong năm qua, nhờ Bình Định có nhiều nỗ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên ngành trồng trọt đạt kết quả khả quan. Cả 2 vụ đông xuân và hè thu đều bội thu, sản lượng nhiều loại cây trồng tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ, trong đó có một số cây chiếm tỷ trọng lớn, có giá trị cao.
Sản lượng rau các loại ước đạt hơn 306.036 tấn, tăng 20.845 tấn (tăng 7,3%) so cùng kỳ, riêng diện tích ớt tăng 11,1%, sản lượng tăng 12,4%. Ngoài được mùa, hầu hết các loại nông sản còn được giá nên góp phần tăng giá trị cây trồng.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, từ đầu năm 2023 đến nay dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát nên kết quả của chăn nuôi Bình Định đạt kết quả khả quan. Riêng đàn trâu, bò không có biến động lớn; đàn heo và gia cầm ổn định, tăng nhẹ. Quy mô chăn nuôi giảm dần tỉ lệ nhỏ lẻ, tăng chăn nuôi trang trại áp dụng quy trình khép kín, nhờ đó chi phí sản xuất giảm hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ nên người chăn nuôi có thể trụ được giữa tình hình giá sản phẩm xuống thấp kéo dài.
Tổng sản lượng thủy sản trong năm 2023 của tỉnh ước đạt hơn 286.000 tấn, tăng 3,12% so cùng kỳ; riêng sản lượng thủy sản khai thác đạt 273.000 tấn, tăng 3,17%. Lĩnh vực thủy sản trong năm 2023 của Bình Định có giá trị tăng thêm 2,15% so cùng kỳ. Sản lượng một số loài thủy sản đánh bắt tăng cao so cùng kỳ như cá ngừ tăng 15,05%, cá bạc má tăng 13,2%, cá hố tăng 16,4%.
Bên cạnh đó, để triển khai có hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu của ngành năm 2024, Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách, đề án, dự án, kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Duy trì phát triển toàn diện sản xuất nông, lâm, thủy sản; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và triển khai sản xuất các vụ trong năm 2024 đạt hiệu quả, phù hợp với điều kiện nguồn nước tưới, sử dụng cơ cấu cây trồng, vật nuôi chất lượng, hiệu quả; tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến, bảo quản, thị trường tiêu thụ và an toàn dịch bệnh.
Đồng thời, Sở cũng đẩy mạnh phát triển các dự án ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản; khuyến khích đầu tư mở rộng công suất các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ và khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Chú trọng đảm bảo an toàn cho ngư dân, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo đảm phòng tránh thiên tai.
Ngoài ra, đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng hoàn thành các tiêu chí còn lại ở các xã đăng ký hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024, hướng dẫn lập hồ sơ trình xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới theo đúng quy định; đồng thời có giải pháp củng cố, duy trì các địa phương đã được công nhận. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP), kịp thời phát hiện, tôn vinh, phát triển các sản phẩm tiêu biểu tại các địa phương, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thấp nhất các thiệt hại do thiên tai, bão lũ xảy ra.