Bỏ một vụ lúa, nông dân Tiền Giang nhàn mà thu nhập lại cao

BNN
Thay vì làm 3 vụ lúa/năm, nông dân Tiền Giang bỏ vụ lúa thu đông chuyển sang cây trồng khác. Với cách làm này, nông dân vừa nhàn, thu nhập lại tăng rất cao.

Tại các khu vực ven biển ở ĐBSCL, việc canh tác lúa phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước ngọt từ thượng nguồn và nước mưa. Vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) gồm các huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công có tổng diện tích gieo sạ lúa đạt hơn 20.000ha/vụ. Thời gian qua, dù khu vực này đã được đầu tư đê bao khép kín, tuy nhiên, những năm hạn mặn gay gắt, vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô.

Mô hình trồng ớt trên đất ruộng tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo. Ảnh: Minh Đảm.

Mô hình trồng ớt trên đất lúa tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang). Ảnh: Minh Đảm.

Để đảm bảo sản xuất hiệu quả, từ năm 2016, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng và triển khai Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án). Trọng tâm của Đề án là bố trí mùa vụ hợp lý, tiến tới cắt hoàn toàn vụ lúa thu đông, chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm cùng với xây dựng cơ cấu sản xuất đa canh. Đối với những địa bàn đặc biệt khó khăn, Tiền Giang định hướng chuyển sang trồng rau màu, trồng cỏ chăn nuôi, trồng cây ăn trái đặc sản.

Đến nay, toàn vùng thuộc Đề án đã thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ trên tổng diện tích gần 33.000ha, vượt gần 57% so với kế hoạch đề ra. Tại những địa phương khó khăn, đã có trên 6.000ha được chuyển từ trồng lúa độc canh sang các cây trồng kinh tế khác như: Cây ăn trái đặc sản, rau màu, trồng cỏ chăn nuôi… Đồng thời, bắt đầu từ năm 2021 trở đi, các huyện, thị trong vùng Đề án chỉ gieo sạ hai vụ chính trong năm là đông xuân và hè thu.

Từ khi chuyển sang làm 2 vụ ăn chắc, nông dân vùng ngọt hóa Gò Công cũng chuyển sang các loại lúa dài ngày và chất lượng cao như: VD20, Đài Thơm 8, ST24… để nâng cao giá trị và lợi nhuận. Theo bà Nguyễn Thị Huệ, ở xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Tây, ngày trước, vùng này sản xuất lúa 3 vụ/năm, trong đó vụ đông xuân bắt đầu vào khoảng rằm tháng 11 âm lịch. Tuy nhiên hiện nay, thực hiện Đề án cắt vụ (tức bỏ vụ lúa thu đông), vụ đông xuân được đẩy sớm lịch thời vụ lên một tháng, tức khoảng rằm tháng 10 là nông dân vùng này xuống giống, đến rằm tháng giêng năm sau thì thu hoạch nên không còn sợ thiếu nước ngọt mùa khô.

Empty

Mô hình luân canh cây đậu nành trên đất lúa cho hiệu quả rất cao. Ảnh: Minh Đảm.

“Cách làm này tôi thấy hiệu quả, lúa không còn bị nhiễm mặn. Hơn hết, vụ thu đông thường có mưa nhiều, trời tối sớm, lúa đổ ngã nên không trúng, làm không hiệu quả”, bà Tăng Thị Huệ đánh giá.

Qua hai vụ sản xuất liên tiếp đông xuân và hè thu năm 2022, các huyện, thị phía đông tỉnh Tiền Giang đạt sản lượng lúa trên 259.000 tấn, gần 500.000 tấn rau màu và trên 88.000 tấn trái cây các loại. Vùng ngọt hóa Gò Công và huyện Tân Phú Đông trở thành một trong những địa bàn sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu trọng điểm của tỉnh Tiền Giang.

So sánh hiệu quả kinh tế, mô hình độc canh cây lúa 3 vụ/năm cho lợi nhuận thấp nhất với tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt khoảng 65% so chi phí đầu tư. Trong khi đó, các mô hình luân canh đều cho lợi nhuận cao từ 82% đến 185% nhờ vào giảm chi phí sản xuất. Cùng với đó là những lợi ích về xã hội, sinh kế, môi trường và tài nguyên đất, giảm nhẹ ảnh hưởng thiên tai, tiết kiệm nước bơm tưới...