Các địa phương Bắc Bộ khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra

Ngay trong đêm 7/9 và sáng nay (8/9), các địa phương ở Bắc Bộ chịu ảnh hưởng của bão số 3 đã và đang khẩn trương thu dọn với phương châm đảm bảo an toàn, giao thông được thông suốt.

Tại Hà Nội, Bão số 3 quét qua với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 12. Gió quần thảo, giật liên hồi trong thời gian dài, cường độ mạnh đêm qua đã khiến nhiều cây xanh ở Hà Nội ngã đổ. Sáng 8/9, đường phố Hà Nội tan hoang với cây đổ ngổn ngang. Người dân và các lực lượng chức năng đang tích cực dọn dẹp, chỉnh trang đường phố. Theo báo cáo nhanh của TP Hà Nội bão số 3 làm 3 người chết, 8 người bị thương; 19 nhà, ki-ốt bị tốc mái; hư hỏng 7 ô tô; hàng nghìn cây gãy đổ; ngập 1.700 ha lúa…

dt1-bao-so-31-01-1725764786.jpg

Nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngổn ngang cây đổ, hàng rào đổ sập. Ảnh: Internet.

 

Lãnh đạo thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Công an thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô và Tổng công ty Điện lực Hà Nội tập trung xử lý thông đường giao thông sau bão, khôi phục cấp điện phục vụ tiêu nước, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân Thủ đô. Chỉ đạo vận hành trạm bơm tiêu thoát nước đệm, triển khai các biện pháp hạ thấp mực nước hồ chứa thủy lợi; rà soát dừng thi công các công trình có nguy cơ ảnh hưởng của bão, đặc biệt là thực hiện nghiêm công tác cấp phép thi công các công trình liên quan đến đê điều, thủy lợi theo quy định, rà soát các khu vực nguy hiểm, xung yếu nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân ở mức cao nhất, cũng như bảo đảm an toàn cho học sinh những ngày đầu năm học mới.

Trước đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, phải huy động tối đa, bảo đảm có điện cao nhất và khắc phục sự cố nhanh nhất, duy trì cung ứng điện khi có mưa, lũ xảy ra; đặc biệt bảo đảm điện phục vụ cho các công trình tiêu úng, thoát lũ. Các địa phương, đơn vị theo dõi sát tình hình bão, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác và ngăn nguy cơ ngập lụt từ lũ rừng ngang; bảo đảm dự trữ, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của người dân. Đồng thời, chủ động kích hoạt các trạm bơm tiêu để đón trước các khu vực trọng điểm tiêu úng; triển khai các biện pháp bảo vệ hồ đập, đê điều, nhất là khu vực các huyện: Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất...

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hà Nội ngày 7/9 cũng đã có văn bản về việc tập trung ứng phó với lũ rừng ngang gây mưa lũ, ngập lụt trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức.

Tại Quang Ninh: Là một trong những địa phương nằm trong tâm bão số 3. Bão đổ bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13 (118 - 149 km/h), giật cấp 16, đã gây nhiều thiệt hại cho các địa phương trên địa bàn, đã làm 3 người tử vong, 58 người bị thương, hệ thống cây xanh ở các địa phương như Hạ Long, Cô Tô, Quảng Yên bị thiệt hại.

Ngay sau khi bão số 3 quét qua thành phố Hạ Long, gây ra thiệt hại nặng nề, chiều 7/9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh đã tới thăm hỏi, động viên những người gặp nạn do bão số 3 đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Theo Bệnh viên Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, tính đến tối 7/9, bệnh viện này đã tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân bị thương do bão, trong đó có 6 ca nặng đang được điều trị tích cực. Các bệnh nhân đa phần đều gặp chấn thương do mảnh kính, mảnh tôn rơi vào khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh.

Phòng, chống bão, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; huy động trên 3.000 cán bộ, chiến sĩ và nhiều phương tiện, thiết bị; kêu gọi trên 5.900 tàu cá và tàu du lịch về nơi tránh trú bão an toàn, đảm bảo an toàn cho gần 2.900 cơ sở nuôi trồng thủy sản; di dời trên 2.000 hộ với trên 6.100 nhân khẩu ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt.

Tại Thái Bình: Tính đến 7 giờ ngày 8/9, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề, đặc biệt với sản xuất nông nghiệp. Địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra. Rất may đến thời điểm này, tỉnh Thái Bình chưa ghi nhận về thiệt hại về người cũng như phương tiện tàu thuyền. Tuy vậy, mưa lớn, gió mạnh đã khiến 28.000 ha lúa bị thiệt hại từ 30 đến 70%, 27.000 ha bị thiệt hại trên 70%; 18.000 ha diện tích lúa đổ bị úng ngập. Rau màu vụ đông mới trồng và rau màu hè chưa thu hoạch có 585ha bị ảnh hưởng từ 30-70%, 2.760 ha bị ảnh hưởng trên 70%; 1.215 ha chuối bị ảnh hưởng 30-70%, 170 ha bị ảnh hưởng trên 70%. Bão số 3 cũng làm một số tuyến kè bờ sông, bờ biển và một số tuyến kênh nội đồng bị sạt lở. Về hệ thống điện, thống kê sơ bộ có 30 cột điện, 11 cột viễn thông bị gãy, đổ; 17 trạm biến áp bị sự cố. Một số nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, trường học bị tốc mái, hàng loạt cây xanh bị ngã đổ. Sau khi cơn bão đi qua, địa phương đã huy động hàng nghìn người tập trung khắc phục, dọn dẹp cây đổ, bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường chính. Thái Bình đang tập trung khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra, đặc biệt với sản xuất nông nghiệp, từ 2 giờ ngày 8/9 công tác vận hành trạm bơm trên địa bàn đã được khẩn trương thực hiện. Tỉnh huy động tối đa phương tiện, lực lượng khơi thông dòng chảy nhằm tiêu nước, sử dụng bơm cưỡng bức kết hợp tháo nước nhanh để cứu cây trồng bị ngập úng; ưu tiên bơm tiêu nhanh cho các diện tích bị ngập úng nặng, khó tiêu thoát nước. Mọi công tác khắc phục hậu quả của cơn bão đang được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương và người dân khẩn trương thực hiện, sớm đưa mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt trở lại bình thường với tinh thần làm ngày, làm đêm song vẫn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các lực lượng, người dân tham gia công tác khắc phục hậu quả của bão.

Tại Hoà Bình: Đã có mưa vừa, mưa to đến mưa rất to, lượng mưa từ các trạm đo mưa tự động đo được lớn nhất đạt 447,8mm. Các tuyến đường tại các huyện đã xảy ra tình trạng sạt lở, gây ách tắc giao thông cục bộ. Đặc biệt nghiêm trọng, sạt lở đất từ trên đồi vùi lấp ngôi nhà một hộ dân, đã làm 4 người chết và 1 người bị thương. Cụ thể, vào khoảng 0 giờ sáng, ngày 8/9, tại xóm Chầm, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã xảy ra sạt lở đất từ trên đồi vào nhà của gia đình ông Xa Văn Sộm (sinh năm 1973) làm ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Khi đó, trong nhà có 5 người và đã bị vùi lấp. Qua xác minh, 4 người trong gia đình đã thiệt mạng và 1 người bị thương là ông Xa Văn Sộm.

Hiện tuyến đường tỉnh 433 bị sạt lở nhiều gây tắc đường, UBND huyện Đà Bắc đã chỉ đạo thực hiện phương châm "4 tại chỗ”, huy động lực các lượng Công an, dân quân… xã cùng người dân đến cứu nạn, cứu hộ.

Ngoài ra, tình trạng sạt lở đất xuất hiện trên tuyến đường 433, đoạn thành phố Hòa Bình qua xã Toàn Sơn và tuyến đường xóm Trúc Sơn, xóm Rãnh, xóm Phủ (xã Toàn Sơn). Đặc biệt, đường xóm Men (xã Yên Hòa) đi xã Đoàn Kết bị sạt lở khoảng 200m3 đất đá với chiều dài 100m. Hiện tuyến đường đang được Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt Anh đưa máy xúc khắc phục khơi thông.

UBND huyện Đà Bắc chỉ đạo các lực lượng chức năng và các xã, thị trấn căng dây, cắm biển cảnh báo tại những điểm sạt lở, biển cảnh báo ngầm tràn khu vực nguy hiểm trên tuyến đường; tiếp tục kiểm tra theo dõi diễn biến sạt lở. Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến cơn bão số 3 để có các biện pháp chủ động ứng phó; thực hiện nghiêm các công điện, văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện về ứng phó với cơn bão số 3.

Trước tình hình mưa bão vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện sơ tán 1.228 hộ dân đến nơi trú ẩn an toàn (thành phố Hòa Bình 236 hộ; Lương Sơn 45 hộ; Cao Phong 82 hộ; Tân Lạc 154 hộ; Mai Châu 57 hộ; Kim Bôi 30 hộ; Lạc Thủy 134 hộ; Yên Thủy 60 hộ; Lạc Sơn 125 hộ; Đà Bắc 305 hộ).