“Cây Thay Lá” - Một tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa

Tháng 6/2024, NXB Hội Nhà Văn cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết “Cây Thay Lá” của Quân Yên, là bút danh của Vũ Xuân Bân, Cử nhân Sử học, là cựu phóng viên chiến trường GP 10 của TTXVN. Có thể nói đây là tác phẩm tiếp tục dùng văn chương để đấu tranh chống tham nhũng tiếp nối mạch chuyện trong tiểu thuyết “Tơ Vò” của Xuân Vũ, là bút danh của Vũ Xuân Bân cũng do NXB Hội Nhà văn xuất bản cách nay 6 năm. “Cây thay lá” do đó cũng thuộc trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa.
bia-cay-thay-la-1-1718377418.jpg
Tiểu thuyết CÂY THAY LÁ của Quân Yên (Vũ Xuân Bân).

Nói đến chủ nghĩa hiện thực trong văn học thì thời cận đại ở châu Âu đã ra đời Chủ nghĩa hiện thực phê phán, mổ xẻ những thói xấu trong xã hội. Nhưng chủ nghĩa này không mở ra được con đường tương lai cho nhân vật. Chủ nghĩa hiện thực phê phán trước Cách mạng tháng Tám đã du nhập vào Việt Nam. Các nhà Văn Việt Nam thời đó đã nắm lấy làm vũ khí này vạch trần sự đau khổ thối nát của xã hội thuộc địa phong kiến. Những tác phẩm kinh điển thời kỳ đó là "Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan. Kết thúc “Tắt Đèn” Ngô Tất Tố viết câu đúng với châm ngôn của chủ nghĩa hiện thưc phê phán: Trời tối đen như mực như tiền đồ của chị (Chi Dậu).

Sau cách mạng tháng Mười Nga, các nhà văn Xô Viết đứng đầu là Mác xim Gooc ki đã sáng lập ra Chủ Nghĩa hiện thực Xã hội chủ nghĩa trong văn học. Chủ nghĩa này yêu cầu nhà văn sau khi phê phán những thói hư của xã hội phải nêu ra được hướng đi, hướng giải quyết cho tương lai nhân vật và cho tương lai tươi sáng của xã hội nhằm góp phần xây dựng xã hội mới: Xã hội xã hội chủ nghĩa.

Ở nước ta, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các nhà văn đã tiếp thu chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn học để xây dựng nền văn học Việt Nam Dân tộc, Khoa học và Đại chúng, phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống pháp và chống Mỹ cứu nước, bảo về chủ quyền biên giới, lãnh hải, đã để lại nhiều tác phẩm kinh điển của dòng văn học này.

Về tác phẩm “Cây thay lá” của nhà văn Quân Yên, trong tư tưởng nghệ thuât là nối tiếp và thể hiện chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trên bình diện tham gia vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là tham nhũng quyền lực. Tác phẩm đã mô tả những nhân vật có quyền lực ở một địa phương, đáng lý phải dùng quyền lực đó để phục vụ nhân dân thì những cán bộ tha hóa này đã sa vào tham nhũng. Tác giả đã xây dựng những nhân vật đó là điển hình của mẫu người tham nhũng hiện đại như miệng nói rất cách mạng, rất vì nhân dân nhưng “nói một đàng làm một nẻo”. Những nhân vật đó như Thuỳ  Lê, Lý Tơ còn điển hình ở cách sống, sống xa hoa, sang trọng, trụy lạc, không biết đời sống bình thường của nhân dân. Họ còn điển hình ở thủ đoạn tham nhũng, cấu kết với những tập đoàn kinh tế tư nhân như Tập đoàn Tiền Nổ và sau đó hiển nhiên là ban phát cho tập đoàn này những dự án béo bở, làm thất thoát tài sản, tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân. Thụy Lê và Lý Tơ còn điển hình ở mức độ tham những: Nhận hối lộ, vi phạm Luật Đất đai và nhiều sự bòn rút khác.

Như vậy “Cây tháy lá" là tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa, tác phẩm với cái kết có hậu. Dù thủ đoạn tinh vi nhưng Lý Tơ và Thụy Lê cuối cùng cũng không thoát khỏi lưới pháp luật, vướng vào con đường lao lý. Những quan tham này phải vào tù để nghiền ngẫm con đường đi vào con đường tội lỗi, hổ thẹn với danh dự của bản thân, hổ thẹn với con cái, với đồng chí, với gia đình, họ hàng, với nhân dân mà không một sự giàu sang nào có thể mua lại được. “Họ Sống không bằng chết”. Tác phẩm đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai còn nhằm bước qua làn ranh đỏ của đạo đức cách mạng. Tác phẩm quả nhiên đã mang tính cảnh tỉnh, giáo dục cao, là sách gối đầu giường cho tất cả chúng ta. Đó là thành công lớn của tác giả Quân Yên. Xin chúc mừng và mong được đọc những tác phẩm tiếp theo về chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là tham nhũng quyền lực.

Hà Nội 14-6-2024

CVL