Chặng đường vĩ đại của Giáo sư Đào Duy Anh: Từ chí sĩ cách mạng đến học giả uyên bác

29/04/2024 12:14

Hội thảo "Giáo sư Đào Duy Anh: Từ chí sĩ cách mạng đến học giả uyên bác" đã diễn ra vào sáng ngày 28/4 tại Hà Nội. Hội thảo được tổ chức nhằm kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Giáo sư Đào Duy Anh (1904-2024), một nhà sử học, địa lý học, từ điển học, ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo và văn học dân gian nổi tiếng ở Việt Nam.

z5391463654306-5ce1b862cd940ddb80f93495d55bca0e-1714298786.jpg
Hội thảo được tổ chức nhằm kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Giáo sư Đào Duy Anh (1904-2024)

Hội thảo được tổ chức bởi Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và Trung tâm hoạt động Văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 

Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức xã hội và dòng họ Đào Việt Nam, nhằm hệ thống lại và bổ sung nhiều tư liệu quý để khẳng định những đóng góp to lớn của Giáo sư Đào Duy Anh với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nền học thuật nước nhà.

z5391463467817-b265a6b9e464cfe238da626e63fa3156-1714298409.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đã nhấn mạnh vai trò của Giáo sư Đào Duy Anh trong việc đắp móng và xây dựng nền khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam, cũng như đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc. Ông cũng nhấn mạnh rằng hội thảo này là dịp để các thế hệ lại cùng nhau ôn lại những đóng góp quan trọng của Giáo sư Đào Duy Anh.

Tại hội thảo, có 17 bài tham luận được trình bày trực tiếp và được đưa vào tài liệu nghiên cứu về Giáo sư Đào Duy Anh. Các tham luận đã tập trung vào nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống và công lao đóng góp của Giáo sư Đào Duy Anh trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

z5391467199859-3f0a60645f86b37dd6e4c65b3d226c7e-1714301665.jpg

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tham luận đã khẳng định, sách do Giáo sư Đào Duy Anh sưu tầm, xuất bản và giới thiệu với độc giả là những công trình có tác dụng cổ vũ lòng yêu nước, hướng tới người đọc những kiến thức cơ bản về cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường vô sản. Trong tình hình thực tế lúc ấy, ông lựa chọn nghiên cứu nhằm truyền bá những kiến thức cơ bản về cách mạng giải phóng dân tộc theo chủ nghĩa Mác và đề cao các giá trị của văn hóa dân tộc, điểm cốt lõi là tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang.

TS. Lê Xuân Kiêu -  Giám Đốc trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trình bày bài tham luận với tiêu đề "Nhân cách văn hóa của Đào Duy Anh", nêu bật phẩm chất đạo đức, năng lực sáng tạo và tinh thần tự do của Giáo sư Đào Duy Anh. Ông tập trung vào việc phân tích các tác phẩm văn học, di sản văn hóa và vai trò của Giáo sư Đào Duy Anh trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.

Ngoài ra, các bài tham luận được trình bày trực tiếp trong buổi hội thảo tiếp tục xoay quanh quá trình hoạt động cách mạng và những di sản về nghiên cứu Giáo sư Đào Duy Anh để lại cho đời.

z5391467197415-90dd1e6741633ee2afec810360627c1d-1714298408.jpg

Giáo sư Đào Duy Anh là nhà sử học, địa lý học, từ điển học, ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng và được xem là người mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. Suốt cuộc đời, từ hoạt động cách mạng sôi nổi ngay khi còn trẻ đến hoạt động nghiên cứu khoa học tận hiến, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

dsc-5324-copy-lon-1714357579.jpeg

Đến nay, những công trình nghiên cứu và tác phẩm của ông vẫn đang được giảng dạy, nghiên cứu phát triển và phát huy giá trị trong đời sống. Tên của ông được đặt cho nhiều trường học, đường phố ở thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Thanh Hóa, Đà Nẵng, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là niềm tôn vinh đối với một nhà hoạt động cách mạng tiền bối, một giáo sư, một trí thức, một nhà văn hóa lớn của trong thời đại Hồ Chí Minh.

z5391458317945-9faa71dc97a09f8bdee08d3cd8a657ef-1714302186.jpg

Hội thảo “Giáo sư Đào Duy Anh: Từ chí sĩ cách mạng đến học giả uyên bác” đã làm phong phú thêm về thân thế và công lao đóng góp với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nền học thuật dân tộc, là hoạt động tri ân, tưởng nhớ 120 năm ngày sinh của ông. Đây cũng là hoạt động thiết thực Chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); Kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) và chào mừng những ngày lễ lớn của Thủ đô và Đất nước trong năm 2024.

Cũng trong dịp này, NXB Dân trí đã phối hợp cùng một số cơ quan xuất bản cuốn sách "Đào Duy Anh: Từ chí sĩ cách mạng đến học giả uyên bác".

Hằng Nga