Chi phí phân bón tăng đe dọa nguồn cung gạo thế giới

Nongthonvaphattrien - Từ Ấn Độ đến Việt Nam và Philippines, giá các loại phân bón quan trọng để thúc đẩy sản xuất lúa đã tăng gấp đôi hoặc gấp ba chỉ trong vòng một năm qua.

Chi phí phân bón tăng cao khiến nông dân trồng lúa trên khắp châu Á đang phải thu hẹp diện tích sản xuất lúa. Ảnh: Bloomberg

Chi phí phân bón tăng cao khiến nông dân trồng lúa trên khắp châu Á đang phải thu hẹp diện tích sản xuất lúa. Ảnh: Bloomberg

Đây là một động thái được các chuyên gia lương thực nhìn nhận đang có nguy cơ đe dọa mùa màng của một loại lương thực quan trọng đang nuôi sống một nửa nhân loại, và có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực toàn diện nếu giá cả không được kiềm chế.

Việc nông dân sử dụng phân bón tiết giảm đồng nghĩa với cả diện tích và sản lượng lúa đều sụt giảm, trong bối cảnh giá cả tất cả các loại lương thực trên thế giới đều tăng cao.

Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) dự đoán rằng sản lượng lúa gạo toàn cầu có thể giảm 10% trong vụ mùa tới, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt 36 triệu tấn gạo, hoặc tương đương với việc mất đi nguồn cung lương thực cho 500 triệu người.

“Đó là một ước tính rất thận trọng”, Humnath Bhandari, nhà kinh tế nông nghiệp cấp cao tại IRRI, cho biết thêm rằng tác động có thể nghiêm trọng hơn nhiều nếu cuộc khủng hoảng tại Ukraine tiếp tục kéo dài.

Giá phân bón vẫn đang tăng trên toàn cầu do nguồn cung eo hẹp cộng với nhiều yếu tố bất lợi trong sản xuất và nhất là diễn biến xung đột giữa Nga và Ukraine, làm gián đoạn dòng chảy thương mại của mọi loại chất dinh dưỡng chính cho cây trồng.

Chi phí phân bón tăng cao đang đe dọa gây ra lạm phát lương thực toàn cầu một khi nông dân tiếp tục cắt giảm và dẫn đến năng suất cây trồng bị ảnh hưởng. Nếu điều đó xảy ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu có khả năng bị tác động mạnh: Trên thực tế, tất cả chuỗi lương thực- thực phẩm của nhân loại đều không thể thiếu vắng sự hỗ trợ của phân bón.

Theo IRRI, nông dân trồng lúa đang ở trong tình thế “đặc biệt dễ bị tổn thương”. Không giống như lúa mì và ngô, vốn đã chứng kiến ​​giá cả tăng vọt do chiến tranh tác động nguy hiểm đến vựa lúa mì lớn trên thế giới, giá gạo thế giới vẫn khá bình ổn, thậm chí giảm do sản lượng dồi dào và việc dự trữ tương đối tốt. Điều đó có nghĩa là người trồng lúa đang phải đối phó với chi phí vật tư đầu vào tăng cao, trong khi họ lại không thu được lợi nhuận nhiều hơn.

Ông Nguyễn Bình Phong, chủ một đại lý phân bón và thuốc trừ sâu ở tỉnh Kiên Giang, địa phương sản xuất lúa trọng điểm ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nói: Giá một bao phân urê loại 50 kg đã tăng gấp ba lần trong năm qua.

Ông Phong cho biết, một số nông dân trong vùng đã cắt giảm sử dụng phân bón từ 10% đến 20% vì giá tăng cao, dẫn đến sản lượng lúa thấp hơn. “Khi nông dân tiết giảm phân bón, họ đã chấp nhận rằng sẽ thu được lợi nhuận thấp hơn”, ông Phong nói. Các chính phủ ở châu Á, châu lục sản xuất nhiều lúa gạo nhất thế giới rõ ràng rất muốn tránh viễn cảnh này. Theo giới phân tích, việc giữ giá cả trong tầm kiểm soát là điều quan trọng đối với các chính trị gia, vì gạo vẫn được coi là loại lương thực chính của hàng trăm triệu người, đặc biệt là các nhóm có thu nhập thấp hơn.

Giá phân bón tăng cao đang là gánh nặng đối với nông dân sản xuất vụ lúa đông xuân 2021-2022 ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Giá phân bón tăng cao đang là gánh nặng đối với nông dân sản xuất vụ lúa đông xuân 2021-2022 ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Bằng chứng là nhiều quốc gia vẫn phải trợ cấp phân bón để nông dân tăng năng suất cây trồng nhằm cải thiện sản lượng, bất chấp việc tăng gánh nặng tài chính. Vào tháng 2 vừa qua, Ấn Độ- quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu phân bón đã ​​chi khoảng 20 tỷ USD để bảo hộ nông dân trước làn sóng tăng giá phân bón, tăng 6 tỷ USD so với mức ngân sách trung bình hàng năm.

Quốc gia Nam Á này hiện là nhà sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới và xuất khẩu sang các nước như Ả Rập Xê Út, Iran, Nepal và Bangladesh.

Somashekhar Rao, 57 tuổi, một nông dân trồng lúa trên mảnh đất rộng 25 mẫu (trên 10 ha) bang Telangana, miền nam Ấn Độ, cho biết ông đang phải vật lộn với giá phân bón ngày càng tăng.

Ông Rao dự đoán sản lượng lúa vừa gieo sạ của mình sắp tới sẽ bị giảm từ 5-10% do xuống giống trễ lịch thời vụ để chờ đủ nguồn cung vật tư đầu vào. Nguyên nhân là phân bón chỉ có hiệu quả cao nhất khi được bón cho lúa vào đúng chu kỳ sinh trưởng.

Theo các chuyên gia IRRI, cơ quan này đang nỗ lực phối hợp với người trồng lúa để đạt được kết quả tối ưu, bằng cách kết hợp giải pháp sử dụng các đầu vào hóa học và hữu cơ nhằm duy trì sản lượng, đồng thời cải thiện sức khỏe của đất.

“Tuy nhiên, các bước này sẽ phải mất thời gian để thực hiện. Và khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục phá vỡ các chuỗi sản xuất lương thực trên toàn thế giới, thì ‘những ngày khó khăn nhất có lẽ còn đang ở phía trước’ và không thể tránh khỏi”, ông Bhandari cho hay.

Trong diễn biến liên quan, hôm nay Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới “có hành động cụ thể” để chống lại một cuộc khủng hoảng đang rình rập về tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu.

Phát biểu với Bộ trưởng Tài chính các nước cùng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (ÌM) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington, bà Yellen nói: “Mối đe dọa đã chạm đến những người dễ bị tổn thương nhất. Hơn nữa, tính liên kết của hệ thống lương thực toàn cầu đều bị ảnh hưởng”.

Trong số các giải pháp được đề xuất thảo luận bao gồm: giảm hạn chế xuất khẩu lương thực; giảm kiểm soát giá giữa các quốc gia và trợ cấp cho nông dân nhỏ trên toàn cầu, bởi nếu không cung cấp đủ cái ăn cho dân số thế giới không nhưng chỉ có nguy cơ chết đói mà còn gây ra bất ổn xã hội và biến động chính trị xuyên biên giới.

Trong diễn biến liên quan, hôm nay Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới “có hành động cụ thể” để chống lại một cuộc khủng hoảng đang rình rập về tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu.

Phát biểu với Bộ trưởng Tài chính các nước cùng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (ÌM) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington, bà Yellen nói: “Mối đe dọa đã chạm đến những người dễ bị tổn thương nhất. Hơn nữa, tính liên kết của hệ thống lương thực toàn cầu đều bị ảnh hưởng”.

Trong số các giải pháp được đề xuất thảo luận bao gồm: giảm hạn chế xuất khẩu lương thực; giảm kiểm soát giá giữa các quốc gia và trợ cấp cho nông dân nhỏ trên toàn cầu, bởi nếu không cung cấp đủ cái ăn cho dân số thế giới không nhưng chỉ có nguy cơ chết đói mà còn gây ra bất ổn xã hội và biến động chính trị xuyên biên giới.