Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Nông thôn mới không chỉ là thay đổi bề ngoài

Nongthonvaphattrien - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, xây dựng nông thôn mới không chỉ là thay đổi bề ngoài, mà còn phải nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân.

Thu nhập nhảy vọt

Ngày 16/2, UBND huyện Tuy Phước (Bình Định) tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tham dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Qua gần 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện Tuy Phước đã phát huy sức mạnh tổng lực của toàn hệ thống chính trị để về đích nông thôn mới bất chấp nhiều khó khăn, được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

ctn1-1645023568.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: "Nông thôn mới không chỉ là thay đổi bề ngoài". Ảnh: V.Đ.T.

Khi bắt đầu triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới vào năm 2011, huyện Tuy Phước có điểm xuất phát thấp. Thu nhập bình quân đầu người khi ấy chỉ đạt 18,8 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn đến 9,84%, Tuy Phước khởi động xây dựng nông thôn mới với thực trạng mỗi xã chỉ đạt chừng 5 tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới.

Đến năm 2020, khi huyện Tuy Phước được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đã đạt 45,8 triệu đồng/người/năm, tăng 27 triệu đồng/người/năm so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,92%, giảm đến 7,92% so với năm 2011.

Để có được kết quả trên, Tuy Phước đã phát huy triệt để sức mạnh của hệ thống chính trị trong chỉ đạo triển khai thực hiện nông thôn mới một cách đồng bộ, sâu sát, quyết liệt. Đặc biệt, xác định đúng phương pháp, lựa chọn đúng nội dung, khâu đột phá, thực hiện có trọng tâm với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Nhờ đó mà Tuy Phước đã vượt khó, phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương; tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Đến nay, huyện Tuy Phước đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Tuy Phước đạt 9,2%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng giá trị công nghiệp - thương mại dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện tăng gấp 2,4 lần so với năm 2011.

Kết cấu hạ tầng nông thôn ở Tuy Phước hiện đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn trục xã, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt tỷ lệ 100%; đường trục thôn, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa đạt tỷ lệ 99,3%.

Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 48,67%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,1%; có 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia là 74,1%.

Bên cạnh đó, Tuy Phước xuất hiện có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp làm tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Điểm sáng trong nông nghiệp của Tuy Phước là đã xây dựng được 4 dự án cánh đồng lớn sản xuất lúa, 3 cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống với tổng diện tích canh tác 750 ha.

Hiện Tuy Phước có 12/14 HTX nông nghiệp liên kết sản xuất giống với các công ty, tập đoàn sản xuất giống lúa như: Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty Cổ phần Tập đoàn VinaSeed, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, Công ty Vật tư nông nghiệp An Giang, Công ty Giống cây trồng Miền Nam.

Hàng năm, huyện Tuy Phước liên kết sản xuất lúa giống trên 1.200 ha, toàn bộ diện tích sản xuất lúa giống đều áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến.

nt1-1645023620.jpeg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng công nhận huyện Tuy Phước (Bình Định) đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tuy Phước còn có Công ty TNHH Giống Gia cầm Minh Dư (Công ty Minh Dư) có nhiều cơ sở sản xuất trong và ngoài huyện với quy mô diện tích trên 150 ha với hệ thống chăn nuôi, ấp trứng theo công nghệ hiện đại châu Âu.

Giống gà ta mang thương hiệu Minh Dư đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận độc quyền, đang cung ứng cho người chăn nuôi toàn quốc và xuất khẩu. Bình quân mỗi năm Công ty Minh Dư cung cấp ra thị trường khoảng 100 triệu con gà giống thương phẩm 1 ngày tuổi, chiếm khoảng 20% thị phần cả nước, vươn lên trở thành 1 trong 4 doanh nghiệp gà lông màu lớn nhất Việt Nam và là doanh nghiệp dẫn đầu về giống gà thả vườn.

Sự có mặt của Công ty Minh Dư trên địa bàn đã thúc đẩy phong trào chăn nuôi gà tại địa phương, giải quyết được nhiều việc làm cho người dân các vùng nông thôn, theo đó, thu nhập trong nông hộ cũng được tăng lên đáng kể.

Lấy kinh tế hộ làm chủ thể

Giai đoạn 2011-2020, tổng nguồn vốn huy động để xây dựng nông thôn mới của Tuy Phước là hơn 5.252 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp gần 60 tỷ đồng. Đến tháng 10/2020, toàn huyện có 11/11 xã được UBND tỉnh Bình Định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Tuy Phước đã thực hiện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.

nnt22-1645023678.jpeg
Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: V.Đ.T.

Với những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tuy Phước đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tuy Phước đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 tại Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 18/1/2022. Đây là sự ghi nhận, động viên to lớn của Đảng, Nhà nước về những nỗ lực phấn đấu, phát triển toàn diện của huyện Tuy Phước trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020.

“Được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đó là niềm vinh dự và tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tuy Phước. Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; là phải hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, Tuy Phước quyết tâm giữ vững tiêu chí đã đạt được và phấn đấu đạt những thành quả cao hơn.

Để được vậy, Tuy Phước sẽ cần chú trọng phát huy sức mạnh sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới bền vững, phát huy vai trò chủ thể của người dân”, ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, chia sẻ.

nnt-1645023729.jpeg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao quà cho những nông dân tiêu biểu của huyện Tuy Phước (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nông thôn mới ở Tuy Phước đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Nhất là thu nhập của người dân được tăng cao, đặc biệt là thu  nhập của nông dân. Xây dựng nông thôn mới ở Tuy Phước lấy kinh tế hộ làm chủ thể trong phát triển ở nông thôn. Cùng với đó là kinh tế tập thể cùng phát triển với nhiều loại hình khác nhau. Những thành quả nói trên đã cho thấy huyện Tuy Phước có hệ thống chính trị vững mạnh, hướng về người dân, phục vụ nhân dân, sát dân, sát cơ sở.

“Nông thôn mới không chỉ là thay đổi bề ngoài, mà còn phải nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn. Tôi rất vui mừng khi hộ nghèo ở huyện Tuy Phước chỉ còn 1,92%, thu nhập bình quân của 200.000 dân Tuy Phước đạt gần 50 triệu đồng/người/năm.

Tôi đề nghị huyện Tuy Phước phải có khát vọng mới, trong đó có vấn đề chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế và đặc biệt là áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ 4.0, tiến tới nông nghiệp số. Huyện Tuy Phước trong tương lai sẽ là huyện nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao của Việt Nam”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.