Tháng Sáu vừa rồi, tôi đến Hội An thăm ông. Lúc đó sức khoẻ ông rất yếu và lại vừa trải qua một mất mát tinh thần quá lớn.
Ông chống gậy lần từng bước xuống cầu thang. Nhưng đôi mắt ông vẫn ánh lên sự tinh anh và một ý chí mạnh mẽ.
Tôi nói với ông khi nào ông khoẻ ra Hà Nội, tôi muốn mời ông đến thăm lại Hội nhà văn. Vì đó là nơi ông đã gắn bó một thời gian dài với cương vị Bí thư Đảng Đoàn, Phó tổng thư ký Hội nhà văn VN ( lúc đó chưa có chức danh chủ tịch) và Tổng biên tập báo Văn nghệ.
Nghe tôi nói vậy, ông kể cho tôi nghe về lịch sử ngôi nhà 65 Nguyễn Du, trụ sở đầu tiên của Hội nhà văn VN ở Hà Nội mà ông và những nhà văn danh tiếng đã làm việc ở đó.
Hồi còn rất trẻ, tôi có một bản tiểu thuyết "Đất nước đứng lên" và giữ như giữ báu vật ". Với "Rừng xà nu"và "Rẻo cao" tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và thuộc lòng nhiều đoạn như đoạn ông tả những cây xà nu nằm trong tầm pháo bắn. Còn " Đường chúng ta đi" thì tôi đã từng đứng chôn chân ghé sát tai vào chiếc đài ga-len nghe đọc trong những buổi tối ở một làng quê. Những tác phẩm của nhà văn Nguyên Ngọc lúc đó đã đánh thức những vẻ đẹp người và vẻ đẹp văn chương trong tâm hồn biết bao bạn đọc Việt Nam.
Thế mà giờ ông đã 90 tuổi. Mà tôi cũng đã 65 rồi còn gì. Lúc này tôi đang hình dung người thanh niên nhỏ bé Nguyên Ngọc đã đi qua những năm tháng chiến tranh tàn khốc luôn cận kề cái chết cùng biết bao người dân Việt Nam cho độc lập, tự do của dân tộc.
Gặp ông, tôi vẫn gọi ông là chú xưng cháu. Đấy là cách xưng hô của tôi đối với ông từ buổi đầu gặp ông năm 1991 và tôi giữ mãi đến bây giờ.
Hôm nay là sinh nhật ông, tôi kính chúc ông mạnh khoẻ và không rời bỏ niềm đam mê viết.