Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu ở nhiều lĩnh vực không chỉ trong nông nghiệp nói riêng. Ngày 31 tháng 12 năm 2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 5275/QĐ-BNN-VP về Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và PTNT năm 2022.
Vậy chuyển đổi số là gì và có tầm quan trọng như thế nào trong Nông nghiệp 4.0 và tương lai là nông nghiệp 5.0?
Trước hết, chuyển đổi số là gì?
Khó có được một định nghĩa rõ ràng và cụ thể về chuyển đổi số, bởi vì quá trình áp dụng chuyển đổi số sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau. Để đưa ra một định nghĩa rõ ràng và cụ thể về chuyển đổi số là rất khó, do có sự khác biệt trong quá trình áp dụng chuyển đổi số vào từng lĩnh vực cụ thể.
Vai trò của chuyển đổi số trong Nông nghiệp 4.0
Tuy nhiên, để có thể định nghĩa một cách ngắn gọn và dễ hiểu thì chuyển đổi số (Digital Transformation trong tiếng Anh) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.
Nông nghiệp là lĩnh vực ít được số hóa nhất ở Việt Nam, do đó việc tăng năng suất và cơ hội phát triển vẫn chưa được khai thác. Chuyển đổi số (tiếng Anh là Digital Transformation) trong nông nghiệp có liên quan đến việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số như kết nối di động / internet, trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML), điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT) và công nghệ sổ cái phân tán / chuỗi khối (DLT) để tạo ra các mô hình kinh doanh mới có thể giúp cải thiện năng suất, hiệu quả, thu nhập và lợi nhuận nông nghiệp. Hơn nữa, nó sẽ đòi hỏi một sự thay đổi tư duy về văn hóa đổi mới để thu hút một thế hệ nông dân và doanh nhân mới. Để vận hành và tận dụng tối đa, phải phát triển “hệ sinh thái nông nghiệp kỹ thuật số”, bao gồm:
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, chẳng hạn như dữ liệu nông nghiệp (ví dụ: sổ đăng ký nông dân, bản đồ đất, thời tiết, nông học, giám sát sâu bệnh và dịch bệnh); phần cứng kỹ thuật số (ví dụ: công nghệ bay không người lái, vệ tinh / GIS, cảm biến, công cụ chẩn đoán đất); và phần mềm kỹ thuật số (ví dụ: công cụ thu thập dữ liệu, công cụ quản lý tác nhân hiện trường, nền tảng blockchain)
Các lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật số, chẳng hạn như:
Dịch vụ tư vấn: phổ biến thông tin để cải tiến kỹ thuật canh tác và thúc đẩy công nghệ mới
Liên kết thị trường: tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán giữa nông dân và người mua
Tiếp cận tài chính: cung cấp tài chính để tăng năng suất hoặc lợi nhuận của trang trại
Quản lý chuỗi cung ứng: theo dõi và quản lý chuỗi cung ứng để cải thiện lợi nhuận thông qua chứng nhận và truy xuất nguồn gốc
Trí tuệ nông nghiệp vĩ mô: tạo và / hoặc phổ biến dữ liệu vĩ mô cho các bên liên quan
Để phát triển hệ sinh thái nông nghiệp kỹ thuật số, cần có ba yếu tố quan trọng: dữ liệu, đổi mới và quan hệ đối tác giữa nhiều bên liên quan trong khu vực nhà nước và tư nhân. Chuyển đổi kỹ thuật số nông nghiệp sẽ thúc đẩy đổi mới thể chế để thúc đẩy việc sử dụng chéo kiến thức và quan hệ đối tác hiệu quả, xúc tác chia sẻ dữ liệu và thử nghiệm và kiểm tra các công nghệ đột phá. Nó sẽ mở rộng quy mô các giải pháp đã được chứng minh thông qua các cam kết cấp quốc gia để có một hệ thống thực phẩm hiệu quả, công bằng và bền vững với môi trường.
Tại sao “Chuyển đổi số” trong nông nghiệp lại quan trọng và mang lại những lợi ích gì?
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm nổi bật những điểm yếu của hệ thống nông sản trong nước, nhưng nó cũng mang đến một cơ hội chưa từng có để chuyển đổi hệ thống. Ngoài ra Biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn luôn là những vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp Việt Nam.
Lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.
Trong khi đó, đối với nông dân, chuyển đổi số giúp họ thay đổi cách sống, làm việc và giao dịch. Ngoài ra, chuyển đổi số còn giúp gia tăng năng suất lao động cũng như tăng cường sinh kế cho người nông dân.
Còn đối với nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
Chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản
Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong cuộc đua chuyển đổi số
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh cho biết: Hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn nhiều hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng thấp so với các khu vực kinh tế khác; phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu; hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Số lượng hợp tác xã tăng nhưng số lượng thành viên giảm, trong đó, sự gắn kết lợi ích giữa các thành viên và hợp tác xã chưa cao. Thống kê cho thấy, cả nước hiện có 18.000 hợp tác xã, thì một nửa số này có số thành viên dưới 30; số lượng thành viên của hợp tác xã nhiều nhất là 200 thành viên. Đây là một trong những yếu tố khiến hoạt động của hợp tác xã còn nhỏ lẻ, manh mún. Do vậy, để phát triển trong tình hình mới thì hợp tác xã cần thay đổi về tư duy sản xuất và liên kết phân công phụ trách đến từng khâu trong chuỗi sản xuất, trong đó khâu tiêu thụ cần thiết phải có sự ứng dụng công nghệ số để đa dạng đầu ra cho sản phẩm, bổ sung cho các kênh tiêu thụ truyền thống vốn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19.
Thực tế, điều này cũng đã được nhiều hợp tác xã trên cả nước đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua và đã đạt hiệu quả rõ nét. Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) là một trong số ít hợp tác xã tiên phong trong phát triển chuỗi thực phẩm sạch gắn với nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hiện nay, việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã được thực hiện một cách đồng bộ với các kênh bán hàng hiện đại như các hệ thống siêu thị lớn và các sàn giao dịch thương mại điện tử. Theo đó, hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ 4.0 eGap và eGap.vn, iMetos của Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam (VDECA) nhằm phục vụ chuyển đổi số với các giải pháp như: nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu. Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám cho biết: Việc phát triển đồng bộ các giải pháp gắn với chuyển đổi số nông nghiệp đã giúp nâng cao tương tác giữa nông dân với người tiêu dùng. Mặc dù thời gian qua tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng thực phẩm, nhưng chuỗi sản xuất tiêu thụ của hợp tác xã vẫn duy trì, phát triển ổn định, doanh thu của hợp tác xã năm 2021 ước đạt khoảng 14 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020.
Chia sẻ về thay đổi nhờ áp dụng công nghệ số, Giám đốc Hợp tác xã Mật ong Cường Nga (Hà Tĩnh) Nguyễn Văn Cường cho biết thêm: Từ cuối năm 2019, sản phẩm mật ong Cường Nga đã được đánh giá sản phẩm OCOP 3 sao. Đến năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã. Thế nhưng, nhờ sớm ứng dụng nông nghiệp thông minh, đặc biệt là tham gia kết nối tiêu thụ nông sản trên các sàn giao dịch thương mại nên giao thương vẫn diễn ra thuận lợi thông qua hình thức bán hàng trực tuyến, qua đó hợp tác xã tiêu thụ được hơn 7.000 lít mật ong, thu về khoảng ba tỷ đồng.
Hiệu quả từ chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đã được minh chứng, nhưng hiện nay, số hợp tác xã tham gia vào lĩnh vực này chưa nhiều. Nguyên nhân do hạn chế về tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực công nghệ cao, điều kiện tiếp cận công nghệ... Trước thực tế này, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc VDECA Mai Quang Vinh chia sẻ: Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng các hợp tác xã trong thực hiện giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 eGap và eGap.vn, iMetos, MobiAgri phục vụ chuyển đổi số và bảo hiểm nông nghiệp. Để nông sản tạo dựng được uy tín, bán được giá, hợp tác xã cần phải bảo đảm được tính minh bạch thông qua Chứng nhận TCVN, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế; chứng nhận tiêu chuẩn cơ sở; quy chuẩn sản xuất; quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn... Thông qua các giải pháp công nghệ, sổ ghi chép thủ công này sẽ được thay thế bằng nhật ký điện tử, sau đó trích xuất ra tem truy xuất thông minh. Tem truy xuất thông minh có thể truy xuất đến từng công đoạn sản xuất thay cho tem bình thường chỉ truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Các cấp quản lý nhà nước sẽ có trách nhiệm giám sát khi tem truy xuất thông minh được xuất ra. Đồng thời, với giải pháp này, chỉ cần một cú click chuột, người tiêu dùng có thể biết được hiện nay các hợp tác xã trên toàn quốc đang có những sản phẩm gì, quy trình sản xuất ra sao, thuộc loại quy chuẩn, tiêu chuẩn nào, dự báo sản lượng, thời vụ sẽ là bao nhiêu.
Về vấn đề kết nối thương mại điện tử nông sản trên cổng Blockchain, sàn thương mại điện tử phục vụ kinh tế số hợp tác xã nông nghiệp, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Đầu tư Digital Kingdom (DGK) Vũ Hồ Vũ thông tin: Công nghệ Blockchain mà công ty đang sử dụng có thể chứng minh được quy mô, năng lực sản xuất cũng như truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Trong xu hướng công nghệ 4.0, công nghệ Blockchain mang lại nhiều lợi ích cho cả cơ quan quản lý nhà nước, hợp tác xã, cũng như doanh nghiệp kết nối tiêu thụ nông sản. Nhờ việc chuyển đổi số này, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, hơn 2.500 tấn sầu riêng, 100 tấn khoai lang, 80 tấn bưởi, 200 tấn xoài, chôm chôm, vải… đã được hỗ trợ tiêu thụ với tổng giá trị đơn hàng lên đến hơn 300 tỷ đồng. “Về phía hợp tác xã, công nghệ Blockchain có gắn kèm tem chống hàng giả, giúp minh bạch thông tin nông sản, tạo dựng niềm tin giữa người bán và người mua, thúc đẩy mạnh mẽ tiêu thụ nông sản trên môi trường số. Thời gian tới, công ty mong muốn và cam kết tiếp tục liên kết với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hợp tác xã trong việc nâng cao giá trị và năng lực tiêu thụ nông sản thông qua chuyển đổi số”- ông Vũ Hồ Vũ nhấn mạnh.
Cùng với việc tạo điều kiện cho các quy định và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ kỹ thuật số sẽ là động lực chính để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, giảm lãng phí lương thực, canh tác bền vững và khủng hoảng khí hậu. Ngày nay cần có nhiều đổi mới công nghệ hơn trong nông nghiệp. Đây là một thách thức toàn cầu và đã đến lúc phải hành động.
Với dân số 96 triệu người và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực, dân số trẻ năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, các chuyên gia đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Đây là những cơ hội mạnh mẽ để nông nghiệp Việt Nam tạo sự đột phá trên thị trường nhờ chuyển đổi số.