Chuyên luận về âm nhạc của Phạm Việt Long

Tôi đang trong tay cuốn chuyên luận "Ngân vang mãi giai điệu tổ quốc" còn thơm mùi giấy mực. Cuốn sách ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm Ngày đất nước thống nhất - 30/4. Trân trọng một công trình lao động trí tuệ; có thể nói công phu, đồ sộ. Bởi chuyên luận của Việt Long điểm xuyết lại các ca khúc một đoạn đường dài lịch sử hào hùng của đất nước suốt ba cuộc chiến tranh chống ngoại xâm: Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ, Bành trướng Trung Quốc; đặc biệt là các ca khúc thời Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Lửa chiến tranh tắt lụi hơn 40 năm trời, lẽ ra ngoài VOV3 với những chương trình "Bài ca đi cùng năm tháng", những ký ức âm thanh, cần có một công trình, một tác phẩm tổng kết các ca khúc cách mạng - kháng chiến (?) nhưng chưa thấy có. Chuyên luận "Âm vang mãi giai điệu Tổ quốc" thỏa mãn được yêu cầu ấy của tôi, một bạn đọc yêu âm nhạc. Đọc Việt Long, tôi như gặp lại người bạn tâm hồn cùng rung cảm với những ký ức âm thanh, đưa nhau về với những khung trời mơ - đẹp, những nẻo đường đất nước gian lao, những kỷ niệm yêu - thương thời chinh chiến…

baclong-1659282952.jpg

 Chính vì vậy, ngay từ khi tác giả giới thiệu các chương cuả cuốn chuyên luận này trên mạng xã hội để bạn đọc góp ý kiến, đã hấp dẫn tôi. Nhất là từ chương 2 - Tiếng hát át tiếng bom Thời chống Mỹ cứu nước. Tôi chăm chú đọc từng kỳ, đôi lúc trao đổi với Anh. Tôi thuộc người lớp trước nhưng cùng thế hệ với Anh, đồng cảm và trân trọng bởi cũng như Anh, những giai điệu của các ca khúc cho tới "tuổi đã nhuộm màu sương khói" vẫn cứ văng vẳng trong tôi. Anh viết, những bài hát ấy đã vẽ nên trong Anh bức tranh đầy màu sắc của Tổ quốc, khiến cho tình yêu đất nước của Anh có nhiều điểm tựa vững chắc hơn. Tôi - Ngay sau Cách mạng Tháng Tám bùng nổ - một học sinh ngồi trong lớp, bầu nhiệt huyết nóng lên "Tiếng gọi thanh niên đáp lời sông núi" của cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Tôi rời vòng tay nuông chiều của mẹ cha, thoát ly lên đường kháng chiến, cao ngạo với câu hát yêng hùng "bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa" - NS Lương Ngọc Trác và, đêm trăng bên bờ Sông Lô cùng nhau ôm đàn nghêu ngao "Rồi đây khi nao dứt chiến chinh...

Gió rung tiếng đàn thanh bình..." - NS Tô Vũ. "Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc" đọc được vì chuyên luận Việt Long viết lên nhờ có ba yếu tố cần và đủ: lòng say mê - vốn sống - tài năng (ngoài năng khiếu bẩm sinh còn là kiên nhẫn học hỏi, chịu khó sưu tầm tư liệu, sức viết). Anh kể rằng, tuổi đã cao rồi nhưng ý tưởng nung nấu khiến anh quên ăn, quên ngủ để viết. Vốn sống thì khỏi nói, anh từng hành quân vượt Trường Sơn. Anh từng là phóng viên mặt trận. Anh thường trú lâu năm ở chiến trường Quảng - Đà ác liệt. Tài năng ư? Tôi nhớ, một kỷ niệm về Anh.

Cái ngày tiễn Anh rời cơ quan đi B, anh ôm đàn hát bài "Nguyễn Viết Xuân - cùng anh tiến quân trên đường dài". Những ngày gánh trách nhiệm Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Anh có điều kiện tiếp xúc với nhiều nhạc sĩ, tích lũy thêm kiến thức về âm nhạc. Chuyên luận "Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc" là một tư liệu quý về ca khúc thời kháng chiến, về các nhạc sĩ tác giả bài hát, về các ca sĩ tên tuổi.

Tác giả kể lại xuất xứ, bối cảnh các vùng miền ra đời của các ca khúc đồng thời phản ánh thời điểm, nội tâm người nghe hát... Từng chi tiết hòa quyện vào nhau truyền cảm người đọc... Đọc chuyên luận âm nhạc "Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc" điều hấp dẫn tôi là những hồi ức của tác giả về giai điệu của những bài hát qua từng giai đoạn cuộc đời Anh. Anh kể rẳng tuổi thơ Anh gắn liền với cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp. Bố đi bộ đội, gia đình tản cư lên Tuyên Quang. Mỗi lần hiếm hoi về thăm nhà, bố Anh hát bài "Nhớ chiến khu", vui vì được gặp bố, câu hát "Thôi chia ly vai vác súng trông mây trăng gió buồn đứng. Chiều vàng nhớ núi rừng..." cứ ngấm dần vào huyết quản, trở thành tiềm thức, khiến anh yêu âm nhạc từ thưở ấy…

Những bài hát về Tây Bắc của Văn An, Nguyễn Thành: "Đường lên Tây Bắc xa xôi. Nếp nhà sàn thấp thoáng", "Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa"... đã cho anh tình yêu cảnh sắc thiên nhiên đất nước. Anh kể kỷ niệm "rất trẻ con" về những ngày chạy giặc, người Mẹ trẻ xinh tươi của Anh phải biến mình thành một bà lão xấu xí. Anh khóc và cứ nằng nặc đòi "Không thích Mẹ xấu, trả Mẹ đẹp đây!".

Ngày ấy anh được nghe bài hát giải phóng Điện Biên giữa mùa hoa ban nở của Ông Đỗ Nhuận. Nhịp điệu câu hát "thôi thúc bước chân nhỏ bé của tôi nhanh nhanh về với Mẹ trong niềm vui bất tận không còn lo giặc càn quét". Kháng chiến thành công...

Kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng Thủ đô, Việt Long đang học cấp 3, Anh lại có thêm kỷ niệm đẹp khi tham gia chương trình tái hiện chiến thắng Điện Biên. Nhịp điệu bài hát "Chiến thắng Điện Biên" cùng các bài hát "Tiến bước dưới quân kỳ", "Vì nhân dân quên mình" thổi bùng lên "ngọn lửa tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước của nhân ta" thôi thúc chí làm trai thời chiến của Anh... Tình yêu Tổ quốc bắt đầu từ Mẹ, từ Cha; từ ngọn suối, con sông (tứ thơ Chế Lan Viên), lớn lên vào đời tình yêu ấy thể hiện ý chí, nghị lực chịu đựng, hy sinh vì Tổ quốc. Sự kiện Vịnh Bắc bộ 5/8/1964 - Đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Không khí tấn công nổi dạy của quân và dân miền Nam.

Ca khúc "Có chúng tôi sẵn sàng" của Vĩnh Cát, "Tiến về Sài gòn" của Huỳnh Minh Siêng cùng các ca khúc khác như "Bão nổi lên rồi" của Trọng Bằng, "Tiếng súng Nam Bộ" và "Hành quân xa" của Đỗ Nhuận "cứ vang lên trong tâm hồn tôi... Thôi thúc chúng tôi lên đường ra trận " - Anh kể. Ở đoạn khác, trang. 92 - Chương hai "Tiếng hát át tiếng bom", Anh viết: " Là một phóng viên trẻ, trước không khí sục sôi giải phóng miền Nam và những giai điệu hào sảng cuốn hút con người vào cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc ấy, tôi còn có thêm động lực và đây lại là động lực chính. Đó là được "đứng trên bốn phương Thành Huế mà lấy tin, chụp ảnh" như lời nhà thơ Tố Hữu kêu gọi lớp phóng viên trẻ khi Ông tới thăm VNTTX.

Một đơn tình nguyện xuất phát từ chính con tim dạt dào nhiệt huyết cống hiến của tôi được gửi lên Bộ Biên tập VNTTX ". Sống và trải nghiệm, Anh kể lại những cảm nhận về các ca khúc cùng những kỷ niệm sâu sắc vượt Trường Sơn, những năm tháng làm phóng viên cùng sống chết với đồng đội, đồng nghiệp, đồng bào và chiến sĩ ở chiến trường Quảng Đà vô cùng ác liệt. Nghe các cô gái mở đường hát câu ví dặm, nghe "Chương trình ca nhạc hành quân" của Đài Tiếng nói VN trên đường ra trận...

Anh ngỡ ngàng thốt lên "Trời ơi! giữa vùng đạn lửa ác liệt căng thẳng là thế, tôi được nghe khúc dân ca vừa đằm thắm tình người, vừa triết lý về quy luật của cuộc sống, sao mà mát ngọt, sao mà thấm thía. Dân mình là vậy, đâu có muốn gồng mình lên với súng đạn? Giặc đến thì phải đánh, giặc tạm rút, dân mình vẫn tình tứ, mặn nồng làm sao!" Như người dẫn chương trình, anh phân tích các ca khúc thời chiến phản ánh rất chân thực cuộc sống, gắn với chất liệu dân ca, càng nghe càng hay càng thấm và kết luận "Thực sự, dòng ca khúc cách mạng đã tạo thành pho sử không kém phần chính xác mà lại rất sinh động về đất nước, con người Việt Nam ta..." Anh kể lại "Chiến trường Quảng Đà ác liệt, gian khổ là vậy nhưng không bao giờ lặng lời ca tiếng hát. Nói cách khác, chính lời ca tiếng hát tạo thêm động lực, năng lượng để những chiến sĩ cách mạng vượt qua gian khổ khó khăn, ác liệt, sống trong một tâm thế vui tươi lạc quan..." Đọc "Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc", tôi suy nghĩ: Vai trò của ca khúc nói riêng, âm nhạc nói chung góp phần giáo dục lòng yêu nước, nhân cách con người, tinh thần lạc quan cách mạng... là vậy.

Lời ca tiếng hát nâng hồn ta, gây hưng phấn trong ta, làm dịu nỗi buồn của ta, làm giàu lòng nhân ái con người; quan trọng là vậy mà bấy lâu trong nhà trường chúng ta, trong chương trình bậc học phổ thông ta quên mất bộ môn nhạc, họa - giờ học nhạc họa? Nhất là, trong những ngày này đây chúng ta đang buồn lòng, bức xúc trước những cảnh bạo lực học đường! Phạm Việt Long! Tôi trân trọng quý mến Anh, một đồng nghiệp đa tài. Chẳng những là nhà báo, anh còn là một nhà văn - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, một nhạc sĩ - Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, một nghệ sĩ! Tôi đã đọc "Bê trọc" của Anh - Giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học- Nghệ thuật Việt Nam - được dựng thành phim. Tôi đã được nghe một vài ca khúc và những bài thơ Anh phổ nhạc. Tôi thích ca khúc "Chuyện chúng mình" mà anh phổ thơ- củaMai Văn Hải. Chúc mừng Anh! Nguyễn Văn Trường