Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024. Phát biểu tại Hội trường về, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) băn khoăn vì ngân sách eo hẹp, phải đi vay lớn trong khi có những vấn đề về chính sách tài khóa, tiền tệ chưa được quan tâm thấu đáo, giải quyết rốt ráo, trong đó có nguồn vốn khổng lồ đang được quản lý bởi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH).
Ước tính đến cuối năm nay, số dư nguồn các quỹ tài chính nNà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý khoảng 1,42 triệu tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là số dư của 3 quỹ, gồm Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Bảo hiểm (khoảng 1,3 triệu tỷ đồng).
Đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt câu hỏi về cơ cấu và chất lượng sử dụng vốn của khối nguồn vốn hơn 1,2 triệu tỷ đồng trên, đặc biệt là khả năng bảo toàn và sinh lời, kéo theo là sứ mệnh bảo đảm an sinh xã hội của Cơ quan Bảo hiểm Xã hội có được hoàn thành?
Giải trình về ý kiến này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, 1,24 triệu tỷ đồng số dư quỹ BHXH đang nắm là "số dư trên sổ sách, dùng để trả lương hàng tháng cho những người hưu trí".
Khẳng định đây không phải số dư trên tài khoản tiền gửi, Phó Thủ tướng cũng cho biết nguồn tiền này 80% được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, còn lại 20% đầu tư gửi ở các ngân hàng thương mại (NHTM), chủ yếu là 5 NHTM nhà nước do sợ rủi ro.
"Chính phủ huy động từ nguồn trái phiếu Chính phủ, như năm ngoái Quốc hội giao chúng tôi huy động 400.000 tỷ, đến nay thu được 268.000 tỷ đồng, khoản chi này cơ bản đầu tư vào các công trình giao thông hiện nay. Nếu buông BHXH cho đầu tư vào dự án này kia rất rủi ro và thực tế đã có rủi ro. Các nước cũng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ", ông Phớc cho biết.
Về quỹ ngân sách gửi ngân hàng, theo ông, đây là khoản gửi tạm thời, có dự chi, khi nào cần thì rút ra. Phần quỹ này cũng tập trung gửi Ngân hàng Nhà nước quản lý để đảm bảo tính thống nhất và an toàn. Chỉ số ít gửi ngân hàng thương mại nhà nước.