
Việc khai thác hợp lý, hài hòa và bền vững các nguồn tài nguyên biển sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương sau sáp nhập
Việc tổ chức lại bộ máy trong bối cảnh chuyển đổi mô hình hành chính từ ba cấp sang hai cấp (thành phố – xã/phường) khiến công tác triển khai nhiệm vụ chuyên môn gặp không ít áp lực. Dù lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo quyết liệt, nhiều nội dung vẫn chưa thể hoàn thành đúng tiến độ, một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt như kỳ vọng.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng là một trong những chỉ tiêu bị ảnh hưởng lớn sau sáp nhập. Tỷ lệ che phủ rừng của thành phố Đà Nẵng (mới) năm 2024 đạt 58%, tuy cao hơn Đà Nẵng cũ (44,67%) nhưng lại đối mặt nguy cơ sụt giảm trong giai đoạn 2026–2030 do nhu cầu phát triển kinh tế, quốc phòng và hạ tầng. Mục tiêu duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở mức 58,1% trong giai đoạn tới được đánh giá là thiếu tính khả thi.
Việc thành lập các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cũng gặp nhiều vướng mắc do chưa được phê duyệt đề cương, dự toán; thủ tục lựa chọn tư vấn kéo dài; quá trình thẩm định – phê duyệt mất nhiều thời gian trong khi nhiệm vụ phải hoàn thành trước 15/12/2025 theo quyết định giao của UBND thành phố. Đề án xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và các dự án hỗ trợ như nâng cao năng lực kiểm lâm, điều tra xác lập hiện trạng rừng… đều bị chậm tiến độ.
Đáng chú ý, việc hợp nhất hai Chi cục Kiểm lâm và các Ban quản lý rừng giữa hai địa phương cũ đang gây xáo trộn về tổ chức và chủ thể thực hiện nhiệm vụ. Việc bàn giao, chuyển tiếp chưa hoàn tất khiến khó khăn trong thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, giao rừng cho đơn vị quản lý mới và các thủ tục liên quan đến quản lý tài sản nhà nước.
Chi cục Kiểm lâm thành phố cũng đang xây dựng lại khung giá rừng phù hợp với điều kiện mới. Tuy nhiên, do sự khác biệt về đối tượng điều tra giữa hai đơn vị cũ, cần phải thống nhất lại tiêu chí điều tra, bảo lưu kết quả phù hợp. Việc Chính phủ chưa ban hành nghị định hướng dẫn về phát triển dược liệu trong rừng (trong đó có Sâm Ngọc Linh) cũng gây khó khăn cho mô hình thuê môi trường rừng triển khai trên địa bàn.
Một loạt dự án quan trọng khác như nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy, giao rừng tự nhiên cho UBND xã quản lý, xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến lúng túng trong triển khai thực hiện. Nguồn nhân lực ngành kiểm lâm đang thiếu hụt nghiêm trọng: hiện toàn thành phố Đà Nẵng thiếu 48 công chức và 18 viên chức so với chỉ tiêu biên chế được giao.
Về khoáng sản, hiện trên địa bàn thành phố có 08 khu vực mỏ đá xây dựng được phép khai thác đến hết năm 2025. Tuy nhiên, phần lớn các mỏ chưa hoàn thành thủ tục thuê đất khu chế biến khoáng sản nên không đủ điều kiện đề nghị gia hạn giấy phép. Quá trình xin chủ trương đầu tư và thỏa thuận quyền sử dụng đất kéo dài do vướng quy định về quy hoạch, xây dựng, lâm nghiệp… Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu nghiêm trọng vật liệu xây dựng cho các công trình động lực, trọng điểm sau thời điểm 31/12/2025.
Thành phố cũng đang gặp khó khăn trong triển khai công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các khu vực trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam (cũ). Trước ngày 1/7/2025, UBND cấp huyện được ủy quyền tổ chức đấu giá tại 13 khu vực khoáng sản như cát, đá, đất san lấp và vàng gốc. Tuy nhiên, sau khi bỏ cấp huyện, việc chuyển giao nhiệm vụ về UBND cấp xã chưa được thống nhất, làm gián đoạn tiến độ đấu giá, ảnh hưởng đến nguồn thu và kế hoạch sử dụng đất, tài nguyên.
Trong lĩnh vực môi trường, việc sáp nhập giữa hai địa phương dẫn đến khác biệt lớn trong mô hình quản lý. Đà Nẵng (cũ) giao Sở Nông nghiệp và Môi trường quản lý xử lý chất thải; trong khi đó, Quảng Nam (cũ) phân cấp cho UBND cấp xã, phòng ban cấp huyện ký hợp đồng và nghiệm thu. Hiện thành phố chưa thống nhất mô hình điều hành chung, gây lúng túng trong vận hành hệ thống bảo vệ môi trường.
Công tác xử lý rác thải sinh hoạt đang trong tình trạng quá tải. Tại khu vực trung tâm, các ô chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi rác Khánh Sơn dự kiến đầy vào tháng 12/2025, trong khi các dự án thay thế như Nhà máy đốt rác phát điện (650 tấn/ngày đêm) và Nhà máy xử lý rác sinh hoạt (1.000 tấn/ngày theo hình thức PPP) vẫn đang vướng thủ tục đầu tư, chưa thể khởi công hoặc chọn được nhà đầu tư.
Công tác vệ sinh môi trường trước đây do cấp huyện thực hiện, nay chưa có sự phân công cụ thể cho UBND cấp xã. Dù Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có báo cáo đề xuất giao nhiệm vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn cho UBND cấp xã kể từ 01/7/2025 theo Thông tư 19/2025/TT-BNNMT, nhưng đến nay UBND thành phố chưa có quyết định thống nhất.
Toàn bộ những khó khăn nêu trên cho thấy, việc triển khai hệ thống quản lý tài nguyên, môi trường và khoáng sản tại thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập đang đối mặt nhiều thách thức cả về thể chế, nhân lực, kỹ thuật và cơ chế điều hành. Việc tháo gỡ các nút thắt này đòi hỏi sự chỉ đạo đồng bộ, kịp thời từ Trung ương và sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương trong thành phố để bảo đảm quá trình chuyển tiếp ổn định, hiệu quả, không làm gián đoạn các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.