Đà Nẵng phát triển sản phẩm OCOP

TH
Chú trọng đầu tư, xây dựng và đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thành phố Đà Nẵng đã tập trung hỗ trợ, nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp. Đà Nẵng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, thành phố có hơn 100 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Người dân, du khách mua sản phẩm OCOP tại Hội chợ Nông nghiệp Hòa Vang năm 2022.
Người dân, du khách mua sản phẩm OCOP tại Hội chợ Nông nghiệp Hòa Vang năm 2022.

Thời gian qua, Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp đô thị và bền vững của thành phố.

Chính sách đặc thù cho sản phẩm OCOP

Trong giai đoạn 2018-2020, ngân sách thành phố hỗ trợ trực tiếp cho chương trình OCOP khoảng 2,87 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án là 3,5 tỷ đồng; vốn đối ứng các chủ thể là 1,85 tỷ đồng. Năm 2020, Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết 329/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đây là chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách hỗ trợ đối với sản phẩm OCOP.

Theo đó, người dân, doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP sẽ được hỗ trợ về kinh phí thuê tư vấn đánh giá, cấp chứng nhận sản phẩm theo quy trình VietGAP và tương đương; hỗ trợ xây dựng hồ sơ, công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với sản phẩm OCOP; hỗ trợ kinh phí xây dựng câu chuyện sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng, nâng cấp điểm bán hàng sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP; hỗ trợ đầu tư xây dựng trung tâm OCOP để đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng của thành phố.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đăng ký tham gia chương trình OCOP. Từ nay đến năm 2025, Đà Nẵng đặt mục tiêu có hơn 100 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Sở đang phối hợp các sở, ban, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình OCOP, nhất là hỗ trợ đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua việc tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm này lên sàn thương mại điện tử.

Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng gắn với du lịch và đô thị.

Theo đó, thành phố khai thác tối đa tiềm năng, diện tích đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp để phát triển các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất gắn với xây dựng các chuỗi giá trị cùng hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và phát triển theo ba nhóm sản phẩm chủ lực (cấp quốc gia, cấp thành phố và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương), trong đó chú trọng phát triển nhóm sản phẩm chủ lực cấp thành phố và sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm; nghiên cứu, phát triển các đối tượng nuôi trồng thủy sản giá trị kinh tế cao, hướng tới khai thác đặc sản địa phương và phát triển sản phẩm OCOP như cá thác lác, cá leo, cá dìa…; cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP đặc trưng

Về thăm trang trại rau sạch, dưa lưới mướt xanh tại xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) của kỹ sư IT Trần Hữu Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Afarm - một trong những đơn vị phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, tận mắt chứng kiến quá trình xây dựng và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, đã mang lại nhiều kết quả đáng mừng.

Năm 2016, ông Trần Hữu Phương bắt đầu triển khai dự án và đến tháng 3/2018, Afarm chính thức hoạt động, kết nối với khách hàng với mô hình Farm on Smartphone (trồng trọt bằng điện thoại thông minh). Nhờ ứng dụng công nghệ cao nên trang trại chỉ duy trì 10 công nhân, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất. Khi sử dụng ứng dụng Farm on Smartphone, người dùng có thể đặt lệnh từ gieo trồng đến tưới tiêu và thu hoạch. Ông Phương cho hay, công ty đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để hoàn thiện toàn bộ trang trại sản xuất với hệ thống nhà kính và điều khiển hoàn toàn tự động, có quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh nghiêm ngặt; tất cả các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao.

Theo thống kê, thành phố Đà Nẵng hiện có 40 sản phẩm OCOP được đánh giá và công nhận, trong đó 17 sản phẩm đạt 4 sao và 23 sản phẩm đạt 3 sao của 36 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Nhiều sản phẩm OCOP 4 sao nổi tiếng như chả cá thu chiên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bắc Đẩu; tảo xoắn nguyên chất sấy lạnh của Hợp tác xã Công nghệ cao Mặt trời Việt; nước mắm Hương Làng Cổ của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mắm Hồng Hương; bánh khô mè Bà Liễu Mẹ; tré Ông Chánh, nước Ion-pro Toàn Gia Phú; rau ăn quả của Hợp tác xã rau Túy Loan, bưởi da xanh của Hợp tác xã rau hoa củ quả Hòa Ninh, rau ăn lá và dưa lưới của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Afarm; kiệu hương Hòa Nhơn…

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các sở, ngành chức năng đang triển khai nhiều kế hoạch nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối cung-cầu và phân phối sản phẩm OCOP; hỗ trợ sản phẩm OCOP tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm trong và ngoài thành phố, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và nước ngoài như Postmart.vn, voso.vn, Lazada, Tiki, Sendo, Alibaba…

Xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP đã được triển khai hầu khắp các địa phương tại thành phố Đà Nẵng, trong đó, tập trung tại huyện Hòa Vang và các khu vực tiệm cận đô thị trung tâm. Đến nay, toàn huyện có 12 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó sáu sản phẩm đạt 4 sao, sáu sản phẩm đạt 3 sao.

Tại Hội chợ Nông nghiệp Hòa Vang năm 2022 vừa được tổ chức, thu hút hàng trăm gian hàng nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP của thành phố Đà Nẵng tham gia trưng bày, phục vụ người dân, du khách. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị quảng bá, giới thiệu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, là nơi tôn vinh thành quả lao động của người nông dân, phát triển và nâng cao chất lượng thương hiệu, kết nối “bốn nhà” để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Phát triển sản phẩm OCOP là cách để phát huy hiệu quả nguồn nhân lực, sức sáng tạo và thay đổi tư duy người làm nông nghiệp khi quỹ đất không còn nhiều dư địa để phát triển. Sản phẩm muốn đứng vững và có sức cạnh tranh cao, phải bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn và mang lại hiệu quả kinh tế. Đó cũng là cách mà chính quyền thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực để đầu tư, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.