Dấu ấn kinh tế xã hội Việt Nam 2024 tạo động lực để tăng tốc, phát triển trong năm 2025

Ngày 1/1/2025, ngày đầu tiên của năm mới, chúng ta có dịp nhìn lại năm 2024 đất nước ghi đậm dấu ấn không chỉ về mặt kinh tế mà còn về chính trị và xã hội.
dt2dh2a-1735666173.jpg
Tranh cổ động. Nguồn: Internet.

Quyết tâm vượt khó trong năm 2024

Tiếp nối sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước dưới sự dẫn dắt của Tổng Bí thư Tô Lâm đã không ngừng tiến về phía trước, hướng tới một “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội. 

Với sự kiện bầu cử các vị trí chủ chốt trong bộ máy Đảng và Nhà nước trong năm 2024, Việt Nam đã tạo ra một nền tảng chính trị vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Việc bầu đồng chí Tô Lâm làm Tổng Bí thư, đồng chí Lương Cường giữ chức Chủ tịch nước, đồng chí Trần Thanh Mẫn giữ chức Chủ tịch Quốc hội cùng đồng chí Phạm Minh Chính là Thủ tướng Chính phủ, tạo thành bộ tứ quyền lực chủ chốt của đất nước, là minh chứng rõ nét cho sự ổn định chính trị, điều kiện tiên quyết để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, tiếp tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Cùng với đó, sự kiện Tổng Bí thư Tô Lâm phát động "Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu rộng. Đó không chỉ là một khẩu hiệu mà còn là sự chuẩn bị về chính trị, kinh tế và xã hội để Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tiếp theo. Chính sách tinh gọn bộ máy hành chính và thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng đã được đẩy mạnh trong năm qua, mở ra một kỷ nguyên phát triển mới.

Dù đối diện với những thách thức lớn từ nền kinh tế thế giới như sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng và tăng trưởng yếu, Việt Nam vẫn duy trì một tăng trưởng GDP ấn tượng 7% trong năm 2024, vượt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng trong việc chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế, chú trọng vào các ngành công nghiệp chế biến và công nghệ cao, đồng thời giảm dần sự phụ thuộc vào các ngành xuất khẩu thô. Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 783 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ với 403 tỷ USD, Việt Nam không chỉ duy trì được đà phát triển mà còn khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngành nông nghiệp, với những đột phá về chuyển đổi cơ cấu và phát triển sản phẩm chế biến sâu, đã góp phần không nhỏ vào thành công này, với kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 62,4 tỷ USD, tăng trưởng 18,5% so với năm 2023. Điều này thể hiện một sự chuyển mình mạnh mẽ từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao.

Điểm nhấn quan trọng và là bước đột phá trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam năm 2024, đó là ký kết thành công Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (Hiệp định CEPA) vào ngày 28/10/2024. Đây là Hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ả-Rập, mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Hiệp định có sức lan tỏa mạnh mẽ tạo tiếng vang, cuộc đua marathon mới trong ký kết các FTA với các nước Trung Đông – Châu Phi thời gian tới; trước mắt là các nước Saudi Arabia, Ai Cập, Qatar... Như vậy tính đến nay, Việt Nam đã ký kết và đàm phán 19 FTA; mở rộng thêm xa lộ hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các quốc gia lớn như Pháp, Malaysia, Australia, qua đó không chỉ củng cố vị thế quốc tế mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Bất chấp những khó khăn chung từ nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì được sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Trong năm 2024, nhiều tập đoàn lớn như Nvidia, Foxconn, và SpaceX đã chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư quan trọng, với các dự án lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và sản xuất chip. Sự kiện Nvidia ký kết thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam để xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo là một bước đi chiến lược, nâng tầm Việt Nam trở thành trung tâm AI hàng đầu khu vực.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo, sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tiến nhanh hơn trên con đường hội nhập quốc tế. Chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và đa dạng hóa sẽ tiếp tục là chìa khóa giúp Việt Nam gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới.

Tóm lại, năm 2024 là một năm đầy ấn tượng của Việt Nam trên nhiều phương diện. Chính trị ổn định, nền kinh tế duy trì tăng trưởng vững chắc, cùng với sự hội nhập quốc tế mạnh mẽ sẽ là nền tảng để đất nước bước vào một kỷ nguyên mới. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và quyết liệt của các thế hệ lãnh đạo, Việt Nam có thể kỳ vọng một tương lai phát triển thịnh vượng và bền vững.

Mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2025

Với những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế năm 2024, triển vọng phát triển của Việt Nam trong năm 2025 là rất sáng sủa. Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều dấu ấn kỷ niệm: 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tạo thêm động lực để Việt Nam tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức.

Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng đạt 7 - 7,5% GDP, phấn đấu tăng trưởng khoảng 8% GDP để tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch năm 2026 và tạo đà phấn đấu mức 2 con số trong giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu GDP bình quân đầu người 4.900 USD nhằm tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế trên quy mô quốc tế. Phấn đấu Việt Nam xếp hạng 31 - 33 thế giới về quy mô GDP năm 2025. Tỉ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; tăng năng suất lao động xã hội bình quân từ 5,3 - 5,5%; đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng tỉ trọng kinh tế số trong GDP lên khoảng 20%. Mặc dù tăng trưởng đạt 7% GDP năm 2024, nhưng nền tảng của sự phục hồi và tăng trưởng trong dài hạn chưa thực sự bền vững.

Để đạt các mục tiêu năm 2025, Chính phủ đề ra một loạt nhiệm vụ trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát: Tập trung kiểm soát lạm phát ở mức khoảng dưới 4% (khoảng 3,87% năm 2025 và 3,83% năm 20265. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Hai kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025: Kịch bản thứ nhất, dự báo tích cực: Tăng trưởng đạt 6,8% GDP nhờ xuất khẩu tăng (khoảng 11,7% cao hơn 9,8% năm 2024); Kịch bản thứ hai, dự báo tiêu cực hơn: Mức tăng trưởng chỉ còn 5,6% GDP do cả xuất khẩu và đầu tư (FDI) đều suy giảm do lo ngại tác động của chính sách hạn chế thương mại của Mỹ đến hàng hóa toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Dự toán thu ngân sách nhà nước khoảng 1.966,8 nghìn tỉ đồng, tăng 15,6% so với năm 2024. Chi ngân sách nhà nước khoảng 2.527,8 nghìn tỉ đồng, tăng khoảng 408.400 tỉ đồng so với năm 2024, bảo đảm nhu cầu đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, chi tiền lương khu vực công và các chế độ, chính sách đã ban hành. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2025 khoảng 471.500 tỉ đồng (chiếm 3,8% GDP), bảo đảm các chỉ tiêu về nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong phạm vi cho phép. Hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, các công trình lớn, xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2025, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là tiếp tục hoàn thiện thể chế. Đây là giải pháp đột phá của đột phá. Thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn nhưng tháo gỡ được thì sẽ trở thành đột phá của đột phá. Đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới” tạo khung khổ pháp lý để huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tháo gỡ chồng chéo, bất cập. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là các luật liên quan đến đầu tư công, quy hoạch, đấu thầu và quản lý tài sản công nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp tiếp tục được kỳ vọng sẽ có sự phục hồi rõ nét hơn cả về doanh số và lợi nhuận. Đây là những nền tảng vững chắc để đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển năm 2045.

Giải pháp thứ hai, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới là nhiệm vụ đầu tiên. Để đạt được mục tiêu thì cần có thêm động lực tăng trưởng mới. Động lực tăng trưởng mới cho năm 2025 cần bổ sung tăng tiêu dùng nội địa. Tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng tốt và tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương và đa phương để mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm của Việt Nam. Chủ động kích hoạt các động lực tăng trưởng trong nước thay vì phụ thuộc xuất khẩu. Tập trung thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động nhanh, cao và bền vững. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như công nghệ số, sự phát triển của công nghệ cao (chíp bán dẫn, AI, điện toán đám mây…), phát triển năng lượng tái tạo, chú trọng năng lượng mặt trời, năng lượng gió và nước. Khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và các ngành. Chuyển đổi xanh cần đầu tư nhiều vào công nghệ, máy móc, vì vậy, việc lựa chọn công nghệ rất quan trọng. Thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng, tăng cường sự quan tâm đến sức khỏe, bền vững và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đầu tư vào các công nghệ mới giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế bền vững.

Giải pháp thứ ba, thúc đẩy đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đầu tư công vẫn luôn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, bởi giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Ưu tiên các dự án sắp hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm mang tính đột phá giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tiêu dùng, gia tăng sự thuận tiện trong lưu thông, đẩy mạnh liên kết vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thời gian và chi phí lưu thông hàng hóa, dịch vụ. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án về đất đai; thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản; đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, những ngành công nghiệp mới. Xóa bỏ những điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết, gỡ rào cản cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là vốn tín dụng. Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; phấn đấu tăng trưởng tín dụng trên 15%. Tập trung cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Đẩy mạnh các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để loại hình doanh nghiệp này có khả năng vươn lên và phát triển. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp quay lại thị trường, doanh nghiệp mới và doanh nghiệp ưu tiên đầu tư vào những ngành tạo ra hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu.
Giải pháp thứ tư, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Vấn đề cốt lõi cho nền kinh tế Việt Nam đó là đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Hệ thống đại học và trường dạy nghề phải được cải cách hơn nữa để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao của nền kinh tế. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp, sáng tạo. Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2025. Triển khai hiệu quả các đề án đào tạo 50 nghìn kỹ sư bán dẫn và nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao. Tỉ lệ lao động qua đào tạo khoảng 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29 - 29,5%. Hiện Chính phủ đã ban hành và đang tích cực triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đến năm 2030.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực trong các ngành công nghệ cao, kinh tế số và kinh tế xanh, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, tạo nền tảng cho sự phát triển các ngành công nghệ cao trong tương lai. Phát triển đồng bộ nguồn nhân lực trong các ngành kinh tế mới nổi và công nghệ cao, là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, triển khai các giải pháp phát triển bền vững nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để bảo vệ môi trường.

Để ứng phó với sự bất ổn địa chính trị toàn cầu và xu hướng gia tăng phòng vệ thương mại cũng như chi phí vận tải tăng cao, Việt Nam cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do, đồng thời cắt giảm chi phí sản xuất và chống lãng phí để tăng khả năng cạnh tranh. Hy vọng năm 2025 sẽ là năm Việt Nam gặt hái thành công phát triển kinh tế xã hội hơn năm 2024, tạo đà để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc bắt đầu từ Đại hội 14 của Đảng vào đầu năm 2016