Chuyện làng - Chuyện phố: “Trưởng thôn” dính “chưởng” dự án ?

Tân “Trưởng thôn” nhậm chức được mấy tháng đã thể hiện nhiệt huyết qua “Tâm thư” gửi đến bà con dân làng, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng có tính quyết định của đội ngũ cán bộ trong việc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước trước thách thức và vận hội mới.

Dân làng bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của tân “Trưởng thôn” thay thế cho “Trưởng thôn” cũ bị dính vào lao lý từ đầu tháng 3/2024, sẽ là cán bộ “liêm, chính...”, không đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm. Nhưng thật bất ngờ, những lời tâm huyết được thể hiện trong “Tâm thư” của “Trưởng thôn” công bố được hai tuần thì trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội lại réo tên “Trưởng thôn” là một trong hai chục người bị Cơ quan chức năng có văn bản gửi cấp có thẩm quyền kiến nghị xem xét, có hình thức xử lý về Đảng, chính quyền đối với các cá nhân có vi phạm tại khu đô thị biển ở địa phương cũ. Tưởng thế nào hoá ra vị này cũng bị dính “chưởng” dự án trước khi về làm “Trưởng thôn” nơi đây.

dt1-tn1d-1733111290.jpg

Tranh biếm hoạ chống tiêu cực, tham nhũng. Nguồn: Internet.

 

Việc này đã khiến dân làng thất vọng, thậm chí còn có những ví von mang tính chất mỉa mai như “Chân mình thì lấm bê bê. Lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Sự thất vọng này xuất phát từ mâu thuẫn giữa quyết tâm xây dựng một đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh và thực tế những vấn đề liên quan đến cá nhân “Trưởng thôn” trong quá khứ. Thảo nào hôm đến chùa Bí ở Yến Vinh cầu may khi “đệ tử” vừa trao chậu hoa sen đá cho “Trưởng thôn” bưng bê chưa kịp đặt vào nơi cúng tiến, do run tay bị rơi vỡ tan tành, có lẽ thần Phật từ chối khéo mang tính quở trách, báo hiệu điềm chẳng lành thì nay điềm dữ báo ứng. Điều này khiến dân làng không thể không đặt câu hỏi về tính minh bạch trong công tác cán bộ và phẩm chất đạo đức của người đứng đầu ?

Vị trí “Trưởng thôn” không chỉ đòi hỏi một người có năng lực, kinh nghiệm mà còn yêu cầu một tấm gương sáng về đạo đức, tư tưởng chính trị vững vàng. Sự kiên định trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch và chuyên nghiệp là yếu tố quyết định sự thành công trong lãnh đạo. Tuy nhiên, khi chính “Trưởng thôn” đang đối mặt với những vấn đề liên quan đến sai phạm bị nêu tên công khai trên truyền thông thì nội dung “Tâm thư” bỗng trở nên thiếu thuyết phục, chưa có tầm nhìn bao quát, vừa chủ quan, vừa bi quan. Bởi “Trưởng thôn” thực sự phải là người tiên phong trong việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ sự trong sạch của đội ngũ cán bộ, chứ không phải là người bị vướng vào các sai phạm trong các công trình, dự án này, nọ mà kíp lãnh đạo tiền nhiệm đứng đầu ở thôn này đều bị khởi tố về tội “nhận hối lộ” và tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đang chờ ngày đưa ra xét xử.

Qua sự việc này, một lần nữa, dân làng thấy rõ vai trò của công tác cán bộ trong hệ thống chính trị. Đảng và Nhà nước luôn khẳng định rằng công tác cán bộ là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”. Để xây dựng một đội ngũ cán bộ thực sự vững mạnh, không chỉ cần có những chỉ thị, lời kêu gọi mà còn phải có hành động cụ thể, sự minh bạch và công bằng trong việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ. Việc con đẻ, con rể của những vị từng đứng đầu địa phương đã bị kỷ luật khai từ Đảng, lại vừa bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, gây hậu quả nghiêm trọng” mà vẫn được bổ nhiệm đứng đầu huyện trưởng, thị trưởng đi rao giảng đạo đức, lối sống, gương mẫu... thì làm sao thuyết phục dân chúng nơi đây ? Những vi phạm liên quan đến tiêu cực, tham nhũng cần phải được xử lý nghiêm minh để giữ vững lòng tin của nhân dân và xây dựng một hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Từ bài học này, có thể thấy rằng công tác cán bộ không chỉ là vấn đề tổ chức, mà còn là vấn đề đạo đức, phẩm chất của người lãnh đạo. Để thực sự xứng đáng với niềm tin của nhân dân, mỗi cán bộ, đặc biệt là những người đứng đầu như “Trưởng thôn” phải là liêm, chính, là tấm gương sáng về đạo đức và trách nhiệm, “nói đi đôi với làm”, không để bản thân bị cuốn vào những tiêu cực, tham nhũng, làm tổn hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

Cuối cùng, để hệ thống chính trị phát triển bền vững, cần phải kiên quyết thực hiện những nguyên tắc trong công tác cán bộ, không để “người nhà”, “người quen” can thiệp vào công việc lãnh đạo. Phải kiên quyết loại bỏ "những con sâu làm rầu nồi canh". Chỉ khi đó, đội ngũ cán bộ mới thực sự gắn bó, đoàn kết, vững mạnh, và có thể xây dựng làng xã phát triển, đi đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển quê hương, đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Q.Y