Chuyện làng - Chuyện phố: Trăn trở “Tâm thư” của “Trưởng thôn”?

Mấy hôm nay, dân làng Tam Sơn lại bàn luận về “Tâm thư” của “Trưởng thôn” được lưu truyền trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Có ý kiến bộc bạch: Đây là một tâm thư có nhiều nội dung sâu sắc, thể hiện tinh thần quyết tâm và trách nhiệm cao của lãnh đạo trong công tác cán bộ, đồng thời cũng phản ánh những khó khăn và thách thức mà địa phương đang phải đối mặt, cần phải vượt qua và những kỳ vọng phát triển trong thời gian tới.

dt2bcq-614-1716438956-1731982504.jpg

Tranh biếm hoạ về chống tiêu cực, tham nhũng. Nguồn: tuyengiao.vn

 

Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng: Những việc làm trước đây của một loạt cán bộ địa phương này đã để lại những vết nhơ trong lòng dân. Việc họ dính vào vòng lao lý về tội “nhận hối lộ”, tham nhũng, tiêu cực không chỉ làm mất uy tín lãnh đạo mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến lòng tin của người dân. Do đó, việc làm quyết liệt kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, đặc biệt là trong bối cảnh vừa trải qua những cú sốc lớn về cặp cán bộ lãnh đạo đứng đầu địa phương bị xử lý hình sự và kỷ luật nhiều thuộc cấp, là rất cần thiết, từng bước loại trừ “những con sâu làm rầu nồi canh”, thể hiện rõ quyết tâm xây dựng một đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, những Cựu chiến binh có những trăn trở không thể không bày tỏ. Đó là công tác cán bộ mà “Trưởng thôn” đề cập trong Tâm thư là một vấn đề “then chốt”, là mối quan tâm hàng đầu. Trong tâm thư kêu gọi đội ngũ cán bộ: "Tự giác không nhờ ‘người thân’, ‘người quen’, lãnh đạo cấp trên tác động để xin quy hoạch, xin sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm chức vụ cao hơn hay công việc ‘tốt’ hơn". Đây chỉ là bày tỏ mong muốn mang ý chí chủ quan, chứ làm sao xác thực được điều này?
Tâm thư tuy nói đúng và trúng nhưng kiểm nghiệm qua thực tiễn thì tại sao cặp đôi từng lãnh đạo đứng đầu địa phương là Phạm Vấn và Ngọc Hồn đã từng bị kỷ luật về Đảng, lại vừa bị khởi tố tiếp về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật hình sự, gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm mà con rể và con đẻ của hai vị “quan tham” này vẫn được tin tưởng bố trí, sắp xếp ở vị trí cao trong hệ thống, là cán bộ nguồn cho khoá sắp tới, làm sao bà con không trăn trở, băn khoăn giữa “nói và làm” có đi đôi với nhau? Con của hai vị “quan tham” vừa bị khởi tố đang chờ ngày đưa ra xét xử, sẽ vào nhà đá bóc lịch, vẫn giữ cương vị lãnh đạo cao, khi đứng ra giáo huấn thuộc cấp hoặc kêu gọi mọi người hãy học tập, làm theo “đạo đức trong sáng”... làm sao có sức thuyết phục với cán bộ, nhân viên cùng bà con dân bản?

Liệu có những biện pháp hữu hiệu để loại bỏ những yếu tố tiêu cực vẫn còn tồn tại trong bộ máy quản lý, tránh tình trạng “con cháu, người nhà” vẫn có thể tiếp cận các vị trí quan trọng dù không đáp ứng đủ tiêu chuẩn? Liệu rằng trong giai đoạn sắp xếp, chuyển giao sau cú sốc một loạt cán bộ vướng vào lao lý và bị các hình thức kỷ luật, địa phương sẽ có một hệ thống kiểm soát chặt chẽ, có sự giám sát và phản biện từ cộng đồng để không ai có thể “lọt” vào các vị trí lãnh đạo nếu không xứng đáng?

Tâm thư của “Trưởng thôn” nêu rõ địa phương “đã bước qua giai đoạn ‘vàng’ của tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GRDP của địa phương từ năm 2020 đến nay không bền vững, dự kiến giai đoạn 2020-2025 không đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Thu ngân sách sụt giảm, từ năm 2020 đến nay năm sau thấp hơn năm trước. Dư địa và không gian cho phát triển không còn nhiều; tốc độ phát triển của tỉnh có xu hướng chững lại trong khi đó các địa phương trong vùng và lân cận có cùng điều kiện tương tự đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều vấn đề bất cập, khó khăn, vướng mắc nội tại của địa phương chưa được tháo gỡ một cách hiệu quả”.

Nhận định này liệu có chủ quan, bi quan, thực sự làm cho các cựu chiến binh nơi đây lo lắng về tương lai của của địa phương? Tình trạng tăng trưởng GRDP không bền vững từ năm 2020 đến nay là tình trạng chung cả nước do bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid 19 mang tính toàn cầu, chứ không riêng địa phương này mà nguồn thu ngân sách chỉ giảm một chút và đang trên đà phục hồi. Dân làng mong muốn lãnh đạo địa phương sau khi loại bỏ nhưng “con sâu làm rầu nồi canh” được bổ sung, kiện toàn sẽ có những đột phá mới, những chiến lược phát triển rõ ràng, đồng thời giải quyết triệt để những bất cập còn tồn tại, để không chỉ duy trì được mức độ phát triển mà còn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, tạo đà cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Trong khi Tâm thư không đưa ra được biện pháp hoá giải khó khăn, thách thức nêu trên mà chỉ “Yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên, cùng người dân, doanh nghiệp cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn, kế thừa, phát huy kinh nghiệm và thành tựu mà các thế hệ đi trước đã tạo dựng nên, tìm hướng đi mới, đột phá, không bỏ lỡ cơ hội phát triển trong giai đoạn mới”.

Trao đổi về mong muốn nói trên, mấy vị lão thành cách mạng làng Tam Sơn bức xúc: Nói đến tạo bước đột phát phát triển kinh tế xã hội ở địa phương này mà không nói đến khẩn trương giải quyết tình trạng lãng phí “khủng” đang phơi bày trước bàn dân thiên hạ, mà ai cũng nhìn thấy một sự thật đau đớn. Đó là những công trình, dự án... trị giá hàng nghìn tỷ đồng đều đang dang dở, gây lãng phí rất lớn đã kéo dài nhiều năm nay với hàng trăm ha đất thu hồi nay bỏ hoang hoá, trong khi nông dân không có đất sản xuất. Như Dự án khu Trung tâm thương mại và nhà ở; Dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại... Chính đây là nút thắt, là “điểm nghẽn” mà những “quan tham” và những “đại gia thân hữu” liên quan đến những công trình, dự án này đều đã dính vào lao lý, chờ ngày đưa ra xét xử. Nhưng “Trưởng thôn” lại lãng tránh ?

Nếu giải quyết dứt điểm “lãng phí khủng” này theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm khi nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ: "Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến..."; "Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô"... thì chính đây là nguồn lực, là dư địa và không gian cho phát triển của địa phương này.

Cuối cùng, dân làng Tam Sơn mong những quyết định của “Trưởng thôn” về công tác cán bộ, đặc biệt là việc lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, cần tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, minh bạch, có tầm nhìn bao quát, tránh phiến diện, bi quan, chủ quan thì mới có thể tạo bước đột phá phát triển kinh tế xã hội của địa phương không bị “tụt hậu” so với thiên hạ. Chỉ như vậy, người dân mới thực sự có thể tin tưởng vào một hệ thống chính trị vững mạnh, trong sạch, từ đó cùng nhau xây dựng phát triển bền vững trong tương lai.

Q.Y