Chuyện làng - Chuyện phố: “Trưởng thôn” mở cổng mới ?

Trong làng quê ấy, "Trưởng thôn" không chỉ là người đứng đầu quản lý dân sinh, mà còn là tấm gương, là chiếc gương phản chiếu những điều tốt xấu của làng xóm. Thế nhưng, có một câu chuyện lạ, kỳ thú về chiếc cổng trụ sở mà người ta không thể không bàn tán.

 Đó là câu chuyện về vị tân Trưởng thôn, người vừa mới nhậm chức mấy tháng nay, sau khi người tiền nhiệm dính vào lao lý về tội “nhận hối lộ”. Một trong những quyết định đầu tiên của vị tân “Trưởng thôn”  là thay đổi cổng đi vào trụ sở. Ông nghe theo lời "quân sư", chọn cổng mới ở giữa, nơi mà những người tiền nhiệm tránh né đi cổng từ nách bên trái chuyển sang nách bên phải nhưng chỉ sau một nhiệm kỳ họ đều chung số phận “thân bại danh liệt”.

dt1-phong-thuy-cong-nha-8-1732466329.jpg

Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Nguồn: Internet.

 

Vị tân “Trưởng thôn” đã nghe lời những người có kinh nghiệm và lời khuyên, những người tự nhận là bậc thầy về “phong thuỷ” trong việc "chạy theo vận số". Họ phán bảo “mở cổng ở giữa sẽ mang lại may mắn”, “sẽ tránh được những cái xui rủi của người tiền nhiệm”. Câu chuyện về cổng đi bên nách trái và cổng đi bên nách phải đã tồn tại trong tâm thức dân gian như một truyền thuyết về những điều huyền bí, một cách lý giải cho những số phận không may mắn. Vị “Trưởng thôn” tiền nhiệm khi lên nhậm chức cũng đã làm một thay đổi táo bạo - chuyển cổng đi vào từ bên trái sang bên phải, bởi vị này tin rằng, cổng trái là cổng xui xẻo, đầy tai tiếng. Nhưng rồi đâu có tránh được vận đen, còn bị hạn nặng hơn cả vị "Trưởng thôn" trước đó.

Thế rồi câu hỏi lớn nhất vẫn là: Liệu việc mở cổng mới đi thẳng vào giữa trụ sở có thật sự giúp tân “Trưởng thôn” tránh được “dớp” tai họa của người tiền nhiệm, hay đó chỉ là những tín ngưỡng mơ hồ không có cơ sở, chỉ là những lời đồn thổi thiếu căn cứ? Cổng đi thẳng vào giữa trụ sở không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên. Nó là sự phản ánh của một tâm thế, một cách nghĩ của người mới lên chức. Nếu mở cổng bên trái do  người tiền nhiệm về hưu gần 10 năm vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại khoản 3 Điều 356 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt từ 10 đến 15 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây hậu quả nghiêm trọng” thì người kế nhiệm mở cổng bên phải lại vướng vào tội “nhận hối lộ” thì nặng hơn nhiều. NếuCủa hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình" (khoản 4 Điều 354 Bộ Luật Hình sự). Do đó, mấy vị thân tín góp ý không đi cả hai cổng phải và trái mà mở cổng giữa - cổng trung tâm trụ sở là một sự lựa chọn khôn ngoan. Nghe có lý và bùi tai, tân “Trưởng thôn” sau vài tháng do dự đã đồng ý mở cổng giữa để tránh xui xẻo mà những vị tiền nhiệm đã phạm phải .

Không những vậy, lại có vị tư vấn cho tân “Trưởng thôn” phá hàng rào song sắt phía bên phải (từ sảnh trụ sở nhìn ra cổng trước) xây tường cao hơn 2 m, mái tường rào lớp ngói Nhật hình nón màu rêu xanh giống cổng tường rào của các đền, chùa khu vực bắc miền Trung. “Trưởng thông” tấm tắc khen, hợp ý “trẫm” triển khai ngay, thành thử trụ sở “Trưởng thôn” giờ trở nên  u tịch kín đáo.

Trong những làng quê, người ta vẫn hay truyền tai nhau những câu chuyện về việc thay đổi cổng đi như một cách để thay đổi vận mệnh. Nhưng có thật sự thay đổi vận mệnh chỉ bằng một cái cổng? Chắc hẳn không chỉ có mỗi một cái cổng, mà phải là sự nỗ lực của bản thân, sự quyết tâm và sự liêm, chính trong việc xây dựng lòng tin với dân chúng. Vị tân “Trưởng thôn” không thể chỉ dựa vào những lời đồn, những tín ngưỡng để làm nên công việc của mình. Mở cổng mới vào giữa, có thể sẽ không phải là phép màu giải quyết tất cả những vấn đề đang chờ đợi phía trước.

Điều mà người dân cần từ “Trưởng thôn” không chỉ là một quyết định về mở cổng mới, mà là sự lãnh đạo kiên định, năng động, sự công bằng trong cách xử lý mọi công việc, là tình cảm chân thành đối với những người xung quanh. Cổng mở giữa, dù có may mắn hay không, vẫn chỉ là một phần nhỏ trong cả một quá trình dài làm việc có tận tâm, tận lực, vượt qua được những thách thức trong cuộc sống đương đại mới là cái quyết định. Người lãnh đạo không chỉ cần có tầm nhìn bao quát, sự hiểu biết thấu đáo để đưa ra quyết định sát hợp, mà còn cần có phẩm hạnh để đối mặt với mọi thử thách mà mặt trái của kinh tế thị trường đã từng làm cho những vị tiền nhiệm bị gục ngã cay đắng.

Và rồi, khi thời gian trôi qua, dân làng sẽ nhận ra rằng, mở cổng giữa đi vào trụ sở không quan trọng bằng chính những hành động của “Trưởng thôn”. Câu chuyện mở cổng mới khi nhậm chức sẽ là một mẩu ký ức của một thời kỳ, nhưng những gì vị “Trưởng thôn” làm được cho dân làng, cho xã hội mới là thứ sẽ ở lại mãi.

Có hay không một sự chuyển biến kỳ diệu từ khi tân “Trưởng thôn” mở cổng mới? Phải đợi kiểm nghiệm thực tiễn qua thời gian mới có thể trả lời chính xác. Nhưng một điều chắc chắn rằng, cổng nào rồi cũng sẽ đóng lại. Chỉ có "Trưởng thôn" "vượt qua được chính mình", tránh tư duy hời hợt, chủ quan, bi quan để không rơi vào vết xe đổ của những người tiền nhiệm, cùng tập thể lãnh đạo đưa ra được những quyết định sáng suốt có thể tạo bước đột phá phát triển kinh tế xã hội bền vững mới thật sự mở ra một tương lai tươi sáng cho làng xóm cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, không ai bị bỏ lại phía sau thì mới có ý nghĩa.

Q.Y