Các Ngân hàng Thương mại (NHTM) không trực tiếp tác động đến ô nhiễm môi trường, đa dạng sinh học hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân; nhưng với vai trò cung ứng vốn hoặc cho vay vì lợi ích trong các dự án đầu tư, có thể tạo ra chi phí xã hội cao hơn do những tổn hại về tự nhiên, xã hội và môi trường so với lợi ích kinh tế mang lại. Thực tế này đòi hỏi NHTM phải có trách nhiệm đối với họạt động đầu tư nhằm hạn chế tác động bất lợi về môi trường xã hội để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Thực hiện phát triển bền vững và cam kết về biến đổi khí hậu (BĐKH) của Liên Hợp Quốc, các định chế tài chính toàn cầu đã tích hợp tiêu chuẩn môi trường-xã hội và quản trị vào hoạt động quản lý và cấp vốn đầu tư. Tuy nhiên ở nước ta, vấn đề này đang là khoảng trống, hầu hết các NHTM mới chỉ tập trung vào hiệu quả tài chính của các dự án đầu tư.
Nhận diện rõ thách thức phải đối mặt và trách nhiệm đảm bảo môi trường-xã hội trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư; thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm đang là vấn đề cốt lõi nổi lên đối với các NHTM nước ta. Bài viết đề cập đến vấn đề có liên quan trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.
Khái quát về hệ thống và những thách thức đối với Ngân hàng Thương mại nước ta
Trong hệ thống tài chính quốc gia, các trung gian tài chính và bảo hiểm là những thành phần nổi bật, giữ vai trò dẫn vốn trong nền kinh tế. Hệ thống Ngân hàng Việt Nam hiện có 31 Ngân hàng Thương mại cổ phần (NHTMCP); Nhà nước đang nắm giữ 4 NHTM, 2 Ngân hàng chính sách (NHCS), 1 Ngân hàng Đầu tư-Phát triển (NHĐTPT) và 3 NHTMCP với trên 50% là vốn Nhà nước. Trong hệ thống Ngân hàng, NHTM là loại doanh nghiệp đặc biệt, hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. NHTM nhận tiền gửi của khách hàng để cho vay; đầu tư và cung cấp các dịch vụ thanh toán, bảo lãnh và chiết khấu. Khác với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, với chức năng trung gian tín dụng, NHTM giữ vai trò trò quan trọng trong tạo lập và cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo thuận lợi để thúc đẩy phát triển xã hội.
Không giống như hoạt động của NHCS, hoạt động không vì lợi nhuận mà vì mục tiêu phát triển kinh tế và an sinh xã hội; các NHTM hoạt động vì mục đích lợi nhuận trên cơ sở tuân thủ quy định luật pháp và những quy định riêng của lĩnh vực tiền tệ-ngân hàng. Với nhiệm vụ cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, thời gian qua NHTM đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng, phát triển kinh tế và thực thi các chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, toàn hệ thống đang phải gánh chịu nhiều rủi ro, thách thức.
Rủi ro của NHTM được thể hiện trước hết trong hoạt động kinh doanh với rủi ro thanh khoản trên thị trường. Do sự cố ngoài dự kiến phát sinh, NHTM phải đối mặt với nguy cơ đổ vỡ trong việc cho vay, dẫn đến không thu hồi được nợ của các dự án đầu tư; Họat động kinh doanh chịu sự ràng buộc của nhiều bên tham gia (cổ đông, người gửi tiền, khách hàng, nhà đầu tư, chủ dự án, người lao động, nhà nước và cộng đồng dân cư….) nên để phát triển bền vững, cần cân nhắc trên cơ sơ hài hòa lợi ích của các bên, đặc biệt là quan hệ giữa ngân hàng với khách hàng và nhà đầu tư với các cổ đông.
Rủi ro môi trường xã hội liên quan đến uy tín và danh tiếng của Ngân hàng. Vấn đề này chưa được nhìn nhận thấu đáo trước tham vọng về hiệu quả cho vay ngắn hạn. Tình trạng cho vay dưới chuẩn thông qua hoạt động chứng khoán cho thấy, những thách thức của hệ thống ngân hàng chịu tác động không chỉ do chiến lược kinh doanh mà còn bởi quyền lực của các hệ thống truyền thông.
Hoạt động cho vay của Ngân hàng thương mại, tác động từ các chính sách quản lý
Nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh, các NHTM đã thực hiện nghiêm ngặt những quy định về thẩm định tín dụng. Tuy nhiên, phần đông mới tập trung vào thẩm định hồ sơ pháp lý và thẩm định tài chính của dự án; đối với những dự án có rủi ro môi trường xã hội, thường mới hướng vào xem xét các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Liên quan đến cấp tín dụng, hoạt động cho vay buộc phải tuân thủ theo các quy định chặt chẽ liên quan đến họat động cấp tín dụng để đảm bảo an toàn toàn hệ thống, tránh những rủi ro gây đổ vỡ. Các quy định liên quan đến hoạt động cấp tín dụng cho khách hàng được chi phối bởi các bộ luật liên quan như Luật tổ chức tín dụng (TCTD) 2010, Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật TCTD 2020 và Nghị định số 55/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Liên quan đến cấp vốn tín dụng còn có các thông tư hướng dẫn cụ thể như Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; thông tư số 39/2014/TT-NHNN quy định về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thường xuyên duy trì hoạt động. Những quy định này bao gồm, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, giới hạn cấp tín dụng, tỷ lệ chi trả, tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay dài hạn. Thông tư số 08/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày01 tháng 10 năm 2020 còn quy định về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với những quy định hiện hành, tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có; đối với một khách hàng và nhưng người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có
Về các tỷ lệ an toàn khác, văn bản pháp luật quy định tỷ lệ an toàn vốn phải đạt từ 8%, dư nợ cho vay trên tiền gửi tối đa là 85%; tỷ lệ khả năng chi trả trong 10 ngày là 10%; tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được mua đầu tư trái phiếu Chính phủ là 35% đối với NHTMCP và 15% đối với NHTMNN; tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 37%. Luật Bảo vệ Môi trường của nước CHXHCN Viêt Nam quy định, giới hạn sử dụng nguồn vốn ngắn hạn sang cho vay trung, dài hạn được thu hẹp, đồng nghĩa với nguồn vốn cho vay trung, dài hạn của các NHTM sẽ nhỏ đi. Theo các nhà phân tích, việc làm này mang ý nghĩa tích cực, nó buộc các NHTM phải cân nhắc thận trọng khi cho vay trung, dài hạn, đặc biệt đối với các dự án thủy điện nhỏ và vừa,
Liên quan đến trách nhiệm môi trường và xã hội, thông tư số 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh “Hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Phù hợp với quy định tại thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan, bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường”. Luật bảo vệ Môi trường số 74/2020/QH14 của Quốc Hội quy định, Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định quản lý rủi ro môi trương trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo các nhà phân tích, trong cấp tín dụng đối với các dự án, NHTM thường gặp rủi ro. Trước hết là cho vay dự án là các khoản cấp tín dụng trung và dài hạn với nguồn thu chỉ được hình thành trong tương lai. Phần lớn các dự án có tính phức tạp và do nhiều bên tham gia. Bên cạnh những lợi ích có được nhờ đa dạng hóa hoạt động kinh donh, tối đa hóa lợi nhuận và danh tiếng truyền thông, việc đầu tư vào những dự án lại mang những rủi ro điển hình so với các khoản cho vay thương mại thông thường,
Phân tích rủi ro của NHTM trong hoạt động cấp tín dụng án, giới nghiên cứu cũng đã nhận ra, thời gian thực hiện các dự án thường kéo dài, quy mô vốn lớn và tính chất không chắc chắn về dòng tiền gây nhiều rủi ro. Liên quan đến vấn đề về công nghệ, tính chất chuyên biệt của từng dự án đòi hỏi việc thẩm định cần có thời gian dài với những đánh giá chuyên sâu. Ngoài những rủi ro kỹ thuật, rủi ro pháp lý và thị trường của các dự án thường cao hơn nhiều so với cho vay thương mại thông thường. Trong trường hợp dự án có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường-xã hội hoặc quyền lợi của cộng đồng bị ảnh hưởng. rủi ro danh tiếng hoặc uy tín của tổ chức tín dụng phải gánh chịu thường rất nặng nề.
Thẩm định tín dụng, việc làm cần thiết của các NHTM
Quá trình tín dụng của Ngân hàng đối với một dự án đầu tư là toàn bộ những công việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn đến khi quyết định cho vay, giải ngân, thu nợ và thanh lý hợp đồng tín dụng, Theo đó, cấu phần quan trọng chi phối cả quá trình là thẩm định hồ sơ pháp lý, thẩm định tài chính dự án để cân nhắc và quyết định từ chối hoặc đồng ý cho vay và ký kết hợp đồng.
Thẩm định pháp lý dự án là bước đầu tiên để đảm bảo dự án được xét duyệt cho vay. Hồ sơ trình duyệt dúng trình tự, phù hợp với tiêu chuẩn ngành nghề trong chương trình phát triển kinh tế xã hội tai thời điểm đề xuất là một yêu cầu quan trọng. Ngày nay, các quy định pháp lý đối với việc cho vay thực hiện rất nghiêm ngặt, phải đảm bảo hoàn tất đầy đủ trước khi đầu tư nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Thẩm định tài chính. Nguyên tắc cần tôn trọng là chủ đầù tư phải có tối thiểu 30% vốn tài trợ thực hiện dự án. Việc thẩm định tài chính dự án tập trung vào hiệu quả tài chính và khả năng trả nợ; hiệu quả tài chính được đánh giá dựa trên phương án hiệu quả cơ sở và khả năng trả nợ với những phân tích về độ nhạy và tái thẩm định trong trường hợp cần thiết. Tài sản thế chấp là sự khác biệt giữa cho vay thương mại và cho vay dự án đầu tư. Trong thẩm định tài chính giá trị tài sản thế chấp cũng là thành tố có ý nghĩa, nhất là đối với những dự án sử dụng nhiều tài nguyên như các công trình thủy điện.
Năng lực tài chính của chủ đầu tư được đánh giá trên cơ sở báo cáo tài chính của năm tài chính liền kề 5 năm đề nghị vay vốn có lãi; việc phân tích tình hình tài chính hiện tại dựa trên đánh giá tự chủ tài chính của chủ đầu tư. Khả năng cân đối nguồn vốn được xác dịnh bằng một phần hoăc toàn bộ vốn tài chính (VTC) của dự án thẩm định.
Những khoản cho vay trung và dài hạn thường do ngân hàng cấp tín dụng. Để làm việc này, về cơ bản phải đảm bảo yêu cầu quy định về hồ sơ pháp lý và chứng minh được hiệu quả tài chính của khoản tiền vay. Đối với những dự án lớn như năng lượng hoặc thủy điện, ngoài hồ sơ pháp lý, việc xét duyệt còn cần quan tâm đến sự phù hợp với quy hoạch (ngành và vùng), pháp lý về đất xây dựng, quyết định giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và giấy phép xây dựng, Ngoài ra, còn cần những tham chiếu có liên quan khác về hợp đồng đấu nối điện, chủ đầu tư và kinh nghiệm tham gia dự án.Trong phân tích đánh giá dự án, những cân nhăc để quyết định cho vay dựa trên nguyên tắc cơ bản là thu hồi nợ tiền vay, nó phụ thuộc vào tính khả thi của dự án, nguồn trả nợ và tài sản thế chấp.
Quy trình thẩm định tín dụng của các NHTM được coi là rất quan trọng, Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống cần được cân nhắc trong quá trình thẩm định dó là rủi ro danh tiếng, rủi ro chiến lược liên quan đến quản trị rủi ro; việc định vị mô hình kinh doanh có trách nhiệm chưa bắt buộc, chưa tích hợp các vấn đề môi trường-xã hội và điều quan trọng là thiếu hướng dẫn thực hành quản rị ngân hàng theo hướng kinh doanh có trách nhiệm.
Trách nhiệm đối với môi trường xã hội và vai trò của NHTM trong các dự án đầu tư
Các NHTM không trực tiếp gây tác động tiêu cực đối với ô nhiễm môi trường, đa dạng sinh học và sinh kế của người dân, nhưng các dự án ngân hàng cho vay có thể tạo chi phí xã hội lớn hơn nhiều lần so với lợi ích kinh tế thu được. Do vậy, các NHTM phải có trách nhiệm đối với các hoạt động cho vay và đầu tư nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường-xã hội.
Mục tiêu của tăng trưởng xanh nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Mục tiêu này đòi hỏi các bên tham gia với vai trò thực thi và giám sát đêu phải thực hiện. Một trong những giải pháp hiện thực hóa mục tiêu trên diện rộng là sự tham gia có trách nhiệm của các định chế tài chính với vai trò là người cấp vốn trong hoạt động tín dụng và đầu tư. Tham gia vào hoạt động này giúp các NHTM nâng cao danh tiếng, thu hút được thêm những khoản dầu tư trong ngoài nước và định hình xu hướng chuyển dịch của dòng vốn đầu tư theo hướng xanh hóa.
Chuyển dịch mô hình quản trị theo hướng bền vững đòi hỏi các NHTM phải thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Giới nghiên cứu cho rằng, các NHTM không thể đứng ngoài xu hướng chung của thế gới trước yêu cầu hội nhập để gia tăng năng lực cạnh tranh và nâng cao hiệu quả kinh doanh bền vững;
Thực hiện trách nhiệm trước yêu cầu tăng trưởng xanh và những vấn đề mang tính toàn cầu về môi trường xã hội, đòi hỏi các NHTM phải xem xét kỹ lưỡng rủi ro môi trường của các dự án trước khi quyết định cấp vốn đầu tư. Thực tế những năm gần đây cũng cho thấy, các NHTM chịu nhiều rủi ro danh tiếng trước những mô hình không tích hợp được yếu tố trách nhiệm xã hội. Điều này càng làm rõ thêm sự cần thiết phải thực hiện kinh doanh có trách nhiệm trong các NHTM,
Ngân hàng kinh doanh có trách nhiệm cần thực hiện trách nhiệm của mình trong các hoạt động tìm kiếm lợi nhuận theo hướng phát triển xanh. Phân tích hoạt động cho vay dự án có ảnh hưởng đến môi trường-xã hội trong đinh hướng phát triển bền vững, các nhà nghiên cứu của Ngân hàng nhà nước Viêt Nam đã chỉ ra thực trạng cho vay trong lĩnh vực năng lượng và khai khoáng, Theo đó, 8 ngân hàng có tỷ trọng cho vay phát triển năng lượng lớn nhất vào năm 2020 là HDB có tỷ trọng 7,73%, SHB 7,72%và BIDV chiếm 5,78%, đáng chú ý là tình trạng này đang có xu thế gia tăng.
Đánh giá về thực hành và cam kết trách nhiệm môi trường-xã hội trong các hoạt động cho vay và đầu tư của NHTM Việt Nam, tổ chức Oxfam cho biết, mức độ thực hiện đầu tư còn khá mờ nhạt, trong 10 ngân hàng khảo sát có 9 ngân hàng chỉ số điểm ESC trung bình dao động quanh 1, chỉ có VP bank đạt được mức điểm 2,52.
Hạn chế về thực hành và cam kết tách nhiện môi trường-xã hội trong hoạt động cho vay và đầu tư của các NHTM đã tập trung vào hầu hết chưa có tổ chức và nhân sự quản lý rủi ro môi trường và xã hôi; chưa có chính sách và quy trình quản lý; việc xem xét đánh giá rủi ro môi trường hầu như chỉ dựa các DTM của khách hàng; chưa hình thành văn hóa nội bộ trong thực thi trách nhiệm môi trướng xã hội và tỷ lệ dư nợ cho vay xanh của các tổ chức tín dụng đang còn rất khiêm tốn.
Thay cho lời kết
Để thực hành kinh doanh có trách nhiệm, các NHTM cần minh bạch hóa trách nhiệm giải trình việc cấp tín dụng trong các dự án đầy tư, nhất là các dự án liên quan đến rủi ro môi tường xã hội, trên cơ sở nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội,
Quy trình đánh giá rủi ro môi trường-xã hội (MTXH) thường được xây dựng trên cơ sở sàng lọc để phân loại đánh giá, thẩm định phê duyệt và giám sát tác động MTXH đến toàn bộ sản phẩm. Quy trình quản lý môi trường để cấp tín dụng thường thực hiện theo trình tự nhận hồ sơ đề nghị cấp tín dụng để sàng lọc; phê duyệt đánh giá tác động môi trường để có thể quyết định cấp vốn tín dụng và thực hiện việc chi tiêu, giám sát về những rủi ro.
Chính sách thúc đẩy cho vay và đầu tư có trách nhiệm của NHTM cần hướng vào xác định danh mục các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có nhiều rủi ro, trên cơ sở đó có hướng dẫn đối với từng ngành về môi trường và khảo sát thực địa để có những cam kết và thỏa thuận cụ thể làm cơ sở cho những giám sát đánh giá trong quá trình thực hiện.
Sự phát triển của hệ thống NHTM có tác động quan trọng đến quá trình phát triển bền vững. Kinh tế hàng hoá phát triển đã góp phần hoàn thiện và đưa NHTM trở thành định chế tài chính không thể thiếu được trong nền kinh tế thị trường. Thông qua hoạt động tín dụng NHTM đã tạo lợi ích cho cả người gửi, người vay và ngân hàng, Tuy nhiên, trách nhiệm xã hội đang đặt ra rất lớn cho lĩnh vực này, đòi hỏi các cơ quan quả lý cần quan tâm nhiều hơn nữa trong giai đoạn tới./..